Tin tức

Điều trị các chứng đau đầu văn phòng bằng Y học Cổ truyền

Công việc căng thẳng  với tư thế ngồi thường xuyên cúi đầu dùng máy vi tính, đọc, viết kéo dài, cộng với việc ít vận động khiến nhân viên văn phòng dễ mắc các chứng đau đầu do đau cứng cơ và nhiều nguyên nhân khác nhau.

Khi dương khí không lưu thông tốt, thường sẽ sinh ra chứng đau đầu, nặng đầu

Đau đầu căng cơ là tình trạng căng ra của các cơ trên vùng đầu và cổ. Cơn đau nhức kéo dài từ 30 phút đến vài ngày, sau đó có thể tự khỏi. Dựa vào mức độ đau và thời gian xuất hiện các cơn đau, bệnh được chia làm hai dạng gồm đau thành từng cơn và đau mạn tính. Đây là chứng bệnh đau đầu dễ mắc nhất đối với nhân viên văn phòng. Bệnh tuy không gây ra những tổn thương nghiêm trọng, nhưng thường tái phát và làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống.

Các cơn đau đầu có thể từ nhẹ đến nặng, đôi lúc cảm nhận được rõ rệt ở hai bên đầu. Thậm chí, nhiều người cảm thấy có áp lực thắt chặt vòng quanh sọ, mắt nặng mỏi. Đồng thời, các cơ ở vai và cổ có tình trạng căng cứng, đau nhức.

Bác sĩ CKI. Diệc Khả Hân (Trưởng khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện FV), cho biết có nhiều nguyên nhân gây đau đầu đối với người làm công việc văn phòng, tuy nhiên đa phần do tư thế ngồi làm việc chưa hợp lý, ngồi nhiều trong phòng máy lạnh dẫn tới đau cứng cơ; lo âu, căng thẳng làm cho khí huyết lưu thông không tốt,… Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh lý khác dẫn tới đau đầu và dưới sự hỗ trợ của các thiết bị y tế hiện đại, việc xác định nguyên nhân gây bệnh cũng đã dễ dàng hơn.

Có nhiều phương pháp điều trị các chứng đau đầu, bằng cả y học hiện đại và y học cổ truyền. Với tây y, các bác sĩ có thể điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc giúp ngăn chặn các cơn co thắt cơ, hoặc thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, các liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi nhận thức,… cũng là cách trị bệnh hiệu quả.

Đối với y học cổ truyền, các bác sĩ sẽ châm cứu, bấm huyệt vào các A thị huyệt (huyệt không cố định) để lưu thông khí huyết, giảm đau nhanh, nhằm điều trị các chứng đau đầu cấp tính. Tùy thuộc vào tình trạng đau đầu của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng thêm phương pháp cấy chỉ để duy trì tác dụng điều trị. Một số dòng chỉ cấy Polydioxanone cao cấp, đang được ứng dụng tại Bệnh viện FV, có thể giúp giảm đau kéo dài lên đến 6 tháng.

Các bác sĩ sẽ châm cứu, bấm huyệt vào các A thị huyệt (huyệt không cố định) để lưu thông khí huyết, giảm đau nhanh, nhằm điều trị các chứng đau đầu cấp tính

Trái với sự nhanh gọn, giải quyết cấp thời các cơn đau của các liệu pháp y học hiện đại, ưu điểm của các phương pháp y học cổ truyền thường nằm ở việc duy trì hiệu quả điều trị lâu dài. Đồng thời, các phương pháp cũng thích hợp với những người dễ mẫn cảm với các thuốc tây y. Do đó, tùy thuộc vào mức độ, cũng như bệnh lý mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định kết hợp, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh. “Lợi thế đa chuyên khoa tại FV giúp bệnh nhân xác định chính xác hơn nguyên nhân gây đau đầu, từ đó có thể chỉ định điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và các chuyên khoa y học hiện đại khác”, bác sĩ Diệc Khả Hân chia sẻ thêm.

Đau đầu, nhất là đau đầu đối với nhân viên văn phòng là tình trạng rất thường gặp. Vì vậy các bác sĩ khuyên người bệnh khi có các dấu hiệu đau đầu lặp lại nhiều lần, nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh và lựa chọn phương thức điều trị an toàn, hiệu quả nhất.

dr-diec-kha-han-tro-truyen-voi-benh-nhanh-y-hoc-co-truyen-fv.jpg

Hiện nay ở FV, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Y học Cổ truyền sẽ kết hợp sử dụng các trang thiết bị tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh và Khoa Phục hồi Chức năng trong chẩn đoán và điều trị phục hồi. Các thủ thuật chuyên khoa cũng được thực hiện tại phòng tiêu chuẩn riêng biệt, với đầy đủ các trang thiết bị đạt chuẩn như máy châm cứu kết hợp xung điện, các dụng cụ chuyên khoa được kiểm định,… Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nền Y học Cổ truyền và máy móc hiện đại, đa chuyên khoa tại FV sẽ mang lại những trải nghiệm tích cực, hiệu quả điều trị nhanh hơn và tốt hơn cho bệnh nhân.

Để đặt hẹn thăm khám cùng bác sĩ Diệc Khả Hân, Trưởng khoa Y học cổ truyền, vui lòng liên hệ: 028 5411 3333, máy nhánh 7000

Zalo
Facebook messenger