Tin tức

Bác sĩ Lý Quốc Thịnh - Cứu người là công việc không cần đợi công nhận

Một biến cố gia đình đã gây ra đả kích lớn, nhưng cũng tạo nên lòng quyết tâm theo đuổi ngành y đối với Bác sĩ Chuyên khoa II Lý Quốc Thịnh (Trưởng khoa Gây mê Hồi sức – Bệnh viện FV). Con đường tìm kiếm ước mơ tuy có lúc nhọc nhằn, có khi không thuận theo mong muốn của bản thân, nhưng sau khi bước qua nhiều cánh cửa sự nghiệp, ngoài việc hoàn thành ước mơ, bác sĩ Thịnh còn tìm được một chuyên ngành đầy lý thú với mình.

Từ một nửa mong ước trở thành đam mê

Bác sĩ Lý Quốc Thịnh có phần trầm tính, ít nói nhưng cách anh lắng nghe, dừng lại và tập trung vào vấn đề đang trao đổi rất thu hút người khác. Nhân viên y tế nhìn chung đều có tính cẩn thận và tính cách này tăng theo thâm niên làm việc. Nhưng phong thái điềm tĩnh, tỉ mỉ và có phần lịch lãm cứ như là một nét rất riêng, đã có từ lâu của bác sĩ tân Trưởng khoa này. “Gây mê hồi sức là công việc cần độ chính xác cao, phải nói là cần sự tinh tế. Chỉ một kiến thức sai lệch, một hành động thừa cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân”, bác sĩ Thịnh lý giải một phần tính cách của mình bị ảnh hưởng từ công việc.

Bác sĩ Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức – Bệnh viện FV

Quay trở lại thời điểm hơn 35 năm trước, bác sĩ Thịnh thấy mình đang ngồi trong nhà đại thể của một bệnh viện, sau một tai nạn của người thân trong gia đình. Khoảnh khắc đó khiến anh quyết tâm trở thành một bác sĩ ngoại khoa, để có thể cứu sống người khác khi gặp những bất trắc tương tự. Nhưng nhiều yếu tố khách quan lại mang anh đến với công việc hiện nay.

Qua 25 năm theo nghề, câu chuyện “chưa được theo mong ước” của ngày nào, có lẽ đã không còn gây tiếc nuối trong anh. Bác sĩ Thịnh chia sẻ: “Tuy khởi đầu có thể không như mong muốn, nhưng càng về sau tôi càng thấy mình say mê con đường này hơn”. Công việc gây mê hồi sức như một phần gắn liền với các điều trị ngoại khoa, điều đó phần nào vẫn đúng với mong muốn ngày xưa của anh. Dù rằng nó có phần âm thầm và khó hình dung đối với bệnh nhân.

Có lẽ ít có chuyên ngành nào trong y khoa có thể trầm lặng hơn bác sĩ gây mê hồi sức. Hầu như các bệnh nhân chỉ gặp họ rất nhanh khi khám tiền mê, thoáng thấy họ kín bưng trong trang phục phòng mổ trước khi gây mê, hay khi theo dõi hồi tỉnh sau phẫu thuật. Chút ít đó làm cho người bệnh thường mơ hồ về vai trò quan trọng của các bác sĩ gây mê hồi sức. Thế nhưng khi hỏi các anh, chị có thấy chạnh lòng vì điều này không, thì đều nhận được cái lắc đầu. Vì họ hiểu ý nghĩa của công việc mình đang làm và mục đích chung của ngành y vẫn là cứu chữa bệnh nhân. “Chúng tôi làm tốt công việc của mình cũng vì mục đích này chứ không phải để được người khác công nhận”, bác sĩ Thịnh cười nói.

Nâng tầm “tiếng nói” của bác sĩ gây mê hồi sức

Trong thập niên 90, ngành gây mê hồi sức tại Việt Nam vẫn chưa được chú trọng phát triển, cũng như không tạo ra nhiều hứng thú để các bác sĩ mới ra trường muốn theo đuổi. Đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã có nhiều bước tiến lớn, nhưng tỷ lệ bác sĩ gây mê hồi sức trên dân số Việt Nam vẫn chưa cao (1/96.500 dân), so với tỷ lệ chung số lượng bác sĩ trên dân số (khoảng 1/1390 dân). Thực trạng này làm những người trong nghề, như bác sĩ Thịnh, luôn mong muốn góp sức để phát triển ngành ngay tại bệnh viện mình làm, rồi mở rộng ra tầm khu vực, quốc gia.

Bác sĩ Lý Quốc Thịnh đang thăm khám cho một bệnh nhân tại Khoa Hồi Sức Cấp Cứu – Bệnh viện FV

Anh chia sẻ: “Nhiều năm theo nghề làm tôi yêu quý nó hơn. Sau này đến FV làm việc và có cơ hội học tập tại Pháp, quan niệm về gây mê hồi sức của tôi cũng có nhiều thay đổi”. Quy trình gây mê hồi sức tại FV, hay tại Pháp đều rất nghiêm ngặt vì an toàn của người bệnh, cũng như hạn chế tối đa sai sót của nhân viên y tế. Đơn cử các buổi khám tiền mê ở FV đều được thực hiện trước buổi phẫu thuật ít nhất 1 ngày, cho từng bệnh nhân. Bác sĩ Thịnh cho rằng những buổi khám tiền mê sẽ là cơ hội để bác sĩ gây mê hồi sức chuẩn bị tâm lý cho người bệnh, giải thích cho họ những bước sẽ trải qua, đồng thời giúp họ an tâm khi biết ai là người theo dõi diễn biến sức khỏe của mình, trong suốt cuộc phẫu thuật.

Đặc thù của ngành gây mê hồi sức là kiến thức y khoa phải rộng, bao quát đồng thời nhiều chuyên khoa khác, từ nội khoa, ngoại khoa đến các khoa đặc thù như sản khoa, nhi khoa hay lão khoa. Do vậy cần phải nỗ lực gấp nhiều lần để cập nhật kiến thức, song song cùng việc thực hành liên tục, mới có thể phát triển tốt trong chuyên ngành này. Bên cạnh đó, việc dìu dắt của các bác sĩ đi trước, sự động viên, tạo lập được một môi trường làm việc và đào tạo nâng cao liên tục, cũng là việc cần làm để có được các thế hệ bác sĩ gây mê hồi sức giỏi.

Khi tiếp nhiệm chức vụ Trưởng khoa, bác sĩ Thịnh xác định đây chính là phương hướng để phát triển chuyên khoa gây mê hồi sức tại FV. “Tôi sẽ tiếp tục kế thừa và thực hiện những mục tiêu mà các Trưởng Khoa trước đây chưa thể triển khai”, anh chia sẻ dự định tại khoa. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của anh là phát triển chất lượng nguồn nhân lực sẵn có tại khoa, thông qua việc khuyến khích các bác sĩ học tập nâng cao chuyên môn, thực hiện các chương trình tự đào tạo và tham gia các đề án nghiên cứu khoa học.

Có lẽ sẽ không ai quên được những hình ảnh tuyệt vời của các bác sĩ hồi sức, đã làm cho bệnh nhân trong suốt những năm dịch COVID-19 hoành hành. Những con người ấy dường như đã quen với chuyện cực nhọc, khó khăn, âm thầm và căng thẳng. Nhưng sau tất cả, như bác sĩ Lý Quốc Thịnh quan niệm, từ trong những thử thách người bác sĩ mới tìm được niềm say mê trong công việc, tìm được niềm vui khi cứu người và có được một ngọn lửa tinh thần để trao gửi cho các thế hệ kế cận.

Zalo
Facebook messenger