Tin tức

Thay khớp cho người lớn tuổi: Gần trăm tuổi vẫn thành công

TS-BS Lê Trọng Phát – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện FV khẳng định nhiều bệnh nhân gần trăm tuổi vẫn tự tin thay khớp nhân tạo để cải thiện chất lượng sống.

Không giới hạn độ tuổi trong phẫu thuật thay khớp

Cụ bà 85 tuổi muốn thay khớp háng để chấm dứt đau đớn

BS Lê Trọng Phát cho biết từ khi bắt đầu làm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đến nay, ông đã phẫu thuật trực tiếp cho khoảng hơn 3.000 ca thay khớp háng. Bệnh nhân thay khớp háng trẻ nhất là 19 tuổi và bệnh nhân lớn tuổi nhất ông từng thực hiện phẫu thuật thay khớp háng là cụ bà 99 tuổi, cách đây 4 năm. Hiện bà vẫn khỏe mạnh, đang sống ở Cần Thơ và thi thoảng thăm hỏi bác sĩ. Những năm gần đây, bệnh nhân lớn tuổi đến Bệnh viện FV thực hiện phẫu thuật thay khớp háng càng nhiều. Cách đây nửa tháng, ông thay khớp háng cho một bệnh nhân nữ 85 tuổi, ngụ tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Sau ca mổ thành công, bà xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, đi lại được một cách nhẹ nhàng.

Theo bác sĩ Phát, ngoại trừ những trường hợp ngã gãy xương đùi cần thay khớp háng ngay để đảm bảo chức năng cho người lớn tuổi, những trường hợp còn lại cần được thay khớp là khi bệnh nhân bị cứng hông hạn chế chuyển động và khó đi lại; hoặc khi đau hông nghiêm trọng không giảm dù điều trị bằng thuốc, gây ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ hoặc hoạt động hằng ngày. Nếu bị ngã gãy xương đùi hay bị viêm khớp háng nặng mà không được thay khớp háng, bệnh nhân lớn tuổi sẽ phải nằm một chỗ, gây nên các chứng viêm nhiễm (viêm đường tiểu), lở loét da,… chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề và người nhà chăm sóc cũng vô cùng vất vả.

Thay khớp nhân tạo cho người lớn tuổi: Không phức tạp, tỷ lệ thành công cao

Ông L.T, 52 tuổi, ngụ tại Kiên Giang gần đây bị đau cứng hông, đi lại rất khó khăn. Cho đến lúc ngay cả đứng lên ngồi xuống ghế cũng đau nhức không chịu nổi, ông đến Bệnh viện FV thì được biết viêm xương khớp háng nặng. Ông được bác sĩ chỉ định thay khớp háng. Chỉ sau ca phẫu thuật hơn 1 tiếng đồng hồ và 1 ngày nghỉ ngơi hồi phục, ông T. đã có thể đứng lên tập đi những bước đầu tiên.

Bác sĩ Lê Trọng Phát đang phẫu thuật tại Bệnh viện FV

Bác sĩ Phát khẳng định, thay khớp háng không phức tạp, chỉ mất hơn 1 giờ và thậm chí không cần gây mê, chỉ gây tê. Sử dụng phương pháp gây tê tủy sống rất an toàn với người lớn tuổi vì không ảnh hưởng nhiều bộ phận hô hấp. Sau ca mổ, bệnh nhân có thể hồi phục nhanh. 24 giờ sau phẫu thuật, nếu không chóng mặt, bệnh nhân có thể tập đi nhẹ.

Bệnh nhân thay khớp háng cần được bác sĩ gây mê đánh giá tình trạng sức khỏe có thể thực hiện ca mổ 1 tiếng mà không mất máu thì việc thay khớp háng sẽ được thực hiện, không giới hạn tuổi tác. Việc thay khớp háng giúp phục hồi chức năng vận động, cải thiện tình trạng đau đớn hay phải nằm liệt giường của bệnh nhân. Với trường hợp bị gãy cổ xương đùi thì việc thay khớp háng bán phần hay toàn phần sẽ giúp bệnh nhân đi lại được ngay mà không cần chờ lành vết thương.

Bác sĩ Phát từng nhiều lần thay khớp háng thành công cho những bệnh nhân gần 100 tuổi

Hiện tuổi thọ của khớp háng nhân tạo đã được cải thiện nhiều, từ 15-20 năm tùy thuộc vào cân nặng và tính chất công việc của người bệnh. Ngoài ra, việc phục hồi chức năng và sức khỏe của người bệnh còn tùy thuộc kỹ thuật thay khớp háng và chế độ chăm sóc hậu phẫu tốt. Hiện nay, Bệnh viện FV áp dụng kỹ thuật thay khớp háng mới nhất, đó là phương pháp SuperPath kết hợp với kỹ thuật không dẫn lưu vết mổ, cho bệnh nhân tiếp đất sớm và tập vật lý trị liệu ngay trong thời gian còn nằm viện đảm bảo phục hồi chức năng tối ưu.

SuperPath là phương pháp thay khớp nhân tạo tiêu chuẩn ít xâm lấn. Với kỹ thuật này, bác sĩ phẫu thuật chỉ rạch một vết rạch nhỏ, mất máu rất ít và quan trọng là hạn chế bóc tách các mô sâu, tránh xâm phạm cơ và gân, độ an toàn cao. Bệnh nhân có thể đi đứng gần như bình thường sau 1 ngày mổ.

Điểm đặc biệt cần lưu ý trong các ca phẫu thuật thay khớp nhân tạo chính là hạn chế nhiễm trùng vết mổ, vì trong trường hợp nhiễm trùng bệnh nhân sẽ phải chịu đau đớn và nằm viện lâu hơn, thậm chí phải mổ lại để lấy khớp nhân tạo ra. Nhiều năm qua, nhờ vào quy trình phòng chống nhiễm khuẩn chặt chẽ, khoa Chấn thương chỉnh hình FV luôn duy trì được tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ ở mức dưới 0,1% . Bác sĩ Lê Trọng Phát lưu ý, với những người có khớp nhân tạo thì khi điều trị viêm chân răng có mủ, nên uống kháng sinh dự phòng trước khi can thiệp răng, vì một nhiễm trùng lan trong máu có thể bám vào khớp nhân tạo và gây nhiễm trùng khớp.

Để được tư vấn chi tiết hơn, bệnh nhân có thể liên hệ: (028)54113333

Zalo
Facebook messenger