Tin tức

Điều trị đau cổ vai gáy bằng phương pháp cấy chỉ

Dân văn phòng ngồi làm việc thường xuyên dễ bị đau cổ vai gáy, có thể dùng liệu pháp cấy chỉ theo y học cổ truyền để giảm đau, phòng tránh tái phát.

Cẩn trọng đau cổ vai gáy ở dân văn phòng

Nguyễn Văn Huy (49 tuổi, quận 4, TP HCM) bị đau vùng cổ, vai, gáy khá nghiêm trọng khi làm việc lâu với máy vi tính, lúc lái xe và những hôm trời lạnh. Các cơn đau giảm khi ông tập thể dục hoặc chườm nóng. Khi cơn đau kéo dài và không thể chịu đựng thêm, ông đến Bệnh viện FV thăm khám giữa tháng 9/2022.

Kết quả chụp X-quang cho thấy, ông bị gai cột sống nhẹ, mức độ đau 3/10, bác sĩ chỉ định châm cứu. Sau 2 lần châm cứu, cổ vai gáy bớt đau nhưng nếu ngưng thì triệu chứng quay trở lại. Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn cấy chỉ. Sau cấy chỉ đợt một, ông Huy cho biết đỡ đau khoảng 80-90%; cấy chỉ tiếp đợt hai thì cảm thấy khỏe hơn.

Bác sĩ cấy chỉ điều trị đau cổ vai gáy tại Bệnh viện FV.

Tương tự, doanh nhân Lương Văn Thanh (55 tuổi, quận 7, TP HCM) xuất hiện những cơn đau gây cứng cơ vai, không thể di chuyển. Ông đã đi nhiều bệnh viện để tìm cách điều trị và được kiểm tra ở các khoa có liên quan tới bệnh như khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh, nội cơ xương khớp, vật lý trị liệu, tâm lý tâm thần…

Khi cơn đau khiến ông không thể đi bộ và không thể ăn được, ông được gia đình đưa đến Bệnh viện FV vào đầu năm 2022. Tại FV, ông được hội chẩn liên chuyên khoa, kết hợp điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ… và châm cứu tại khoa Y học cổ truyền. Bệnh thuyên giảm nhiều nhưng tái phát nếu ngưng châm cứu nên ông được chỉ định cấy chỉ. Sau 3 lần cấy chỉ và phối hợp một số phương pháp điều trị khác, hiện ông đã giảm bệnh nhiều, cơ vai hồi phục đàn hồi, có thể sinh hoạt trở lại bình thường.

Bác sĩ Diệc Khả Hân, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện FV chia sẻ, nhiều người nghĩ đau cổ vai gáy là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi nên không đi khám. Ngày qua ngày, bệnh trở nặng, dẫn đến biến chứng và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Những trường hợp nặng, sau điều trị vẫn còn các di chứng, chỉ hồi phục khoảng 50-60% hoặc 80%.

Cần xác định đúng nguyên nhân và kết hợp nhiều chuyên khoa

Theo bác sĩ Hân, không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới, hội chứng đau cổ vai gáy rất phổ biến. Bệnh thường gặp ở những người phải làm việc nhiều với máy tính, điện thoại thông minh, thường xuyên làm việc trong phòng máy lạnh, ít thời gian vận động cột sống, nhất là cột sống cổ.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu có 3 nhóm gồm nhóm do stress dẫn đến căng cơ; do làm việc quá sức liên tục không nghỉ ngơi; nhóm có bệnh lý thực thể như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống… Nhóm thứ ba là các bệnh lý hiếm gặp như bệnh lý bẩm sinh tại cột sống (ví dụ như bệnh gai đôi cột sống), các bệnh lý khác liên quan vùng cổ vai gáy hoặc do chơi thể thao sai tư thế.

Bác sĩ Diệc Khả Hân tư vấn cho bệnh nhân điều trị đau cổ vai gáy.

Khi thấy triệu chứng mỏi cổ vai gáy tái đi tái lại, mỏi nhiều nhất là sau khi thức dậy và chiều tối sau giờ làm việc, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám sớm. Nếu vùng cổ gáy tê và yếu liệt, liên tục lan xuống cánh tay… thì bệnh đã trở nặng.

Điều trị đau cổ vai gáy có thể phải kết hợp nhiều phương pháp để mang lại kết quả, nhất là bệnh có liên quan đến cột sống. Đại diện Bệnh viện FV cho biết, bệnh viện có nhiều chuyên khoa, đầy đủ thiết bị để chẩn đoán hình ảnh, xác định nguyên nhân và có thể tổ chức hội chẩn nhiều chuyên khoa phối hợp cùng khoa Y học cổ truyền như khoa Điều trị đau, khoa Vật lý trị liệu, khoa Tâm lý, Tâm thần… Điều này giúp điều trị hiệu quả bệnh đau cổ vai gáy. Bác sĩ còn hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh những thói quen không tốt, gây ảnh hưởng đến cột sống cổ.

Kết hợp nhiều phương pháp giúp điều trị hiệu quả bệnh đau cổ vai gáy

Trong quá trình điều trị, ngoài tư vấn tư thế đúng trong sinh hoạt và cách tự xoa bóp khi về nhà, bác sĩ Hân khuyến cáo bệnh nhân nên cố gắng tập các môn vận động vừa phải như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp, yoga… Bệnh nhân cần tránh các môn thể thao nặng như bóng rổ, đá banh, cầu lông, tennis…

Bệnh nhân cũng cần xem lại chiều cao của bàn và ghế có phù hợp hay không. Máy vi tính nên để ngang tầm mắt, khoảng cách từ mắt cho đến máy vi tính chỉ nên 50 cm, không nên để quá xa mà cũng không nên quá gần và cổ luôn giữ thẳng khi làm việc. Người bệnh nên nghỉ ngơi, xoay cổ nhẹ nhàng mỗi 45 phút và cần tập các bài tập cơ cổ tại chỗ làm việc.

Những người ngủ sai tư thế cũng dẫn đến đau cổ vai gáy như nằm nệm lún, nằm gối cao vô tình gây sai độ cong sinh lý bình thường của cột sống cổ. Tư thế ngủ tốt nhất là nằm ngửa… Đeo ba lô lệch bên, trọng lực mất cân bằng, bị kéo qua một bên lâu ngày cũng gây đau cổ vai gáy.

Bác sĩ Hân cho biết thêm, một số người có thói quen bẻ cổ, lắc cổ để cảm thấy đỡ mỏi. Tuy thoải mái nhất thời, nhưng động tác đó có thể làm thoái hóa cột sống cổ, lâu ngày gây viêm đốt sống cổ và nặng hơn nữa là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Zalo
Facebook messenger