Viêm ruột thừa
RUỘT THỪA LÀ GÌ?
Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi cùng, hẹp và dài vài centimet dính vào manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Chức năng ruột thừa trong cơ thể chưa được xác định. .
VIÊM RUỘT THỪA LÀ GÌ?
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm. Sự tắc nghẽn trong lòng ống ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng rất có thể là nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, làm cho ruột thừa bị viêm, sưng và chứa đầy mủ. Nếu không được nhanh chóng điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ.
Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu vùng bụng thường gặp nhất ở trẻ em và thanh niên. Cứ 15 người thì có một người bị viêm ruột thừa trong suốt cuộc đời của mình
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM RUỘT THỪA?
Triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu xung quanh hoặc trên rốn. Cơn đau có thể nặng hoặc chỉ đau nhẹ và gây khó chịu, và sau đó di chuyển đến vùng góc dưới phải bụng. Ở đó, cơn đau trở nên liên tục và gia tăng nhiều hơn và thường gia tăng khi cử động, ho, v.v. Bụng thường co cứng và đau khi sờ vào.
Chán ăn là tình trạng rất phổ biến. Buồn nôn và ói mửa có thể xảy ra trong khoảng nửa số trường hợp bị viêm ruột thừa và đôi khi có táo bón hoặc tiêu chảy. Thân nhiệt có thể bình thường hoặc tăng nhẹ. Sốt cao có thể là dấu hiệu cho thấy ruột thừa đã bị vỡ.
Chuỗi các triệu chứng điển hình xuất hiện trong khoảng 50% các trường hợp bị viêm ruột thừa. Một nửa số trường hợp còn lại, có thể thấy các dấu hiệu ít điển hình hơn, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, bệnh nhân cao tuổi hoặc ở trẻ nhũ nhi. Ở phụ nữ mang thai, dấu hiệu viêm ruột thừa dễ bị che lấp bởi các triệu chứng thông thường như bị đau bụng nhẹ và bị buồn nôn từ những nguyên nhân khác. Các bệnh nhân cao tuổi có thể cảm thấy ít đau bụng và ít đau khi chạm vào hơn hầu hết các bệnh nhân khác, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sẽ bị trì hoãn, dẫn đến vỡ ruột thừa ở 30% các trường hợp. Trẻ nhũ nhi và trẻ em nhỏ thường hay bị tiêu chảy, ói và sốt đồng thời với đau bụng.
CHẨN ĐOÁN VIÊM RUỘT THỪA NHƯ THẾ NÀO?
Để chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về quá trình xuất hiện và diễn tiến của các triệu chứng và thăm khám vùng bụng của bệnh nhân.
Các xét nghiệm và thủ thuật được áp dụng để chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm:
Thăm khám để đánh giá cơn đau của bệnh nhân: bác sĩ có thể nhẹ nhàng ấn vào chỗ đau. Khi đột ngột thả tay ấn ra, cảm giác đau do viêm ruột thừa thường tăng nhiều hơn, đây là dấu hiệu cho thấy phúc mạc vùng lân cận đã bị viêm. Bác sĩ cũng có thể thấy tình trạng gồng cứng bụng và khuynh hướng co cứng cơ thành bụng để phản ứng với lực ấn vào vùng ruột thừa bị viêm (phản ứng thành bụng)
Bác sĩ có thể dùng ngón tay đeo găng và chất bôi trơn để thăm khám trực tràng (thăm khám trực tràng bằng ngón tay). Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể được thăm khám vùng chậu để kiểm tra các vấn đề phụ khoa có thể là nguyên nhân gây đau bụng
Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm máu giúp bác sĩ kiểm tra số lượng bạch cầu cao, dấu hiệu của nhiễm trùng
Xét nghiệm nước tiểu: bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm nước tiểu để xác định đau bụng không phải do nhiễm trùng đường niệu hoặc do sỏi thận.
Chẩn đoán bằng hình ảnh: bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang bụng, siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT) để giúp xác định viêm ruột thừa hoặc phát hiện nguyên nhân khác gây đau bụng
NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM RUỘT THỪA LÀ GÌ?
Viêm ruột thừa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như sau:
Vỡ ruột thừa: làm nhiễm trùng lây lan khắp bụng (viêm phúc mạc). Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng, bệnh nhân cần phẫu thuật cấp thời để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
Hình thành túi mủ trong ổ bụng: Nếu ruột thừa vỡ, có thể sẽ hình thành túi nhiễm trùng (áp xe). Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ dẫn lưu mủ ra ngoài bằng cách đặt một ống thông qua thành bụng vào đến ổ áp xe. Ống thông dẫn lưu này được để lại tại chỗ trong hai tuần và bệnh nhân sẽ dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa. Trong một số trường hợp, áp xe được dẫn lưu ra ngoài và ruột thừa được cắt bỏ ngay lúc đó.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VIÊM RUỘT THỪA LÀ GÌ?
Điều trị viêm ruột thừa thông thường bằng phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhâncó thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể là cuộc phẫu thuật hở được thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng dài từ 5 đến 10 centimet (phẫu thuật mở bụng). Hoặc phẫu thuật thông qua một vài vết rạch da nhỏ ở bụng (phẫu thuật nội soi bụng). Trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật đưa vào ổ bụng của bênh nhân một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dùng để cắt bỏ ruột thừa.
Thông thường, phẫu thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Phương pháp này có thể tốt hơn cho bệnh nhân cao tuổi hoặc béo phì. Nhưng phẫu thuật nội soi không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Nếu ruột thừa đã bị vỡ và nhiễm trùng đã lan ra ngoài ruột thừa hoặc đã có áp xe, bệnh nhân có thể được phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
Bệnh nhân sẽ nằm viện hai hoặc ba ngày sau khi được phẫu thuật cắt ruột thừa.
Dẫn lưu áp xe trước khi phẫu thuật cắt ruột thừa
Nếu ruột thừa bị vỡ và áp xe đã hình thành quanh ruột thừa, ống dẫn lưu sẽ được đặt thông qua thành bụng đến ổ áp xe để dẫn mủ ra ngoài. Phẫu thuật cắt ruột thừa có thể được thực hiện vài tuần sau khi đã kiểm soát ổn định nhiễm trùng
Điều trị không phẫu thuật
Nếu bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng viêm ruột thừa và bác sĩ phẫu thuật xét thấy bệnh nhân không cần phẫu thuật ngay lập tức và có thể được điều trị bằng kháng sinh để theo dõi diễn tiến cải thiện. Trong trường hợp viêm ruột thừa không phức tạp, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể có hiệu quả nhưng bệnh lại có khả năng tái phát.
NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA PHẪU THUẬT CẮT RUỘT THỪA
Nhiễm trùng xảy ra ở 2-4% các trường hợp phẫu thuật cắt ruột thừa, có thể là nhiễm trùng vết mổ hoặc hình thành áp xe trong ổ bụng (mủ tích tụ nơi vùng ruột thừa)
Những biến chứng khác có thể xảy ra như tình trạng tạo cục máu đông, vấn đề tim mạch, khó thở; tình trạng này thấy rõ hơn ở những bệnh nhân hút thuốc, béo phì hoặc những người có các bệnh khác như đái tháo đường (tiểu đường), suy tim, suy thận hoặc bệnh phổi dễ gặp hơn. Vết thương cũng có thể hồi phục kém hơn ở những người hút thuốc.
BỆNH NHÂN MONG ĐỢI GÌ SAU KHI ĐƯỢC PHẪU THUẬT?
Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Thức ăn lỏng được khuyên dùng sau phẫu thuật cho đến khi đường tiêu hóa của bệnh nhân hoàn toàn phục hồi trở lại
Bệnh nhân có thể nằm viện từ 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật nội soi, và nằm viện lâu hơn nếu bệnh nhân phẫu thuật mở bụng hoặc nếu ruột thừa của bệnh nhân đã bị vỡ
Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân nên vận động nhẹ và không được bưng bê vật nặng hoặc tham gia vào hoạt động có gắng sức. Trong trường hợp ruột thừa chưa bị vỡ, trẻ em có thể đi học lại trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật và nếu trường hợp ruột thừa đã bị vỡ, trẻ em có thể đi học lại sau 2 tuần. Hầu hết các trẻ em có thể tiếp tục tiếp tục hoạt động thể thao 2 tuần sau phẫu thuật
Vết sẹo sẽ liền lại trong khoảng từ 4 đến 6 tuần và sẽ trở nên mềm mạihơn và sẽ nhạt dần trong năm tiếp theo
Thông tin này có mục đích hướng dẫn giáo dục và không có mục đích thay thế cho việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn có những câu hỏi liên quan đến việc chăm sóc, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn
Nếu bệnh nhân cần thêm thông tin hoặc muốn đặt hẹn, vui lòng liên hệ Khoa phẫu thuật tổng quát, lồng ngực & mạch máu – Bệnh viện FV: ĐT (+84.28) 54 11 33 33 – ext: 1250. Và trong trường hợp khẩn cấp: ĐT (+84.8) 54 11 35 00