Tin tức

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực cho bé trai 9 tuổi bị lõm ngực bẩm sinh nặng

Cuối tháng 6 vừa qua, Quỹ Nâng bước tuổi thơ hỗ trợ điều trị phẫu thuật thành công giúp cải thiện chứng lõm ngực bẩm sinh gây chèn ép nửa lá phổi của bé trai 9 tuổi người dân tộc Ê Đê tại bệnh viện FV.

Bé Bdap đã được phẫu thuật trị lõm ngực thành công tại FV

Nhói lòng nhìn ngực con biến dạng nặng vì không có điều kiện chữa trị

Bé Bdap, (9 tuổi, xã Ea Hu huyện Cư Kuin, tỉnh Daklak) học lớp 4 nhưng chỉ mới 18kg. Ngực em có vết lõm từ lúc mới sinh ra và ngày càng sâu dẫn đến viêm phổi, dị dạng, suy dinh dưỡng nặng nhưng không có điều kiện chữa trị.

Anh Y-Khing – ba bé Bdap cho biết, từ lúc đẻ ra là đã nhìn thấy vết lõm trên ngực con. Theo thời gian vết lõm này càng to ra gần bằng một cái chén ăn cơm giữa ngực.

“Bản thân làm cha nhìn thấy con bị vậy tôi xót lắm, rất muốn đưa bé đi khám nhưng điều kiện gia đình không cho phép. Chúng tôi đành ngậm ngùi để con sống chung với vết lõm và bé phải chịu đựng nhiều biến chứng do viêm phổi”, anh Y-Khing tâm sự.

Vết lõm ngực sâu, chèn ép phổi bé Bdap

Anh Y-Khing làm nghề thợ hàn, còn vợ ở nhà chăm 4 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thu nhập của anh không đủ trang trải chi phí hằng ngày, cơm ăn bữa đói bữa no nên việc đưa bé đi khám và điều trị là điều vượt ngoài khả năng của gia đình.

Vết lõm trên ngực bé ngày càng lớn gây dị dạng, chèn ép phổi, khiến bé thường xuyên bị viêm phổi, phải nằm viện điều trị ròng rã nhiều tháng. Thời gian đầu, gia đình chỉ đưa bé đi khám và điều trị viêm phổi tại địa phương. Có đợt bé bị viêm phổi nặng phải chuyển xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị.

“Khi ấy bác sĩ nói nếu phụ huynh có điều kiện thì điều trị sớm cho bé, nhưng gia đình không có tiền nên chúng tôi lại trở về trong tâm trạng bất lực vì thương con. Bé thì vô tư rất vui vẻ, tinh nghịch nhưng không thể chạy nhảy nhiều vì rất dễ mệt”, ba bé chia sẻ.

Tháng 4/2023, Quỹ Nâng bước tuổi thơ của Bệnh viện FV phối hợp với tỉnh Đắk Lắk khám sàng lọc cho các bé trong tỉnh và biết đến trường hợp của Bdap.

Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn và tình trạng bệnh của bé, Quỹ Nâng bước tuổi thơ của Bệnh viện FV đã quyết định tài trợ chi phí để bé sớm được phẫu thuật, hồi phục sức khỏe, có thể vui chơi chạy nhảy như bao bạn bè đồng trang lứa.

Ba bé cho biết, lúc nhận được tin được tài trợ bởi Quỹ nâng bước tuổi thơ cho con trai, anh vui mừng khôn siết trước cơ hội điều trị cho con. Anh sắp xếp nghỉ việc để đưa bé lên TPHCM nhập viện phẫu thuật.

FV khôi phục vòm ngực cho bé bằng kỹ thuật NUSS cải tiến

Bác sĩ Lương Ngọc Trung, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện FV cho biết, lõm ngực là bệnh lý bẩm sinh và phát triển theo thời gian, trung bình 300-400 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ bị bệnh này, chiếm tỷ lệ 0,25-0,3%. Lõm ngực cũng có thể gặp ở người lớn do lúc nhỏ không được điều trị.

Trong chẩn đoán đối với trẻ lõm ngực, các bác sĩ khám lâm sàng và dùng phim chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) để tính toán chỉ số Haller nhằm đánh giá mức độ nặng nhẹ và các tổn thương phổi hợp.

Theo đó, nếu chỉ số này trên 3 (nhất là trên 3,2) thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ sửa chữa. Độ tuổi lý tưởng để can thiệp phẫu thuật là 9-15 tuổi, vì đây là độ tuổi có thể dễ dàng chỉnh sửa khung xương. Sau độ tuổi này, khung xương cứng, khó chỉnh sửa và đau nhiều hơn sau mổ.

“Trường hợp bé Bdap chỉ số Haller là 6,0. Đây là trường hợp rất nặng cần phẫu thuật sớm”, bác sĩ Trung cho biết.

Bác sĩ Lương Ngọc Trung khám cho bé trai Bdap

Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy bé đã bị biến chứng phổi phải: kén khí khổng lồ chiếm nửa phổi, hẹp các nhánh phế quản, phần phổi còn lại bị giới hạn chức năng. Hậu quả của các tổn thương khiến phổi hoạt động kém, khí cặn trong phổi bị tồn đọng, dễ dẫn đến viêm phổi nhiễm trùng.

Các ảnh hưởng tương tự lên tim mạch khiến trẻ mau mệt, hạn chế hoạt động, dễ bị suy dinh dưỡng, cong vẹo cột sống…. Ngoài ra, bé sẽ bị rào cản về xã hội, điều gây ảnh hưởng đối với những bé đã có nhận thức về xã hội.

Bác sĩ Ngọc Trung cho biết, trong quá khứ, việc điều trị bệnh này phải cưa xương ức, cắt xương sườn sau đó nối lại, gây đau đớn cho bệnh nhân. Năm 1980, kỹ thuật NUSS ra đời mang lại phương thức điều trị hiệu quả, ít xâm lấn hơn. Phẫu thuật dùng thanh kim loại uốn cong để chỉnh sửa tổn thương. Những cải tiến sau đó, nhất là kết hợp mổ nội soi, giúp cuộc mổ đơn giản hơn, ít tai biến hơn.

“Tuy nhiên hạn chế của kỹ thuật này là chưa sửa chữa được các biến dạng phức tạp của xương ức kèm xương sườn, gây đau vì thanh kim loại sẽ được buộc với xương sườn và dễ bị di lệch thanh khi trẻ hoạt động”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Vài năm gần đây, NUSS tiếp tục được cải tiến với kỹ thuật 2 thanh kiểu bánh kẹp (Sandwich). Kỹ thuật giúp khắc phục các nhược điểm của phẫu thuật NUSS cổ điển, sửa chữa được các biến dạng phức tạp.

Ca phẫu thuật cho Bdap do chính bác sĩ Ngọc Trung thực hiện. “Đây là bệnh lý bẩm sinh do đó các bậc phụ huynh cần phát hiện bất thường của trẻ ở vùng ngực để đưa bé đi khám, xử lý kịp thời chứng lõm ngực. Một số trường hợp nhẹ nếu phát hiện sớm có thể cải thiện bằng tập vật lý trị liệu. Các trường hợp nặng nếu được phát hiện và phẫu thuật sớm sẽ có hiệu quả cao hơn và tránh được các biến chứng lâu dài”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Ngực của Bdap trở về bình thường sau ca phẫu thuật

Sau ca phẫu thuật, Bdap hồi phục tốt, sức khỏe ổn định. Ngày thứ 3 hậu phẫu, ba bé cho biết tình hình bé đỡ nhiều, có thể xuất viện 1-2 ngày sau đó. Bdap sẽ được quay lại FV để lấy nẹp nâng lồng ngực ra sau khoảng 2 năm.

Bác sĩ Lương Ngọc Trung cùng cha con anh Y-Khing sau phẫu thuật

Trước khi ra viện, anh Y-Khing xúc động nói lời cảm ơn các y bác sĩ FV cũng như Quỹ Nâng bước tuổi thơ. “Nhờ Quỹ Nâng bước tuổi thơ và các y bác sĩ, con tôi đã hồi phục tốt, có cơ hội phát triển bình thường như bao trẻ khác”, anh Y-Khing nói.

Zalo
Facebook messenger