Hướng dẫn sau phẫu thuật miệng và hàm mặt

ĐAU

Đau sau phẫu thuật sẽ có mức độ khác nhau tùy bệnh nhân.

  • Dùng thuốc giảm đau Ibuprofen hoặc Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chỉ dùng thuốc giảm đau gây nghiện như Ultracet® (Tramadol – Paracetamol 37,5mg/325mg) hoặc Efferalgan® Codeine (Paracetamol–Codeine 500mg/30mg) khi đau nhiều và không kiểm soát được. Một số tác dụng phụ của thuốc giảm đau gây nghiện bao gồm buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, táo bón (dùng thuốc nhuận tràng không kê đơn khi cần), choáng váng, buồn ngủ, v.v. Không vận hành máy móc nặng, lái xe hoặc uống rượu bia khi dùng thuốc giảm đau gây nghiện.
  • Tốt nhất là dùng thuốc trước khi cơn đau xuất hiện. Do đó, trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, nên dùng thuốc mỗi 3-4 giờ và sau đó tăng thời gian giữa các liều theo mức độ dung nạp. Sau tuần đầu tiên, bắt đầu thử dùng thuốc giảm đau chỉ khi cần.

SƯNG VÀ PHÙ

Sưng và phù sẽ có thể xuất hiện đáng kể sau phẫu thuật.

  • Sưng và phù nhiều nhất thường vào ngày thứ 2 và 3 sau phẫu thuật và khoảng 2/3 số bệnh nhân sẽ khỏi sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, 1/3 số bệnh nhân còn lại sẽ mất vài tháng để khỏi hoàn toàn.
  • Nên nghỉ ngơi, chườm đá (trong 2 ngày), băng ép (giữ băng đầu từ lúc phẫu thuật trong 24 giờ) và kê cao đầu để giảm thiểu sưng.
  • Giữ đầu ở tư thế thẳng đứng cả trước và sau phẫu thuật có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng sưng và phù quanh hốc mắt.
  • Giữ đầu cao hơn ngực trong 2 tuần sau phẫu thuật. Nên kê cao đầu giường bằng gối hoặc nằm trên ghế dựa trong khi ngủ.
  • Nếu thấy sưng nhiều hơn sau ngày thứ 4, vui lòng liên hệ Bệnh viện FV theo hướng dẫn ở mục ‘Khi nào cần liên hệ với chúng tôi’.

CHẢY MÁU

Rỉ dịch nhẹ tại vết mổ có thể xảy ra. Nếu phẫu thuật hàm trên, có thể chảy một ít máu mũi. Điều này là bình thường và có thể kéo dài đến 2 tuần. Nếu chảy máu mũi nhiều hoặc có màu đỏ tươi, vui lòng liên hệ ngay với Bệnh viện FV theo hướng dẫn ở mục ‘Khi nào cần liên hệ với chúng tôi’.

NHIỄM TRÙNG

  • Nếu được kê đơn kháng sinh, hãy dùng hết thuốc theo chỉ định.
  • Nếu sốt > 38,5 độ C hoặc thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi vào ban đêm hoặc chảy mủ từ vết mổ, vui lòng gọi cho Bệnh viện FV theo hướng dẫn ở mục ‘Khi nào cần liên hệ với chúng tôi’.

BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CHO XOANG MŨI

Nhiều bệnh nhân cảm thấy nghẹt mũi sau phẫu thuật hàm trên.

  • Dùng dung dịch xịt mũi Sterimar blocked nose® theo chỉ định để rửa và làm sạch mũi và xoang thường xuyên như mong muốn để giữ ẩm mũi.
  • Có thể dùng thuốc xịt mũi Xylometazoline (chỉ trong vòng 3 ngày sau phẫu thuật, không dùng quá 3 ngày) theo chỉ định để giảm nghẹt mũi.
  • Trong 14 ngày đầu: KHÔNG xì mũi quá mạnh. Không uống nước qua ống hút. Không ngậm miệng khi hắt hơi. KHÔNG xì mũi. Không nhịn hắt hơi. Không hút thuốc lá.

VỆ SINH

  • Không hạn chế các thói quen vệ sinh cá nhân. Nên tắm vòi sen và vệ sinh cơ thể cơ bản sau phẫu thuật.
  • Dùng nước ấm để gội đầu và rửa mặt – kể cả những vùng có vết mổ.

CHĂM SÓC VẾT MỔ

  • Giữ vết mổ sạch và khô. Tắm vòi sen, nhưng không ngâm mình trong bồn tắm hoặc bơi lội cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn.
  • Bôi thuốc mỡ kháng sinh không kê đơn lên các vết trầy xước cho đến khi lành thương.
  • Tránh ánh nắng mặt trời trong quá trình lành thương.

THAY BĂNG

  • Thay băng 3 lần mỗi ngày. Có thể dùng nước máy, không cần dùng nước muối sinh lý vô trùng. Tháo băng khi tắm và để nước xà phòng ấm chảy qua vết mổ. Sau đó dùng miếng băng mới.
  • Băng đầu thêm một ngày sau khi xuất viện.
  • Tiếp tục băng vùng dưới cằm cho đến lần tái khám tiếp theo.

CHĂM SÓC MẮT

  • Tra thuốc mỡ tetracycline 1% 3 lần mỗi ngày vào vết mổ ở mí mắt. Có thể tắm vòi sen nhưng không được chà xát.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt nhân tạo để làm ẩm mắt khi cần.

VỆ SINH RĂNG MIỆNG

  • Giữ vệ sinh răng miệng thật tốt.
  • Tiếp tục chải tất cả bề mặt răng như thường lệ nhưng không chải răng trên các vị trí mổ.
  • Các vết mổ hầu như ở vùng rãnh nên sẽ không tổn thương nếu giữ bàn chải trên bề mặt răng.
  • Dùng bàn chải đánh răng cỡ trẻ em và lượng kem đánh răng ít hơn bình thường.
  • Dùng nước súc miệng Kin Gingival® (Chlorhexidine 0,12%) theo chỉ định.
  • KHÔNG dùng máy tăm nước trong ít nhất 10 ngày sau phẫu thuật và sau đó chỉ dùng ở chế độ THẤP.

DÂY THÉP VÀ DÂY THUN/CAO SU CỐ ĐỊNH HAI HÀM

  • Dây thun hoặc dây cao su được dùng để giúp điều chỉnh và đảm bảo khớp cắn hai hàm được chính xác.
  • Tiếp tục dùng dây cao su như đã được hướng dẫn.
  • Nếu có cố định hai hàm răng với nhau bằng chỉ thép, dụng cụ cắt sẽ được cung cấp để cắt dây thép cố định hai hàm răng trong trường hợp khẩn cấp.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

Đảm bảo ăn uống đủ dinh dưỡng sau phẫu thuật để vết mổ mau lành.

  • Nếu không cố định hai hàm răng với nhau, có thể mở và ngậm miệng nhưng phải dùng thức ăn mềm trong 6 tuần tiếp theo. Có thể ăn các loại thực phẩm như cá, trứng bác (trứng khuấy), khoai tây nghiền, đậu nghiền, rau củ nấu chín, mì ống mềm, cơm cũng như các loại thức ăn lỏng.
  • Tránh tất cả các loại hạt, thịt cứng hoặc thức ăn giòn.
  • Có thể dùng ống hút hoặc bất kỳ loại chai hoặc ly/tách nào cảm thấy thoải mái.
  • Có thể dùng thức ăn lỏng nếu đang cố định kẽ răng.
  • Không dùng rượu bia trong hoặc sau 72 giờ uống Flagyl® (Metronidazol) để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.

TẬP LUYỆN

  • Tiếp tục thực hiện các bài tập kéo giãn cơ hàm cho khớp cắn kéo một phần hoặc hở răng cửa. Nắm bàn tay phải thành dạng nắm đấm và đẩy vào vùng hàm dưới bên phải, đồng thời đẩy vùng thái dương bên trái bằng bàn tay trái. Lặp lại động tác này cho bên còn lại.
  • Sau 48 giờ phẫu thuật, việc chườm ấm, xoa bóp liên tục trong vòng 20 phút với 4-5 lần mỗi ngày cũng rất hiệu quả.

HOẠT ĐỘNG

  • Tránh các hoạt động quá mạnh và gắng sức trong 2-3 tuần sau phẫu thuật.
  • Tuy nhiên, nên đứng dậy và đi lại ít nhất 3 lần một ngày để giúp hồi phục.

KHI NÀO CẦN LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Hãy liên hệ với chúng tôi khi:

  • Sốt > 38,5 độ C hơn 4 giờ
  • Buồn nôn hoặc nôn ói kéo dài
  • Đau bụng nhiều hơn
  • Đột ngột đau, đỏ, sưng, chảy dịch, chảy máu từ vết mổ nhiều hơn
  • Nôn ra máu hoặc có máu trong nước tiểu hay phân.

Gọi cho Khoa Nha & Phẫu Thuật Hàm Mặt (trong giờ làm việc) hay Khoa Tai Nạn & Cấp Cứu (ngoài giờ làm việc) của Bệnh viện FV hoặc đến trực tiếp Khoa Tai Nạn & Cấp Cứu của Bệnh viện FV.

Đảm bảo tái khám với bác sĩ phẫu thuật tại Khoa Nha & Phẫu Thuật Hàm Mặt của Bệnh viện FV sau 1 tuần xuất viện.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trong giờ làm việc

Khoa Nha & Phẫu Thuật Hàm Mặt

Bệnh viện FV, Tầng 1, Tòa nhà F

ĐT: (028) 54 11 33 33 – Số máy nhánh: 3344

Ngoài giờ làm việc

Khoa Tai Nạn & Cấp Cứu

Bệnh viện FV, Tầng trệt, Tòa nhà F

ĐT: (028) 54 11 35 00

Zalo
Facebook messenger