Ngày 30.9 vừa qua, 2 bác sĩ tại Bệnh viện FV gồm, TS.BS. Hồ Minh Tuấn (Trưởng khoa Tim Mạch), ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư (Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế) đã tham dự Hội nghị Tim Mạch Hà Nội 2023 trong vai trò chủ tọa đoàn và báo cáo viên.
Hội nghị do Hội Tim mạch Thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức với chủ đề “Chân trời mới trong tim mạch”. Sự kiện lớn về tim mạch học này đã thu hút sự quan tâm của gần 2.000 giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam và quốc tế như Mỹ, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hội nghị do Hội Tim mạch Thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức với chủ đề “Chân trời mới trong tim mạch”
Phương pháp điều trị bệnh lý tim mạch ngày một hiện đại
Tham dự hội nghị, TS.BS. Hồ Minh Tuấn được mời làm chủ tọa trong Phiên F03, có chủ đề “Phẫu thuật cho nhồi máu cơ tim cấp” và có bài báo cáo “Điều trị Nhồi máu cơ tim ST chênh lên thủng vách liên thất” trong phiên này. Ngoài ra, bác sĩ Tuấn cũng có bài báo cáo đáng chú ý khác về “Điều trị Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn có suy tim nặng bằng đốt nhánh xuyên vách”. Trong khi đó, liên quan tới vấn đề dinh dưỡng trong điều trị tim mạch, bác sĩ Thư đã báo cáo tại hội nghị chủ đề “Dinh dưỡng ở bệnh nhân béo phì có biến chứng Tim mạch”.
TS.BS. Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện FV với vai trò chủ tọa và báo cáo viên tại hội nghị
Chia sẻ về hội nghị bác sĩ Tuấn cho biết: “Tại FV chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nặng, hiếm gặp bằng các phương pháp mới. Hội nghị là cơ hội để chúng tôi chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp, để có được những hướng xử lý tốt nhất cho người bệnh”. Hai bài báo cáo của bác sĩ Tuấn đều liên quan đến phương pháp can thiệp tim mạch qua da. Đây là phương pháp xử lý các biến chứng tim mạch nhanh chóng, ít xâm lấn. Tuy nhiên cần sự hỗ trợ từ trang thiết bị hiện đại – phòng Cathlab, cũng như với đội ngũ y tế được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.
Trong phần báo cáo của mình tại Phiên F03, TS.BS. Hồ Minh Tuấn đã trình bày chi tiết trường hợp điều trị bệnh nhân bị thủng vách liên thất sau nhồi máu cơ tim. Đây là một biến chứng tim mạch hiếm gặp, cứ khoảng 500 – 600 người bị nhồi máu cơ tim thì mới có 1 người gặp biến chứng này. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp thì tỷ lệ sống sót của người bệnh sau 1 tháng chỉ có 6%. Phương pháp bít thủng vách liên thất thông qua can thiệp mạch vành qua da do bác sĩ Tuấn thực hiện, được xem là phương pháp hiện đại, giải pháp thay thế và có ít rủi ro hơn phương pháp phẫu thuật trước đây.
Trong phần trình bày còn lại liên quan đến chủ đề suy tim, bác sĩ Tuấn cũng đã báo cáo dựa trên các ca bệnh suy tim do bệnh lý cơ tim phì đại gây tắc nghẽn mà FV điều trị thành công. Qua đó chia sẻ những cập nhật mới trong việc sử dụng phương pháp can thiệp mạch vành qua da – đốt nhánh xuyên vách, để xử lý vị trí tắc nghẽn. Có đến 46% những người mắc bệnh cơ tim phì đại có thể dẫn đến suy tim, “do đó thủ thuật này là một phương án được đánh giá cao, nhằm giúp bệnh nhân mắc cơ tim phì đại giảm nguy cơ suy tim về sau”, bác sĩ Tuấn chia sẻ. Suy tim là bệnh lý do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, phức tạp trong điều trị, do đó vẫn còn là một thách thức lớn đối với y khoa hiện nay.
Tầm soát và phòng ngừa bệnh lý tim mạch cần được chú trọng hơn
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Theo Viện Tim Mạch Việt Nam, giai đoạn 2000 – 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp.
Trong bài báo cáo của mình, ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư đã cho biết mối “liên kết” giữa bệnh béo phì và bệnh tim mạch, các phương pháp đánh giá người thừa cân – béo phì và chi tiết về vấn đề dinh dưỡng cho các bệnh nhân béo phì, đồng thời mắc các biến chứng tim mạch. Trong đó bác sĩ Thư cho biết, không chỉ có nguy cơ cao mắc bệnh tim (34%), béo phì (BMI từ 29kg/m2 trở lên) còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề khác như tiểu đường (61%), cao huyết áp (17%), sỏi mật (30%),…
ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, bác sĩ Quỳnh Thư chia sẻ: “kiểm soát cân nặng tốt sẽ phòng ngừa được nhiều bệnh lý nguy hiểm. Đối với các bệnh nhân tim mạch thì việc phòng tránh hay điều trị béo phì là điều đặc biệt quan trọng”. Bên cạnh đó, bác sĩ Thư cũng đề xuất quy trình kiểm soát và điều trị bệnh lý béo phì đang được áp dụng tại FV. Quy trình này có sự kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng, chương trình tập luyện thể thao và một số trường hợp có chỉ định phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Đến nay, các chiến lược điều trị béo phì tại FV đã thu được hiệu quả tốt, giúp bệnh nhân kiểm soát được cân nặng và các biến chứng do béo phì gây nên.
Cũng tại hội nghị lần này, từ phía đơn vị tổ chức, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền (Chủ tịch Hội Tim mạch TP Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, trong nhiều năm qua, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Hiện nay, nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…, đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Đáng lưu ý, có đến 44,3% người 25-74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.
Với thực trạng hiện nay, TS.BS. Hồ Minh Tuấn khuyên ngay từ khi còn trẻ, mỗi người đều nên chú ý sức khỏe tim mạch để không trở thành “nạn nhân” của căn bệnh này. Bằng cách Kiểm soát cân nặng, không hút thuốc lá; hạn chế ăn nhiều mỡ động vật, muối trong khẩu phần ăn, rượu bia; tránh lo âu, căng thẳng và tránh việc lười vận động; đồng thời chú ý thường xuyên kiểm tra huyết áp, tầm soát định kỳ các nguy cơ như rối loạn đường huyết, lipid máu,.. Một lối sống lành mạnh sẽ mang lại sức khỏe tim mạch tốt hơn.