Bản Tin Sức Khỏe

Phẫu thuật nội soi phục hồi nhanh sa niệu – sinh dục với mảnh ghép đặc biệt

Theo một khảo sát nhỏ trên 130 bệnh nhân nữ từ 15 – 60 tuổi trong vòng ba năm trở lại đây, có đến 90,2% bệnh nhân bị sa bàng quang, 59,8% sa tử cung và 30% sa trực tràng. Nếu không điều trị sớm, tử cung của bệnh nhân bị sa hẳn ra ngoài, không tự co lên được có thể gây viêm loét nặng, chảy máu và đại tiểu tiện khó khăn. Khoa Niệu – Bệnh viện FV áp dụng kỹ thuật nội soi tiên tiến giúp bệnh nhân hồi phục sa niệu – sinh dục nhanh chóng.

Gần một năm nay, mỗi khi đi lại, chị T.D (43 tuổi, Q. Tân Phú, TP.HCM) hay có cảm giác khó chịu vùng bụng dưới, cứ 10 phút lại muốn đi tiểu, thậm chí khó khăn khi vợ chồng gần gũi. Chị thấy khó chịu nhưng không đi khám vì e ngại, xấu hổ cho đến một ngày, chị hoảng hốt phát hiện thấy một khối “thập thò” lồi ra nơi vùng kín khi nằm, kéo theo đó là việc đi tiểu tiện rất khó khăn, tức nặng nơi “vùng kín” và đôi khi tiểu ra máu. Chị D. đến khám tại khoa Niệu – Bệnh viện FV thì được biết mình bị sa tạng chậu (sa sinh dục).

Tiến Sĩ – Bác sĩ Michel Lacour, khoa Niệu – Bệnh viện FV, chuyên gia về phẫu thuật Niệu khoa đến từ Pháp, nhận thấy trường hợp của chị D. khá nặng, không thể trị dứt bằng cách tập vật lý trị liệu vùng tầng sinh môn hay uống thuốc. Vì thế, bác sĩ Michel Lacour cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, nguyên trưởng khoa Niệu – Bệnh viện FV, đã hội chẩn cho chị D. và quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng đem tử cung bị sa trở lại vị trí bình thường trong ổ bụng.

Đây là phương pháp phẫu thuật nội soi với ba lỗ nhỏ. Từ các lỗ nhỏ, các bác sĩ sử dụng tấm lưới nhỏ polypropylene đính các cơ quan bị sa vào ụ nhô (là cấu trúc xương của vùng chậu). Kỹ thuật này là một phương pháp mổ nội soi hiện đại ứng dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới mang lại nhiều ích lợi cho bệnh nhân. Vì là phẫu thuật ít xâm lấn nên vết mổ rất nhỏ, thẩm mỹ, không đau sau mổ và phục hồi nhanh, đảm bảo giúp bệnh nhân sớm trở về cuộc sống sinh hoạt trong gia đình và xã hội như trước. Ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng 90 phút và ba ngày sau, bệnh nhân đã có thể xuất viện.

Zalo
Facebook messenger