Tin tức

FV và hành trình chinh phục JCI

Có lẽ người thường ít ai biết đến JCI (Joint Commission International). Cũng không lạ, bởi ngay cả nhân viên y tế nhiều người còn chưa biết. Nhưng chắc không lâu nữa những ai đi khám chữa bệnh tại bệnh viện sẽ quan tâm đến JCI bởi nó gắn liền với chất lượng điều trị và an toàn cho bệnh nhân.

JCI càng đáng quan tâm hơn nữa, bởi để đạt được chứng nhận chất lượng y tế quốc tế danh giá này, người ta phải bỏ ra bao công sức và ý chí. Câu chuyện của bệnh viện FV là thí dụ.

Chất lượng và an toàn cho bệnh nhân

Một ngày của tháng 3/2016 tại bệnh viện FV, bác sĩ Tổng Giám Đốc Jean-Marcel Guillon và nhiều cộng sự hồi hộp chờ đợi thời khắc đại diện tổ chức JCI (Hoa Kỳ) công bố kết quả giám định việc bệnh viện xin chứng nhận này.

Và giờ phút quan trọng cũng đến, bệnh viện FV được xác nhận đạt JCI với số điểm ngoạn mục 9,8/10. Tất cả vỡ òa hạnh phúc, đan xen đó là những nụ cười, những giọt nước mắt, những tiếng trầm trồ và những lời chúc mừng.

ceo_saigongiaiphong
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc Bệnh viện FV

Người hạnh phúc nhất không ai khác hơn BS Jean-Marcel Guillon, bởi ông là người khởi xướng nguyên tắc bệnh nhân phải nhận được sự an toàn và hài lòng cao nhất mỗi khi đến bệnh viện.

Hành trình chinh phục JCI của bệnh viện FV bắt đầu từ 8 năm trước, khi ông Guillon bắt tay xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu này. Nhưng nếu nói một cách tường tận thì ý tưởng về sự ra đời của một bệnh viện chuẩn mực quốc tế tại TP.HCM, nơi người bệnh là trung tâm, đã được nghĩ đến từ cuối những năm 1990.

Thật vậy, vào năm 1997 từ nước Pháp, bác sĩ Guillon đến TP.HCM tìm hiểu thị trường để xây dựng bệnh viện quốc tế đầu tiên ở đây. Những gì mà ông kể lại cho bạn bè khi trở về Pháp thì TP.HCM chỉ là một nơi ồn ào, đông đúc, nhiều mùi hôi, giao thông lộn xộn, trong khi các bệnh viện lại chật chội, quá tải và thiếu thốn trang thiết bị.

Người thường tình có lẽ đã bỏ cuộc, nhưng ông Guillon thì không, bởi ông nhìn thấy ở đó một cơ hội. Ông lý luận: “Nơi đó đang xuất hiện một tầng lớp trung lưu. Khi có một số tiền kha khá, người ta sẽ chăm lo chu đáo cho cha mẹ và con cái mình”.

Chăm lo chu đáo, với nhiều người, đó là người thân mình phải được chữa trị ở một bệnh viện sạch đẹp, nhân viên y tế tận tình, bác sĩ giỏi giang. Nhưng với ông Guillon, một thầy thuốc từng có thời gian quản lý bệnh viện tại Brunei, sự chu đáo mà bệnh nhân nhận được ở bệnh viện chính là những dịch vụ điều trị và chăm sóc ở mức cao nhất về chất lượng và an toàn.

Vì thế, không lạ gì khi nhìn vào sự phát triển của bệnh viện FV những năm qua, người ta nhìn thấy ở đó những cột mốc gắn liền với hai từ “chất lượng” và “an toàn”.

Tháng 3/2003, FV đi vào hoạt động thì năm 2005 bệnh viện xác định hoài bão “trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu châu Á” và sứ mệnh “tạo uy tín bằng chất lượng chuyên môn xứng tầm quốc tế”. Năm 2006, bệnh viện mạnh dạn đặt ra “cam kết về y đức”.

Với những mục tiêu như thế, năm 2007, FV gặt hái thành quả bước đầu khi trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế của HAS (Haute Authorité de Santé), tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện nổi tiếng của Pháp. Năm 2010, bệnh viện cho ra mắt phòng xét nghiệm PCR đạt chuẩn mực quốc tế. Và năm 2016, FV đạt chứng nhận JCI của tổ chức giám định chất lượng dịch vụ y tế hàng đầu thế giới.

Liên tục đổi mới để phát triển

Nếu hỏi bất kỳ nhà quản lý bệnh viện quốc tế nào trên thế giới về giấc mơ của họ, có lẽ một trong số đó là chinh phục bằng được JCI.

Nhưng đạt được JCI là điều không hề dễ dàng. Khi tôi hỏi bác sĩ Guillon khó khăn lớn nhất trong hành trình chinh phục JCI là gì, ông trả lời: “Đó là thay đổi tư duy và văn hóa làm việc của đội ngũ bác sĩ và nhân viên sao cho họ biết đặt an toàn bệnh nhân lên hàng đầu, tôn trọng các quyền của bệnh nhân, phải sử dụng y học chứng cứ, luôn tôn trọng y đức và đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm bệnh viện là một nơi an toàn và phải luôn duy trì như vậy”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển Kinh doanh của bệnh viện, nhớ lại: “Lúc đầu, không phải nhân viên nào của bệnh viện cũng tham gia, vì làm theo JCI là phải thay đổi rất nhiều thứ. Có người chống đối, người khác nói không cần thiết, có người lại lý luận từ trước đến nay tôi vẫn làm mà có gặp sự cố gì đâu”.

Cũng không thể trách cứ sự kháng cự của con người với sự thay đổi. Bởi với sự thường tình của con người thì sự yên vị với thói quen hiện hữu đồng nghĩa với sự thoải mái và nhàn nhã, trong khi nếu thay đổi thì phải chấp nhận nhiều khó khăn và rủi ro.

Nhưng thực tế không gì trên đời này phát triển mà không cần đến thay đổi. Bác sĩ Juan Rosas, Giám đốc Quản lý chất lượng bệnh viện FV, chia sẻ: “Thách thức lớn nhất với tôi lúc khởi đầu hành trình chinh phục JCI là mang lại những thay đổi mà tôi cảm thấy cần phải thực hiện để hoàn thành và tuân thủ với những tiêu chuẩn của JCI. Và phản ứng với thay đổi xảy ra ở khắp mọi nơi”.

May mắn là người đứng đầu, BS Jean-Marcel Guillon, luôn kiên định đi tới và bất chấp mọi trở lực. Người ta thấy ông ngày đêm viết ra hàng ngàn chính sách, quy trình được soạn thảo và phổ biến đến từng nhân viên. Ông có mặt gần như đầy đủ ở những buổi huấn luyện đều đặn 3 buổi/ngày, gần 100 buổi/tháng và hơn 1.000 buổi/năm , diễn ra trong giờ nghỉ hay giờ ăn trưa để truyền cảm hứng cho mọi thành viên về sự cần thiết của sự thay đổi. Hơn 1.000 nhân viên FV đã trở thành một khối chung nhất, sống với JCI, ngủ với JCI và cùng mơ về JCI.

Thành quả của tập thể

Một con tàu với chiếc đầu kéo mạnh mẽ thì nó không thể không tiến lên. Bệnh viện FV cũng thế. Nhìn lại thành công của hành trình chinh phục JCI, người ta có thể đưa ra một tổng kết: “Một lãnh đạo. Một tâm huyết. Một đội ngũ. Một mục tiêu”.

Thật vậy, một huấn luyện viên dù tài giỏi cách mấy nhưng nếu không có những cầu thủ giỏi để thực hiện chiến lược và chiến thuật thi đấu của mình thì cũng khó gặt hái thành công.

Ngày FV đạt chứng nhận JCI, ông Guillon đã phát biểu từ đáy lòng mình: “Đạt được JCI là kết quả của những nỗ lực tuyệt vời của hơn 1.000 nhân viên làm việc không biết mệt mỏi trong nhiều tuần, nhiều tháng, đôi lúc cả ban đêm và thường xuyên vào những ngày cuối tuần. Và để vinh danh họ, mỗi cá nhân trong số họ, tôi muốn nói lên lời cảm ơn chân thành nhất”.

Sau những giờ làm việc miệt mài tại bệnh viện, ngoài đời thường, ông Guillon là một người say mê thể thao. Là người Pháp, nhưng ông mê bóng bầu dục một cách đặc biệt và không thích bóng đá dù đất nước sinh ra ông từng vô địch thế giới (1998) và hai lần vô địch châu Âu (1984, 2000) trong môn thể thao vua.

Nhưng khi tôi ví von chuyện FV đạt được chứng nhận JCI với chuyện đội tuyển Pháp từng vô địch bóng đá, ông nói lý lẽ lắm: “Giành được danh hiệu vô địch đã khó nhưng bảo vệ được chức vô địch còn khó hơn nữa. Tổ chức JCI sẽ đánh giá mỗi ba năm một lần, lần sau sẽ khắt khe hơn lần trước, vì thế quá trình cải tiến chất lượng của chúng tôi không bao giờ ngưng nghỉ”.

Tập luyện và thi đấu bóng bầu dục sau giờ làm việc, chắc hẳn ông Guillon luôn khát khao chiến thắng. Là bác sĩ và nhà quản lý bệnh viện, chắc hẳn ông muốn những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Ông bộc bạch: “Giấc mơ của chúng tôi với FV không phải là trở thành bệnh viện tốt nhất thế giới, mà là bệnh viện an toàn nhất cho bệnh nhân”.

Một tháng sau khi đạt chứng nhận JCI, FV đã được Nhà Trắng chọn là bệnh viện cung cấp dịch vụ dự phòng hỗ trợ y tế cho phái đoàn của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 năm nay. Đó là bằng chứng khách quan nhất về những gì mà bệnh viện FV nỗ lực theo đuổi suốt bao năm qua.

Ai đó đã nói rất đúng: “Thay đổi luôn là điều khó khăn lúc khởi đầu, sự hỗn độn ở giữa hành trình và sự tuyệt vời ở lúc kết thúc”.

Bình Yên

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng ngày 06/9/2016

Zalo
Facebook messenger