Tin tức

Bệnh viện FV tổ chức Hội nghị tim mạch thường niên lần 2: Cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị tim mạch

Hội nghị Tim Mạch Thường Niên lần 2 với chủ đề “Điều Trị Bệnh Tim Mạch: Hiện Tại & Tương Lai” do FV tổ chức tại TP.HCM ngày 20/4/2024 đã cung cấp một lượng kiến thức y khoa phong phú khi hội tụ các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế cùng chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh tim mạch trên thế giới.

Hội nghị được FV dành nhiều tâm huyết để tổ chức với mục đích cung cấp nhiều thông tin thiết thực giúp cho cộng đồng y khoa có cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để ứng dụng các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân tim mạch.

Chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ các giải pháp điều trị tim mạch

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người (chiếm tới 33% các ca tử vong). Chính vì mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tập trung vào cải tiến các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Nhờ đó, liên tục có các tiến bộ mới trong lĩnh vực tim mạch được công bố mỗi năm.

Là một trong những trung tâm tim mạch lớn tại Việt Nam, những năm qua, Bệnh viện FV dành nhiều tâm huyết và nguồn lực trong việc tổ chức các hội nghị tim mạch thường niên nhằm kết nối cộng đồng y khoa trong và ngoài nước. “Hội nghị Tim mạch do FV tổ chức là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kiến thức và cập nhật những kỹ thuật mới nhất về chẩn đoán và điều trị tim mạch, mang lại thêm nhiều cơ hội điều trị bằng kỹ thuật mới cho bệnh nhân Việt Nam”, TS.BS. Hồ Minh Tuấn – Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV cho biết.

Hội nghị Tim mạch 2024 do Bệnh viện FV tổ chức thu hút nhiều diễn giả uy tín trong và ngoài nước tham gia

Hội nghị năm nay thu hút 300 khách mời, là các bác sĩ tim mạch, nội khoa, bác sĩ nội trú tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các bác sĩ tham gia được nhận chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục (CME) do Bệnh viện FV cấp sau hội nghị.

Hội nghị được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ quy tụ đội ngũ diễn giả uy tín, gồm giáo sư, bác sĩ tim mạch trong nước và quốc tế: GS. TS. BS.Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam; PGS. TS. BS. Trần Thị Khánh Tường – Trưởng khoa Y, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch; GS.BS. Asri Bin Said – Trưởng khoa Y và Khoa học sức khỏe – Đại học Malaysia Sarawak; PGS. TS. BS. Edward T C Choke – Bác sĩ điều trị cấp cao, Bệnh viện Đa khoa Sengkang Singapore; PGS. TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; TS.BS. Hồ Minh Tuấn – Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV; BS. Nguyễn Văn Tế – Trưởng Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện FV; TS. BS. Đỗ Nguyên Tín – Trưởng đơn vị Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1…

GS. TS. BS. Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam

PGS. TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

GS. TS. BS.Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ: “Điểm nổi bật của hội thảo này là chúng ta mời được nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Singapore, Malaysia. Các chuyên gia này đã giới thiệu những kỹ thuật mới và đầy hứa hẹn. Một số kỹ thuật chưa được du nhập vào Việt Nam nhưng chúng tôi tin với sự nhanh nhạy của nền y tế Việt Nam, các bác sĩ trẻ đầy tham vọng và năng lực sẽ tiếp cận sớm các kỹ thuật này trong thời gian tới, chẳng hạn như kỹ thuật laser nội mạch để can thiệp các bệnh lý mạch máu ngoại biên, trong một số trường hợp sẽ được ưa thích hơn là phẫu thuật…”

PGS.TS.BS Edward T. C. Choke – chuyên gia Phẫu thuật viên về mạch máu động mạch ngoại biên, Bệnh viện Sengkang, Singapore cho biết, ông rất vui và hào hứng khi được FV mời tham gia hội nghị này. “Theo tôi được biết, tại TP.HCM này, các kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên có sự phát triển nhanh chóng. Tôi đến tham dự hội nghị ngoài việc cập nhật kiến thức mới từ đồng nghiệp thì còn muốn quan sát các bác sĩ phẫu thuật mạch máu ngoại biên của Việt Nam giảng dạy cho những thực tập sinh của họ những vấn đề gì, từ đó tôi có thể học hỏi để dạy lại cho các thực tập sinh của chúng tôi tại Singapore”, PGS. Choke chia sẻ.

Cơ hội ứng dụng thực tiễn nhiều thành tựu mới để điều trị bệnh tim

Năm nay, các báo cáo khoa học trong hội nghị xoay quanh hai phần chính: Tim mạch tổng quát và can thiệp; Bệnh cơ tim và cấu trúc tim.

Trong phần Tim mạch tổng quát và can thiệp, các diễn giả cập nhật nhiều kiến thức mới trong chẩn đoán, quản lý và điều trị bệnh tim mạch như: Tiếp cận toàn diện trong kiểm soát huyết áp (GS. TS. BS.Huỳnh Văn Minh trình bày), Quản lý bệnh tim mạch ở người có đái tháo đường: khi nào và như thế nào? Góc nhìn từ bác sĩ nội tiết (PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trình bày), Điều trị và phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân sử dụng kháng đông (PGS. TS. BS. Trần Thị Khánh Tường trình bày), Khi nào sử dụng OCT hoặc IVUS trong can thiệp mạch vành (TS.BS. Hồ Minh Tuấn trình bày), Tái tưới máu bệnh động mạch ngoại biên (PGS. TS. BS. Edward T C Choke trình bày).

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

PGS. TS. BS. Trần Thị Khánh Tường – Trưởng khoa Y, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch

Trong bài báo cáo của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào cho biết, theo thống kê từ bệnh nhân đái tháo đường điều trị bằng bảo hiểm y tế tại VN, tim mạch là một trong những biến chứng hàng đầu (chiếm tới 34%). Do vậy, việc quản lý biến chứng tim mạch cho bệnh nhân đái tháo đường từ sớm là vô cùng quan trọng. Tại các cơ sở y tế của Việt Nam đã bắt đầu đưa ra chiến lược tiếp cận toàn diện cho bệnh nhân, như sử dụng các thuốc được chứng minh có lợi trên tim mạch và thận bên cạnh kiểm soát các yếu tố nguy cơ (ổn định huyết áp, kiểm soát đường huyết, quản lý mỡ máu, giữ cân nặng ở mức hợp lý….). BS Đào cũng đề cập tới một số thuốc SGLT2i như empagliflozin cho thấy lợi ích trên chuyển hóa gồm giảm HbA1C, cân nặng, ổn định huyết áp và hiệu quả giảm các biến cố tim mạch-thận.

TS.BS. Hồ Minh Tuấn – Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV

Hình ảnh học trong lòng mạch cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị tim mạch. Thời gian qua, FV đã ứng dụng thành công hai kỹ thuật IVUS (siêu âm trong lòng mạch), OCT (hình ảnh quang học trong lồng mạch). Hai kỹ thuật kể trên hiện phổ biến ở các bệnh viện lớn trên thế giới, hỗ trợ rất tốt cho bác sĩ thực hiện các can thiệp trong lòng mạch, tuy vậy còn khá hiếm hoi ở Việt Nam. TS.BS. Hồ Minh Tuấn đã trình bày trong hội nghị về ứng dụng hai phương pháp này, dựa trên kinh nghiệm điều trị tại FV cùng các dữ liệu mới nhất của thế giới. Đây được xem là kinh nghiệm thiết thực để các đồng nghiệp trong nước triển khai hai kỹ thuật này trong thời gian tới, nhằm mang đến kết quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.

PGS. TS. BS. Edward T C Choke – Bác sĩ điều trị cấp cao, Bệnh viện Đa khoa Sengkang Singapore

Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi (thường là chi dưới) gây thiếu máu cục bộ, có thể dẫn đến hoại tử. Điều trị bệnh này thông thường là dùng thuốc, đặt stent hoặc cắt nạo mảng xơ vữa. Thời gian qua, có một số tiến bộ trong điều trị bệnh lý này.

Trong phần trình bày của mình với chủ đề “Tái tưới máu bệnh động mạch ngoại biên”, PGS. TS. BS. Edward T C Choke giới thiệu công nghệ loại bỏ mảng xơ vữa trong động mạch ngoại biên bằng laser với Hệ thống Auryon. Hệ thống Auryon được chỉ định sử dụng trong phẫu thuật loại bỏ xơ vữa động mạch mà không cần dùng ống thông, xử lý hẹp và tắc vùng dưới bẹn, bao gồm cả tái hẹp trong stent, có thể loại bỏ được các mảng vôi hoá. Kết quả lâm sàng rất khả quan, phù hợp với bệnh nhân bị bệnh mạch máu ngoại biên nặng. Bác sĩ Hồ Minh Tuấn nhận xét: “Đây là một kỹ thuật mới hiện chưa được triển khai tại Việt Nam. Hy vọng từ phần trình bày của PGS. TS. BS. Edward T C Choke, trong thời gian tới FV và một số bệnh viện khác sẽ tìm hiểu thêm và trang bị kỹ thuật này để điều trị cho bệnh nhân”.

Trong phần thảo luận về Bệnh cơ tim và cấu trúc tim, các chuyên gia cũng giới thiệu về những tiến bộ lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh cơ tim và can thiệp tim mạch như: Chẩn đoán và điều trị bệnh cơ tim giãn nở (PGS. TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh trình bày), Vai trò xạ hình tim trong thiếu máu cơ tim và bệnh cơ tim (BS. Nguyễn Văn Tế trình bày), Can thiệp qua da đóng thông liên thất bẩm sinh và mắc phải (TS. BS. Đỗ Nguyên Tín trình bày), Hiện tại và tương lai của can thiệp bệnh cấu trúc tim (TS.BS. Hồ Minh Tuấn trình bày), Thay van động mạch chủ qua da (GS.BS. Asri Bin Said trình bày).

BS Nguyễn Văn Tế – Trưởng Khoa Y Học Hạt Nhân, Bệnh viện FV

TS. BS. Đỗ Nguyên Tín – Trưởng đơn vị Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1

BS Nguyễn Văn Tế Trưởng Khoa Y Học Hạt Nhân, Bệnh viện FV trình bày việc ứng dụng hình ảnh hạt nhân trong việc điều trị bệnh cơ tim. Theo đó, việc dùng xạ hình cho phép bác sĩ đánh giá không xâm lấn về sinh lý và chức năng tim và cung cấp thêm các thông tin tham khảo bổ sung cho những kỹ thuật giải phẫu.

GS.BS. Asri Bin Said – Trưởng khoa Y và Khoa học sức khỏe – Đại học Malaysia Sarawak

Bài trình bày về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) của GS.BS. Asri Bin Said gây được sự chú ý cao Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn, gây cản trở lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Bệnh có nguy cơ tử vong cao và ngày càng phổ biến khi tuổi thọ của dân số gia tăng, chiếm tới 30% người trên 70 tuổi. Phương pháp truyền thống là mổ hở, tuy nhiên với bệnh nhân cao tuổi việc mổ hở có nguy cơ thất bại cao. Phương pháp TAVI đã giúp thay van tim bằng phương pháp nội soi, đã mở ra cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân hẹp van hơn, đặc biệt với bệnh nhân cao tuổi. “TAVI phù hợp đối với các trường hợp có độ tuổi từ 65 – 75. Tuổi thọ của van TAVI có độ bền tốt ở mức 10 năm, và tốt ngang nếu không muốn nói là tốt hơn van sinh học phẫu thuật”, GS.BS. Asri Bin Said nhấn mạnh.

Phương pháp TAVI hiện được triển khai ở nhiểu cơ sở điều trị tim mạch lớn tại Việt Nam, trong đó có Bệnh viện FV. Bệnh nhân cao tuổi nhất thực hiện thủ thuật này tại FV là 83 tuổi.

“Khác với những hội nghị khoa học thông thường, hội nghị Tim mạch FV năm nay tập trung vào tính ứng dụng thực tiễn”, TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện FV trong vai trò Điều phối viên của hội nghị nhấn mạnh. “Mục tiêu của hội nghị là cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị tim mạch trên thế giới, đồng thời thảo luận về khả năng ứng dụng những tiến bộ này vào thực tiễn tại Việt Nam”.

Thông tin thêm:

Khoa Tim mạch Bệnh viện FV được dẫn dắt bởi trưởng khoa là TS. BS. Hồ Minh Tuấn cùng đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, Khoa Tim mạch FV được đầu tư trang thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại bao gồm phòng Can thiệp Cathlab hiện đại giúp điều trị các bệnh lý mạch vành, van tim… hiệu quả, nhanh chóng, ít xâm lấn. Gần đây nhất FV đã triển khai kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) giúp điều trị nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý hẹp van tim mà không cần mổ hở.

Với triết lý ưu tiên cứu sống bệnh nhân, khoa Tim mạch FV triển khai “70 phút vàng trong cấp cứu tim mạch” giúp xử lý kịp thời các ca nhồi máu cơ tim được đưa đến bệnh viện FV.

Zalo
Facebook messenger