Nỗ lực nghiên cứu, kiên trì tìm kiếm lời giải cho căn bệnh “quái ác” và dành mọi sự ân cần, cảm thông là cách bác sĩ Basma lựa chọn khi đồng hành cùng các bệnh nhân ung thư.
“Chuyên môn xuất sắc, cá tính, tận tụy và có tài giao tiếp đặc biệt” là những lời nhận xét của đồng nghiệp về vị trưởng khoa của Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV, BS. Basma M’Barek.
Hơn hai thập kỷ cống hiến cho chuyên khoa ung bướu với 18 năm làm việc tại Pháp và 6 năm gắn bó với Việt Nam, bác sĩ Basma M’Barek gần như vẫn trọn vẹn niềm say mê nghề nghiệp khi nói về những câu chuyện chuyên môn, trăn trở về bệnh nhân hay những triển vọng xán lạn của các phương pháp điều trị ung thư. Cô khẳng định: “Dù hy vọng ít đến thế nào, chúng tôi vẫn không từ bỏ bệnh nhân”.
Lựa chọn Việt Nam để mở ra chương mới trong sự nghiệp
Cách đây hơn 26 năm, thời điểm đứng trước sự lựa chọn chuyên ngành, bác sĩ Basma đã không chần chừ theo đuổi ngành ung thư, bất chấp những hạn chế về phương pháp điều trị, khoa học kỹ thuật đương thời.
“Thời điểm đó, mắc bệnh ung thư được xem là một án tử, việc sinh viên y khoa vào chuyên ngành nhiều khó khăn như vậy có thể coi là một lựa chọn không hợp thời. Nhưng tôi nghĩ khác, đây là lĩnh vực mà nếu làm tốt thì sẽ tạo được nhiều sức ảnh hưởng, dù không ít thử thách nhưng sẽ cứu được nhiều người và tạo ra sự tiến bộ”, bác sĩ Basma nói về lý do chọn khoa Ung bướu.
Và cứ thế, bác sĩ Basma bước chân vào chuyên ngành ung thư với một trái tim nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng cùng mong muốn khám phá, cống hiến cho khoa học. Cô dành nhiều thời gian để học tập, rèn luyện và phát triển trong những môi trường y khoa tiến bộ ở châu Âu.
Thực tế, đúng như dự liệu của vị bác sĩ trẻ khi ấy, đến nay, kỹ thuật, phương pháp cho đến các loại thuốc điều trị ung thư đã đạt được những bước phát triển vượt bậc.
Sau 18 năm làm việc ở các bệnh viện lớn tại Pháp, đạt được nhiều thăng tiến trong công việc, bác sĩ Basma – khi đó đang phụ trách Đơn vị Ung bướu của một bệnh viện tại Pháp, bắt đầu nghĩ đến việc làm sao để cống hiến và mang nhiều sự giúp đỡ hơn nữa cho các bệnh nhân ung thư.
“Tôi nghĩ tác động mà một người thầy thuốc có thể tạo ra ở một quốc gia đang phát triển sẽ quan trọng hơn và giúp được nhiều người hơn. Tôi tin rằng việc hỗ trợ, phổ biến các kiến thức, thành tựu y khoa sâu rộng hơn là cách phát triển bền vững và mang lại nhiều cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân hơn”, bác sĩ Basma bày tỏ.
Với định hướng đó, vị bác sĩ người Pháp bắt đầu tìm kiếm môi trường phù hợp để mở ra chương tiếp theo của sự nghiệp. Và rồi, cơ hội đã đến với cô như trong hình dung, một quốc gia đang phát triển còn nhiều khoảng trống trong điều trị y khoa, một bệnh viện đang muốn đưa những tiến bộ khoa học hàng đầu về và một thành phố đầy nắng – khác với khung cảnh thời tiết mưa ẩm nơi bác sĩ Basma đang làm việc khi ấy.
“Tác động mà một người thầy thuốc có thể tạo ra ở một quốc gia đang phát triển sẽ quan trọng hơn và giúp được nhiều người hơn”.
BS Basma M’Barek – Trưởng khoa Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV
“Dự án tại FV giống hệt như một dự án mà tôi từng làm, lúc đó tôi đã nghĩ mọi thứ như được ‘thiết kế’ để mình đến đây, vậy thì chấp nhận thử thách tiếp theo thôi”, bác sĩ Basma nhớ lại về quyết định của mình.
Đến Việt Nam với vốn liếng gần 2 thập kỷ kinh nghiệm phong phú cùng kiến thức đồ sộ từ các bệnh viện hàng đầu ở Pháp, song bác sĩ Basma gần như bắt đầu lại mọi thứ tại FV với môi trường mới, phong cách giao tiếp, văn hóa bản địa hoàn toàn khác cũng tạo nhiều áp lực và bất ngờ cho vị trưởng khoa trẻ tuổi.
Nhớ về ấn tượng khi lần đầu làm việc cùng bác sĩ Basma, chị Bảo Anh – chuyên viên tâm lý xã hội Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng, Bệnh viện FV – bày tỏ: “Ban đầu, những cách giao tiếp hay lựa chọn của gia đình bệnh nhân khiến bác sĩ khá ‘sốc’ vì gần như họ quyết định mọi thứ thay cho người bệnh. Bác sĩ thấy việc này là không nên, sau đó đã chia sẻ với chúng tôi và cùng tìm cách đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho ca bệnh. Gần như mọi suy nghĩ của bác sĩ đều hướng về bệnh nhân, làm cách nào để họ được tiếp nhận điều trị ở bối cảnh tốt nhất”.
Bác sĩ Basma cũng nhận thấy người Việt thường ít khi biểu lộ cảm xúc, hoặc thể hiện nó một cách kín đáo. Chính cách phản ứng này khiến các bác sĩ gặp khó trong việc hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn cho bệnh nhân. Việc đè nén cảm xúc đôi lúc khiến các bệnh nhân rơi vào tình trạng căng thẳng tâm lý, thậm chí trầm cảm và từ chối tiếp nhận điều trị.
“Ai mà không đau buồn, tức giận hay sốc khi nghe bản thân mắc ung thư chứ! Bệnh nhân cần được giải tỏa bớt cảm xúc thay vì kìm nén, cần nhận được sự giúp đỡ kịp thời thay vì phải chịu đựng một mình. Đây là điều mà tôi vẫn luôn băn khoăn và mong muốn bệnh nhân hiểu rằng họ có thể chia sẻ, nhờ cậy sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh, nhất là với các bác sĩ”, vị trưởng khoa nói thêm.
Đồng hành với bệnh nhân cố gắng đến cùng
Theo bác sĩ Basma, điều khiến các bệnh nhân ung thư rơi vào tình huống tâm lý khó khăn khi tiếp nhận thông tin bị bệnh chính là việc họ chưa hiểu nhiều về các tiến bộ y khoa hiện tại và vẫn xem ung thư là một “án tử”.
“Dự án tại FV giống hệt một dự án mà tôi từng làm, lúc đó tôi đã nghĩ mọi thứ như được ‘thiết kế’ để mình đến đây, vậy thì chấp nhận thử thách tiếp theo thôi”.
BS Basma M’Barek – Trưởng khoa Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV
Thực tế này cũng chính là một trong những lý do khiến bác sĩ người Pháp lựa chọn gắn bó với FV suốt thời gian qua. Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng không chỉ được liên tục cập nhật những thành tựu y khoa mới nhất, mà còn có sự đầu tư mạnh về kỹ thuật, khoa học công nghệ. Bác sĩ Basma tin tưởng rằng khi tạo đủ niềm tin cho bệnh nhân cả về năng lực điều trị cũng như dịch vụ y tế tốt nhất thì người bệnh sẽ tin tưởng và hy vọng trong quá trình điều trị.
“Trong quá trình điều trị, tôi và đội ngũ luôn đồng hành với bệnh nhân trong từng giai đoạn. Thậm chí, có những bệnh nhân đến đây chỉ với vài % khả năng thành công, chúng tôi vẫn cùng họ cố gắng đến cùng, không bao giờ từ bỏ”, vị bác sĩ người Pháp nhấn mạnh.
Bên cạnh điều trị, bác sĩ Basma cũng không quên chỉ ra tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư. Điều mà cô trăn trở chính là việc tầm soát ung thư tại Việt Nam vẫn chưa được chú trọng, các bệnh nhân ung thư đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển với nhiều biểu hiện nặng, ảnh hưởng lớn đến cơ hội điều trị.
“Có đến 90% trường hợp mắc ung thư được chữa khỏi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Thế nên rất đau lòng khi phải chứng kiến các bệnh nhân đến đây ở giai đoạn chỉ có 20% cơ hội chữa khỏi bệnh”, bác sĩ Basma nói thêm.
Nỗ lực học hỏi, nghiên cứu sẽ giúp bác sĩ phát triển và cống hiến nhiều hơn
Trong thời gian làm việc tại châu Âu, bác sĩ Basma từng đạt nhiều thành tựu và nhận được tín nhiệm từ cộng đồng y khoa nơi đây. Song khi bắt đầu hành trình mới tại Việt Nam, cô gần như phải bắt đầu từ những bước sơ khai nhất để tìm hiểu, hòa nhập và tạo được tín nhiệm với cộng đồng y khoa bản địa.
Khó khăn trong thời gian ban đầu là vậy, nhưng với kinh nghiệm phong phú, năng lực chuyên môn xuất sắc, chặng đường kết nối cộng đồng của bác sĩ Basma rút ngắn khá nhiều. Từng hội thảo, sự kiện về các thành tựu mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị liên tục được bác sĩ Basma tham gia báo cáo đã giúp cô và các đồng nghiệp có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau.
Với thế mạnh là một trong những trung tâm điều trị ung bướu hàng đầu Việt Nam, thời gian qua, Trung tâm Điều trị ung thư Hy vọng cũng đã có những hội thảo chia sẻ nghiên cứu thành tựu, tiến bộ khoa học trong điều trị ung thư với cộng đồng y khoa trong nước lẫn nước ngoài. Nhân tố kết nối cộng đồng y khoa Việt Nam lẫn các bác sĩ đầu ngành quốc tế không ai khác ngoài vị trưởng khoa trẻ tuổi của FV.
“FV là một bệnh viện quốc tế thật sự, chúng tôi kết nối với các bác sĩ ở châu Âu, cộng đồng y khoa tại Ấn Độ, học tập nhiều kỹ thuật tiên tiến và áp dụng nó vào điều trị cho bệnh nhân Việt Nam. Khi đã thành công tại Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, chúng tôi lại mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng y khoa Việt Nam cùng tiếp cận với những kiến thức này. Nếu chưa thể đầu tư về khoa học kỹ thuật thì ít nhất cũng nắm được kiến thức và có thể nghiên cứu để áp dụng về sau, mang đến lợi ích nhiều nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Basma sôi nổi nói.
“Các thiết bị hiện đại và kỹ thuật tiên tiến tại FV tiệm cận với tiến bộ của những nền y khoa hàng đầu ở châu Âu hay Mỹ”.
BS Basma M’Barek – Trưởng khoa Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV
Trung tâm Điều trị ung thư Hy vọng của Bệnh viện FV đã đầu tư và từng bước áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất trong xạ trị, bao gồm: Xạ trị Toàn thân – TBI (Total Body Irradiation), Xạ trị Định vị Thân – SBRT (Stereotactic Body Radiation Therapy), Xạ phẫu Định vị – SRS (Stereotactic Radiosurgery), Xạ trị Điều biến Liều – IMRT (Intensity-Modulated Radiation Therapy)…
‘Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như với người nhà của mình’
Chia sẻ về người thầy, vị trưởng khoa “nhiệt huyết nhưng có phần khó tính” của mình, bác sĩ Nguyễn Huỳnh Hà Thu – Trung tâm Điều trị ung thư Hy vọng cho biết: “Làm việc với cô ấy luôn sẽ có một chút áp lực vô hình, không phải vì bác sĩ Basma khó khăn mà vì cô ấy rất năng suất, rất tận tâm. Đây vừa là áp lực, nhưng cũng là động lực rất lớn để tôi làm việc, hoàn thiện chính mình”.
Bác sĩ Hà Thu chia sẻ cô học tập được rất nhiều từ vị trưởng khoa của mình trong giao tiếp với bệnh nhân. Cách tiếp cận vấn đề rộng, bao quát sẽ giúp bác sĩ nhìn thấy nhiều khả năng, hỗ trợ bệnh nhân trong nhiều tình huống hơn và giải đáp cũng sẽ đầy đủ hơn.
“Có những bệnh nhân đến FV chỉ với vài % khả năng thành công, chúng tôi vẫn cùng họ cố gắng đến cùng, không bao giờ từ bỏ”.
BS Basma M’Barek – Trưởng khoa Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV
“Một trong những câu nói mà tôi ấn tượng nhất cũng là quan điểm làm việc của bác sĩ Basma chính là ‘Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như với người nhà của mình’. Cô ấy luôn biết rõ mình cần làm thế nào, năng lực học tập cũng rất mạnh và nỗ lực của bác sĩ Basma dành cho bệnh nhân là rất lớn”, bác sĩ Hà Thu nói thêm.
Hiện nay, bác sĩ Basma là Chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Y khoa (MAB) nhiệm kỳ 2023-2025 tại Bệnh viện FV. Hầu hết thành viên hội đồng đều dành tín nhiệm cho vị trưởng khoa người Pháp bởi sự xuất sắc trong khía cạnh chuyên môn, thành tựu trong nghiên cứu đồng thời cũng rất sắc sảo, thông minh trong giao tiếp.
Buổi trò chuyện với bác sĩ Basma chỉ kéo dài một giờ đồng hồ – thời gian ít ỏi mà vị trưởng khoa luôn bận rộn có thể dành ra được để chia sẻ những câu chuyện trong nghề hay trăn trở về bệnh nhân. Tuy không thể nói sâu hơn về những dự định muốn thực hiện ở tương lai, nhưng những chia sẻ của bác sĩ Basma đã phần nào cho thấy được hình ảnh của một vị trưởng khoa hết lòng vì công việc, luôn nỗ lực để mang đến điều tốt nhất cho bệnh nhân.