Trải qua hơn hai thập kỷ gắn bó với FV, BS.CKII Phan Văn Thái trở thành một trong những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực ngoại khoa. Anh thừa nhận bản lĩnh của ngày hôm nay là thành quả của quá trình trui rèn không mệt mỏi.
Là một trong những bác sĩ Việt Nam đầu tiên làm việc tại Bệnh viện FV, BS.CKII Phan Văn Thái – vị trưởng khoa người Việt đầu tiên tại khoa Ngoại tổng quát của FV – dành trọn 21 năm cuộc đời để kế thừa và phát huy di sản của các trưởng khoa người Pháp, tạo nền móng cho lớp bác sĩ trẻ “giỏi nghề, giàu tâm”.
“Đứng trên vai người khổng lồ” để nhìn ra nền y khoa thế giới
Niềm say mê cầm dao mổ nhen nhóm trong trái tim cậu bé Phan Văn Thái từ tấm bé, khi theo chân cha – là y tá của ngôi làng nhỏ ở Tuy Hòa (Phú Yên) – đi chích thuốc, rạch nhọt cho bà con. Càng trưởng thành, tình yêu với ngành y trong cậu bé ngày một lớn, tự nhiên như được truyền lại từ huyết mạch của gia đình
Tốt nghiệp cấp ba với vốn tiếng Pháp kha khá, chàng trai Phan Văn Thái quyết định ghi danh vào Đại học Y Dược Huế. Sau khi tốt nghiệp năm 1998 với thành tích xuất sắc, anh tiếp tục tham gia lớp đào tạo bác sĩ nội trú. Khác với bác sĩ khoa ngoại tổng quát thường cần đến 10 năm đầu để “đứng tấn”, tức là làm quen với các kỹ thuật cơ bản, bác sĩ Thái chỉ mất 3 năm để hoàn thành quá trình khổ luyện, cầm trong tay tấm bằng Chuyên khoa 1.
”Ba năm “tôi luyện” trong môi trường Bác sĩ Nội trú, dù vất vả không kể xiết, nhưng khi nhìn lại, tôi vẫn thầm cảm ơn những người thầy đã dành trọn tâm huyết để rèn giũa, tạo nên thế hệ bác sĩ chắc tay, giỏi nghề”, bác sĩ Thái chia sẻ.
“Quyết định đầu quân cho FV dựa trên yếu tố về hạ tầng lẫn thượng tầng. Trong đó, thượng tầng chính là văn hóa công bằng”.
BS.CKII Phan Văn Thái – Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp diễn ra vào năm 2003, khi bác sĩ vào TP.HCM để sinh sống và làm việc. “Thấm nhuần trường phái đào tạo y khoa của Pháp, lại thạo tiếng Pháp, tôi chọn FV để nộp đơn. FV do người Pháp đầu tư nên rất hiện đại, cũng là bệnh viện nói tiếng Pháp duy nhất ở miền Nam thời điểm đó”, bác sĩ hồi tưởng.
Thời điểm gia nhập đội ngũ khoa Ngoại tổng quát của Bệnh viện FV là những tháng năm theo học và sát cánh với các trưởng khoa người Pháp. Họ là những người thầy đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy học cả đời, sự chuẩn mực và tinh thần công bằng của chàng bác sĩ trẻ.
“Mỗi thế hệ bác sĩ người Pháp tại FV lại dạy cho lớp bác sĩ trẻ chúng tôi những bài học quý. Không chỉ chuyên môn, mà còn rèn giũa cách khám bệnh, giao tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là tư duy học cả đời”, bác sĩ nói thêm.
Điều mà bác sĩ tâm đắc, cũng là lý do níu chân vị trưởng khoa hơn hai thập kỷ tại FV, chính là văn hóa công bằng – “di sản” được các vị trưởng khoa người Pháp gìn giữ và truyền lại.
Dưới góc nhìn của bác sĩ Thái, ở Bệnh viện FV, tất cả nhân viên đều được tôn trọng và đối xử công bằng, mọi nỗ lực, dù là nhỏ nhất, đều được ghi nhận và tôn vinh. Một trong những nét văn hóa giá trị khác mà bác sĩ trân quý là tính nghiêm túc thể hiện ở khía cạnh tôn trọng sự thật. Văn hóa cầu thị, lắng nghe và sẵn sàng nhận lỗi trở thành “kim chỉ nam” dẫn dắt đội ngũ FV hoàn thiện mỗi ngày.
Trải qua 21 năm gắn bó, bác sĩ Thái là một trong những “cánh chim đầu đàn” đã chung tay cùng các bác sĩ người Pháp xây dựng khoa Ngoại tổng quát từ thuở sơ khai. Anh cũng trở thành “đệ tử chân truyền” được lựa chọn đảm trách vị trí Trưởng khoa Ngoại tổng quát từ năm 2018.
“Khác với thời điểm mới thành lập – khi hầu hết vị trí chủ chốt của FV là bác sĩ nước ngoài, hiện nay, đa số vị trí trưởng, phó khoa ở phần lớn chuyên khoa do bác sĩ người Việt đảm trách. Tôi nghĩ, điều này là thành công của các chuyên gia người Pháp trong việc chuyển giao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và tâm huyết cho lớp bác sĩ kế thừa người Việt. Nhìn ở khía cạnh khác, đây cũng là sự ghi nhận tài năng và nỗ lực của lớp bác sĩ người Việt thế hệ giao thời – khi mà việc tiếp cận kỹ thuật, máy móc điều trị tại Việt Nam còn nhiều rào cản. Quả thật, chúng tôi rất may mắn khi được ‘đứng trên vai những người khổng lồ’ để trưởng thành, nhìn ra nền y khoa thế giới”, bác sĩ khẳng định.
Hành trình kế thừa và phát huy “di sản” từ thế hệ đi trước
Suốt những năm tháng say mê học tập và cống hiến bên những người thầy, người anh đáng kính, bác sĩ Thái dành nhiều sự trân trọng cho vị trưởng khoa Pierre Joseph Dumas. Trong hồi ức của anh, thầy Dumas gắn liền với tầm nhìn uyên bác, cùng tinh thần học hỏi không ngừng.
“Thời đó chưa có Internet, tài liệu y khoa rất quý hiếm. Nhưng tại FV, thầy Pierre Joseph Dumas đã tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp xúc với nghiên cứu y khoa mới nhất trên thế giới. Từ kiến thức lý thuyết, chúng tôi được cầm tay chỉ việc để thực hành trên nền tảng hạ tầng, thiết bị máy móc thuộc hàng mới nhất, tốt nhất và đầy đủ nhất”, bác sĩ Thái kể.
Hơn 2 thập kỷ phát triển, khoa Ngoại tổng quát giờ là một trong những chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện FV, quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu tâm huyết, vững chuyên môn.
Nhờ liên tục cập nhật tiến bộ y học, áp dụng kỹ thuật mới, các bác sĩ có thể phát hiện chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh lý ngoại khoa, gồm phẫu thuật trên hệ tiêu hóa (đường ruột, gan, đại tràng, tuyến tụy, túi mật, dạ dày và tuyến giáp) để điều trị tình trạng bệnh lý như viêm nhiễm, tắc nghẽn… kể cả ung thư. Nhiều năm qua, khoa Ngoại tổng quát điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, tụy, mật…
“Tại FV, các mô thức điều trị ung thư được chuyên hóa sâu. Thông qua hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cá nhân hóa”.
BS.CKII Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV
“Một trong những kỹ thuật mà tôi muốn nhấn mạnh là điều trị ung thư trực tràng thấp, gần hậu môn. Nếu trước đây, đa phần trường hợp bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ hậu môn và mở thông đại tràng ra da ở bụng vĩnh viễn thì hiện nay, chúng tôi dùng kỹ thuật đo đạc chính xác bờ khối u, áp dụng xạ trị trước mổ và kỹ thuật phẫu thuật tỉ mỉ để điều trị. Phương pháp này vừa tuân thủ nguyên tắc trị ung thư, vừa giúp người bệnh giữ lại chức năng bài tiết tự nhiên, đảm bảo chất lượng cuộc sống về sau”, bác sĩ Thái chia sẻ.
Với bệnh nhân ung thư, quá trình điều trị cần đa mô thức, có thể kết hợp nhiều phương thức phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch… Tuy nhiên sử dụng “vũ khí” nào trước, dùng liều cao/thấp, áp dụng giai đoạn nào… là cả một chiến lược điều trị cần đầu tư thời gian, kiến thức và tâm huyết. Là bệnh viện đa chuyên khoa, tại FV, các mô thức điều trị ung thư được chuyên hóa sâu. Ê kíp bác sĩ đầu ngành đa chuyên khoa sẽ cùng hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị theo hướng cá nhân hóa, góp phần nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, FV cũng là đơn vị tiên phong triển khai phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống. Đây là phương pháp cắt bỏ phần phình vị của dạ dày theo chiều dọc, thu nhỏ lại như một chiếc ống. Nhờ vậy, khả năng tiêu thụ thức ăn giảm, giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Phẫu thuật cũng loại trừ phần phình vị chứa nhiều hormone Ghrelin gây cảm giác đói, giảm sự thèm ăn nhưng vẫn không làm mất đi cảm giác ngon miệng.
Trong vài năm qua, FV thực hiện hàng chục ca phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống cho bệnh nhân béo phì. Sau phẫu thuật 12 tháng, mức BMI (chỉ số khối cơ thể) trung bình là 25 so với trước khi mổ là 37,5; cân nặng mất đi trung bình là 35 kg và có thể giảm 83% trọng lượng cơ thể thừa, đồng thời loại bỏ các bệnh nền đi kèm.
Ngoài chuyên môn của bác sĩ cũng như trang thiết bị điều trị hiện đại, quy trình chăm sóc hậu phẫu và kiểm soát nhiễm khuẩn cũng là một trong những vấn đề được ưu tiên tại FV.
Trong đó, ERAS – Enhanced Recovery After Surgery – tập hợp các phác đồ chăm sóc người bệnh với nhiều phương thức từ trước, trong và sau mổ, được xem là một trong những kỹ thuật nổi bật tại FV.
“Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia người Pháp, Bệnh viện FV là một trong những đơn vị tiên phong triển khai phương pháp ERAS tại Việt Nam”.
BS.CKII Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV
“Thực tế ERAS là một phương pháp mới được chuẩn hóa quy trình và có tên gọi khoa học trong vài năm trở lại đây. Từ rất lâu, một số khía cạnh trong ERAS đã được áp dụng thường quy trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại FV. Ngày mới về khoa Ngoại, khi chứng kiến thầy Pierre Joseph Dumas đưa sữa chua cho một bệnh nhân vừa mổ xong, tự tay đỡ họ dậy, tôi rất hoang mang. Dưới sự chỉ dẫn của thầy, chúng tôi đã được tiếp thu một kỹ thuật tiên tiến mà mãi đến hai thập kỷ sau đó mới thực sự chuẩn hóa và phổ biến”, bác sĩ Thái phân tích.
Đằng sau những nỗ lực không mệt mỏi
Thời gian được theo chân những người thầy đáng kính ở Bệnh viện FV là ký ức vô giá mà bác sĩ Phan Văn Thái chưa bao giờ quên. Đây cũng là “di sản” mà anh chắt chiu để truyền lại cho thế hệ bác sĩ trẻ tại khoa Ngoại tổng quát.
Tài năng cùng tâm đức của vị trưởng khoa trở thành mẫu mực để lớp bác sĩ trẻ kế thừa. “Tiếng gọi thầy dành cho đàn anh xuất phát từ niềm cảm phục lẫn mến yêu. Làm việc với vị trưởng khoa có nhiều phẩm chất của bác sĩ phẫu thuật xuất sắc, tiêu chuẩn đạo đức cao, nhận định chuyên môn giỏi, có năng lực tự học và tiếp cận cái mới, với tôi, đây vừa là cơ hội học hỏi, vừa là áp lực. 5 năm đồng hành, tôi luôn phải nỗ lực rất nhiều để có thể theo kịp thầy”, bác sĩ Trần Xuân Tiềm – khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV – chia sẻ.
Không chỉ là tấm gương sáng của lớp bác sĩ trẻ, bác sĩ Thái còn là người lãnh đạo gần gũi, thân thiết của đội ngũ điều dưỡng tại khoa Ngoại tổng quát. Nói về bác sĩ Thái, ánh mắt chị Trần Thị Minh Hiếu – Điều dưỡng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV – không giấu được sự quý mến. Khi có bất kỳ khó khăn nào trong việc chăm sóc bệnh nhân, chị đều chủ động mở lời để nhờ bác sĩ tham vấn. Cách hướng dẫn rõ ràng, kiên nhẫn của bác sĩ Thái giúp chị có thêm điểm tựa để hết lòng chăm sóc bệnh nhân, giúp họ sớm hồi phục để về đoàn tụ với gia đình.
Trải qua hơn hai thập kỷ gắn bó với FV, bác sĩ Phan Văn Thái trở thành một trong những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực ngoại khoa. Anh thừa nhận bản lĩnh của ngày hôm nay là thành quả của quá trình trui rèn không mệt mỏi. Với anh, đôi bàn tay khéo léo, thần kinh thép, đầu óc tổ chức, con mắt lập trình – tức khả năng quan sát và đưa ra phương án xử lý trên bàn mổ, chưa đủ để nói về tố chất cần có của một bác sĩ khoa ngoại. Người cầm dao mổ cần cả sự lăn xả chịu khó để “sống chết” với nghề.
“Để thỏa chí tang bồng, người làm nghề y cần có hậu phương vững chắc. Tôi may mắn khi có bạn đồng hành luôn hết lòng hy sinh và thấu hiểu. Nhưng guồng công việc tất bật, những ca cấp cứu có thể xảy ra bất kể ngày đêm khiến tôi vắng mặt trong những dịp đoàn viên, nghĩ lại không khỏi day dứt”, bác sĩ bày tỏ.
Hoàn thành kíp trực lúc 18h trước khi bước vào ca hội chẩn liên chuyên khoa, trên tay là túi bánh nóng hổi – món quà được gửi từ một bệnh nhân vừa rời viện không lâu, BSCKII Phan Văn Thái hào hứng chia cho đồng nghiệp, điều dưỡng ở khoa Ngoại tổng quát. Ai cũng ấm lòng trước món quà nhỏ mang theo tâm ý của người bệnh.
“Giúp bệnh nhân hồi phục là niềm vui vô tận, ngược lại, cảm xúc sinh ly tử biệt cũng khiến tôi trăn trở. Tôi còn nhớ một bệnh nhân ung thư, trước giờ lâm chung, vẫn kịp nhờ con gọi cho tôi để gửi lại lời từ biệt. Câu chuyện ấy vẫn in sâu trong tâm trí. Chính sự yêu mến của bệnh nhân đã trở thành sức mạnh lớn lao, giúp tôi không chùn chân trong suốt chặng đường hơn 20 năm y nghiệp”, bác sĩ tâm sự.