Tin tức

Hội thảo 'Tiếp Cận và Điều Trị Toàn Diện Ngủ Ngáy và Ngưng Thở Khi Ngủ' với bài thuyết trình của Bác Sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ nổi tiếng của Singapore

“Chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ” là một căn bệnh nguy hiểm và khá phổ biến, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, quá trình thăm khám và điều trị cần phối hợp đa chuyên khoa để có thể mang lại hiệu quả tối ưu. Tại Cần Thơ ngày 20.7, Bệnh viện FV phối hợp với Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ, cùng với sự cố vấn của Tập đoàn y tế Thomson (Singapore) đã tổ chức  Hội thảo “Tiếp cận và điều trị toàn diện ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ”, với các diễn giả và báo cáo viên là chuyên gia tai mũi họng, hàm mặt, ngoại khoa, dinh dưỡng. Đặc biệt có sự tham gia báo cáo của bác sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ rất nổi tiếng của Singapore.

Hội thảo đã thu hút được hơn 300 bác sĩ Nội tổng quát, Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Ngoại Tổng quát và Dinh duỡng đến từ 25 bệnh viện ở Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp. Hội thảo đã nhận được  nhiều sự quan tâm và đánh giá cao về tính chuyên nghiệp trong tổ chức cũng như chất lượng nội dung của các bài báo cáo từ bác sĩ tham dự, nổi bật trong số đó là bài trình bày của bác sĩ Barrie Tan.

Hội thảo đánh dấu sự khởi đầu cho chiến lược và kế hoạch “mang y học Singapore đến Việt Nam” mà Bệnh viện FV đang thực hiện, sau khi FV là thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson (Singapore).

“Sự tham gia của diễn giả khách mời – bác sĩ Barrie Tan, Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ, Bệnh viện Gleneagles (Singapore) cho Hội thảo “Tiếp cận và điều trị toàn diện ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ” do FV tổ chức tại Cần Thơ là một trong những hoạt động và nỗ lực đầu tiên của chúng tôi trong kế hoạch mời nhiều chuyên gia – bác sĩ hàng đầu của Singapore đến Việt Nam” – Thạc sĩ bác sĩ  Vũ Trường Sơn – Phó Giám đốc Y Khoa Bệnh viện FV phát biểu.

Theo bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám Đốc của Bệnh viện FV, “sự hiện diện của Bác sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ rất nổi tiếng của Singapore tại Hội thảo lần này chứng minh cho cam kết của chúng tôi. Chúng tôi đã lựa chọn và mời được các chuyên gia hàng đầu Singapore về FV để không chỉ đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn và chăm sóc bệnh nhân tại FV, tham gia các hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến đang được áp dụng tại Singapore mà còn đến FV để khám, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam”.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia đã cùng đưa ra nhiều phương pháp điều trị mới và toàn diện nhất cho căn bệnh nguy hiểm “ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ”. Được biết đây là một trong chuỗi các hoạt động đào tạo y khoa liên tục dành cho các bác sĩ được Bệnh viện FV tổ chức, các bác sĩ tham gia sẽ chính thức nhận được chứng chỉ và tín chỉ theo quy định.

Bác sĩ Vũ Trường Sơn – Phó Giám đốc Y Khoa Bệnh viện FV phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của gần 300 bác sĩ đến từ 25 bệnh viện của 9 tỉnh thành phía Nam

Ngưng thở khi ngủ: tăng nguy cơ tử vong gấp 3 lần, cần phối hợp đa chuyên khoa để điều trị đúng

Trong bài báo cáo, Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Công Minh – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV, cho biết một thống kê gần đây ở Việt Nam cho thấy 8,5% dân số mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, tăng tỉ lệ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỉ lệ tử vong lên gấp 3 lần trong vòng 15 năm.

TS.BS. Võ Công Minh khẳng định do bệnh ngưng thở khi ngủ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như thay đổi về lối sống, thừa cân, béo phì và các bệnh lý mạn tính khác, nên để có được hiệu quả điều trị tối ưu phải phối hợp đa chuyên khoa, đa phương pháp. Đối với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trước tiên bệnh nhân cần được các bác sĩ Tai Mũi Họng tầm soát và đánh giá đường hô hấp trên thông qua kiểm tra kết quả đa ký khi ngủ, được thực hiện dưới 12 tháng hoặc khám tai mũi họng toàn diện và nội soi. Ngoài ra, các phương pháp khảo sát khác cũng có thể được áp dụng như X-ray, Fluoroscopy, CT Scan, MRI, Đo phân tích sọ mặt hay phương pháp CT scan cone beam 3D cho phép đo đạc thể tích toàn bộ đường hô hấp trên – đây là phương pháp mới nhất mới được Bệnh viện FV triển khai. Từ kết quả tầm soát, các bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số AHI (chỉ số ngưng thở khi ngủ) để chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân hay là điều trị nội khoa.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Công Minh – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV

“Trong thời gian tới FV sẽ đưa thêm kỹ thuật kích thích điện thần kinh hô hấp trên để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ”, bác sĩ Minh cho biết.

Một nguyên nhân khác của hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể do cấu trúc xương hàm phát triển bất thường (lùi hàm), gây hẹp hoặc tắc đường thở khi ngủ. Và như vậy, việc điều trị hội chứng này sẽ cần có thêm sự tham gia của chuyên gia phẫu thuật hàm mặt. Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Nha và Phẫu Thuật Hàm Mặt, Bệnh viện FV đã trình bày phương pháp phẫu thuật hàm mặt và can thiệp nha khoa trong điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy. Theo đó, bệnh nhân có thể được chỉ định đeo khí cụ nha khoa để giúp đẩy trượt hàm dưới ra trước khi ngủ nhằm ngăn lùi hàm dưới gây hẹp/tắc đường thở thường được chỉ định trong các trường hợp: ngủ ngáy nguyên phát, ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ đến mức độ trung bình và tình trạng ngủ ngáy/hội chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tư thế ngủ.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Nha và Phẫu Thuật Hàm Mặt, Bệnh viện FV

Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ có chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp phẫu thuật cắt trượt xương hàm trên và xương hàm dưới ra trước, phương pháp này cho thấy hiệu quả cao, giúp làm ổn định thành hầu bên không bị sụp lại so với các can thiệp liên quan đến vùng vòm hầu khác. Tỷ lệ phẫu thuật thành công rất cao, giảm chỉ số AHI (chỉ số ngưng thở khi ngủ) từ 33.9 xuống 9.5, tỷ lệ thành công khoảng 86%, tỷ lệ khỏi hoàn toàn từ 30-40%.

Tại hội thảo, Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV mang đến các kiến thức và kinh nghiệm của chuyên khoa Dinh Dưỡng đối với căn bệnh này. Bác sĩ Thư cho biết, béo phì là một yếu tố nguy cơ chính gây chứng ngưng thở khi ngủ do tắt nghẽn hay còn gọi là OSA, cứ trọng lượng cơ thể tăng 10% thì nguy cơ mắc OSA tăng gấp 6 lần, do vậy việc giảm cân là hết sức quan trọng sẽ giúp người bệnh giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ. Để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, người béo phì cần áp dụng các biện pháp giảm cân, đó là tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện khoa học và kết hợp dùng thuốc khi cần.

Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV

Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao (BMI>35 hoặc BMI>30 có kèm nhiều bệnh nền), việc giảm cân bằng dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc không đáp ứng, có thể cân nhắc áp dụng phương pháp phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV, một nghiên cứu cho thấy trong số 14.000 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm cân cho thấy khả năng cải thiện ngưng thở khi ngủ khá tốt, từ 77-86%.

Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV

FV là một trong những bệnh viện đầu tiên thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống. Từ 01.2017-12.2023, FV đã thực hiện thành công cho 31 trường hợp, số liệu theo dõi trong 12 tháng cho thấy: trước mổ BMI trung bình là 37,5, sau 12 tháng thì BMI trung bình là 25. 3 tháng sau mổ trọng lượng cơ thể giảm trung bình 20kg, 12 tháng sau mổ giảm trung bình 35kg. “Đối với ngưng thở khi ngủ ở bệnh nhân béo phì, sau khi mổ 6 tháng có 3 trong 4 bệnh nhân không còn cần mang máy thở áp lực dương trong lúc ngủ, sau 12 tháng cả 4 bệnh nhân đều không cần mang máy thở áp lực dương khi ngủ”,  bác sĩ Thái cho biết.

Theo các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra, để điều trị hiệu quả cần dựa trên các khảo sát chính xác đường thở của bệnh nhân và cần phối hợp đa chuyên khoa. Với lợi thế của một bệnh viện đa chuyên khoa chuẩn quốc tế, Bệnh viện FV có thể phối hợp giữa Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Dinh dưỡng & Tiết chế và Khoa khoa Ngoại tổng quát để điều trị toàn diện căn bệnh này. Và khi trở thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson, FV còn có thêm sự hỗ trợ và hợp tác thường trực của đội ngũ chuyên gia – bác sĩ hàng đầu của Singapore để nâng cao năng lực điều trị các bệnh về tai mũi họng. Đặc biệt, trong tương lai gần, các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành của Singapore sẽ sang FV điều trị trực tiếp cho bệnh nhân ngay tại Việt Nam.

Bằng chiến lược “mang y học Singapore đến Việt Nam”, FV tích cực chia sẻ kiến thức mới đến cộng đồng y khoa Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực khám và điều trị y khoa tại Việt Nam.

Đến với hội thảo lần này, bác sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ, Bệnh viện Gleneagles, Singapore trình bày về “Phẫu thuật tai và cấy ghép thính giác – công nghệ và xu hướng mới nhất”. Bác sĩ Barrie Tan đã cập nhật những kỹ thuật cao trong điều trị rối loạn khả năng nghe. Bài trình bày của ông được đánh giá cao bởi đây là một lĩnh vực điều trị còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Sự góp mặt quan trọng của bác sĩ Barrie Tan đã khẳng định cho nỗ lực và chiến lược “mang y học Singapore đến Việt Nam” mà Bệnh viện FV đang thực hiện.

Bác sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ, Bệnh viện Gleneagles, Singapore

Tại hội nghị, thay mặt Ban Giam Đốc Bệnh viện FV, Bác sĩ Vũ Trường Sơn chia sẻ: “Từ khi sáp nhập với Tập đoàn y tế Thomson, chúng tôi có thêm cơ hội để mời các chuyên gia hàng đầu, kỹ thuật cao của họ đến đây để cập nhật không chỉ cho các bác sĩ của FV mà còn cho cộng đồng y tế Việt Nam học hỏi thêm những kinh nghiệm, kỹ năng và những kỹ thuật tiên tiến từ đất nước bạn. Tương lai không xa, nhiều bác sĩ Singapore sẽ tham gia đội ngũ FV để cùng chúng tôi tiếp tục sứ mệnh mang dịch vụ y tế quốc tế cho bệnh nhân Việt Nam”

Các bác sĩ tham dự hội thảo bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao các phương pháp toàn diện trong điều trị ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Sau hội thảo, các bác sĩ thực hiện bài kiểm tra và được Bệnh viện FV cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục (CME).

Các diễn giả giải đáp những câu hỏi của khách tham dự hội thảo

Tiến sĩ, Bác sĩ Châu Chiêu Hòa – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Cần Thơ nhận xét: “Bệnh viện FV có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cả nước cũng như quốc tế, từng tổ chức nhiều sự kiện chuyên môn trao đổi kinh nghiệm cho các y bác sĩ cả nước. Lần tổ chức sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành y tế tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận, việc cấp chứng chỉ CME của bệnh viện FV rất quan trọng, góp phần cho các y bác sĩ tham gia có thêm kiến thức về y tế, củng cố chuyên môn”.

Zalo
Facebook messenger