Tin tức

Điều trị thành công cắt bỏ u cơ thẳng bụng và tái tạo thành bụng bằng mảnh ghép nhân tạo đặc biệt

Bị một khối u lớn chiếm gần hết phần bụng dưới, chị L.P.H (Bình Thuận) thường đau bụng dai dẳng, rối loạn tiêu hóa và cảm giác không ngon miệng. Thế nhưng, nếu cắt bỏ khối u thì sau ca mổ, chỉ cần một cơn ách xì cũng có thể khiến ruột non, ruột già của chị H bị lòi ra ngoài…

Sau khi sinh mổ được nửa năm, chị L.P.H ngụ tại Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đột nhiên cảm thấy vết mổ như lồi ra, bụng luôn cộm cứng và khó chịu, ăn gì cũng không thấy ngon miệng vì luôn có cảm giác tức và đầy bụng. Khi đến khám tiêu hóa tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng của chị H có một khối u nằm ở ngay dưới các cơ thẳng bụng. Ngày qua ngày, chị H cảm thấy bụng càng lúc càng lớn, thậm chí có thể cảm nhận được cả tiếng lục bục xáo trộn bên trong. Thỉnh thoảng chị H còn thấy bụng mình gồ lên “như là có vật gì sống ở đó” khiến chị cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Tình trạng sức khỏe yếu dần cộng với tâm lý sợ hãi làm chị H ngày càng kiệt sức, gầy gò. Gia đình chị rất lo lắng nhưng không biết làm thế nào vì các bác sĩ đều từ chối phẫu thuật khối u cho chị H do vị trí khối u nằm ngay dưới các cơ thẳng bụng vốn là bức tường bảo vệ các cơ quan nội tạng, nếu cắt bỏ khối u cũng đồng nghĩa với việc phá vỡ bức tường này và làm cho hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của bệnh nhân giảm sút nghiêm trọng dễ dẫn đến tử vong.

Mọi hy vọng của chị dường như đều tắt ngúm cho đến khi chị đọc được thông tin về các ca phẫu thuật thành công của những bệnh nhân có khối u đường tiêu hóa nằm ở các vị trí nguy hiểm trong ổ bụng; hẹp thực quản và đặc biệt là xử lý các biến chứng sau phẫu thuật tiêu hóa như rò, hẹp, chảy máu … của Tiến sĩ – Bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa Pierre Joshep Dumas tại bệnh viện FV. Chị vội đến bệnh viện để mong được chữa trị “được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Sau khi kiểm tra, chụp CT scan X-quang các cơ quan nội tạng và sinh thiết khối u của chị H, các bác sĩ nhận thấy tế bào của khối u nằm giữa lằn ranh của ác tính và lành tính nhưng đã chèn ép lên ruột non, ruột già, đại tràng… có thể sớm gây vỡ ruột và tử vong. Ngay lập tức, Tiến sĩ- bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa Dumas đã cùng các bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn – Khoa Tiêu Hóa, bác sĩ Lê Đức Tuấn của khoa Ngoại tổng quát, Lồng ngực và mạch máu tiến hành cuộc Hội chẩn liên chuyên khoa để tìm biện pháp giải quyết triệt để khối u đồng thời phải bảo vệ các cơ quan tiêu hóa, nội tạng cho bệnh nhân.

Sau khi xem xét, bác sĩ Dumas nhận thấy phẫu thuật là biện pháp tối ưu để loại bỏ triệt để khối u. Bên cạnh đó việc kết hợp tái tạo lại thành bụng bằng cơ tự thân của chính chị H phối hợp với mảnh ghép nhân tạo sẽ giúp bảo vệ và đảm bảo được chức năng của các cơ quan nội tạng cho bệnh nhân. Theo bác sĩ, mảnh ghép nhân tạo dạng lưới này khi kết hợp với cơ tự thân của chính bệnh nhân có ưu điểm giúp cho bệnh nhân không đau, không dính ruột và phần cơ thẳng bụng nhanh chóng tự tái tạo lại sau này.

Bác sĩ Dumas đã phối hợp với bác sĩ Lê Đức Tuấn của khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện FV, thực hiện ca phẫu thuật này. Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện khối u với kích thước 30x20cm đã lớn gần bằng ổ bụng, kéo dài từ dưới lồng ngực đến gần xương mu, chèn ép hầu hết ruột non, ruột già, đại tràng bên phải trái của bệnh nhân, gây viêm dính, khó khăn cho quá trình bóc tách. Bác sĩ Dumas cùng các bác sĩ phải tiến hành chia nhỏ khối u, thực hiện thật cẩn thận và chuyên nghiệp trong từng nhát cắt nếu không sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

Sau khi cắt bỏ được khối u, bác sĩ Dumas đã sử dụng một phần cơ vùng chậu để nối với các cơ thành bụng cùng mảnh ghép nhân tạo dạng lưới đặc biệt để chống dính ruột, ráp nối vào đoạn cơ đã mất. Khó nhất ở kỹ thuật này là làm sao để nối mảnh ghép nhân tạo mà sau khi nối vào các mạch máu đều hoạt động và tránh bị hoại tử. Muốn như thế các thao tác phẫu thuật phải nhanh, thuần thục, chính xác. Với sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm của bác sĩ Dumas cùng sự hỗ trợ của ê-kíp phẫu thuật, ca mổ kéo dài gần 5 tiếng đã thành công tốt đẹp.

Sau ca phẫu thuật khoảng ba ngày, bệnh nhân đã cảm thấy bụng bớt đau hẳn, ăn uống được bình thường, không bị đi ngoài phân lỏng nữa và hô hấp tốt. Ba tháng sau ngày phẫu thuật, bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn và quay trở lại cuộc sống hàng ngày, có thể ăn được nhiều món hơn trước.

PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ ĐƯỜNG TIÊU HÓA VÀ UNG THƯ TIÊU HÓA VỚI TIẾN SĨ – BÁC SĨ PHẪU THUẬT PIERRE- JOSHEP DUMAS

Những bệnh nhân nhận thấy mình có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, táo bón, trào ngược dạ dày – thực quản, đầy hơi khó tiêu…, nặng hơn là viêm loét dạ dày, đôi khi biến chứng có nôn ói và đi cầu ra máu, thậm chí ung thư dạ dày thực quản và đại tràng; viêm gan mạn tính, viêm tụy với biến chứng ung thư gan – mật – tụy hoặc mắc một trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa và hậu môn – trực tràng… rất cần được tầm soát, phát hiện sớm để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Nếu bạn hoặc người thân mắc một trong các trường hợp trên, hãy liên lạc số (08) 5411 34 66 (Khoa Tiêu Hóa – Gan mật) – 54 11 33 33 (máy nhánh : 1250) đặt hẹn với Tiến sĩ – bác sĩ Pierre-Joseph Dumas, chuyên gia Lồng ngực – Mạch máu và Tiêu hóa hàng đầu của Pháp, để được khám và điều trị trực tiếp từ ngày 24/02 đến ngày 20/03/2014.

Ngoài ra, muốn tìm hiểu thêm thông tin, bạn có thể tham gia buổi hội thảo chủ đề Bệnh lý Đường tiêu hóa và Ung thư đường tiêu hóa: Tầm soát sớm-Chẩn đoán chính xác-Phẫu thuật triệt để – Và điều trị toàn diện để có thể gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với Tiến sĩ-Bác sĩ Pierre-Joseph Dumas và các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa-Gan mật của Bệnh viện FV. Buổi hội thảo sẽ diễn ra lúc 9g00 sáng ngày 1/3/2014 tại Khách sạn Continental, 134 Đồng Khởi, Q.1, TP. HCM. Liên hệ đăng ký tham gia hội thảo qua số (08) 5411 3333 – máy nhánh 1336.

Zalo
Facebook messenger