Sử dụng nước cho quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể đã xuất hiện từ thời cổ đại. Chuyển dạ trong nước là quá trình chuyển dạ trong bồn sinh chứa đầy nước ấm. Nước có thể giúp giảm đau, và một số phụ nữ cảm thấy thư giãn và dễ chịu. Lý thuyết cho rằng vì em bé đã ở trong nước ối được 9 tháng, nên việc sinh nở trong nước sẽ thoải mái hơn cho em bé.
Phòng sinh tại Bệnh viện FV có một bồn sinh rất thoải mái. Những phụ nữ khỏe mạnh mang thai bình thường từ 37 tuần trở lên có thể sử dụng bồn sinh nếu họ muốn.
Nếu bạn đang cân nhắc muốn được chuyển dạ trong nước, vui lòng thảo luận với bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh của bạn.
CHUYỂN DẠ TRONG NƯỚC CÓ NHỮNG LỢI ÍCH GÌ?
- Trải nhiệm ít đau do cơn gò và ít đau lưng hơn. Bạn cảm thấy đau lúc chuyển dạ khi các cơ trong tử cung (dạ con) co lại và cơ đáy chậu (phần da và cơ giữa âm đạo và trực tràng của bạn, còn gọi là hậu môn) giãn ra để chuẩn bị cho cuộc Nước ấm có tác dụng làm dịu, thư giãn cơ và kích thích sự giải phóng endorphin. Endorphin là những hormone làm giảm đau tự nhiên của cơ thể.
- Giảm sử dụng đáng kể các hình thức giảm đau dùng thuốc chẳng hạn như pethidine hoặc gây tê ngoài màng cứng.
- Cảm thấy bớt lo lắng và thoải mái hơn. Cùng với tác dụng giảm đau, endorphin còn làm tăng cảm giác thoải mái của bạn. Phụ nữ sử dụng nước để chuyển dạ và sinh con thường mô tả đó là cảm giác thư giãn và êm dịu.
- Di chuyển và thay đổi tư thế dễ dàng hơn. Điều này là do hiệu ứng nổi được tạo ra bởi độ sâu của nước. Nước trong bồn sinh sẽ nâng đỡ 75% trọng lượng của bạn. Điều này cho phép bạn di chuyển xung quanh bồn dễ dàng hơn. Sự nâng đỡ này giúp bạn tiết kiệm năng lượng, giúp bạn có thêm năng lượng cho quá trình chuyển dạ. Nó cũng giúp bạn dễ dàng thay đổi tư thế và giữ tư thế thẳng đứng.
- Giữ tư thế đứng thẳng. Tư thế đứng thẳng khi chuyển dạ giúp các cơn co thắt hiệu quả hơn và cho phép trọng lực hỗ trợ bạn. Điều này khuyến khích em bé của bạn đi xuống qua ống sinh ở tư thế tốt nhất.
- Cảm thấy được trao quyền, tham gia vào việc ra quyết định và kiểm soát. Điều này một phần là nhờ khả năng di chuyển của bạn tăng lên nhưng cũng nhờ cảm giác riêng tư mà nước mang lại.
CHUYỂN DẠ TRONG NƯỚC?
Không có rủi ro gia tăng cho bạn hoặc cho em bé của bạn nếu bạn chuyển dạ và ngay cả sinh con trong nước so với trên cạn. Lựa chọn chuyển dạ trong nước không có rủi ro nhiễm khuẩn hơn so với chuyển dạ không có nước. Đối với phụ nữ khỏe mạnh có thai kỳ bình thường, hiếm khi xuất hiện biến chứng khi họ cẩn thận tuân thủ các hướng dẫn sử dụng nước trong khi sinh. Đội ngũ nữ hộ sinh chăm sóc cho bạn sẽ tuân thủ theo các hướng dẫn cụ thể để đảm bảo bạn sử dụng bồn nước sạch. Trong trường hợp bạn bị nhiễm trùng, ví dụ như bệnh mụn rộp, hoặc bạn cảm thấy hơi sốt và không khỏe, nữ hộ sinh của bạn sẽ khuyên bạn không sử dụng bồn nước.
THỜI GIAN CHUYỂN DẠ
Dựa trên nghiên cứu đã được thực hiện về chủ đề này, đến nay vẫn chưa rõ liệu nước có ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian chuyển dạ của bạn hay không. Những gì chúng ta biết là tình trạng căng thẳng và lo lắng có liên quan đến các cơn co thắt yếu hơn và ít thường xuyên hơn và do đó làm chậm lại quá trình chuyển dạ. Chuyển dạ trong nước giúp giảm đau, giúp phụ nữ đang căng thẳng và lo lắng được thư giãn. Điều này cho phép quá trình chuyển dạ diễn ra ở tốc độ bình thường.
Mặc dù vậy, điều quan trọng là tránh vào bồn nước quá sớm, dù việc này có hấp dẫn đến đâu, bởi vì vào bồn nước sớm đôi khi có thể làm chậm quá trình chuyển dạ của bạn. Lý tưởng nhất là bạn nên chờ đến khi quá trình chuyển dạ của mình đã thật sự xuất hiện. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn nếu bạn cảm thấy cần thêm hỗ trợ giảm đau.
CHUYỂN DẠ TRONG NƯỚC CÓ PHÙ HỢP VỚI BẠN KHÔNG?
Bạn có thể sử dụng bồn nước nếu bạn có thai kỳ bình thường và đang mang thai trong khoảng tuần 37 đến tuần 42 và không gặp phải bất kỳ tình trạng y tế hoặc biến chứng nghiêm trọng nào trong thai kỳ này hoặc các thai kỳ trước. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể sử dụng bồn nước nếu bạn đang mang thai đơn và em bé của bạn đang nằm ở tư thế đầu quay xuống (ngôi đầu). Bạn cũng cần có đủ sức khỏe để có thể tự vào và ra khỏi bồn nước, và Chỉ Số Khối Cơ Thể (BMI) của bạn phải bằng hoặc dưới 35.
AI KHÔNG THỂ SỬ DỤNG BỒN NƯỚC?
- Nước ối của bạn có màu nâu, xanh lá hoặc có vết máu;
- Hơn 24 giờ từ khi vỡ nước ối cho đến khi chuyển dạ bắt đầu;
- Có khuyến nghị liên tục theo dõi nhịp tim của em bé;
- Có nghi ngờ hoặc có chẩn đoán bạn bị nhiễm trùng;
- Bạn đang mang song thai;
- Bạn mắc một tình trạng bệnh lý như tiền sản giật, động kinh, v.v.
- Em bé của bạn bị nghi ngờ mắc một tình trạng bệnh lý.
Hãy thảo luận về những khuyến nghị này với bác sĩ sản khoa của bạn trong suốt thai kỳ, vì điều này giúp bạn và bác sĩ sản khoa quyết định liệu việc sử dụng nước trong quá trình chuyển dạ và sinh nở có phù hợp với bạn hay không.
NHIỄM KHUẨN STREPTOCOCCUS NHÓM B (GBS) KHỞI PHÁT SỚM
Nếu bác sĩ khuyến nghị sử dụng kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để ngăn ngừa nguy cơ em bé bị mắc nhiễm khuẩn GBS khởi phát sớm, vui lòng thảo luận về những khuyến nghị này với bác sĩ sản khoa của bạn.
Nếu việc sử dụng bồn sinh phù hợp với bạn, bạn sẽ được tiêm liều kháng sinh đầu tiên trước khi vào bồn. Bạn cũng sẽ được khuyên ra khỏi bồn khi nhận liều kháng sinh tiếp theo. Kháng sinh sẽ được tiêm mỗi 4 giờ một lần. Ngoài ra, bạn cần cố gắng giữ cho ống thông dây truyền dịch và băng dán luôn khô ráo.
CHUẨN BỊ HÀNH LÝ
Chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị hành lý ít nhất 6 tuần trước ngày dự sinh.
Nếu bạn dự định sử dụng nước trong quá trình chuyển dạ, những đồ dùng sau đây có thể hữu ích cho bạn:
- Nhiều loại đồ uống, bao gồm nước điện giải (nước trái cây, nước ép, nước uống thể thao);
- Ống hút hoặc chai nước;
- Đồ ăn nhẹ như ngũ cốc, trái cây, sữa chua hoặc thanh năng lượng;
- Đồ để mặc – trong khi nhiều phụ nữ chọn không mặc gì trong bồn, một số khác lại thích mặc áo (áo dây, áo lót hoặc áo bikini thoải mái hơn so với áo thun/phông, vì áo có tay có thể khiến bạn cảm thấy lạnh khi vải ướt);
- Một chiếc gối bơm hơi để làm nơi tựa đầu;
- Một tấm đệm quỳ hoặc phao bơi để quỳ trong bồn;
- Một chiếc áo choàng tắm ấm và một chiếc khăn lớn;
- Giày không dây hoặc dép lê có đế chống trượt – dễ dàng mang khi đi vệ sinh.
CHĂM SÓC BẠN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ
Trước khi vào bồn, nữ hộ sinh của bạn sẽ:
- Đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn;
- Đo huyết áp, mạch và thân nhiệt của bạn;
- Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của bạn và em bé trong suốt thai kỳ;
- Nghe nhịp tim thai và xác nhận ngôi thai;
- Quan sát tần suất và cường độ cơn gò tử cung của bạn;
- Đánh giá cổ tử cung và xác nhận tình trạng chuyển dạ.
Điều này nhằm đảm bảo bồn nước là môi trường phù hợp cho bạn trong quá trình chuyển dạ. Nữ hộ sinh của bạn sẽ giải thích tầm quan trọng của việc ra khỏi bồn nếu có lo ngại về sức khỏe của bạn hoặc của em bé. Điều quan trọng là cần phải đảm bảo bạn có thể tự vào và ra khỏi bồn.
KIỂM TRA THÂN NHIỆT
Mỗi giờ trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ (khi bạn đang có cơn gò đều đặn và cổ tử cung của bạn đang mở), nữ hộ sinh sẽ kiểm tra:
- Thân nhiệt của bạn
- Nhiệt độ phòng
- Nhiệt độ nước trong bồn.
Điều này nhằm đảm bảo bạn cảm thấy thoải mái. Nhiệt độ nước được khuyến nghị là từ 34 đến 37°C. Bạn cần thông báo cho nữ hộ sinh nếu cảm thấy quá nóng.
Nữ hộ sinh sẽ điều chỉnh nhiệt độ nước và theo dõi bạn chặt chẽ. Nước quá nóng có thể:
- Khiến bạn mất nước và bị tình trạng tăng thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể tăng lên);
- Khiến nhiệt độ của em bé tăng lên (điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng của em bé thích ứng với quá trình chuyển dạ).
Nữ hộ sinh sẽ khuyên bạn ra khỏi bồn nếu thân nhiệt của bạn:
- Cao hơn 37.5°C; hoặc
- Tăng 1°C so với nhiệt độ được ghi nhận vào đầu quá trình chuyển dạ.
THEO DÕI SỨC KHỎE CỦA EM BÉ
Thường xuyên theo dõi nhịp tim của em bé là rất quan trọng trong suốt quá trình chuyển dạ, dù bạn có sử dụng nước hay không.
Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ, khi cổ tử cung của bạn đang mở, nữ hộ sinh sẽ nghe nhịp tim của em bé mỗi 60 phút. Nữ hộ sinh sẽ sử dụng thiết bị nghe tim thai không thấm nước để nghe nhịp tim của em bé dưới nước, vì vậy bạn không cần phải ra khỏi bồn trừ khi có lo ngại về tình trạng sức khỏe của em bé.
Nếu nhịp tim của em bé quá nhanh hoặc quá chậm, hoặc màu sắc của nước ối thay đổi, chuyển sang màu xanh lá, nâu hoặc có vết máu, nữ hộ sinh có thể yêu cầu bạn ra khỏi bồn nước. Bởi vì những tình trạng này có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của em bé đang gặp nguy hiểm và em bé có thể hít thở lần đầu (hít vào) dưới nước, từ đó có thể dẫn đến các vấn đề khác.
THỨC ĂN VÀ ĐỒ UỐNG
Trong quá trình chuyển dạ, đặc biệt là khi bạn ở trong bồn, nữ hộ sinh sẽ khuyến khích bạn uống nước thường xuyên. Việc giữ nước là rất quan trọng trong quá trình chuyển dạ, vì mất nước có thể dẫn đến mệt mỏi và ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng cơn đau cũng như hiệu quả của các cơn co.
Ngoài uống nước, bạn cũng nên uống các loại đồ uống có chất điện giải (nước uống thể thao), sữa, nước trái cây và nước ép, vì chúng sẽ cung cấp năng lượng cho bạn và đảm bảo mức natri trong máu không xuống quá thấp.
Mức natri thấp có thể gây ra tình trạng hạ natri máu. Tình trạng này gây đau đầu, cảm giác lú lẫn, kích thích và trong một số trường hợp hiếm gặp là co giật. Tình trạng này có thể xảy ra dù bạn có sử dụng bồn hay không, nhưng cần lưu ý rằng phòng có bồn nước có thể trở nên nóng và ẩm.
Nữ hộ sinh sẽ khuyên bạn mang theo một số loại đồ uống và đồ ăn nhẹ. Chế độ ăn nhẹ như ngũ cốc, trái cây, sữa chua hoặc thanh năng lượng sẽ giúp bạn duy trì mức năng lượng hợp lý. Khi chuẩn bị hành lý, hãy đảm bảo mang đủ cho bạn và người đồng hành cùng bạn trong quá trình chuyển dạ.
CHĂM SÓC BÀNG QUANG CỦA BẠN
Nữ hộ sinh sẽ khuyến khích bạn đi tiểu thường xuyên, ít nhất mỗi 2 đến 4 giờ, tốt nhất là ra khỏi bồn và đi đến nhà vệ sinh.
Họ có thể cũng yêu cầu bạn đo lượng nước tiểu của bạn trong mỗi lần đi vệ sinh. Điều này sẽ giúp nữ hộ sinh đánh giá chức năng bàng quang của bạn. Vì lý do này, bạn phải thông báo cho nữ hộ sinh nếu bạn đi tiểu trong bồn. Nước tiểu là vô trùng và sẽ được pha loãng bởi nước trong bồn, nên không gây hại cho em bé của bạn, nhưng việc đi đến nhà vệ sinh sẽ giúp bạn thay đổi tư thế và tận dụng tác dụng của trọng lực. Việc này cũng sẽ tạo cơ hội cho nữ hộ sinh làm mới nước trong bồn.
ĐỘ SÂU CỦA NƯỚC
Độ sâu của nước trong bồn rất quan trọng vì nó tạo ra hiệu ứng nổi giúp nâng đỡ trọng lượng của bạn và cho phép bạn ngồi thẳng và thay đổi tư thế dễ dàng hơn. Bồn sẽ được cấp nước theo chiều cao của bạn và mặt nước nên ngang với ngực của bạn khi bạn ngồi.
Ở Bệnh viện FV, bồn có mặt nước tương tự như bồn tắm. Do đó, bạn có thể muốn sử dụng đệm quỳ bằng mút xốp hoặc các dụng cụ nổi để giúp bạn di chuyển dễ dàng và thoải mái, đặc biệt nếu bạn chọn tư thế quỳ. Nếu bạn muốn làm vậy, hãy chắc chắn mang theo dụng cụ của riêng bạn. Chúng tôi không thể cung cấp phao do khó khăn trong việc vệ sinh chúng.
GIẢM ĐAU BỔ SUNG
Nếu bạn đang sử dụng máy kích thích thần kinh điện qua da (TENS) trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ, bạn cần tháo nó ra trước khi vào trong bồn.
Tinh dầu trị liệu không nên được thêm trực tiếp vào nước. Nếu tinh dầu trị liệu đã được sử dụng để mát-xa trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ và vẫn còn nhìn thấy trên da, nữ hộ sinh sẽ khuyến khích bạn nên tắm rửa sạch trong khi chờ bồn được đổ đầy nước.
NGƯỜI ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ
Nếu bạn muốn bạn đồng hành sinh nở của mình vào bồn để hỗ trợ bạn, điều này có thể thực hiện nếu họ mặc đồ bơi hoặc áo thun/phông và quần đùi.
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Tôi nên mặc gì?
Hầu hết phụ nữ chọn không mặc gì trong bồn, tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi mặc áo ngực, áo bikini hoặc áo phông/thun. Bạn nên mang theo dép kẹp, thêm khăn tắm và áo choàng tắm để không bị lạnh, vì bạn có thể vào và ra khỏi bồn nhiều lần trong quá trình chuyển dạ.
Khi nào tôi có thể vào bồn?
Tốt nhất nên sử dụng bồn khi cơn gò của bạn mạnh và đều đặn và quá trình chuyển dạ của bạn đang tiến triển tốt. Nữ hộ sinh sẽ tư vấn cho bạn thời điểm tốt nhất.
Khi nào tôi nên ra khỏi bồn?
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn. Nếu bạn cảm thấy bồn không phù hợp với bạn, hoặc bạn yêu cầu hình thức giảm đau khác, bạn có thể rời khỏi bồn. Bạn có thể muốn ra khỏi bồn để di chuyển, ăn/uống, thay đổi tư thế/nghỉ ngơi để giúp quá trình chuyển dạ tiến triển. Nữ hộ sinh có thể yêu cầu bạn rời khỏi bồn vì nhiều lý do – để bạn đi vệ sinh, làm mới nước bồn hoặc nếu bạn đã ở trong bồn quá lâu. Việc nghỉ ngơi có thể mang lại lợi ích lớn hơn khi bạn quay lại bồn. Nữ hộ sinh cũng sẽ yêu cầu bạn rời khỏi bồn nếu họ cảm thấy quá trình chuyển dạ của bạn đã chậm lại, hoặc có lo ngại về tình trạng sức khỏe của bạn hoặc của em bé.
Nữ hộ sinh sẽ chăm sóc tôi như thế nào trong bồn?
Đội ngũ nữ hộ sinh hướng tới việc tạo ra một môi trường riêng tư, an toàn, yên tĩnh và thoải mái. Chúng tôi sẽ động viên bạn khi cần thiết và hạn chế làm phiền bạn ở mức tối đa. Nữ hộ sinh sẽ thường xuyên nghe nhịp tim của em bé; kiểm tra nhiệt độ, mạch và huyết áp của bạn.
Nếu nữ hộ sinh có bất kỳ lo ngại nào về bạn hoặc em bé trong quá trình chuyển dạ, bạn sẽ được yêu cầu rời khỏi bồn.
Theo dõi nhịp tim của em bé như thế nào?
Nữ hộ sinh sẽ sử dụng máy theo dõi nhịp tim cầm tay chạy bằng pin, có thể được sử dụng an toàn khi bạn ở trong nước. Nữ hộ sinh sẽ nghe mỗi 60 phút để đánh giá sức khỏe của em bé. Nếu đã quyết định rằng cần theo dõi liên tục nhịp tim của em bé, trong một số tình huống, nữ hộ sinh có thể sử dụng máy theo dõi không dây để thực hiện điều này.
Tôi có thể sử dụng gì khác để giảm đau khi ở trong bồn?
Nhiều sản phụ thấy rằng việc nghe nhạc mình yêu thích, mát-xa, liệu pháp mùi hương, thở sâu và/hoặc sử dụng các kỹ thuật sinh con bằng thôi miên giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm sinh nở của họ. Nếu điều này không đủ để giảm đau cho bạn, nữ hộ sinh có thể khuyên bạn rời khỏi bồn để tìm các phương pháp giảm đau khác như Pethidine hoặc gây tê ngoài màng cứng.
Tôi có thể ăn hoặc uống khi sử dụng Bồn không?
Việc uống đủ nước là rất quan trọng; bạn đồng hành khi sinh nở của bạn có thể giúp nhắc nhở bạn uống nước thường xuyên và ăn nhẹ để duy trì sức bền. Ví dụ về đồ uống bao gồm nước cam/nước táo hoặc đồ uống thể thao có chất điện giải. Hãy mang theo một số đồ ăn nhẹ trong túi đồ đến bệnh viện như bánh quy giòn mặn hoặc bánh quy nhạt.
Nếu bồn trong bệnh viện đã được sử dụng thì sao?
Vì bạn không biết chính xác khi nào bạn bắt đầu vô chuyển dạ nên không thể đăng ký trước bồn do Phòng Sinh của Bệnh viện FV chỉ có một bồn. Tuy nhiên, sẽ hữu ích nếu bạn chuẩn bị trước kế hoạch thay thế trong trường hợp không có bồn khi bạn đến. Bạn có thể sử dụng các phương pháp khác như dùng vòi sen để giúp bạn thư giãn. Một khi bồn nước đã sẵn có, chúng tôi sẽ thông báo cho bạn sớm nhất có thể và nếu quá trình chuyển dạ không có biến chứng, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của bạn.
Người đồng hành khi sinh của tôi có thể giúp gì?
Vai trò của người đồng hành là hỗ trợ sản phụ trong quá trình chuyển dạ, giúp sản phụ cảm thấy thư giãn và được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ có thể giúp bạn thay đổi tư thế, thường xuyên đưa đồ uống cho bạn và sử dụng khăn mặt thấm nước mát để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Họ cũng có thể vào bồn nếu muốn và mặc trang phục phù hợp. Nếu bạn đã quyết định muốn sử dụng bồn, bạn và người đồng hành có thể đưa ra một kế hoạch sinh. Điều này sẽ đảm bảo rằng nhu cầu của bạn được hiểu rõ hoàn toàn.
Tôi vẫn có thể sử dụng bồn nếu tôi đã vỡ ối không?
Có thể, nhưng chỉ nếu em bé chưa đi tiêu (không có phân su) và quá trình chuyển dạ diễn ra suôn sẻ. Nếu em bé đã đi phân su, điều này có thể có nghĩa là em bé không thích nghi tốt với căng thẳng của quá trình chuyển dạ và sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn ngoài bồn. Ngoài ra, bạn đã vỡ ối hơn 24 giờ, chúng tôi khuyên bạn không nên sử dụng bồn.
Có nguy cơ nhiễm khuẩn nào không?
Bằng chứng cho thấy nguy cơ nhiễm khuẩn khi sử dụng nước để giảm đau là rất thấp.
Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu
Gọi điện cho Phòng Sinh của Bệnh viện FV theo số 028 54 11 34 50 để thông báo cho chúng tôi biết rằng bạn đang đến và rằng bạn muốn sử dụng bồn nếu có sẵn. Khi bạn đến, nữ hộ sinh chăm sóc bạn sẽ hỏi một số câu hỏi và xem xét hồ sơ của bạn. Cô ấy sẽ kiểm tra bụng của bạn để cảm nhận vị trí của em bé, và có thể thực hiện khám trong để quyết định khi nào bạn nên vào bồn.
Nếu thai kỳ của bạn diễn ra bình thường và không phát hiện vấn đề gì khi bạn đến, thì bạn có thể sử dụng bồn. Cần khoảng 20-30 phút để cấp nước cho bồn. Khi bồn đã sẵn sàng, bạn có thể vào bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn có thể thử các tư thế khác nhau để duy trì sự thoải mái và sử dụng bồn khi bạn muốn.