Gãy xương chày gần khớp gối

Gãy hoặc vỡ phần trên xương ống chân (xương chày) có thể là hậu quả của chấn thương với lực tác động nhẹ như té ngã từ trên cao, hay do chấn thương với lực tác động mạnh như tai nạn giao thông. Việc xác định và xử trí thích hợp những tổn thương này sẽ giúp hồi phục chức năng của chi (sức mạnh, sự vận động và độ vững chắc) đồng thời hạn chế nguy cơ viêm khớp.

Các mô mềm (da, cơ, dây thần kinh, mạch máu và dây chằng) cũng có thể bị tổn thương vào thời điểm gãy xương. Chính vì điều này, Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ kiểm tra mọi dấu hiệu tổn thương mô mềm và đưa vào kế hoạch xử trí phần gãy xương.

Cho dù tổn thương có được điều trị bằng phẫu thuật hay không, thì cả phần tổn thương xương (gãy xương) và bất kỳ tổn thương mô mềm nào cũng phải được điều trị cùng nhau.

NGUYÊN NHÂN

Gãy xương ở ¼ trên xương cẳng chân, hay xương chày, có thể có hoặc không phạm đến khớp gối. Gãy xương phạm khớp gối có thể làm cho khớp không còn nguyên vẹn và bề mặt khớp không còn trơn láng. Thêm vào đó, gãy xương có thể làm cho xương sắp xếp không đúng vị trí. Một trong những yếu tố trên có thể góp phần làm tăng sự thoái hóa khớp (viêm khớp), sự mất cân bằng và mất khả năng vận động.

Gãy phần trên xương chày có thể xảy ra do gắng sức (gãy xương nhẹ do hoạt động quá mức bình thường) hay do xương đã bị tổn thương từ trước (như ung thư hay nhiễm trùng). Tuy nhiên phần lớn là do chấn thương (tổn thương).

Người trẻ tuổi thường bị gãy xương do chấn thương với lực tác động mạnh, như té ngã từ một độ cao đáng kể, chấn thương do hoạt động thể thao, và tai nạn xe cộ. Người lớn tuổi có xương kém chất lượng hơn, thường chỉ cần chấn thương với lực tác động nhẹ (té ngã khi đang đứng) cũng có thể làm gãy xương.

Nhiều người lớn tuổi với các vấn đề về y khoa như tim mạch, phổi, đái tháo đường hay các bệnh lý khác thì cần phải được xem xét và điều trị.

Vị trí gãy xương trong đầu gối và mức độ di lệch (“di chuyển”) xương sẽ cho biết “kiểu” gãy xương. Kiểu gãy xương được xác định bởi lực tác động gây tổn thương, cùng với cách thức và vị trí mà lực tác động vào chi. Lực có thể do tác động trực tiếp (vào chắn bùn xe); tác động thẳng đứng (té ngã); cong gối (té ngã, hoạt động thể thao và tai nạn xe cộ); hay một vài dạng kết hợp các lực tác động nói trên.

TRIỆU CHỨNG

Gãy phần trên xương chày (xương ống chân) có thể gây tổn thương cho cả xương lẫn mô mềm ở vùng gối. Các triệu chứng có thể là:

  • Đau khi chịu lực: thông thường, người bị tổn thương nhận thức rất rõ việc không thể chịu đau khi đặt trọng lượng lên chân bị tổn thương
  • Căng quanh đầu gối và cong gối bị hạn chế: đầu gối có cảm giác và thấy bị kéo căng, do chảy máu trong khớp. Tình trạng này cũng hạn chế sự vận động của khớp (cong gối)
  • Biến dạng quanh đầu gối: chân có thể có hoặc không bị biến dạng .
  • Bàn chân lạnh và tím tái: bàn chân nhìn tím tái hay sờ có cảm giác lạnh có thể cho thấy việc nuôi tưới máu bị ảnh hưởng.
  • Tê cứng quanh bàn chân: tê cứng, hay có “cảm giác rần rần như kim chích” trong bàn chân cho thấy tổn thương dây thần kinh hay sưng tấy quá mức trong chân.

Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến Khoa Cấp cứu để được đánh giá tình trạng của mình.

CHẨN ĐOÁN

Bác sĩ thường sử dụng hình ảnh X-quang (bên trái) và CT (bên phải) để xác định vị trí và độ di lệch của từng mảnh xương gãy.

Việc chẩn đoán gãy phần trên xương chày gần khớp gối sẽ dựa vào việc thăm khám lâm sàng và khảo sát chẩn đoán hình ảnh.

Chụp X-quang nhiều tư thế giúp xác định vị trí trong đầu gối và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Thông thường chụp cắt lớp điện toán (CT) cũng được chỉ định.

Một số thủ thuật đặc biệt chỉ đôi khi được yêu cầu để đánh giá tình trạng nuôi tưới máu. Chụp cộng hưởng từ (MRI) được hạn chế trong các giai đoạn đánh giá và điều trị ban đầu.

ĐIỀU TRỊ

Sự cân nhắc

Trước khi quyết định có nên điều trị tổn thương bằng phẫu thuật hay điều trị nội khoa, phải cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan đến  mong muốn, lối sống và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Cả hai phương pháp điều trị đều mang lại những lợi ích và nguy cơ.

Bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và bác sĩ sẽ cùng phối hợp để đưa ra quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Phương pháp điều trị sẽ được ưu tiên dựa vào những chi tiết đặc thù của tổn thương và nhu cầu của bệnh nhân.

Với bệnh nhân năng động, việc phục hồi khớp gối bằng phẫu thuật thường thích hợp hơn vì phương pháp này sẽ giúp tối ưu hóa độ vững chắc và sự vận động của khớp gối, đồng thời giảm thiểu nguy cơ viêm khớp.

Tuy nhiên đối với một số bệnh nhân khác, lợi ích của phẫu thuật có thể bị hạn chế. Các bệnh lý hoặc các vấn đề có sẵn ở chân có thể không mang lại lợi ích khi phẫu thuật. Trong các trường hợp này, phẫu thuật có thể chỉ làm cho bệnh nhân gặp phải các nguy cơ (thí dụ: thủ thuật gây mê hoặc nhiễm trùng)

Điều trị không phẫu thuật

Điều trị không phẫu thuật có thể bao gồm việc hạn chế vận động và chịu lực, kết hợp với việc sử dụng những thiết bị cố định ngoài (nẹp cố định hay băng bột). Thông thường, việc đánh giá và chụp X-quang các mô mềm được thực hiện trong các khoảng thời gian theo chỉ định. Việc bắt đầu vận động và chịu lực khớp gối sẽ được tiến hành khi tình trạng tổn thương và phương pháp điều trị cho phép thực hiện.

Điều trị phẫu thuật

Nếu lựa chọn điều trị phẫu thuật để sắp xếp và giữ cho xương đúng vị trị,  nhiều thiết bị y khoa có thể được cân nhắc sử dụng.



Bên trái, xương chày bị gãy ở một phần tư trên, nhưng không phạm vào khớp gối. Loại gãy xương không phạm vào khớp gối này có thể được điều trị bằng cách đặt thanh kim loại (hình bên phải) hay nẹp kim loại. Một thanh kim loại được đặt vào trong khoang rỗng của xương

Reproduced with permission from Bono CM, Levine, RG, Rao JP, Behrens FF: Nonarticular Proximal Tibia Fractures: Treatment Options and Decision Making. J Am Acad Orthop Surg 2001; 9:176-186.

Thanh và Nẹp kim loại

Trong các trường hợp gãy một phần tư trên xương chày, trong khi khớp vẫn nguyên vẹn, thanh hay nẹp kim loại có thể được sử dụng để cố định chỗ gãy xương. Thanh kim loại sẽ được đặt vào trong khoang tủy xương, trong khi nẹp kim loại sẽ được đặt vào mặt ngoài xương.

Nẹp kim loại thường được sử dụng trong trường hợp gãy xương có phạm vào khớp gối. Nếu chỗ gãy phạm vào khớp và làm xương bị lún, việc nâng các mảnh xương gãy có thể cần thiết để phục hồi chức năng khớp. Tuy nhiên, việc nâng các mảnh xương gãy sẽ tạo ra một chỗ khuyết xương, hoặc lỗ hỏng trong vùng xương xốp (“giòn”). Chỗ khuyết xương này phải được lấp đầy bằng vật liệu để giữ cho khớp không bị lún xuống. Vật liệu này có thể là mảnh xương ghép từ chính bệnh nhân hay từ ngân hàng xương. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên hay nhân tạo giúp kích thích liền xương cũng có thể được sử dụng.

Thiết bị cố định ngoài

Trong một vài trường hợp, tình trạng mô mềm bị tổn thương quá nặng khiến việc dùng nẹp hay thanh kim loại có thể làm tổn hại nhiều hơn. Thiết bị cố định ngoài ﴾được mô tả trong phần Chăm sóc cấp cứu, ở trang số…) có thể được xem như là phương pháp điều trị cuối cùng. Thiết bị cố định ngoài sẽ được tháo bỏ ra khi tổn thương đã lành.

Phần xương gãy bị lún xuống (hình bên trái) phải được nâng lên để phục hồi khớp. Điều này giúp giảm nguy cơ viêm khớp và tình trạng mất vững.

Khi các mảnh khớp bị lún đã được nâng lên thì sẽ hình thành một chỗ khuyết xương ở bên dưới (hình bên phải). Chỗ khuyết này có thể được lấp đầy bằng nhiều loại xương ghép, các vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên hay nhân tạo khác nhau.

SỐNG CHUNG CÙNG THƯƠNG TỔN

Giai đoạn hồi phục bắt đầu ngay sau khi điều trị phẫu thuật hay bảo tồn. Trong giai đoạn này, bệnh nhân phải tuân theo những lời khuyên của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Đây là điều đặc biệt quan trọng vì bệnh nhân cần phải hiểu rõ các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật về việc chịu lực,vận động khớp gối và sử dụng những thiết bị cố định ngoài (băng bột hay nẹp cố định).

Do gãy xương chày gần khớp gối thường liên quan đến việc chịu lực ở khớp của người năng động, nên sẽ có một vài vấn đề lo ngại về lâu dài bao gồm mất khả năng vận động và mất vững, cũng như tình trạng viêm khớp kéo dài.

Bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về những vấn đề lo ngại cá nhân, cũng như những nguy cơ và mong muốn hợp lý. Bác sĩ cũng sẽ trao đổi về những tác động có thể có trong sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống, công việc, trách nhiệm với gia đình và các hoạt động giải trí.

Nguồn tài liệu tham khảo

Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Hoa kỳ

 

Zalo
Facebook messenger