Tin tức

Câu chuyện 'Đứng trước sinh tử' - Kỳ 5: Bác sĩ CKII Huỳnh Ngọc Long: Kỳ tích y khoa xuất hiện khi người thầy thuốc nỗ lực hết mình!

Tôi từng nghe nói BS Huỳnh Ngọc Long là một người dũng cảm, chưa hề từ chối bệnh nhân. Thế nên, ngay khi có dịp trò chuyện với ông, tôi hỏi ông nửa đùa nửa thật: “Lĩnh vực tim mạch thường xuyên gặp những ca 9 phần chết, 1 phần sống, thậm chí là nhiều người đã ngưng thở hoàn toàn, sao bác sĩ vẫn dám nhận? BS Long mỉm cười giản dị đáp: “Trước bệnh nhân, tôi chỉ có một mục tiêu làm sao cứu sống được họ.”

Người ưa chuyện “đầu sóng ngọn gió”

Nét mặt hiền khô, đôi mắt nheo nheo sau cặp kính trắng luôn ẩn chứa một ánh cười nhân hậu, BS. Huỳnh Ngọc Long cho tôi cảm giác mình đang đối diện một người đầy cẩn trọng, điềm đạm và bao dung. Không chỉ thế, ở BS Long còn toát lên sự nhiệt tình và yêu nghề vẹn nguyên sau 28 năm khoác áo blouse trắng. Có lẽ tình yêu ấy đã khiến chàng bác sĩ trẻ, tốt nghiệp chuyên khoa Nhi năm 1989 hăm hở về công tác tại BV đa khoa quê nhà và liều lĩnh nhận công việc tại phòng cấp cứu, chăm sóc cho cả người lớn và trẻ em. Thời điểm ấy, bộ phận này đang quá tải bởi đại dịch sốt xuất huyết và viêm ruột hoại tử cùng nhiều vấn đề khác.

Là một bác sĩ trẻ, người ốm nhom nhưng BS Long đã vô tư lăn xả vào công việc, mỗi ngày cấp cứu 40-50 ca bệnh, không có khái niệm nghỉ ngơi và không cần nghỉ ngơi khi bệnh nhân vẫn cần mình. Ông cũng chẳng nề hà chuyện cấp cứu thổi ngạt cho bệnh nhân bị… lao phổi ho ra máu. “Thế mà trời thương, tôi không bị nhiễm lao” BS Long chia sẻ.

Sáu năm sau, đang ở đỉnh cao của công việc, BS Long quyết định chuyển sang Viện Tim. Ngã rẽ này bắt nguồn từ cái chết của cha ông. Ông trăn trở rất nhiều, muốn đi tìm câu trả lời cho cái chết đột ngột của cha mình, đồng thời muốn được góp sức vào ngành tim mạch nước nhà khi đó còn rất non trẻ.

Năm 1999, BS Long là 1 trong 3 người đầu tiên ở phía Nam được cử đi đào tạo chuyên ngành thông tim can thiệp tại bệnh viện Broussais và European Georges Pampidou (Pháp). Năm 2001, trở về nước, ông chuyên sâu vào lĩnh vực thông tim. Không chỉ là một bác sĩ có đôi tay “thần kỳ”, ông còn góp sức phát triển gần 20 trung tâm tim mạch trên cả nước, bắt đầu từ con số 0, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ bác sĩ trẻ cho đến khi họ trở thành những chuyên gia vững vàng. Làm việc với bất kỳ BS trẻ nào, ông đều khuyên: nếu sợ bị “ăn” tia X trong khi làm việc thì tốt nhất hãy dừng lại. Đó là lời khuyên rất chân tình và thấm thía. Bởi một BS thông tim cần thao tác chính xác và nhanh, nếu bị nỗi sợ chế ngự sẽ khiến chân tay luống cuống, gây nguy hiểm cho bệnh nhân và bản thân nữa.

22 năm cống hiến cho Viện Tim, giữ chức phó khoa Thông tim, tháng 7.2017, ông quyết định sang FV khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ. Với ông, đây đơn giản là cơ hội để làm mới mình ở tuổi 53. Chỉ trong một thời gian ngắn, BS Long cùng đồng nghiệp gầy dựng được khoa Tim với hai bộ phận là nội khoa và thông tim.

Khoa Tim FV được trang bị các máy móc hiện đại hàng đầu thế giới như máy thông tim đời mới nhất, hệ thống trang thiết bị cấp cứu và phần mềm chương trình rất tốt. Cơ sở vật chất hiện đại hỗ trợ được BS rất nhiều trong việc cứu chữa bệnh nhân. Và trên hết điều mà BS Long hài lòng và tự hào là đội ngũ các y bác sĩ của khoa Tim đều là những người tay nghề giỏi, hào hứng học tập và ứng dụng những cái mới trong điều trị, sẵn sàng đương đầu với những ca bệnh “9 chết 1 sống”. Sau một thời gian rất ngắn, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tim tại FV tăng cao.

Vị bác sĩ tin vào những điều kỳ diệu!

“Trước bệnh nhân, tôi chỉ có một mục tiêu làm sao cứu sống được họ” – lý do không từ chối bệnh nhân của BS Long, thoạt nghe rất giản dị, nhưng thực tế thường là những hành trình gian nan giành giật lại BN từ tay tử thần. Tài năng – cái tầm, sự gan lì, hay nói đúng hơn là cái tâm, đã giúp ông đạt được nhiều kỳ tích trong y khoa.

Một trong những kỳ tích mà ông lập được thuở còn trẻ là cứu sống một em bé bị té, khi đưa vào viện thì tim đã ngừng đập. Trong điều kiện phương tiện cấp cứu là con số 0, BS Long đã trợ hô hấp bằng miệng và xoa tim ngoài lồng ngực ròng rã 9 tiếng cho bé. Cuối cùng em bé được cứu sống mà không bị di chứng não.

 
“Khi đó tôi chỉ biết rằng vẫn còn hy vọng với bé và tôi cứ tiếp tục công việc đến cùng”, BS Long xúc động chia sẻ

Một trường hợp khác là một bệnh nhân vừa mổ thay van tim động mạch chủ đã ổn định nhưng vài tiếng sau, bệnh nhân bị lên cơn ngưng tim đột ngột. Nghi ngờ bệnh nhân bị kẹt van tim, BS Long cố gắng xoa tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân suốt 2 tiếng trong khi chờ ekip quay lại mở ngực để sửa lại cái van đó. “Thông thường trong hồi sức tim mạch, cấp cứu sau 30 phút không thành công thì BS sẽ ngưng, vì nếu có cứu được bệnh nhân nhưng tim ngừng đập quá lâu sẽ để lại di chứng thần kinh rất nặng nề. Kỳ diệu thay, bệnh nhân này đã được cứu sống mà không hề bị di chứng.” BS Long hào hứng kể. Những lần tái khám sau đó, bệnh nhân hồ hởi khoe rằng ông đã có thể đá banh được ngon lành!

Người thầy thuốc được dạy làm theo chỉ dẫn y văn. Nhưng với kinh nghiệm của mình, BS Long tin rằng luôn có những điều kỳ diệu xảy đến khi nỗ lực hết mình. Không hiếm các ca có thể xem như vô phương cứu chữa, cá biệt có ca ngưng tim đến 40 phút, nhưng BS Long đã làm hết sức mình để cứu sống bệnh nhân!

Gần 30 năm trong nghề, tỷ lệ tử vong trong các ca ông cứu chữa chỉ ở 0,01%, nhưng BS Long vẫn đầy trăn trở mỗi khi phải báo tin xấu cho người nhà. Nghề bác sĩ là vậy, đau trước cái đau của bệnh nhân và buồn trước nỗi buồn của người nhà.

Phơi phới tinh thần của tuổi 18!

“Sau ngần ấy năm, ông đã lý giải được cái chết của cha mình chứ?”, tôi hỏi. Vị bác sĩ gật đầu. Đó là do căn bệnh cao huyết áp.

 
Tới đây tôi sẽ cùng đồng nghiệp tại FV nỗ lực tuyên truyền cho cộng đồng ý thức phòng tránh bệnh tim, điều trị khỏi cao huyết áp.

Tại cương vị mới, ông tiếp tục truyền kinh nghiệm cho các thế hệ BS trẻ, thậm chí là những bài tập do chính ông đúc kết để rèn đôi tay khéo léo linh hoạt trong kỹ thuật thông tim khi phải chạy đua với thời gian. Việc truyền bá kiến thức được ông coi như một trách nhiệm cá nhân với xã hội. Và ông cảm thấy hào hứng vì mục tiêu đó được Ban giám đốc bệnh viện FV ủng hộ hết mình.

Câu chuyện của chúng tôi bị dừng ngang lúc 1g30 trưa. “Tôi có một buổi chia sẻ kiến thức với anh em,” ông nói. Tôi buột ra lời thán phục khi ông làm việc không có giờ nghỉ trưa. Bác sĩ Long mỉm cười đáp:

 
Tôi hay nói với mọi người: tuổi của ông trời là 53 nhưng tuổi tinh thần thì BS Long vẫn là tuổi 18! Tôi vẫn làm việc với tinh thần phơi phới ở tuổi 18 ấy!

Link bài báo: https://thanhnien.vn/suc-khoe/cau-chuyen-dung-truoc-sinh-tu-ky-5-ky-tich-y-khoa-xuat-hien-khi-nguoi-thay-thuoc-no-luc-het-minh-908803.html

Zalo
Facebook messenger