Tin tức

Những Bàn Tay Nắm Lấy Bệnh Nhân Trong Phút Sinh Tử

Hơn 7 năm làm kỹ thuật viên phòng Cathlab, anh Nguyễn Thanh Tuấn và Lâm Văn Kiệt không nhớ hết đã nắm chặt bao nhiêu bàn tay của bệnh nhân, xoa dịu, động viên họ vượt qua giây phút lo lắng và đau đớn trong phòng mổ.


Anh Kiệt (thứ 2 từ trái sang) và anh Tuấn (thứ 4 từ trái sang) cùng với ê kíp phòng Cathlab

Thông thường, khi một ca mổ thành công, bệnh nhân thường dành lời cảm ơn đến người bác sĩ đã cứu mạng mình. Nhưng thực tế thành công của một ca mổ không chỉ do bác sĩ mà còn là cả ê kíp cùng góp sức. Và tất nhiên khi bệnh nhân thoát khỏi án tử, niềm vui không chỉ ở một người mà được chia đều cho cả tập thể. Ở phòng Can thiệp tim mạch (Cathlab) cũng thế, tất cả đều có chung mục đích là nỗ lực hết sức để cứu chữa bệnh nhân, những vinh danh hay sự công nhận, với họ không mấy quan trọng. Thế nên khi được hỏi về công việc của mình, những điều dưỡng và kỹ thuật viên ở phòng Cathlab đều có chút bối rối bởi họ “không có thói quen nói về mình”.

“Người thân” thầm lặng trong phòng Cathlab

Những người làm trong ngành y đều biết các ca mổ ở phòng Cathlab được thực hiện bằng các thủ thuật hiện đại, ít đau, ít chảy máu nhưng bệnh nhân thì không hiểu rõ tường tận đến vậy. Khi được đưa vào phòng mổ, phải cách ly người thân, thông thường người bệnh sẽ có cảm giác lạnh lẽo, nhìn quanh chỉ thấy các thiết bị máy móc… thì có mấy ai giữ được sự bình thản nên dễ sinh ra lo lắng, sợ hãi. Anh Tuấn chia sẻ, vì hiểu rõ tâm lý bệnh nhân như vậy nên anh thường động viên họ: “Cô (chú) đừng lo lắng gì cả, con sẽ ở bên cạnh cô (chú)!, cùng với đó là cái nắm tay siết chặt. Dần dần gương mặt bệnh nhân sẽ giãn ra, thoải mái và tin tưởng. Ca mổ khi đó cũng sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn nhiều”.

Công việc của người điều dưỡng kiêm kỹ thuật viên phòng Cathlab như hai anh Tuấn và Kiệt bắt đầu từ khâu tiếp nhận bệnh nhân. Sau khi xác nhận đúng người bệnh, ê kíp bao gồm 6 người của phòng Cathlab bắt đầu chia ra thực hiện nhiệm vụ đã được phân công: động viên bệnh nhân, vận hành máy móc, hỗ trợ dụng cụ cho bác sĩ. Mọi thao tác, phối hợp đều diễn ra nhịp nhàng và ăn ý với nhau trong suốt quá trình thực hiện để đảm bảo ca mổ được thành công như mong đợi.

Trong cái nhìn của những người điều dưỡng này, bệnh nhân là “người thân, người nhà” chứ không còn là người xa lạ. Bởi vậy, việc chăm sóc bệnh nhân đối với họ không còn là sự nặng nhọc mà đó là niềm vui. “Tôi theo ngành điều dưỡng vì từng trải qua nỗi đau mất người thân. Từ sự đồng cảm với bệnh nhân mà tôi xem họ như chính người thân mình vậy”, anh Tuấn tâm sự.

Trong niềm háo hức, đam mê công việc của mình, anh Kiệt chia sẻ:

Làm việc cho một phòng Cathlab hiện đại bậc nhất trong môi trường bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế như FV, tôi học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Quy trình ở đây chặt chẽ bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và cho cả chính tôi. Điều tuyệt vời nhất là quy trình phòng Cathlab cho phép cấp cứu bệnh nhân ngay tức thì kể từ khi nhập viện, nhờ đó không làm mất đi thời gian vàng chữa trị của họ.

Vì bệnh nhân, sẵn sàng hi sinh sức khỏe bản thân

Câu chuyện y khoa không phải là lúc nào cũng có những ca bệnh tuyệt đối suôn sẻ, hay thành công 100%. Anh Tuấn kể trong khi bác sĩ thực hiện ca mổ, anh và đồng nghiệp phải hết sức tập trung. Đôi tai luôn lắng nghe nhịp tim bệnh nhân trên máy, đôi mắt luôn dõi theo các màn hình điện sinh đồ, đôi bàn tay luôn không rời dụng cụ hay thuốc phòng trường hợp bất trắc, sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân ngay tức thì.

Anh Kiệt chia sẻ: “Khi thấy máy báo mạch đập nhanh tức là bệnh nhân đang lo lắng, mình lại gần hỏi han, động viên và trấn an họ. Có khi ca phẫu thuật lâu mà bệnh nhân tê chân thì mình giúp họ xoa lắc nhẹ một chút, ai mỏi tay thì kê gối, ai ngứa ngáy tay chân thì mình gãi giúp…”. Sự giúp đỡ nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng nếu không có sự quan tâm tinh tế với bệnh nhân như hai anh Văn Kiệt và Thanh Tuấn thì bệnh nhân sẽ khó chịu biết bao. Ấy vậy mà với họ những việc ấy rất đương nhiên, rất bình thường.

Trong những trường hợp cấp bách như bệnh nhân bị rung thất trên bàn mổ, nhịp tim chậm lại hay có nguy cơ bị ngưng tim. Cả ê kíp phòng Cathlab bắt đầu thể hiện sự ăn ý và nhạy bén được tôi luyện của mình: người thì chỉnh các máy móc, màn hình để bác sĩ dễ thao tác, người lấy thuốc, người lấy dụng cụ, người quan sát giúp đỡ bệnh nhân… Anh Tuấn nhớ lại, có lần anh đứng ca mổ suốt 12 tiếng và về nhà bị say tia X, mặt đỏ lên, cả người bứt rứt khó chịu. Không ít kỹ thuật viên vì sợ tác hại của tia X mà không còn gắn bó với nghề. Riêng anh Tuấn thì khác:

Mình chỉ mất một ít sức khỏe thôi nhưng nếu chần chừ không hỗ trợ kịp thời bệnh nhân có thể mất luôn mạng sống. Trong tình huống đó, có lẽ ai cũng sẽ chọn hi sinh mình như vậy, không thể nghĩ cho bản thân đâu.

Nghề nghiệp đi lên từ nền tảng ước mơ chia sẻ và giúp đỡ người khác, hai anh Tuấn và Kiệt không dừng chân và hài lòng với bản thân. Cả hai vẫn không ngừng bổ sung kiến thức mới, mài giũa khả năng của mình và viết tiếp niềm vui khi được cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho bao người. Rõ ràng, niềm vui khi người bệnh đến rồi trở về nhà khỏe mạnh, sống vui vẻ… chính là động lực và món quà ý nghĩa nhất đối với những người vận hành phòng Cathlab.


Một ê kíp đang được đào tạo cách vận hành các thiết bị của phòng Cathlab

Từ tháng 5.2018, Bệnh viện FV đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp tim mạch (Cathlab) với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD. Phòng Cathlab sở hữu hệ thống máy móc, công cụ hiện đại được xem là “cánh tay đắc lực” giúp các bác sĩ chẩn đoán và cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như: tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch, nhồi máu cơ tim, hở van tim…Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ Tim mạch của FV có nhiều năm kinh nghiệm với sự dẫn dắt của bác sĩ Trưởng khoa – Huỳnh Ngọc Long với hơn 10.000 ca can thiệp thành công giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn đáng tin cậy để điều trị bệnh lý tim mạch tại bệnh viện đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Trích nguồn từ: https://thanhnien.vn/suc-khoe/nhung-ban-tay-nam-lay-benh-nhan-trong-phut-sinh-tu-1007030.html

Zalo
Facebook messenger