Tin tức

Cuộc đời khuyến mãi của một Bệnh nhân ung thư

Với sự tiến bộ cuả y học ngày nay, căn bệnh ung thư không còn là án tử. Thế nhưng, ông  N.V.L (54 tuổi, Tp.HCM) đã suýt phải “đối diện tử thần” nếu không kịp bình tâm và lựa chọn cho mình một hướng điều trị hợp lý.

CUỘC CHIẾN SINH TỬ VỚI 3 LẦN ĐẠI PHẪU THUẬT VÙNG BỤNG

Là một tài xế chuyên chạy những tuyến đường dài, ông N.V.L thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống không điều độ, thậm chí ngay cả chuyện vệ sinh ông cũng gắng chịu cho qua dẫn đến táo bón kinh niên. Đến năm 2008, trong một lần vô tình khiêng vật nặng thì ông phát hiện khối u lạ ở bụng, đưa tay sờ thì thấy khối u to như quả trứng trồi lên. Linh tính chuyện chẳng lành, gia đình vội vàng đưa ông đến một bệnh viện lớn để kiểm tra. Sau khi xem xét tình trạng, các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối bị viêm nhiễm rất nặng gây nguy hiểm tính mạng, cần phải phẫu thuật gấp để xử lý khối u. Nhận được tin dữ với tỉ lệ thành công ca mổ chỉ 50%, cả gia đình ông cùng hội ý và quyết định “còn nước còn tát”. Sau khi hoàn tất ca phẫu thuật, ông N.V.L được cắt bỏ chỗ viêm nhiễm, tuy nhiên vùng bụng phát sinh tình trạng trướng khí đầy hơi. Một lần nữa, các bác sĩ phẫu thuật lần thứ hai ở bên hông bụng để mở hậu môn nhân tạo cho hệ bài tiết hoạt động thuận lợi. Kể từ đó, ông N.V.L bắt đầu cuộc đời phải gắn liền với hậu môn giả nhưng có thể giữ được tính mạng cũng xem như là may mắn.

Thế nhưng ông trời cứ thích trêu ngươi, trong lúc vết mổ chưa lành thì ông N.V.L liên tiếp bị những cơn đau, sốt hành hạ. Ông được gia đình chuyển sang một bệnh viện khác để kiểm tra thì phát hiện bị nhiễm trùng vết mổ. Không còn sự lựa chọn nào khác, ông N.V.L phải đồng ý cho các bác sĩ phẫu thuật lần thứ 3 liên tiếp trong thời gian ngắn để rửa sạch chỗ nhiễm trùng. Khi vết mổ chưa kịp liền da, ông N.V.L tiếp tục “chạy đua với tử thần” để điều trị ung thư đại tràng bằng hình thức hóa trị.  Theo lịch hẹn vô thuốc, từ 4 giờ sáng, ông N.V.L và gia đình lại  “tay xách nách mang” các vật dụng cần thiết đến bệnh viện chờ thăm khám, nhập viện, lấy máu xét nghiệm, vô liều hóa trị (nếu hôm nào bệnh viện thiếu thuốc phải ngủ lại chờ cho đến khi nào có thuốc), ông N.V.L nhớ lại: “Nhiều lúc thấy cảnh vợ vừa chăm chồng vừa nuôi con, tôi đã muốn bỏ cuộc, nhưng thương vợ con nên tôi phải cố gắng”. Dù vậy, ông N.V.L vẫn chăm chỉ có mặt tại bệnh viện mỗi lần hẹn để được hóa trị. Nhưng đến liều hóa trị thứ 3 thì bệnh viện thông báo hết thuốc. Dù biết việc hóa trị không điều độ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, nhưng vì nguồn thuốc khan hiếm bệnh viện cho phép ông N.V.L về nhà tịnh dưỡng. “Mọi người nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng chạy theo công việc. Bệnh tới thì khổ lắm”, ông nói khi nhớ về quá trình điều trị gian nan quá sức chịu đựng của con người.

SỐNG TẬN HƯỞNG MỘT CUỘC ĐỜI “KHUYẾN MÃI”

Giữa lúc tinh thần suy sụp, ông N.V.L tìm đến Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng với mong mỏi cuối cùng để có thuốc hóa trị. Tại đây, hội đồng các bác sĩ đứng đầu ngoại khoa, nội tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ ung bướu đã tổ chức hội chẩn, cùng nhau trao đổi về cách điều trị hiệu quả để mang lại chất lượng sống tốt nhất cho ông. Kết quả: ông N.V.L vẫn còn một cơ hội để chữa bệnh ung thư đại tràng, và hơn thế nữa các bác sĩ có thể giúp ông không phải mang hậu môn giả suốt phần đời còn lại.

Như mặt trời xua tan mây mù, ông N.V.L bừng tỉnh lắng nghe tường tận phác đồ điều trị mà bác sĩ Võ Kim Điền đưa ra cho ông. Bác sĩ cũng tỉ mỉ giải thích các bước điều trị, đồng thời tư vấn thêm những tác dụng phụ không mong muốn mà ông có thể gặp phải. Cuối cùng phác đồ điều trị kết hợp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật đã được các bác sĩ đưa ra để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư và nối lại phần ruột già bị cắt trước đó giúp ông N.V.L thoát khỏi tình thế phải dùng hậu môn nhân tạo. Trước khi bắt đầu hóa trị, các bác sĩ kiểm tra chức năng của thận và phát hiện ông bị suy thận cấp. Một tình huống nguy hiểm mà những lần điều trị trước ông không được biết và cũng chưa từng được kiểm tra kỹ lưỡng. Ngay lập tức, ông được cho đặt ống thông niệu quản để ổn định hệ tiết niệu trước khi lần lượt tiếp nhận 12 lần hóa trị và 24 tia xạ trị. Đến lần hóa trị thứ 6 thì miệng khô lưỡi đắng khiến ông mất dần vị giác, may nhờ trước đó được bác sĩ tư vấn và sự chăm sóc tận tình của các nhân viên điều dưỡng, nên tâm lý và sức khỏe ông mỗi ngày một cải thiện. Sau khi hoàn tất lộ trình hóa – xạ trị, ông N.V.L được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để nối ruột lại. Sau gần 5 tiếng đồng hồ kiên trì trong phòng mổ, ông giật mình thức giấc mới hay mình vẫn còn sống. Đưa tay sờ ngang bụng, ông mừng còn hơn “chết đi sống lại” vì không còn đeo hậu môn nhân tạo. Khoảng 10 ngày sau đó, ông N.V.L đã có thể xuất viện về nhà.

Giờ đây, sau hơn 11 năm điều trị tại Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, ông N.V.L đã khỏe mạnh bình thường, cuộc sống của ông là một gia đình hạnh phúc và thú vui chăm sóc vườn tược mỗi ngày. Có rất nhiều người đã trải qua cuộc chiến ung thư, nhưng rất nhiều người không biết đã đi đâu, về đâu. Không phải ai cũng may mắn như ông có cơ hội được “tái sinh” sau 3 lần đại phẫu, sống lạc quan và yêu đời hơn trước. “Tôi đang sống cuộc đời khuyến mãi nên phải tận hưởng nó chứ” – ông vui vẻ chia sẻ khi kể về hành trình chiến thắng ung thư của mình. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy trân trọng bản thân mình và vì những người thân yêu – Đừng bao giờ bỏ cuộc vì còn hy vọng là còn cơ hội!

Zalo
Facebook messenger