Tài liệu này đã được Hiệp hội giải phẫu thẩm mỹ và tạo hình của Pháp (Société Française de Chirurgie Plastique Reconstructrice et Esthétique – SOFCPRE) thông qua nhằm bổ sung những thông tin mà bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã giải thích cho bệnh nhân trong lần khám đầu tiên, cũng như để giải đáp tất cả những câu hỏi mà bệnh nhân có thể thắc mắc trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật tạo hình mí mắt.

Tài liệu này nhằm cung cấp tất cả những thông tin cần thiết giúp bệnh nhân đưa ra quyết định sau khi đã có đầy đủ thông tin liên quan đến thủ thuật tạo hình mí mắt . Do đó, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo bệnh nhân nên đọc kỹ tài liệu này.

ĐỊNH NGHĨA, MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC

“Tạo hình mí mắt” là một thủ thuật thẩm mỹ chỉnh sửa hình dáng mí mắt không được như ý do di truyền hoặc do tuổi tác. Phẫu thuật này có thể thực hiện riêng ở mí trên hoặc mí dưới, hoặc thực hiện đồng thời cả bốn mí.

Phẫu thuật tạo hình mí mắt có thể được thực hiện riêng hoặc kết hợp với các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ khác trên khuôn mặt (như nâng chân mày, căng da trán, căng da mặt và cổ), hoặc kết hợp với các kỹ thuật như trẻ hóa da bằng laser, mài da hay lột da. Các thủ thuật này có thể được thực hiện đồng thời trong cùng một ca phẫu thuật hoặc trong hai giai đoạn khác nhau.

Mục đích của phẫu thuật tạo hình mí mắt là để cải thiện các dấu hiệu lão hóa và xóa đi vẻ mệt mỏi do bị sụp mí giúp mang lại cho người được phẫu thuật một đôi mắt thư thái, dễ chịu hơn.

Những trường hợp có thể phẫu thuật tạo hình mí mắt gồm:

  • Sụp mí trên, có ít hoặc nhiều nếp gấp ở mí mắt;
  • Sa trễ mí dưới, mí dưới co lại và tạo thành các nếp nhăn theo chiều ngang do vùng da ở mí mắt bị giãn;
  • Mỡ thừa, nguyên nhân gây “bọng mắt” ở mí dưới hoặc làm sụp mí trên.

Phẫu thuật này giúp khắc phục lâu dài các vấn đề trên bằng cách cắt bỏ phần da, mỡ và cơ thừa mà không làm ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của mí mắt.

Cần lưu ý rằng có thể có các vấn đề khác về mí mắt do tuổi tác gây ra mà việc điều trị đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp hơn phương pháp phẫu thuật tạo hình mí mắt đơn thuần, hoặc cần phải thực hiện phẫu thuật bổ sung.
Các vấn đề này bao gồm sa trễ chân mày, nếp nhăn trán, nếp nhăn giữa hai mắt, vết chân chim ở khóe mắt, quầng thâm, mắt “lõm sâu”, mắt “buồn” do khoé mắt hướng xuống, và thậm chí là các khiếm khuyết da và sẹo nhỏ.

Phẫu thuật này thường được thực hiện ở độ tuổi 40, dành cho cả nam và nữ.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp do bẩm sinh và không phải do tuổi tác như bọng mắt thì có thể thực hiện phẫu thuật này sớm hơn.

TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám mắt và mí mắt kỹ lưỡng nhằm phát hiện các vấn đề bất thường có thể ảnh hưởng đến ca phẫu thuật cũng như để xác định những trường hợp phẫu thuật không được khuyến cáo.

Bệnh nhân sẽ được chỉ định khám chuyên khoa mắt để kiểm tra các bệnh lý về mắt.

Bệnh nhân sẽ được khám sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật.

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê khám chậm nhất là 48 giờ trước phẫu thuật.

Không dùng thuốc có chứa aspirin trong vòng mười ngày trước phẫu thuật.

Đối với một số kỹ thuật gây mê/gây tê, bệnh nhân phải nhịn ăn uống (không ăn, không uống) trong vòng sáu giờ trước phẫu thuật.

KỸ THUẬT GÂY MÊ/GÂY TÊ VÀ THỜI GIAN NẰM VIỆN

Kỹ thuật gây mê/gây tê:

Có ba phương pháp

  • Gây tê tại chỗ, trong trường hợp này bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc gây tê vào mí mắt;
  • Gây tê tại chỗ kết hợp thuốc an thần qua đường truyền tĩnh mạch (ngủ chập chờn);
  • Gây mê toàn thân nghĩa là bệnh nhân sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và bệnh nhân sẽ trao đổi để lựa chọn kỹ thuật gây mê/gây tê thích hợp nhất cho bệnh nhân.
Thời gian nằm viện

Phẫu thuật tạo hình mí mắt được thực hiện tại khu điều trị ngoại trú nếu gây tê tại chỗ, bệnh nhân sẽ xuất viện trong cùng ngày phẫu thuật sau khi được theo dõi trong vài giờ sau phẫu thuật. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân và trong trường hợp gây mê, bệnh nhân có thể cần phải nằm viện trong một thời gian ngắn.

Bệnh nhân nhập viện vào buổi sáng (hoặc đôi khi vào buổi chiều trước ngày phẫu thuật) và thông thường sẽ xuất viện vào sáng hôm sau.

PHẪU THUẬT

Mỗi bác sĩ phẫu thuật sẽ áp dụng kỹ thuật riêng của mình để mang lại kết quả tốt nhất cho từng trường hợp được phẫu thuật. Tuy nhiên có một số nguyên tắc cơ bản chung như sau:

Đường Rạch:
  • Mí trên: đường rạch được giấu dưới nếp gấp giữa mí mắt, tức là giữa phần mí mắt cố định và phần mí mắt cử động;
  • Mí dưới: đường rạch nằm dưới lông mi từ 1 đến 2mm hoặc có thể nằm hơi xa lông mi một khoảng nhỏ.

Các đường rạch sẽ tạo thành sẹo nhưng các vết sẹo này sẽ được giấu dưới nếp gấp da.

Lưu ý: đối với mí dưới, trường hợp chỉ có “túi mắt” (không có da thừa), phẫu thuật có thể được thực hiện qua đường kết mạc bằng cách tạo đường rạch bên trong mí mắt nên sẽ không nhìn thấy sẹo.

Cắt bỏ:

Sau khi rạch da, phần mỡ thừa cũng như phần cơ thừa và da bị chảy xệ sẽ được cắt bỏ. Ở bước này, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện các chỉnh sửa thích hợp để đáp ứng yêu cầu cụ thể của bệnh nhân.

Khâu đường rạch:

Đường rạch sẽ được khâu bằng chỉ mảnh không tiêu (việc cắt chỉ sẽ được thực hiện một vài ngày sau phẫu thuật).

Phẫu thuật có thể kéo dài từ 30 phút đến hai giờ, tùy theo yêu cầu cụ thể và mức độ phức tạp của ca phẫu thuật.

SAU PHẪU THUẬT

Phẫu thuật này không gây đau, nhưng có thể gây cảm giác khó chịu do mí mắt bị kéo căng, hơi rát và mắt có thể mờ.

Trong một vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tránh vận động gắng sức, ví dụ như không mang vác nặng.

Trong giai đoạn hồi phục, mí mắt có thể bị phù (sưng) và bầm ở mức độ khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Trong một vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể không nhắm mắt lại được hoàn toàn, và góc mắt phía ngoài có thể hơi bị hở, tuy nhiên những dấu hiệu này sẽ nhanh chóng mất đi.

Bệnh nhân sẽ được cắt chỉ từ 3 đến 6 ngày sau phẫu thuật.

Những dấu vết phẫu thuật sẽ giảm từ từ và bệnh nhân có thể sinh hoạt, làm việc lại bình thường sau 6 đến 20 ngày.

Đường rạch có thể để lại sẹo màu hồng nhạt trong vài tuần đầu sau phẫu thuật, nhưng trang điểm có thể giúp che đi vết sẹo từ ngày thứ bảy trở đi.

Vùng mí mắt mới phẫu thuật có thể sẽ hơi cứng trong vài tháng nhưng người khác sẽ không nhận thấy điều đó.

KẾT QUẢ PHẪU THUẬT

Phải mất từ 3 đến 6 tháng mới có thể nhìn thấy rõ kết quả của phẫu thuật. Đây là khoảng thời gian cần thiết để mô mềm mại trở lại cũng như để vết sẹo lành hẳn và biến mất.

Nói tóm lại, phẫu thuật này sẽ giúp loại bỏ các nếp gấp da và túi mỡ thừa, nhờ đó xóa bỏ vẻ già nua và mệt mỏi cho bệnh nhân.

Đây là một trong những phẫu thuật đem lại hiệu quả lâu dài nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ. Các túi mỡ đã được cắt bỏ sẽ không xuất hiện trở lại nên thủ thuật này thực sự có hiệu quả lâu dài. Mặt khác, dù da tiếp tục lão hóa và những nếp gấp da dư thừa trên mí mắt có thể xuất hiện trở lại nhưng hiếm có trường hợp nào cần phẫu thuật lại trong vòng 12 năm.

NHỮNG KẾT QUẢ KHÔNG NHƯ Ý

Kết quả không như ý có thể là do ban đầu bệnh nhân đã hiểu sai về những kết quả có thể đạt được một cách hợp lý. Ví dụ như chỉ có thể hạ thấp trán và chân mày bằng cách nâng trán và chân mày.
Kết quả không như ý cũng có thể do phản ứng không lường trước của mô hoặc do hình thành sẹo bất thường.

Phẫu thuật này có thể để lại các đường sẹo rất nhỏ và làm mắt trông hơi “sâu” (nhìn thấy rõ hốc mắt).

Các kết quả không như ý khác có thể xảy ra như mí dưới hơi co rút về phía dưới, hơi bất đối xứng, hoặc có sẹo “trắng”.

Những vấn đề trên có thể được khắc phục bằng phẫu thuật chỉnh sửa có gây tê tại chỗ khoảng sáu tháng sau phẫu thuật nếu cần.

NHỮNG BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP

Mặc dù về cơ bản, tạo hình mí mắt là một phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng bản chất vẫn là một ca phẫu thuật, nên có thể có những nguy cơ rủi ro như bất kỳ ca phẫu thuật nào khác.

Cần phân biệt những nguy cơ liên quan đến gây mê/gây tê và phẫu thuật.

Nguy cơ từ gây mê/gây tê: các nguy cơ sẽ được bác sĩ gây mê giải thích trong quá trình thăm khám trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân phải biết rằng việc gây mê có thể gây ra những phản ứng không lường trước và khó kiểm soát của cơ thể mà theo thống kê, nếu có mặt bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm trong quá trình phẫu thuật thì các nguy cơ hầu như không đáng kể.

Trên thực tế, các kỹ thuật, thuốc gây mê/gây tê và phương pháp theo dõi đã phát triển vượt bậc trong hơn 20 năm qua mang lại sự an toàn tối đa, đặc biệt đối với những ca phẫu thuật không khẩn cấp được thực hiện trên những bệnh nhân có sức khỏe tốt.

Nguy cơ từ phẫu thuật: việc chọn lựa một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có năng lực và trình độ chuyên môn để thực hiện phẫu thuật sẽ giúp hạn chế đáng kể nhưng không loại trừ hoàn toàn những nguy cơ liên quan đến phẫu thuật.

May mắn thay, những ca phẫu thuật tạo hình mí mắt được thực hiện đúng cách thường hiếm khi xảy ra biến chứng. Trên thực tế, tất cả các trường hợp phẫu thuật tạo hình mí mắt đều diễn ra tốt đẹp và bệnh nhân đều hoàn toàn hài lòng với kết quả phẫu thuật.

Các biến chứng sau đây có thể xảy ra tuy hiếm gặp:

  • Máu tụ: thường không nghiêm trọng và có thể dẫn lưu nếu cần;
  • Nhiễm trùng: cực kỳ hiếm gặp đối với phẫu thuật này, vết khâu có thể bị áp-xe nhưng sẽ dễ dàng điều trị. Thuốc nhỏ mắt được chỉ định sử dụng hàng ngày trong những ngày đầu sau phẫu thuật để ngăn ngừa tình trạng viêm kết mạc;
  • Sẹo bất thường: đây là tình trạng rất hiếm gặp ở mí mắt vì da thường lành sẹo và hầu như không để lại dấu vết phẫu thuật, tuy nhiên đôi khi vết sẹo có thể thấy rõ hơn dự kiến;
  • U nang biểu bì: các u nang có thể xuất hiện dọc theo vết sẹo nhưng thường tự khỏi, nếu không vẫn có thể điều trị dễ dàng mà không làm ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật;
  • Vấn đề ở tuyến lệ: tình trạng chảy nhiều nước mắt hiếm gặp hơn so với “hội chứng khô mắt”. Hội chứng này có thể làm tình trạng thiếu nước mắt vốn đã có trước đó trở nên nặng hơn;
  • Chứng sa mi mắt (sụp mí trên): biến chứng này rất hiếm xảy ra, trừ những trường hợp trên 70 tuổi nếu làm phẫu thuật tạo hình mí mắt thì có thể làm cho tình trạng có sẵn trở nên nghiêm trọng hơn;
  • Chứng hở mi (mí trên không thể khép hoàn toàn): tình trạng này có thể xảy ra trong vài ngày đầu sau phẫu thuật nhưng thường sẽ hết sau vài tuần;
  • Chứng lộn mi (co rút mi dưới): tình trạng lộn mi nghiêm trọng thường hiếm gặp nếu phẫu thuật được thực hiện đúng cách. Tình trạng lộn mi nhẹ có thể xảy ra khi sẹo co rút quá mức làm ảnh hưởng đến các mô lỏng lẻo.Tình trạng này sẽ hồi phục dần sau vài tuần nếu xoa bóp đều đặn, giúp cải thiện trương lực cơ mi mắt;
  • Cuối cùng là các biến chứng cực kỳ hiếm gặp như chứng song thị (nhìn đôi), tăng nhãn áp hay thậm chí là mù mắt sau phẫu thuật tạo mí mắt, đã được mô tả trong các tạp chí y khoa quốc tế (International Medical Journals).

Sau khi đã cân nhắc tất cả các vấn đề, dù không có nguy cơ biến chứng cao nhưng bệnh nhân vẫn phải hiểu rằng với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, dù là tiểu phẫu, cũng luôn có thể tiềm ẩn một vài yếu tố nguy cơ không dự đoán trước được.

Tuy nhiên, bệnh nhân có thể an tâm khi phẫu thuật với một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ có năng lực chuyên môn thì bác sĩ này sẽ có đủ kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra hoặc sẽ điều trị hiệu quả các biến chứng nếu có.

Facebook messenger