Rượu Bia và Sức Khỏe Tim Mạch

UỐNG RƯỢU HOẶC THỨC UỐNG CÓ CỒN CÓ MANG LẠI LỢI ÍCH?

Uống rượu bia vừa phải – một ly mỗi ngày đối với nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam – giúp một số người phòng chống bệnh tim mạch. Đặc biệt ở những người có hoạt động thể chất đáng kể cần kiểm soát cân nặng và tuân theo chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và ít chất béo bão hòa.

Rượu bia có thể giúp tim:

  • Tăng HDL hoặc cholesterol “tốt”;
  • Ngăn ngừa tình trạng đông máu. Điều này có thể tốt hoặc xấu vì nó có thể phòng ngừa nhồi máu cơ tim, nhưng cũng có thể làm chảy máu dễ dàng hơn;
  • Giúp ngăn ngừa tác hại do tăng LDL, hay cholesterol “xấu”.

Uống một ly rượu rất tốt cho tim mạch theo cơ chế chính là làm tăng cholesterol tốt để bảo vệ tim. Vỏ trái nho cung cấp flavonoid và các chất chống oxy hóa khác giúp bảo vệ tim mạch khỏi tác hại của các gốc oxy tự do tạo ra từ cơ thể.

UỐNG RƯỢU BIA GÂY NGUY CƠ GÌ CHO TIM MẠCH?

Uống rượu bia nhiều hoặc thường xuyên có thể gây tổn thương tim và dẫn đến các bệnh về cơ tim mạch, được gọi là bệnh cơ tim. Uống rượu bia thường xuyên cũng làm tăng huyết áp.

Uống rượu bia quá mức trong thời gian dài làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về tim mạch.

  • Tăng huyết áp. Uống rượu bia quá mức làm tăng huyết áp, đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tăng huyết áp còn gây ra bởi tình trạng tăng cân do uống rượu bia quá nhiều.
  • Nghiện rượu bia làm suy cơ tim, khi đó tim không thể bơm máu một cách hiệu quả. Đây được gọi là bệnh cơ tim và có thể gây tử vong, thường là do suy tim.
  • Nghiện rượu bia có thể làm người nghiện dễ bị mắc phải các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe như bệnh gan, ung thư, loét dạ dày, và các tình trạng khác.
  • Say xỉn – uống từ bốn ly trở lên đối với nữ và năm ly trở lên đối với nam trong vài giờ – có thể dẫn đến đột quỵ, có thể làm nhịp tim không đều gọi là loạn nhịp tim và có thể gây ra đột tử.
RƯỢU BIA VÀ DINH DƯỠNG

Rượu bia = calo rỗng. Rượu bia không cung cấp bất kỳ giá trị dinh dưỡng vào chế độ ăn uống. Nếu một người đang cố gắng giảm hoặc kiểm soát cân nặng của mình, điều quan trọng là phải biết lượng calo mà rượu bia có thể bổ sung vào chế độ ăn uống. Ví dụ, chỉ cần uống một ly rượu vang mỗi ngày (85 calo) là có thể làm tăng thêm năm kg mỗi năm.

RƯỢU BIA CÓ THỂ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN THUỐC KHÔNG?

Nếu đang dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau, hãy trao đổi với bác sĩ để kiểm tra xem liệu có an toàn để uống rượu bia không. Việc kết hợp rượu bia với một số loại thuốc có thể làm cản trở hiệu quả của thuốc và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng

Bạn không nên uống rượu bia khi đang mang thai.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH TIM MẠCH LÀ GÌ? VÀ TÔI PHẢI LÀM GÌ NẾU NẰM TRONG NHÓM NGUY CƠ?

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là thói quen, hành vi, lối sống hoặc tiền sử bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người. Các yếu tố này bao gồm:

  • Không tập thể dục
  • Hút thuốc
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp)
  • Thừa cân
  • Bị rối loạn mỡ máu như: có lượng cholesterol LDL (cholesterol ‘xấu’) cao
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh (ăn vặt ban đêm, ăn nhẹ liên tục, ăn thực phẩm ít dinh dưỡng, thực phẩm chứa nhiều muối, chất béo bão hòa và đường)
  • Từng bị nhồi máu cơ tim trước đây
  • Tuổi trên 50 đối với nam và 60 đối với nữ
  • Tiền sử bệnh của gia đình
  • Dân tộc (người da đen không phải gốc La-Tinh > người da trắng không phải gốc La-Tinh > người châu Á).

Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể phòng ngừa bệnh tim mạch.

Trong khi trên mạng xuất hiện nhiều các công cụ đánh giá và tính toán yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác nhau, thì cách duy nhất để hiểu chính xác nguy cơ của một người chính là thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như siêu âm động mạch ngoại biên và chụp mạch vành để đánh giá mức độ xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Zalo
Facebook messenger