CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ LÀ GÌ?
Chọc hút bằng kim nhỏ (CHBKN) là phương pháp chẩn đoán được sử dụng để khảo sát các khối u hoặc bướu nông (ở ngay dưới da). Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ cố gắng lấy đủ mô để phân tích dưới kính hiển vi, từ đó đưa ra chẩn đoán cho một số vấn đề như viêm, nhiễm trùng, u lành tính hoặc thậm chí là ung thư. Phương pháp này thường giúp bệnh nhân không cần sinh thiết bằng phẫu thuật mở nhưng không phải lúc nào cũng có thể áp dụng.
TẠI SAO CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ LẠI QUAN TRỌNG?
Khối u (hoặc ‘bướu’), nhân (bướu trong tuyến giáp được gọi là ‘nhân’) đôi khi là biểu hiện của một bệnh lý nặng như ung thư, nhưng khối u hoặc nhân cũng có thể lành tính (không ung thư) hoặc có thể là nhiễm trùng. Vì vậy, khi có khối u hoặc nhân, cần thực hiện chọc hút bằng kim nhỏ để chẩn đoán.
Khi chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ xem xét những yếu tố khác: tuổi tác, giới tính, thói quen của bệnh nhân như hút thuốc lá và uống rượu bia; những triệu chứng như đau tai, tăng cảm giác khó nuốt, sụt cân; tiền sử rối loạn tuyến giáp trong gia đình hoặc tiền sử ung thư da (ung thư biểu mô tế bào vảy).
Lưu ý rằng, hầu hết ung thư vùng đầu cổ đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, nếu có khối u vùng đầu cổ, bệnh nhân nên đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
CÁC VÙNG CÓ THỂ CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ ĐỂ KHẢO SÁT?
Chọc hút bằng kim nhỏ thường được sử dụng để chẩn đoán hạch và nang vùng cổ. Đây là khảo sát thường được thực hiện nhất để xác định nhân giáp là lành tính hay nghi ngờ ác tính. Tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và những vị trí khác ở vùng cổ cũng như vùng trong miệng hoặc họng cũng có thể được khảo sát bằng kỹ thuật này. Hầu như khối u và nhân giáp sờ thấy được hoặc phát hiện được qua khảo sát hình ảnh đều có thể sinh thiết với kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ.
Chọc hút bằng kim nhỏ được sử dụng để chẩn đoán:
- Nhân tuyến giáp;
- Hạch cổ;
- Nang vùng cổ;
- U tuyến nước bọt (như tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm);
- U trong miệng;
- U vùng đầu cổ có thể sờ thấy được;
- U được phát hiện khi khảo sát hình ảnh (như siêu âm) dù không sờ thấy được khi thăm khám lâm sàng.
BỆNH NHÂN CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ?
Bệnh nhân không cần chuẩn bị gì và có thể ăn uống bình thường.
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu điền bảng câu hỏi trước thủ thuật để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận cho thủ thuật chọc hút bằng kim nhỏ. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị cho thủ thuật này.
CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Bác sĩ sẽ đâm một kim nhỏ qua da để đi vào khối u. Vì chọc hút bằng kim nhỏ cũng chỉ đau như lấy máu xét nghiệm từ cánh tay (lấy máu tĩnh mạch) nên thường không cần gây tê. Thực ra, kim dùng để chọc hút thường nhỏ hơn kim lấy máu tĩnh mạch. Dù không phải là không đau nhưng cảm giác khó chịu thường rất ít. Nếu nhân giáp nhỏ hoặc khó sờ thấy, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã được đào tạo chuyên sâu sẽ chọc hút bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm giúp đưa kim vào trong nhân giáp.
Bệnh nhân được hướng dẫn không nuốt hoặc nói trong khi đưa kim vào. Có thể chỉ dùng kim (với động tác xoay tròn tới lui) hoặc dùng ống tiêm có gắn kim để hút mẫu bệnh phẩm. Sau khi lấy mẫu, kim được rút ra. Mẫu tế bào được đặt trên lam kính và cố định để bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát. Quy trình đâm kim sẽ được lặp lại để lấy thêm mẫu. Để phân tích đầy đủ thì cần lấy nhiều mẫu. Sau khi hoàn tất, ấn nhẹ lên vùng đâm kim để giảm nguy cơ chảy máu và sau đó băng lại.
Thủ thuật này thường hoàn tất không quá 30 phút.
BỆNH NHÂN SẼ CÓ TRẢI NGHIỆM GÌ TRONG VÀ SAU KHI CHỌC HÚT NHÂN GIÁP BẰNG KIM NHỎ?
Chọc hút nhân giáp bằng kim nhỏ thường được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thực hiện trong khoa chẩn đoán hình ảnh dưới hướng dẫn của siêu âm. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ nằm ngửa có lót gối dưới hai vai, ngả đầu ra sau và duỗi cổ. Tư thế này giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể tiếp cận tuyến giáp dễ dàng.
Bệnh nhân sẽ cảm thấy đầu dò siêu âm ép nhẹ lên vùng cổ và hơi khó chịu khi kim di chuyển để lấy tế bào. Có thể xảy ra tình trạng chảy máu khu trú trong tuyến giáp và đau nhẹ tại chỗ hoặc lan đến tai. Biến chứng đáng kể nhất có thể xảy ra là hình thành máu tụ ở vùng cổ cần can thiệp phẫu thuật, tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp. Bệnh nhân sẽ phải thanh toán cho các điều trị phát sinh.
Thông thường, bệnh nhân có thể nhanh chóng trở lại các hoạt động thường ngày và có thể tháo băng sau 6 giờ. Có thể đau tại vị trí đâm kim trong 1 hoặc 2 ngày. Bệnh nhân có thể dùng paracetamol để giảm khó chịu.
KẾT QUẢ RA SAO?
Trong phòng xét nghiệm, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ khảo sát các mẫu bệnh phẩm được lấy từ bệnh nhân và đưa ra chẩn đoán. Nếu cần, xét nghiệm về nhiễm trùng và hóa chất cũng sẽ được thực hiện trên mẫu này.
Kết quả giải phẫu bệnh thường có sau vài ngày làm việc.
Do các mẫu chọc hút rất nhỏ nên có nguy cơ không lấy được những tế bào bệnh lý, như khi có quá nhiều máu và mảnh vụn hoại tử thì sẽ không nhìn thấy rõ các hình ảnh chi tiết của tế bào, từ đó dẫn đến kết quả âm tính. Ngoài ra còn có nguy cơ là các tế bào thu được không thể giúp chẩn đoán xác định. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân để quyết định chọc hút lại hoặc sinh thiết bằng phẫu thuật.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ với Khoa Chẩn đoán Hình ảnh qua số (028) 54 11 34 00