Bệnh xốp xơ tai

Xốp xơ tai là tình trạng xương phát triển bất thường bên trong tai. Đây là nguyên nhân khá phổ biến gây mất thính giác ở người trẻ tuổi.

Có ba xương nhỏ nằm sâu bên trong tai, sẽ rung lên khi sóng âm thanh đi vào. Các xương này sẽ dẫn truyền sóng âm thanh đến ốc tai (tai trong), nơi chuyển đổi chúng thành tín hiệu để gửi đến não bộ.

Xốp xơ tai xảy ra khi một trong ba xương này, gọi là xương bàn đạp, bắt đầu hợp nhất với xương xung quanh, cuối cùng trở nên xơ cứng và không thể di chuyển. Điều này có nghĩa là âm thanh không còn được dẫn truyền hiệu quả vào tai trong.

NGUYÊN NHÂN GÂY XỐP XƠ TAI

Nguyên nhân chính xác gây xốp xơ tai không rõ ràng và hiện không thể xác định được là có thể phòng ngừa bệnh hay không. Nhiều trường hợp xảy ra tương tự cho các thành viên trong gia đình và đó có thể là do di truyền gen lỗi từ cha mẹ.

Đôi khi, tình trạng có thể xấu đi nhanh hơn khi mang thai, điều này có thể do sự thay đổi nồng độ hormone.

TRIỆU CHỨNG XỐP XƠ TAI

Hầu hết bệnh nhân bị xốp xơ tai đều phát hiện các vấn đề về thính giác ở độ tuổi 20 hoặc 30. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai.

Triệu chứng gây xốp xơ tai bao gồm:

  • Mất thính giác ngày càng xấu đi theo thời gian;
  • Đặc biệt khó nghe những âm thấp, sâu và thì thầm;
  • Nói khẽ vì nghe thấy giọng mình to;
  • Dễ nghe hơn khi có tiếng ồn xung quanh (không giống như các loại mất thính giác khác);
  • Ù tai (nghe âm thanh ù ù hoặc vo ve phát ra từ bên trong cơ thể);
  • Chóng mặt – tuy hiếm gặp.

Các triệu chứng của xốp xơ tai có thể khó phân biệt với các nguyên nhân gây mất thính giác khác.

BỆNH XỐP XƠ TAI CÓ NGHIÊM TRỌNG KHÔNG?

Xốp xơ tai có thể gây mất thính giác từ nhẹ đến nặng, nhưng rất hiếm khi gây điếc hoàn toàn.

Thông thường, thính giác của bệnh nhân ngày càng giảm đi trong vài tháng hoặc vài năm, và tình trạng có thể tiếp tục xấu hơn nếu bỏ qua và không điều trị.

Tuy nhiên tình trạng mất thính giác thường có thể điều trị thành công bằng thiết bị trợ thính hoặc phẫu thuật. Thính giác được cải thiện hoặc phục hồi khoảng 80 đến 90% ở bệnh nhân phẫu thuật.

Trường hợp hiếm gặp là xốp xơ tai có thể lan đến tai trong, gây mất thính giác nghiêm trọng hơn và không thể cải thiện bằng phẫu thuật.

KHI NÀO CẦN LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bệnh nhân cảm thấy lo lắng về tình trạng của thính giác. Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng, thăm khám tai, ghi nhận tiền sử bệnh và có thể chỉ định một số kiểm tra thính giác đơn giản.

Nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề như xốp xơ tai, bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện một số kiểm tra thính giác chuyên sâu và có thể chụp vùng đầu để giúp xác định vấn đề.

ĐIỀU TRỊ XỐP XƠ TAI

Xốp xơ tai thường có thể điều trị thành công bằng thiết bị trợ thính hoặc phẫu thuật. Nếu bệnh nhân chỉ mất thính giác rất nhẹ thì có thể không cần điều trị ban đầu.

Thiết bị trợ thính

Máy trợ thính là một thiết bị điện tử giúp khuếch đại âm lượng đi vào tai để có thể nghe rõ hơn.

Không giống như phẫu thuật, ưu điểm của việc sử dụng thiết bị trợ thính là không có bất kỳ nguy cơ nào. Thiết bị trợ thính hiện đại có thiết kế nhỏ gọn và kín đáo, một số thiết bị có thể đeo bên trong tai nên không thể nhìn thấy.

Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ thính học về các loại máy trợ thính khác nhau để biết loại máy phù hợp nhất cho mình.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cũng là một lựa chọn nếu bệnh nhân không muốn đeo thiết bị trợ thính. Các phẫu thuật chính được áp dụng là phẫu thuật mở xương bàn đạp hoặc phẫu thuật cắt xương bàn đạp.

Phẫu thuật, cắt xương hoặc mở xương bàn đạp, có thể được thực hiện dưới gây mê toàn thân (bệnh nhân ngủ) hoặc gây tê cục bộ (bệnh nhân tỉnh táo nhưng gây tê ở tai).

Bác sĩ sẽ tiến hành rạch bên trong ống tai, hoặc đôi khi ở trên hoặc trước tai, để tiếp cận xương trong tai.

Một phần xương bàn đạp được loại bỏ và thay thế bằng vật liệu cấy ghép bằng nhựa hoặc kim loại trong tai để giúp dẫn truyền âm thanh từ các xương còn lại vào tai trong. Bệnh nhân có thể về nhà trong ngày hoặc ngày hôm sau.

Đây là một phẫu thuật tinh vi nhưng thường rất thành công. Thính giác có thể cải thiện rõ ràng trong vòng ba tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, để đạt được thính giác tối đa thì cần khoảng sáu tháng.

Mức độ cải thiện thính giác sẽ phụ thuộc vào việc hồi phục tai. Ở phần lớn bệnh nhân, tai sẽ hồi phục hoàn toàn và cải thiện thính giác như dự kiến. Ở một số bệnh nhân, thính giác chỉ cải thiện một phần hoặc tạm thời. Trong các trường hợp này, bệnh nhân thường cần phẫu thuật lại với cơ hội thành công cao.

BIẾN CHỨNG CỦA PHẪU THUẬT CẮT BỎ XƯƠNG BÀN ĐẠP

Tương tự như tất cả phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt bỏ xương bàn đạp cũng có nguy cơ thấp gây biến chứng. Bao gồm:

  • Mất thính giác nhiều hơn hoặc hoàn toàn (tỷ lệ khoảng 1/100 số trường hợp)
  • Thay đổi vị giác (thường là tạm thời)
  • Ù tai mới khởi phát hoặc chuyển biến xấu
  • Chóng mặt (thường là tạm thời)
  • Yếu cơ mặt (rất hiếm gặp).

Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ phẫu thuật về nguy cơ và lợi ích của cả hai phương pháp phẫu thuật và sử dụng thiết bị trợ thính để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

KHOA TAI MŨI HỌNG

Bệnh viện FV, Lầu 1, Toà nhà V

ĐT: (028) 54 11 33 33 – Máy nhánh: 7711

Zalo
Facebook messenger