Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư xảy ra tại các tế bào ở cổ tử cung – phần dưới của tử cung nối với âm đạo.
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50, mặc dù trong một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra ở phụ nữ dưới 25 tuổi.
Các chủng khác nhau của papillomavirus ở người (HPV) là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV là một nhóm vi-rút với hơn 100 loại khác nhau. Vi rút lây lan trong quá trình quan hệ tình dục và trong các hình thức hoạt động tình dục khác (như tiếp xúc da-kề-da ở cơ quan sinh dục). Hầu hết phụ nữ sẽ nhiễm virut HPV ở một số giai đoạn trong cuộc đời, nhưng thông thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, vi rút sẽ tồn tại trong nhiều năm, góp phần vào quá trình làm cho một số tế bào trên bề mặt cổ tử cung trở thành tế bào ung thư.
Bệnh nhân có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung bằng phương pháp sàng lọc và tiêm vắc-xin để phòng ngừa nhiễm khuẩn HPV. Lưu ý rằng không có phương pháp để điều trị HPV.
Ung thư cổ tử cung có các triệu chứng gì?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Một số phụ nữ không có bất kỳ dấu hiệu ung thư cổ tử cung nào. Đây là lý do vì sao việc sàng lọc cổ tử cung rất quan trọng.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung đã tiến triển hơn bao gồm:
- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa các chu kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh;
- Dịch tiết âm đạo lỏng, có lẫn máu, có thể ra nhiều và có mùi hôi;
- Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.
Phần lớn phụ nữ có các triệu chứng được liệt kê ở trên không bị ung thư cổ tử cung và có nhiều khả năng bị tình trạng khác, chẳng hạn như nhiễm khuẩn.
Điều gì làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung?
Trên thực tế, nhiễm khuẩn HPV rất thường gặp nhưng ung thư cổ tử cung tương đối hiếm gặp, điều đó cho thấy chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ dễ bị tổn thương khi nhiễm HPV. Một số yếu tố nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bao gồm:
- Hút thuốc lá – phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao gấp đôi so với phụ nữ không hút thuốc lá; điều này xảy ra là do tác hại của hóa chất trong thuốc lá được tìm thấy trên các tế bào ở cổ tử cung;
- Thuốc ức chế miễn dịch – phụ nữ đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (làm giảm sức mạnh của hệ miễn dịch cơ thể) có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.
Làm thế nào để có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung?
- Tiêm vắc-xin ngừa HPV: vắc-xin HPV giúp các em gái phòng ngừa ung thư cổ tử cung khi trưởng thành. Đó là lý do vì sao vắc-xin HPV được cung cấp cho tất cả các em từ 9 đến 26 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở tuổi trưởng thành. Vắc-xin đạt hiệu quả cao nhất khi các em được tiêm trước khi có hoạt động tình dục.
- Không hút thuốc lá.
- Thực hiện xét nghiệm Pap định kỳ (sàng lọc tế bào cổ tử cung, còn gọi là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung): trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ sẽ dùng bàn chải nhỏ lấy các tế bào cổ tử cung, sau đó tiến hành khảo sát sự bất thường trong phòng xét nghiệm. Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tế bào bất thường trong cổ tử cung, bao gồm tế bào ung thư và các tế bào có sự thay đổi làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV-DNA: xét nghiệm này giúp khảo sát tình trạng nhiễm khuẩn của các tế bào được lấy từ cổ tử cung với bất kỳ loại HPV nào có khả năng gây ung thư cổ tử cung.
Bệnh viện FV cung cấp dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn từ Hội Nghị Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ:
- Sàng lọc ung thư cổ tử cung nên bắt đầu ở độ tuổi 21;
- Đối với phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: khuyến cáo thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm một lần;
- Đối với phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi, nên xét nghiệm Pap đồng thời với xét nghiệm HPV-DNA và thực hiện 5 năm một lần.
Xét nghiệm Pap
Làm thế nào để chẩn đoán ung thư cổ tử cung?
Nếu nghi ngờ ung thư cổ tử cung, bác sĩ có thể tiến hành thăm khám kỹ lưỡng cổ tử cung. Một dụng cụ phóng đại chuyên dụng (dụng cụ soi âm đạo) được sử dụng để kiểm tra các tế bào bất thường.
Trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ có thể lấy một mẫu tế bào ở cổ tử cung (sinh thiết) để tiến hành xét nghiệm. Để lấy mô, bác sĩ có thể sử dụng:
- Sinh thiết bấm, là sử dụng một cây kim dạng bút để bấm lấy các mẫu mô nhỏ ở cổ tử cung;
- Nạo cổ trong cổ tử cung, là sử dụng một dụng cụ nhỏ hình thìa (thìa nạo) hoặc một bàn chải mỏng để nạo lấy một mẫu mô từ cổ tử cung.
Nếu thủ thuật sinh thiết bấm hoặc nạo cổ trong cổ tử cung gây lo lắng cho bệnh nhân, bác sĩ có thể thực hiện khoét chóp cổ tử cung để chẩn đoán và điều trị, đây là một thủ thuật được thực hiện trong bệnh viện có gây mê toàn thân, để giúp bác sĩ lấy các lớp tế bào sâu hơn ở cổ tử cung làm xét nghiệm.
Làm thế nào để điều trị ung thư cổ tử cung?
Việc điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như giai đoạn ung thư, các vấn đề về sức khỏe hiện có và nguyện vọng của bệnh nhân. Từ đó, có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp cả ba phương pháp trên.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Phương pháp này có thể giúp chữa lành ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và ngăn ngừa tái phát. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có thể là một lựa chọn cho ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
Xạ trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để phá hủy bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
Điều gì xảy ra nếu phát hiện tế bào bất thường trong quá trình sàng lọc?
Nếu kết quả sàng lọc cho thấy bệnh nhân không bị ung thư cổ tử cung, nhưng có sự thay đổi về sinh học mà có thể phát triển thành ung thư sau này, bác sĩ phẫu thuật thường sẽ loại bỏ các tế bào bất thường bằng phương pháp khoét chóp cổ tử cung có gây mê (cắt bỏ mô bất thường ở chóp cổ tử cung trong quá trình phẫu thuật).