Khô mắt

Khô mắt, còn được gọi là viêm kết giác mạc khô, là tình trạng khô lớp màng bao quanh mắt. Điều này xảy ra do lượng nước mắt tự nhiên bên trong mắt không đủ về mặt số lượng và chất lượng nước mắt không tốt. Mắt phải luôn luôn được duy trì độ ẩm. Các tuyến nước mắt (tuyến lệ) sẽ liên tục tiết ra một ít nước mắt. Các tuyến này nằm phía dưới phần bên ngoài của mí trên.

NGUYÊN NHÂN

Tình trạng khô mắt có thể do:

  • Không tiết ra đủ nước mắt (khô mắt do thiếu nước mắt);
  • Nước mắt bốc hơi quá nhanh (khô mắt do mất hơi nước). Điều này xảy ra khi nước mắt có chất lượng bất thường. Sự bất thường này làm cho nước mắt bốc hơi nhanh đến mức không thể giữ ẩm cho mắt.

Khô mắt có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng khác, như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hoặc hội chứng Sjögren. Khô mắt có thể từ dạng nhẹ đến nặng.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra  vì những nguyên nhân sau:

  • Phẫu thuật mắt bằng laser có thể gây ra các triệu chứng khô mắt tạm thời;
  • Thời gian ngồi trước màn hình kéo dài làm cho việc chớp mắt không đủ;
  • Cao tuổi là một yếu tố nguy cơ làm giảm khả năng tiết nước mắt. Khô mắt thường gặp hơn ở những người từ 50 tuổi trở lên;
  • Chứng đỏ da mặt (bệnh viêm da) và bệnh viêm mí mắt có thể phá vỡ chức năng của tuyến sụn mi;
  • Phụ nữ có nhiều khả năng bị khô mắt. Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ và sau khi mãn kinh có liên quan đến khô mắt. Phụ nữ còn có nguy cơ cao rối loạn tự miễn dịch;
  • Ở vùng khí hậu khô;
  • Ở khu vực có nhiều khói hoặc bụi;
  • Thiếu vitamin A có liên quan đến khô mắt;
  • Bệnh nhân dùng một số loại thuốc, như:
    • Thuốc kháng dị ứng (kháng histamin)
    • Thuốc điều trị huyết áp (hạ huyết áp)
    • Thuốc tránh thai (đường uống)
    • Thuốc nhuận tràng
    • Thuốc an thần.

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng ở mắt có thể bao gồm:

  • Kích ứng;
  • Ngứa;
  • Đỏ;
  • Nóng rát;
  • Viêm mí mắt;
  • Cảm giác như có dị vật trong mắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Nhạy cảm và khó chịu hơn khi đeo kính áp tròng, nếu có;
  • Thay đổi thị lực cả ngày;
  • Đôi khi chảy nước mắt quá mức.

CHẨN ĐOÁN

 

Kiểm tra màng nước mắt

Tình trạng này được chẩn đoán dựa vào triệu chứng, tiền sử bệnh và kết quả khám mắt. Bác sĩ có thể khám mắt bằng kính hiển vi và có thể dùng thuốc nhuộm để kiểm tra tình trạng của bề mặt mắt.

Bệnh nhân có thể được kiểm tra để đánh giá khả năng tiết nước mắt (Nghiệm pháp Schirmer). Khi kiểm tra, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đặt một mảnh giấy nhỏ chuyên dụng vào góc trong của mắt. Lượng nước mắt tiết ra được đo bằng chiều dài của độ ẩm trên mảnh giấy trong khoảng thời gian cố định.

ĐIỀU TRỊ

Tình trạng này thường được điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt, gọi là nước mắt nhân tạo. Nếu tình trạng nặng hơn, điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc nhỏ mắt kê đơn
  • Thuốc mỡ kê đơn hoặc không kê đơn để làm ẩm mắt
  • Tiểu phẫu để ngăn nước mắt chảy vào mũi
  • Dùng thuốc giảm viêm mí mắt.

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TẠI NHÀ

  • Chỉ dùng thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm thuốc nhỏ mắt.
  • Nếu được chỉ định, chườm gạc ấm lên mắt để giảm viêm. Đặt một chiếc khăn lên vùng mắt và ấn nhẹ miếng gạc ấm lên mắt trong khoảng năm phút, hoặc theo thời gian mà bác sĩ yêu cầu.
  • Nếu có thể, tránh môi trường khô và lạnh.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm tại nhà để tăng độ ẩm không khí.
  • Nếu có dùng kính áp tròng, tháo kính thường xuyên để mắt được nghỉ ngơi. Luôn tháo kính trước khi ngủ.
  • Tái khám theo yêu cầu của bác sĩ vì điều này rất quan trọng. Tái khám bao gồm khám mắt hàng năm và kiểm tra thị lực.

HÃY GẶP BÁC SĨ NẾU BỆNH NHÂN:

  • Đau mắt;
  • Mắt tiết ra dịch mủ;
  • Triệu chứng ngày càng nặng hoặc không cải thiện khi điều trị.

HÃY GẶP BÁC SĨ NGAY TỨC THÌ NẾU BỆNH NHÂN:

  • Đột ngột thay đổi thị lực.
Zalo
Facebook messenger