Xạ Trị Ung Thư Đầu – Cổ

Ung thư đầu – cổ là thuật ngữ dùng để mô tả các khối bướu ác tính khác nhau phát triển trong hoặc quanh họng, thanh quản, mũi, xoang, các tuyến nước bọt và miệng. Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau.

XẠ TRỊ LÀ GÌ?

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao (bức xạ) để điều trị ung thư. Xạ trị hoạt động bằng cách phá hủy các tế bào ung thư trong vùng điều trị. Mặc dù một số tế bào khỏe mạnh bình thường bị ảnh hưởng nhưng chúng có thể tự sửa chữa và phục hồi.

Xạ trị được thực hiện bằng máy gia tốc tuyến tính. Xạ trị không gây đau, máy xạ trị không chạm vào cơ thể bệnh nhân và gần giống như phương pháp chụp X-quang thường quy.

Có một số phương pháp xạ trị. Ung thư đầu cổ được điều trị tốt hơn bằng kỹ thuật Xạ trị điều biến liều (IMRT) hoặc Xạ trị điều biến thể tích (VMAT) hiện có tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng.

Xạ trị được thực hiện ngoại trú. Điều trị được chỉ định tiến hành một số ngày trong tuần nhằm bảo đảm chỉ chiếu xạ với các liều bức xạ nhỏ trong mỗi buổi. Một đợt xạ trị thông thường cho vùng đầu-cổ kéo dài từ 3 đến 7 tuần và mỗi buổi xạ trị sẽ mất khoảng 15 – 20 phút để xác định vị trí và thực hiện chiếu xạ.

Xạ trị không làm bệnh nhân bị nhiễm xạ và bệnh nhân vẫn an toàn khi ở cạnh người khác (kể cả trẻ em và phụ nữ mang thai) trong suốt các buổi điều trị.

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU XẠ TRỊ?

Đánh giá tình trạng răng

Bệnh nhân cần đến gặp nha sĩ trước khi bắt đầu xạ trị. Điều này giúp kiểm tra xem có răng có bị sâu hoặc “có nguy cơ” cần phải nhổ hay không. Bệnh nhân cũng có thể yêu cầu làm “máng răng”. Dụng cụ này được đặt vào miệng trong quá trình xạ trị để áp fluorine lên răng giúp tránh sâu răng.

Vui lòng đọc tờ thông tin “Bảo vệ răng khi xạ trị” của Bệnh viện FV.

Đánh giá dinh dưỡng

Điều quan trọng là phải có sự tham gia của chuyên viên/bác sĩ dinh dưỡng trước, trong và sau khi xạ trị để giúp ngăn ngừa tình trạng sụt cân thêm và/hoặc suy mòn do ung thư. chuyên viên/bác sĩ dinh dưỡng cũng sẽ đưa ra các lời khuyên về dinh dưỡng khi cần và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân trong suốt quá trình xạ trị.

Thai kỳ

Nếu bệnh nhân là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không nên mang thai trước hoặc trong khi xạ trị vì việc điều trị có thể gây hại cho thai nhi, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ. Nếu cần, vui lòng trao đổi với bác sĩ về các phương pháp tránh thai phù hợp để áp dụng trong quá trình xạ trị.

Máy tạo nhịp tim

Nếu bệnh nhân có máy tạo nhịp tim, vui lòng thông báo cho bác sĩ sớm nhất có thể. Bệnh nhân sẽ cần kiểm tra máy tạo nhịp tim trước khi xạ trị.

Rượu bia và thuốc lá

Bệnh nhân nên bỏ thuốc lá trong thời gian điều trị vì nó có thể gây đau họng và trì hoãn quá trình lành bệnh khiến việc điều trị kém hiệu quả. Để được hỗ trợ và tư vấn về việc bỏ thuốc lá, bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn tại Trung Tâm Cai Nghiện Thuốc Lá của Bệnh viện FV.

Uống rượu bia sẽ gây kích ứng niêm mạc miệng và họng, vì vậy khuyến cáo không sử dụng rượu bia trong quá trình xạ trị.

KẾ HOẠCH ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Mặt nạ nhựa

Chúng tôi sẽ làm mặt nạ nhựa giúp giữ vùng đầu và cổ của bệnh nhân ở cùng một vị trí trong mỗi buổi điều trị. Mặt nạ được thiết kế sao cho bệnh nhân vẫn có thể thở bình thường khi mang nó.

Khi làm mặt nạ, một tấm nhựa mỏng sẽ được đặt trong lò đối lưu nhiệt khô chuyên dụng để làm mềm. Sau đó, đặt tấm nhựa này lên mặt của bệnh nhân và tạo khuôn cho sống mũi và cằm. Mặt nạ sẽ cứng lại khi nguội và có thể cảm thấy hơi chặt. Điều này là bình thường vì nó giúp cố định đầu tại chỗ. Quá trình làm mặt nạ mất khoảng 10 phút nhưng lịch hẹn có thể kéo dài đến 30 phút.

Mặt nạ cần phải vừa khít. Chúng tôi cần bệnh nhân phải cắt tỉa lông mặt (râu và ria mép) thật ngắn hoặc phải được cạo sạch trước khi đến lịch hẹn làm mặt nạ.

Có thể xảy ra trường hợp mặt nạ không vừa với bệnh nhân tại một thời điểm trong quá trình xạ trị; đó có thể là do bệnh nhân đã sụt cân hoặc vì lý do khác, trong trường hợp đó, cần điều chỉnh hoặc làm cái mới.

Hình ảnh bên dưới cho thấy cách làm mặt nạ:

 

 

Bác sĩ ung bướu có thể yêu cầu bệnh nhân ngậm vật chèn khoang miệng trong miệng khi chụp CT lập kế hoạch và trong các buổi điều trị. Vật chèn khoang miệng sẽ tách phần trên và dưới của miệng giúp giảm đau trong khi xạ trị.

Chụp CT

Bệnh nhân sẽ được chụp CT khi mang mặt nạ mới. Thông thường cần tiêm thuốc cản quang để ghi được hình ảnh CT rõ hơn. Các hình ảnh này được sử dụng để tái tạo hình ảnh không gian ba chiều vùng đầu – cổ của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ ung bướu sẽ sử dụng hình ảnh này để lập kế hoạch chính xác vùng xạ trị.

Có thể xảy ra trường hợp cần chụp CT lần thứ hai trong quá trình xạ trị, ví dụ như khi kích thước khối bướu giảm nhanh. Điều này cần thiết để điều chỉnh chính xác việc xạ trị của bệnh nhân.

ĐIỀU GI SẼ XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH XẠ TRỊ?

Tại mỗi buổi điều trị, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thay trang phục, sau đó kỹ thuật viên xạ trị sẽ đưa bệnh nhân vào phòng xạ trị. Bệnh nhân sẽ nằm trên bàn điều trị, và được đặt mặt nạ lên mặt. Kỹ thuật viên xạ trị sẽ di chuyển bàn điều trị để bảo đảm bệnh nhân được đặt đúng vị trí. Khi vị trí bệnh nhân đã đạt yêu cầu, kỹ thuật viên xạ trị sẽ rời khỏi phòng.

Bệnh nhân sẽ được chụp kiểm tra tư thế thường xuyên bằng cách sử dụng tia X tạo ảnh trong quá trình xạ trị nhằm đảm bảo việc xạ trị đang được thực hiện chính xác. Sẽ có một thời gian ngắn để đánh giá hình ảnh kiểm tra và bệnh nhân có thể cảm thấy bàn điều trị chuyển động khi các kỹ thuật viên xạ trị điều chỉnh vị trí bàn từ bên ngoài phòng xạ trị.

Việc điều trị sẽ bắt đầu và máy sẽ chuyển động quanh bệnh nhân để chiếu xạ từ các góc độ khác nhau. Bệnh nhân sẽ không cảm thấy gì nhưng có thể nghe thấy âm thanh chuyển động của máy. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ phải ở một mình trong phòng nhưng kỹ thuật viên xạ trị sẽ luôn theo dõi bệnh nhân trên màn hình. Nếu cần hỗ trợ, bệnh nhân có thể giơ tay và kỹ thuật viên sẽ trở lại phòng.

Khi đặt bệnh nhân đúng vị trí, bàn điều trị sẽ nâng lên khá cao, vì vậy điều quan trọng là bệnh nhân không được cử động hoặc cố gắng rời khỏi bàn mà không có sự trợ giúp.

Sau khi xạ trị kết thúc, kỹ thuật viên xạ trị sẽ trở lại phòng, tháo mặt nạ và đưa bàn điều trị xuống thấp. Kỹ thuật viên xạ trị sẽ báo cho bệnh nhân biết đã an toàn để ngồi dậy và rời khỏi bàn.

Mỗi buổi xạ trị có thể mất từ ​​15-20 phút để xác định vị trí và chiếu xạ.

Vui lòng thông báo cho đội ngũ y tế càng sớm càng tốt nếu bệnh nhân nhận thấy có bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ thể hoặc thói quen bình thường, như thay đổi trong ăn uống, cân nặng, thói quen ngủ nghỉ, cảm thấy khó chịu hoặc đau hơn.

Các tác dụng phụ của xạ trị đối với vùng đầu, cổ và ngực có thể nặng hơn khi uống rượu bia và hút thuốc lá. Vì vậy, tất cả bệnh nhân nên bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia. Điều này đặc biệt quan trọng trong và ngay sau khi xạ trị.

TÁC DỤNG PHỤ CÓ THỂ CÓ?

Bệnh nhân có thể bắt đầu thấy một số tác dụng phụ trong tuần xạ trị thứ hai hoặc thứ ba. Điều quan trọng cần nhớ là những phản ứng xạ trị và mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau ở từng cá nhân.

Bác sĩ ung bướu và chuyên viên /bác sĩ dinh dưỡng sẽ thường xuyên thăm khám để xem xét bệnh nhân được chăm sóc như thế nào và bảo đảm bệnh nhân được hỗ trợ đầy đủ để giúp hoàn thành quá trình xạ trị. Bệnh nhân có thể cần gặp chuyên viên ngôn ngữ trị liệu để kiểm tra xem bệnh nhân có gặp vấn đề về nuốt hay không.

Mệt mỏi

Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi hơn trong quá trình xạ trị, đặc biệt là vào cuối các buổi điều trị. Việc tự lập kế hoạch trong ngày sẽ rất hữu ích vì bệnh nhân chủ động được thời gian nghỉ ngơi và làm những việc quan trọng khi cảm thấy ít mệt mỏi nhất. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc.

Bệnh nhân có thể cần hỗ trợ để thực hiện các hoạt động hàng ngày như mua sắm, giặt ủi và chuẩn bị bữa ăn.

Đau miệng và họng

Đầu tiên, bệnh nhân có thể thấy khô miệng hơn. Trong tiến trình điều trị, các vùng trong miệng có thể bị loét, sưng và đau. Miệng cũng có thể tiết ra chất nhầy dính. Bên trong họng có thể bị đau gây khó nuốt. Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc để kiểm soát đau và giúp nuốt dễ dàng hơn.

Điều quan trọng là trong quá trình xạ trị cần uống nhiều nước và giữ vùng miệng khỏe mạnh. Cần vệ sinh răng miệng tốt bao gồm chải miệng và lưỡi nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng mềm, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và sử dụng nước súc miệng thường xuyên. Nhân viên y tế sẽ tư vấn cách chăm sóc răng miệng thích hợp cũng như cách pha chế và sử dụng nước súc miệng.

Vui lòng đọc tờ thông tin “Điều trị loét và ung thư miệng” của Bệnh viện FV.

Khô miệng

Xạ trị có thể ảnh hưởng đến các tuyến nước bọt. Nước bọt giúp bôi trơn miệng, bảo vệ răng và bắt đầu quá trình tiêu hóa. Tình trạng khô miệng có thể kéo dài trong vài tháng và có thể là vĩnh viễn trong một số trường hợp.

Thay đổi vị giác

Thay đổi vị giác hoặc thậm chí mất vị giác có thể trực tiếp do xạ trị hoặc gián tiếp do khô và đau miệng. Bệnh nhân có thể thấy thức ăn trở nên nhạt nhẽo hoặc có thể không nếm được gì. Tình trạng này có thể kéo dài đến 8 tuần sau khi kết thúc điều trị.

Vấn đề ăn uống

Tình trạng mất vị giác, đau miệng và khó nhai nuốt sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị của bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân phải duy trì cân nặng trong suốt quá trình xạ trị. Chuyên viên /bác sĩ dinh dưỡng sẽ khuyến cáo các điều chỉnh cần thiết trong chế độ ăn uống hiện tại của bệnh nhân. Kế hoạch ăn uống được thiết kế riêng dựa vào triệu chứng và nhu cầu dinh dưỡng của từng bệnh nhân.

Uống nhiều nước. Uống đủ nước trong bữa ăn để giúp dễ nuốt thức ăn hơn. Uống từng ngụm nhỏ thức uống lạnh như nước trái cây không chứa axit hoặc các loại nước thảo mộc thơm (trà hoa cúc) giữa bữa ăn. Sử dụng ống hút nếu đau miệng. Cố gắng uống sáu ly nước lớn mỗi ngày, đặc biệt là trước, trong và sau khi điều trị.

Ăn khẩu phần nhỏ hơn, ăn nhiều lần hơn. Tránh các loại trái cây và nước trái cây có vị chua, mặn hoặc có tính axit như cam, bưởi và cà chua. Tránh gia vị và thức ăn cay có thể gây kích ứng miệng. Hạn chế thực phẩm thô, cứng hoặc khô có cạnh sắc như rau sống, khoai tây chiên, bánh quy xoắn hoặc các loại hạt. Sử dụng máy xay để làm mềm hoặc xay nhuyễn thức ăn nếu khó nhai hoặc nuốt.

Ăn thức ăn mềm, ẩm, nhạt, có nhiệt độ ấm hoặc nguội. Thức ăn hoặc thức uống nóng (cà phê, trà) có thể gây đau miệng. Kem hoặc kem que không đường cung cấp chất lỏng cần thiết và giúp xoa dịu vùng bị viêm. Ăn những thứ này ngay trước và trong khi điều trị có thể rất hữu ích.

Đôi khi các phương pháp nuôi ăn bằng ống hoặc mở thông dạ dày ra da qua nội soi (PEG) để cung cấp dinh dưỡng trực tiếp đến dạ dày là điều cần thiết.

Chán ăn và sụt cân

  • Cố gắng ăn thật nhiều khi có cảm giác thèm ăn – ăn các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ thường xuyên;
  • Thử các loại thức ăn khác nhau để có thể phát hiện món ăn yêu thích nhưng không ăn thường xuyên;
  • Không nên thử ăn quá nhiều một lúc. Ăn khẩu phần nhỏ và ăn nhiều lần. Ăn 6 bữa ăn nhỏ và bữa ăn nhẹ bổ dưỡng mỗi ngày giữa các bữa ăn;
  • Nấu thức ăn càng bổ dưỡng càng tốt. Nếu không thể dung nạp thức ăn đặc, thử đồ uống bổ dưỡng, ví dụ: sữa, súp kem, đồ uống xay nhuyễn, nước jelly, sữa trứng, sữa chua và sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đường miệng
  • Mục đích cung cấp đủ protein trong các các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ.
  • Hãy để người khác nấu ăn. Việc tự nấu có thể làm bệnh nhân mệt mỏi và khó chịu. Thực phẩm tiện lợi có thể hữu ích khi luôn có sẵn để dùng;
  • Cố gắng thư giãn và thưởng thức bữa ăn. Đi bộ ngắn trước bữa ăn hoặc đơn giản là hít thở không khí trong lành có thể giúp bệnh nhân cảm thấy ngon miệng.

Tận dụng các nguồn thức ăn

  • Bổ sung chất dinh dưỡng và thêm calo cho bữa ăn là điều quan trọng để giúp duy trì cân nặng;
  • Sử dụng các sản phẩm từ sữa nguyên kem, đặc biệt là sữa và sữa chua, thay vì loại ít béo;
  • Thêm sữa bột khô vào súp, nước sốt, bánh pudding sữa và sữa trứng;
  • Thêm phô mai và kem vào thức ăn như khoai tây nghiền, sốt kem và súp;
  • Dùng thêm chất phết hoặc xốt như bơ nguyên kem, bơ thực vật, xốt mayonnaise, bơ đậu phộng, phết sô-cô-la, mứt hoặc mứt cam;
  • Thêm đường trắng hoặc nâu, mật ong, xi-rô hoặc mật đường vào ngũ cốc, đồ uống hoặc món tráng miệng;
  • Thử cho thêm nước thịt, bơ hoặc bơ thực vật để tăng độ ẩm cho món ăn.

Thay đổi giọng nói

Nếu thanh quản nằm trong vùng điều trị, bệnh nhân có thể bị khàn tiếng trong quá trình xạ trị. Mặc dù tình trạng này sẽ kéo dài trong vài tuần sau khi điều trị nhưng sẽ cải thiện theo thời gian.

Chuyên viên ngôn ngữ trị liệu và các thành viên khác trong đội ngũ nhân viên y tế sẽ cung cấp thông tin và tư vấn để bệnh nhân có thể chăm sóc giọng nói.

Tổn thương da

Da ở vùng điều trị sẽ từ từ khô và hơi ửng đỏ, rất giống cháy nắng, và thậm chí có thể bong tróc hoặc rỉ nước. Các phản ứng sẽ có mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy từng người. Hiện có nhiều loại kem, gel và băng dán khác nhau để sử dụng nếu cần.

Rửa sạch da bằng xà phòng không chứa chất tạo mùi thơm. Vùng này nên được rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm và thấm khô bằng khăn mềm sạch.

Không để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian xạ trị, nếu cần ra ngoài, thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 50 trở lên lên vùng da đã xạ trị và đội nón. Sau khi cạo râu, không sử dụng nước hoa trên da trong khi xạ trị và 4 tuần sau khi xạ trị. Không trang điểm trong vùng đang được xạ trị.

Nếu có râu hoặc ria mép, bệnh nhân có thể được yêu cầu cạo sạch trước khi làm mặt nạ. Trong quá trình xạ trị, nên tránh cạo ướt và sử dụng dao cạo điện.

Rụng tóc

Chân tóc ngay trong vùng xạ trị trị sẽ bị tổn thương do xạ trị gây rụng tóc. Tình trạng rụng tóc này thường là tạm thời và tóc sẽ mọc trở lại; tuy nhiên tóc có thể không còn dày như trước. Thời gian và cách mọc tóc trở lại sẽ phụ thuộc vào liều xạ trị mà bệnh nhân nhận được.

Vấn đề thính giác

Nếu tai nằm trong vùng xạ trị thì thính giác có thể bị ảnh hưởng. Tình trạng này là do sưng bên trong tai và sẽ trở lại bình thường một vài tuần sau khi kết thúc điều trị. Bên trong tai có thể cảm thấy khô, đau và/hoặc ngứa. Đây là phản ứng bình thường, thường sẽ khỏi sau khi điều trị.

Ngoại hình

Trong quá trình xạ trị và một thời gian ngắn sau đó, ngoại hình của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng. Da giống như bị cháy nắng nghiêm trọng, có thể khó che khuyết điểm nếu điều trị ở vùng mặt và cổ. Tuy nhiên, sau khi điều trị, da sẽ lành lại chứ không tổn thương vĩnh viễn.

Rụng tóc ở vùng xạ trị có thể gây lo âu vì ngoại hình và hình ảnh bản thân trước mọi người rất quan trọng. Tóc trong vùng xạ trị sẽ bị rụng nên ngoại hình của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nếu có để râu.

AI SẼ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TRONG QUÁ TRÌNH XẠ TRỊ?

Bác sĩ ung bướu sẽ khám bệnh nhân hàng tuần và khi kết thúc điều trị, và sẽ là người chịu trách nhiệm chung trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Các thành viên khác bao gồm:

  • Nhân viên công tác xã hội của Khoa ung bướu sẽ hướng dẫn và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình xạ trị đồng thời đưa ra lời khuyên về vấn đề tài chính;
  • Điều dưỡng Khoa ung bướu sẽ hỗ trợ và kiểm tra cân nặng và dấu hiệu sinh tồn hàng tuần;
  • Kỹ thuật viên xạ trị được đào tạo đặc biệt để tiến hành xạ trị;
  • Chuyên viên /bác sĩ dinh dưỡng sẽ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân trước, trong và sau khi điều trị, lập kế hoạch ăn uống dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của từng bệnh nhân, tư vấn dinh dưỡng về chế độ ăn hiện tại, thực hiện các điều chỉnh cần thiết cho kế hoạch ăn uống như cấu trúc thực phẩm và cách làm dịu các triệu chứng, và cuối cùng là cung cấp các chiến lược để duy trì cân nặng của bệnh nhân;
  • Chuyên viên ngôn ngữ trị liệu sẽ tư vấn và hỗ trợ các vấn đề về nuốt, nói và giao tiếp phát sinh từ quá trình xạ trị của bệnh nhân;
  • Bác sĩ điều trị đau sẽ tư vấn và đưa ra các lựa chọn điều trị để kiểm soát đau;
  • Chuyên viên tâm lý lâm sàng có thể tư vấn về các mối lo âu, thay đổi tâm trạng, hình ảnh bản thân, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân và thân nhân trong và sau khi điều trị.
Zalo
Facebook messenger