CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (CHT) LÀ GÌ ?
Chụp cộng hưởng từ (CHT) hay còn gọi là MRI là một phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán các bệnh ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, gân và xương.
Chụp CHT sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra những hình ảnh chi tiết của cơ thể, đặc biệt là các mô mềm như não, tủy sống và cơ. Thiết bị dùng để chụp CHT là máy chụp CHT. Máy gồm một ống lớn chứa các nam châm mạnh. Bệnh nhân nằm bên trong ống trong khi chụp. Không giống như chụp X-quang, ưu điểm của chụp CHT là cơ thể bệnh nhân không bị phơi nhiễm bức xạ. Mặc dù bệnh nhân có thể cảm thấy mỏi và khó chịu khi phải nằm bất động lâu, nhưng chụp CHT là một khảo sát không đau và thông thường chỉ mất từ 30-40 phút để thực hiện.
LỢI ÍCH CỦA CHỤP CHT
Hệ thống CHT Optima ™ MR360 1.5T, được sử dụng tại Bệnh viện FV, kết hợp công nghệ mới nhất với phần mềm chuyên dụng để tạo ra hình ảnh chất lượng cao trong một khoảng thời gian ngắn. Đây cũng là một trong những loại máy chụp CHT thân thiện nhất đối với bệnh nhân vì đã mang lại cảm giác thoải mái và hoàn toàn dễ chịu cho bệnh nhân.
Hệ thống 1.5T MRI cung cấp ứng dụng lâm sàng tiên tiến không can thiệp như:
- Khảo sát hình ảnh cơ xương như cơ, gân, xương và mô của chi trên và dưới như cổ tay, cánh tay, khuỷu tay, bàn tay, hông, đùi, đầu gối, cẳng chân, cổ chân, bàn chân
- Khảo sát hình ảnh thần kinh như hộp sọ, não, mạch máu não và tủy sống
- Khảo sát hình ảnh đầu và cổ như cổ, cột sống, khoang tai, ổ mắt, khoang mũi, thanh quản, tuyến nước bọt, hạch bạch huyết, tuyến yên
- Khảo sát hình ảnh của thành ngực, cột sống ngực và động mạch chủ ngực
- Khảo sát hình ảnh cột sống thắt lưng
- Khảo sát hình ảnh bụng và xương chậu như bụng và thành bụng, đường mật, tụy, hệ tiết niệu, tử cung, cổ tử cung và buồng trứng (nữ), tuyến tiền liệt và tinh hoàn (nam), ống hậu môn, sàn chậu, vv…
- Khảo sát hình ảnh đường mật và ống tụy
- Khảo sát hình ảnh mạch máu (hình ảnh động mạch cảnh, mạch máu não, động mạch chủ, động mạch nội tạng, động mạch chi)
- Khảo sát hình ảnh vú
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI CHỤP
- Chụp CHT không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường.
- Khi đến khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện FV, bệnh nhân sẽ được yêu cầu điền bảng câu hỏi trước khi chụp CHT giúp nhân viên biết tình hình sức khỏe của bệnh nhân và bệnh nhân sẽ ký giấy đồng ý thực hiện chụp CHT.
- Chụp CHT sử dụng từ trường mạnh nên PHẢI tháo bỏ tất cả vật dụng bằng kim loại trước khi vào phòng chụp. Bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp tim và thiết bị trợ thính không được chụp CHT. Bệnh nhân có vật liệu cấy ghép khác bằng kim loại có thể không được chụp CHT. Vì vậy, quý vị cần thông báo cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc Kỹ thuật viên hình ảnh nếu có bất kỳ vật dụng sau đây:
- Máy tạo nhịp tim
- Kẹp phình mạch máu não, stent mạch máu, thiết bị bơm thuốc tự động và máy kích thích thần kinh
- Thiết bị trợ thính hoặc các thiết bị cấy ghép tai khác
- Mảnh kim loại trong mắt
- Bất kỳ thiết bị cấy ghép kim loại nào (ghim phẫu thuật, răng giả, khớp giả, v.v…)
- Bạnphảiloại bỏcác vật dụng nhưđồ trang sức, ví,đồng hồ, chìa khóa, thẻtừ (ATM, thẻ tín dụng), kẹp tóc, vàđiện thoại.
- Bệnh nhân được yêu cầu mặc áo choàng giúp ngăn nhiễm từ từ các vật dụng kim loại. Bệnh nhân nằm trên bàn chụp và được di chuyển từ từ vào trong lồng máy. Bộ phận cơ thể cần khảo sát sẽ được đưa vào giữa lồng. Một thiết bị giúp tăng chất lượng hình ảnh sẽ được đặt trên vùng cần khảo sát.
- Việc chụp CHT diễn ra trong một không gian khép kín, vì vậy bệnh nhân cần thông báo trước cho kỹ thuật viên nếu mắc chứng sợ bị giam giữ hay lo âu.
Thông tin dành cho bệnh nhân nữ
Bệnh nhân nữ không nên trang điểm mắt khi chụp CHT não vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Khi đặt hẹn, bệnh nhân phải thông báo cho Khoa Chẩn đoán Hình ảnh biết nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc có thể đang mang thai, giúp bác sĩ khoa Chẩn đoán Hình ảnh tìm hiểu thêm thông tin về tình trạng của bệnh nhân qua chính bệnh nhân và/ hoặc bác sĩ giới thiệu bệnh. Theo quy tắc chung, sản phụ không được chụp CHT trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ, trừ khi thật sự cần thiết về mặt y khoa theo nhận định của bác sĩ giới thiệu bệnh hoặc bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh là lợi ích của việc chụp CHT lớn hơn những rủi ro có thể mang lại. Điều đó cũng có thể hiểu là ngoài CHT không có kỹ thuật nào khác có thể đem lại những thông tin khảo sát chi tiết.
QUY TRÌNH KHẢO SÁT
- Bệnh nhân được đặt nằm trên một bàn lót đệm và được di chuyển từ từ vào môi trường nam châm mở với từ trường bao quanh cơ thể.
- Bệnh nhân được cung cấp tai nghe để nghe nhạc nếu muốn để giúp làm giảm tiếng vo vo phát ra từ máy chụp CHT. Trong quá trình khảo sát, Kỹ thuật viên hình ảnh có thể nói chuyện với bệnh nhân qua hệ thống liên lạc nội bộ.
- Bệnh nhân sẽ nghe thấy âm thanh rung, đó cũng là lúc máy đang chụp. Một việc rất quan trọng là bệnh nhân phải nằm bất động khi chụp. Nếu bệnh nhân cử động sẽ làm mờ hình ảnh thu được, y như chúng ta chụp một vật thể đang chuyển động.
- Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc Kỹ thuật viên hình ảnh sẽ kiểm tra chất lượng hình ảnh trong khi chụp để đảm bảo hình ảnh phải rõ nét.
Chất tương phản dùng trong chụp CHT (Gadolinium)
Một số trường hợp chụp CHT cần tiêm chất tương phản (còn gọi là Gadolinium) vào tĩnh mạch nhằm giúp quan sát các tổn thương rõ nét hơn. Điều dưỡng hoặc Kỹ thuật viên hình ảnh có kinh nghiệm sẽ đặt một kim luồn bằng nhựa vào tĩnh mạch ở cánh tay để tiêm chất tương phản vào cơ thể của bệnh nhân. Việc đặt kim luồn tĩnh mạch có thể làm bệnh nhân thấy hơi khó chịu, nhưng không khó chịu bằng khi lấy máu ở tay. Chất tương phản KHÔNG phải là chất phóng xạ.
Việc sử dụng chất tương phản trong khảo sát CHT mang lại hiệu quả rất lớn. Chất tương phản giúp khảo sát chính xác hơn và giúp phát hiện những căn bệnh nguy hiểm như ung thư.
Việc tiêm chất tương phản vào tĩnh mạch thường diễn ra tốt đẹp.
Trước khi thực hiện khảo sát, bệnh nhân sẽ được khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện FV thông báo về những rủi ro có thể xảy ra như sau:
- Cũng như tất cả các thủ thuật y khoa khác, việc sử dụng bất kỳ chất nào đưa vào cơ thể cũng có những rủi ro đi kèm, kể cả việc sử dụng chất tương phản trong tĩnh mạch.
- Nếu sau khi đọc những thông tin này mà bệnh nhân vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện khảo sát CHT có tiêm chất tương phản, thì khảo sát vẫn được thực hiện mà không tiêm chất tương phản, tuy nhiên, kết quả khảo sát có thể không đạt đúng yêu cầu của bác sĩ chỉ định.
- Khi tiêm chất tương phản, bệnh nhân sẽ cảm thấy mát dịu và cảm giác này chỉ vụt qua trong một hoặc hai phút. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy như có vị the lạnh trong miệng sau khi tiêm. Cũng có thể bệnh nhân bị tác dụng phụ do chất tương phản như buồn nôn, đau tại chỗ. Hiếm khi bệnh nhân bị dị ứng với chất tương phản và bị phát ban, ngứa mặt hoặc những phản ứng khác. Nếu có triệu chứng dị ứng, bệnh nhân cần báo cho Kỹ thuật viên hình ảnh. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sĩ khác sẽ hỗ trợ khi cần. Những phản ứng nhỏ này chỉ xảy ra trong dưới 0,05% trường hợp. Khoa Chẩn đoán hình ảnh được trang bị đầy đủ để xử lý những trường hợp này. Không có cách nào khác để dự đoán trước bệnh nhân có bị dị ứng với chất tương phản hay không trừ khi tiêm thuốc.
- Xơ hóa toàn thân do thận là một biến chứng của chụp CHT được biết đến hiện nay, nhưng hiếm, chỉ xảy ra khi tiêm liều cao chất tương phản ở những bệnh nhân bị suy thận nặng.
Chất tương phản dạng gel
Một số bệnh nhân có chỉ định chụp MRI phần chậu cần sử dụng một dạng gel để bơm vào âm đạo và trực tràng nhằm giúp cho các tổn thương hiện rõ hơn trên hình ảnh được quét từ máy MRI. Kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm sẽ bơm gel vào trực tràng qua đường âm đạo bằng một ống nhựa nhỏ và mềm. Bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi khó chịu đôi chút, và gel sau đó sẽ dễ dàng được đào thải ra ngoài khi bệnh nhân đi vệ sinh sau khi làm khảo sát. Bệnh nhân nữ có thể được cấp một miếng băng vệ sinh nếu có yêu cầu.
THỜI GIAN CHỤP CHT
Thông thường, mỗi lần chụp CHT được thực hiện khoảng bốn hoặc năm loại cắt lớp khác nhau (chuỗi xung) với mỗi lớp kéo dài khoảng từ 2-8 phút..Bệnh nhân sẽ ở trong máy chụp khoảng từ 30-40 phút.
GIẢI THÍCH KẾT QUẢ CHỤP CHT
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ kiểm tra và báo cáo kết quả khảo sát. Bác sĩ giới thiệu bệnh được thông báo ngay nếu có bất kỳ phát hiện nghi ngờ nào. Bệnh nhân nhận kết quả bằng văn bản vào cùng ngày chụp CHT hoặc trong vòng hai (02) ngày tùy thuộc vào yêu cầu chẩn đoán và lâm sàng.
Bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ giới thiệu bệnh hoặc bác sĩ điều trị để trao đổi về kết quả chụp CHT.
ĐẮT HẸN CHỤP CHT
Để biết thêm thông tin và đặt hẹn, vui lòng liên hệ khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện FV: (08) 54 11 34 00
LƯU Ý
- Trước khi thực hiện khảo sát CHT, bệnh nhân cần mang theo chỉ định của bác sĩ đề nghị chụp CHT, các khảo sát đã thực hiện trước đó (như X-quang, siêu âm, CHT, CT) kèm theo tường trình kết quả nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đánh giá tình trạng bệnh nhân.
- Xin lưu ý, khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện FV tiếp nhận tất cả các trường hợp giới thiệu bệnh đến chụp CHT tại đây, kể cả khi bệnh nhân mang giấy giới thiệu từ một cơ sở chẩn đoán hình ảnh khác.
- Bệnh nhân sẽ được chụp CHT theo lịch hẹn, nhưng những trường hợp phức tạp, người lớn tuổi và bệnh nhân có thể trạng yếu có thể cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy, rất mong bệnh nhân hiểu và thông cảm.