Dụng cụ trợ giúp đi

DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI LÀ GÌ?

Dụng cụ trợ giúp đi là thiết bị hỗ trợ di chuyển được bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu đề nghị sử dụng. Dụng cụ này giúp duy trì hoặc cải thiện khả năng di chuyển và sự độc lập khi bệnh nhân không thể chịu hoàn toàn hoặc một phần trọng lượng cơ thể trên một chân do chấn thương, phẫu thuật hoặc đau. Dụng cụ trợ giúp đi cũng có thể được đề nghị khi bệnh nhân bị yếu cơ hoặc thăng bằng kém, để cải thiện chức năng, mức độ di chuyển và tối ưu hóa sự an toàn của bệnh nhân.

Dụng cụ trợ giúp đi được sử dụng một thời gian ngắn trong quá trình chữa lành và phục hồi hoặc sử dụng lâu dài khi bị khuyết tật, lớn tuổi hoặc có bệnh lý thoái hóa.

Dụng cụ trợ giúp đi phổ biến nhất là nạng khuỷu, nạng nách, khung tập đi và gậy. Tuy nhiên, chuyên viên vật lý trị liệu có thể cung cấp nhiều dụng cụ trợ giúp đi chuyên dụng khác về kích thước, chất liệu và tính năng bổ sung. Đừng ngần ngại liên hệ với chuyên viên vật lý trị liệu để biết thêm thông tin.

CÁCH CHỌN LỰA DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI?

Không phải tất cả dụng cụ trợ giúp đi đều phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân.

Việc lựa chọn dụng cụ trợ giúp đi phải cân nhắc đến chiều cao, cân nặng, kế hoạch điều trị, yếu tố nguy cơ, sức mạnh cơ và các hạn chế của bệnh nhân. Việc lựa chọn dụng cụ trợ giúp đi không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, khả năng hồi phục hoặc làm tăng nguy cơ té ngã của bệnh nhân. Để lựa chọn dụng cụ trợ giúp đi phù hợp nhất, bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân đến chuyên viên vật lý trị liệu có kinh nghiệm để đánh giá khả năng và yếu tố nguy cơ của bệnh nhân.

Loại dụng cụ trợ giúp điĐối tượng sử dụng?
Nạng khuỷuNhững người có phần trên cơ thể mạnh khỏe và thăng bằng tốt
Nạng náchNhững người có phần trên cơ thể yếu
Khung tập điNhững người thăng bằng kém
GậyNhững người cần ít hỗ trợ

Không sử dụng dụng cụ trợ giúp đi nếu bệnh nhân cảm thấy không an toàn hoặc không thoải mái đồng thời liên hệ với chuyên viên vật lý trị liệu để giúp lựa chọn và điều chỉnh dụng cụ cho bệnh nhân. Chuyên viên vật lý trị liệu cũng có thể đề nghị các dụng cụ thay thế giúp duy trì lối sống và sự tự chủ của bệnh nhân. Việc chọn lựa các dụng cụ trợ giúp đi khác dựa vào mức độ hoạt động của bệnh nhân, dùng xe lăn hỗ trợ hoặc thiết lập chương trình phục hồi chức năng. Chương trình phục hồi chức năng có thể giúp tối ưu hóa việc phục hồi sức mạnh cơ, thăng bằng để có thể sử dụng dụng cụ trợ giúp đi hiệu quả hơn.

CÁCH ĐIỀU CHỈNH DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI?

Khi đã lựa chọn đúng dụng cụ trợ giúp đi, dụng cụ cần được điều chỉnh cho phù hợp với cơ thể để tối ưu hóa sự thoải mái, đảm bảo an toàn và phòng tránh có thêm tổn thương.

Đối với nạng khuỷu, khung tập đi và gậy, điều chỉnh tay cầm ngang cổ tay.

Đối với nạng nách, đầu tiên điều chỉnh chiều cao của nạng ngang nách, sau đó thực hiện tương tự như các dụng cụ trợ giúp đi khác.

BỆNH NHÂN CÓ NGUY CƠ TÉ NGÃ KHÔNG?

Khi sử dụng dụng cụ trợ giúp đi, bệnh nhân có nguy cơ té ngã do dáng đi, sức mạnh cơ và thăng bằng bị ảnh hưởng. Việc sử dụng dụng cụ phù hợp cùng với dáng đi đúng theo sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ té ngã. Hãy sử dụng dụng cụ trợ giúp đi theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu và tuân thủ khuyến cáo để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân như môi trường, thuốc hoặc tình trạng sức khỏe.

Yêu cầu sự trợ giúp của gia đình để tạo môi trường an toàn và cần hiểu rõ các yếu tố làm tăng nguy cơ té ngã:

  • Tránh các bề mặt không vững chắc (bãi biển, sỏi, bùn, v.v.);
  • Tránh các bề mặt trơn trượt (sàn ướt hay có phủ sáp hoặc sàn xi măng trơn láng). Cẩn thận khi ở khu vực nhà bếp hoặc phòng tắm;
  • Thường xuyên để ý các bề mặt không bằng phẳng;
  • Đảm bảo đủ ánh sáng;
  • Dọn dẹp các tấm thảm, đặc biệt là khi đặt trên sàn có phủ sáp;
  • Tháo rời dây điện thoại hoặc các dây nối khác;
  • Tránh nơi đông người;
  • Cẩn thận với đồ chơi trẻ em;
  • Cẩn thận với vật nuôi;
  • Không để trẻ em hoặc người khác nghịch phá nạng.

Để tối ưu hóa sự an toàn cho bệnh nhân:

  • Chỉ sử dụng dụng cụ trợ giúp đi trên nền đất chắc chắn;
  • Mang giày thấp và vừa chân;
  • Kiểm tra đầu cao su bọc nạng hai lần mỗi tuần, đặc biệt khi đi bộ ngoài trời.

Một yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ té ngã là các loại thuốc bệnh nhân đang dùng có tác dụng làm giảm sự tỉnh táo (thuốc an thần hoặc thuốc chống lo âu) hoặc do uống bia rượu.

Khi bệnh nhân cảm thấy không khỏe, mệt hoặc đau, liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu để được tư vấn. Yêu cầu sự trợ giúp của gia đình, bạn bè và tránh sử dụng dụng cụ một mình cho đến khi được hướng dẫn thêm.

BỆNH NHÂN NÊN BẢO DƯỠNG VÀ VỆ SINH DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI NHƯ THẾ NÀO?

Không cần bảo dưỡng đặc biệt cho nạng ngoại trừ việc thay đầu cao su khi chúng bị mòn. Bệnh nhân có thể thay các đầu cao su này từ nơi bán dụng cụ trợ giúp đi.

Khi phát hiện các bộ phận trên dụng cụ bị hỏng, như ống, tay cầm hoặc hệ thống khóa, bệnh nhân phải bỏ nạng và thay mới ngay lập tức.

Dụng cụ trợ giúp đi phải được vệ sinh bằng chất tẩy rửa hoặc xà phòng dịu nhẹ, sau đó lau sạch bằng nước rồi lau khô bằng vải sạch. Vệ sinh tay cầm hàng ngày. Không ngâm dụng cụ trong nước.

Nếu bệnh nhân gặp bất kỳ vấn đề gì với dụng cụ trợ giúp đi, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

TẠI SAO BÁC SĨ GIỚI THIỆU BỆNH NHÂN TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU?

Khi bệnh nhân đang sử dụng dụng cụ trợ giúp đi hoặc thiết bị hỗ trợ di chuyển, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện chương trình vật lý trị liệu để có thể sử dụng dụng cụ an toàn và hiệu quả. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành và phục hồi cũng như phòng tránh sự trì hoãn phục hồi. Chương trình vật lý trị liệu này bao gồm:

  • Tập đi bằng nạng;
  • Hướng dẫn giảm đau và viêm;
  • Cách phòng tránh dáng đi sai, đi khập khiễng;
  • Cách phòng tránh cứng khớp, yếu cơ và rối loạn mạch thần kinh;
  • Cải thiện tư thế và thăng bằng;
  • Đề nghị các phương pháp thay thế để duy trì các hoạt động ở nhà, trường học và nơi làm việc.

BỆNH NHÂN CÓ THỂ CẢI THIỆN CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO KHI SỬ DỤNG DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI?

Bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng cơ thể vào bất kỳ lúc nào bằng cách tuân thủ các khuyến cáo y khoa, điều chỉnh mức độ hoạt động và kiểm soát đau theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu.

Tuy nhiên, bệnh nhân có thể:

  • Cải thiện sự tuần hoàn máu ở chân bằng cách:
    • Khi không đứng dậy và đi lại, nên để chân nghỉ ngơi bằng cách kê cao chân bị thương, để giảm sưng:
    • Ở tư thế ngồi, nên kê bàn chân cao hơn hông. Đặt hỗ trợ dưới chân để tránh làm căng khớp gối;
    • Ở tư thế nằm, nâng bàn chân cách giường 5 đến 10 cm bằng cách đặt gạch hoặc sách bên dưới. Không nên kê gối dưới bắp chân vì nó có thể cản trở lưu thông máu;
    • Gập duỗi các ngón chân ở hai bàn chân 20 lần mỗi giờ.
  • Tập luyện để phát triển sức mạnh cơ cánh tay và phần trên cơ thể.

CÁCH SỬ DỤNG DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI?

Trong lần sử dụng đầu tiên, chuyên viên vật lý trị liệu là người có trình độ chuyên môn phù hợp nhất để giải thích, thực hiện, hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên cần thiết để sử dụng dụng cụ an toàn và thích hợp.

Mang giày phù hợp và có tác dụng hỗ trợ

Không sử dụng dụng cụ trợ giúp đi trên sàn trơn hoặc ướt.

Đi lại

A. Nếu bệnh nhân được phép chịu sức nặng hoàn toàn trên hai chân:

Nạng, khung tập đi hoặc gậy có thể giúp bệnh nhân giữ dáng đi thăng bằng và phục hồi nhanh hơn. Nếu chuyên viên vật lý trị liệu khuyên bệnh nhân chỉ nên sử dụng một nạng hay một gậy, hãy sử dụng nó bên chân khỏe.

  1. Đặt nạng hoặc khung tập đi về phía trước.
  2. Bước “chân yếu” về phía trước ngang tầm với nạng.
  3. Chuyển trọng lượng lên nạng và “chân yếu”.
  4. Bước “chân khỏe” về phía trước, qua khỏi “chân yếu”.

Khi đã có thăng bằng, lặp lại bước 1 đến bước 4.

B. Nếu bệnh nhân được phép chịu sức nặng một phần trên chân bị thương:

Cần sử dụng hai nạng hay khung tập đi. Tuân thủ mức chịu sức nặng một phần theo đề nghị của bác sĩ.

  1. Đặt nạng hay khung tập đi về phía trước.
  2. Bước chân bị thương về phía trước ngang tầm với nạng/khung tập đi và chạm chân bị thương lên mặt đất.
  3. Chuyển phần lớn trọng lượng cơ thể lên nạng/khung tập đi và một phần lên chân bị thương.
  4. Bước “chân khỏe” về phía trước, qua khỏi chân bị thương.

Khi đã có thăng bằng, lặp lại bước 1 đến bước 4.

C. Nếu bệnh nhân không được phép chịu sức nặng trên chân bị thương:

Cần sử dụng hai nạng hay khung tập đi. Không được phép chịu bất kỳ sức nặng nào lên chân bị thương theo đề nghị của bác sĩ.

  1. Đặt nạng hoặc khung tập đi về phía trước.
  2. Bước chân bị thương về phía trước ngang tầm với nạng/khung tập đi nhưng đảm bảo chân bị thương không chạm mặt đất.
  3. Chuyển trọng lượng lên nạng/khung tập đi.
  4. Bước “chân khỏe” qua khỏi chân bị thương.

Khi đã có thăng bằng, lặp lại bước 1 đến bước 4.

Tư thế ngồi

A. Ngồi xuống

  1. Quay lưng và lùi lại phía ghế cho đến khi cảm thấy mép ghế chạm vào phía sau của “chân khỏe”;
  2. Lấy nạng ra khỏi tay và đặt vào chỗ dựa sao cho dễ lấy khi muốn đứng lên;
  3. Cẩn thận đưa “chân yếu” về phía trước;
  4. Đưa tay ra phía sau để nắm tay vịn hoặc mép ghế và chuyển trọng lượng cơ thể lên tay;
  5. Nhẹ nhàng gập người về phía trước đồng thời co khớp gối của “chân khỏe”. Chuyển trọng lượng lên tay khi ngồi xuống.

B. Đứng dậy

  1. Đảm bảo luôn đặt nạng ở nơi dễ lấy;
  2. Ngồi ra mép ghế;
  3. Co “chân khỏe” và đưa “chân yếu” về phía trước;
  4. Hai tay giữ ghế hoặc tay vịn. Cúi người về phía trước và tự đẩy người đứng dậy. Chuyển trọng lượng lên tay để đứng lên bằng “chân khỏe”;
  5. Đảm bảo giữ thăng bằng tốt trước khi lấy nạng.

Sử dụng cầu thang

Chỉ sử dụng cầu thang sau khi được chuyên viên vật lý trị liệu tập luyện và cho phép.

Sử dụng tay vịn nếu có. Bệnh nhân sử dụng khung tập đi không được phép tự lên xuống cầu thang.

A. Lên cầu thang

  1. Đứng đối diện với cầu thang và đến gần mép bậc thang;
  2. Giữ nạng ở ngang tầm vị trí đang đứng;
  3. Chuyển trọng lượng lên tay và bước “chân khỏe” lên bậc thang đầu tiên;
  4. Đưa “chân yếu” và nạng lên theo.

Khi đã có thăng bằng, lặp lại bước 1 đến bước 4.

Lưu ý : “Đi lên bằng chân khỏe”

B. Xuống cầu thang

  1. Đặt ngón chân của “chân khỏe” gần sát mép bậc thang;
  2. Đặt nạng xuống bậc thang phía dưới;
  3. Chuyển trọng lượng lên tay;
  4. Từ từ đưa “chân yếu” xuống cùng bậc thang có nạng, sau đó là “chân khỏe”.

Khi đã có thăng bằng, lặp lại bước 1 đến bước 4.

Lưu ý: “Đi xuống bằng chân yếu”

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Khoa vật lý trị liệu & phục hồi chức năng

Bệnh viện FV, tầng 1

SĐT (028) 54 11 33 40

Hoặc (028) 54 11 33 33 ext 1085 – 1485

Zalo
Facebook messenger