TÔI CÓ THAI!
Có rất ít trải nghiệm trong cuộc sống gây tác động mạnh mẽ như khi bạn biết mình có thai. Thật tuyệt vời khi bạn nhận biết một sức sống mới đang hình thành trong cơ thể mình. Từ lúc bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể – hoặc khi biết chắc chắn mình có thai – bạn sẽ bắt đầu muốn che chở và mong em bé chào đời. Bạn cũng bắt đầu nghĩ đến kế hoạch chăm sóc thai sản.
Những gì bạn nạp vào cơ thể trước thai kỳ, trong thai kỳ và sau khi sinh đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Việc ăn đúng loại thực phẩm, biết rõ loại thức ăn và đồ uống cần tránh, tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc lá và rượu bia đều quan trọng nếu bạn muốn có một thai kỳ khỏe mạnh.
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
- Tại sao chăm sóc tiền sản lại quan trọng?
- Khi nào tôi nên sàng lọc dị tật cho thai nhi trước khi sinh?
- Tôi có cần một chế độ ăn đặc biệt dành cho hai người?
- Tại sao folate lại quan trọng?
- Tại sao tôi cảm thấy cổ chân, bàn chân và ngón tay bị sưng?
- Tôi có thể tiếp tục hút thuốc hoặc uống rượu bia?
- Tôi có nên cho con bú?
- Tôi nên làm gì khi dùng thuốc?
- Tôi có thể tiếp tục tập thể dục?
- Nghỉ ngơi đầy đủ có quan trọng không?
- Có an toàn khi quan hệ tình dục?
- Có mối nguy hiểm nào tại nơi làm việc?
- Tôi có thể đi du lịch khi mang thai?
- Một số khó chịu thường gặp trong thai kỳ?
- Một số biến chứng thường gặp trong thai kỳ?
Tại sao chăm sóc tiền sản lại quan trọng?
Việc khám thai định kỳ với bác sĩ sản khoa trong suốt thai kỳ là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho bạn và thai nhi. Ngoài mục đích y khoa, chăm sóc tiền sản còn bao gồm việc hướng dẫn về thai kỳ và sinh con, kết hợp với tư vấn và hỗ trợ. Bệnh viện FV đã thiết kế một Chương Trình Theo Dõi Thai Kỳ toàn diện để chăm sóc sức khỏe của bạn và thai nhi trong từng giai đoạn của thai kỳ.
Lần khám thai đầu tiên được thiết kế nhằm mục đích xác định tình trạng sức khỏe của bạn và giúp bác sĩ sản khoa phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Lần khám thai này thường lâu hơn các lần khám thai sau đó. Mục đích nhằm:
- Xác định ngày dự sinh;
- Tìm hiểu bệnh sử của thai phụ;
- Tìm hiểu bệnh sử của các thành viên trong gia đình;
- Xác định yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ dựa vào tuổi tác, sức khỏe và/hoặc tiền sử cá nhân và gia đình.
Thai phụ sẽ được bác sĩ sản khoa giải thích về lịch khám tiền sản, thông thường là nên khám theo dõi 4 tuần/lần cho đến 36 tuần và sau đó là mỗi tuần/lần. Trong các lần khám thai tiếp theo, thai phụ sẽ có cơ hội thảo luận các thắc mắc và lo ngại. Thai phụ sẽ được kiểm tra huyết áp và đo cân nặng. Bác sĩ cũng sẽ thăm khám vùng bụng để xác định vị trí và kích thước của thai nhi. Trong các tuần cuối của thai kỳ, nhịp tim thai cũng sẽ được thai dõi.
Đánh giá cũng bao gồm các xét nghiệm máu như sau:
- Công thức máu toàn phần để loại trừ tình trạng thiếu máu;
- Định nhóm máu và xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường (IAT) trong trường hợp cần truyền máu;
- Sàng lọc giang mai;
- Sàng lọc kháng thể Rubella để xác định tiền sử lây nhiễm loại virút này;
- Sàng lọc Toxoplasma;
- Sàng lọc viêm gan C và viêm gan B;
- Sàng lọc HIV vì nếu lây nhiễm thì thai nhi có thể bị tác động đáng kể;
- Nghiệm pháp dung nạp glucose.
Vui lòng tham khảo tài liệu “Chương Trình Theo Dõi Thai Kỳ Tại Bệnh Viện FV”.
Khi nào tôi nên sàng lọc dị tật cho thai nhi trước khi sinh?
Sàng lọc trước sinh (Combined Test) phải được thực hiện từ tuần 11 đến tuần 13 + 6 ngày, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Sàng lọc trước sinh có tỷ lệ phát hiện hội chứng Down là 85-90% và tỷ lệ dương tính giả là 5%, bao gồm:
- Siêu âm dùng để kiểm tra vùng da gáy của thai nhi. Đây là phương pháp sàng lọc bằng cách đo độ mờ da gáy (NT). Tình trạng bất thường là khi dịch tích tụ nhiều hơn tại vùng mô này;
- Xét nghiệm Double Test dùng để đo nồng độ protein A do nhau thai bài tiết trong huyết tương (PAPP-A) và hoócmôn Human Chorionic Gonadotropin (βHCG) trong máu của người mẹ.
Nếu xét nghiệm Double Test chưa được thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời thì phải thực hiện xét nghiệm Triple Test từ tuần 14 đến tuần 21 + 6 ngày. Xét nghiệm này dùng để đo nồng độ Human Chorionic Gonadotropin (βhCG), Alpha-fetoprotein (AFP) và estriol không liên hợp (uE3) trong huyết thanh của người mẹ. Tương tự như sàng lọc kết hợp, Triple Test phải được kết hợp với siêu âm đo độ mờ da gáy (NT).
Bệnh viện FV còn cung cấp dịch vụ Sàng Lọc Không Xâm Lấn Trước Khi Sinh (NIPS) để phát hiện Hội chứng Down và các bất thường nhiễm sắc thể khác. Trong quá trình mang thai, một lượng rất nhỏ vật liệu di truyền của thai nhi sẽ đi qua nhau thai vào máu của người mẹ. NIPS là một phương pháp không xâm lấn dùng để sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể đặc hiệu trong quá trình phát triển của thai nhi bằng cách xét nghiệm máu từ người mẹ. Mẫu xét nghiệm sẽ được lấy từ máu của người mẹ và gửi đến phòng xét nghiệm. Sau đó, phòng xét nghiệm sẽ tách chiết ADN của thai nhi từ mẫu bệnh phẩm để sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể.
Hiện nay, NIPS là phương pháp có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất khi sàng lọc ba dạng bất thường phổ biến ở nhiễm sắc thể 13, 18 và 21. Xét nghiệm này có thể thực hiện từ tuần 10 của thai kỳ và trong suốt thời gian mang thai sau đó.
Tôi có cần một chế độ ăn đặc biệt dành cho hai người?
Bạn không cần “ăn cho hai người” khi mang thai. Bạn chỉ cần ăn nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi phát triển khỏe mạnh, và ít thực phẩm có nhiều muối, đường và chất béo. Những chất này có thể gây hại cho cả bạn và thai nhi. Trên thực tế, hầu hết phụ nữ không cần thêm calo cho tam cá nguyệt thứ nhất và chỉ cần thêm khoảng 200-300 calo/ngày trong tam cá nguyệt thứ hai và thêm khoảng 300-400 calo/ngày trong tam cá nguyệt thứ ba.
Tuy nhiên, vì lượng đường huyết thay đổi thất thường do cơ thể có nhu cầu cần thêm dinh dưỡng, vì vậy điều quan trọng là phải ăn thường xuyên, bao gồm thức ăn nhẹ giữa các bữa ăn. Trong tam cá nguyệt thứ hai, nên ăn thêm một bữa nhẹ và trong tam cá nguyệt thứ ba, nên ăn thêm hai bữa nhẹ.
Tổng số cân tăng sẽ phụ thuộc vào số cân nặng trước khi mang thai. Hầu hết thai phụ tăng từ 9 đến 13 kg trong thai kỳ, và số cân có thể khác nhau giữa các thai phụ. Việc tăng ít cân có thể không an toàn cho bạn và thai nhi, vì vậy bạn không nên cố gắng ăn kiêng trong giai đoạn này vì điều đó có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng cho thai nhi.
Tăng cân trong thai kỳ là điều bình thường và có lợi, phần lớn tăng cân trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Số cân tăng chính xác sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai và cần thảo luận với bác sĩ sản khoa.
Thực phẩm lành mạnh
Điều tốt nhất cần làm trong suốt thai kỳ là ăn nhiều thực phẩm lành mạnh. Nên ăn nhiều loại trái cây và rau củ có màu sắc khác nhau mỗi ngày. Thai phụ nên ăn tinh bột, chất đạm và chất béo từ các nguồn thực phẩm tốt và lành mạnh.
Chế độ ăn cũng cần chứa các chất dinh dưỡng vi lượng, đây là thành phần chính cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, bao gồm các loại thực phẩm có chứa sắt (như: rau lá xanh, thịt đỏ, các loại hạt và đậu dù bác sĩ có thể chỉ định thực phẩm bổ sung sắt); canxi (như sản phẩm làm từ sữa, cá có thể ăn xương và bánh mì), Vitamin D (cá béo và phơi nắng 10-15 phút/ngày) và folate (ví dụ đậu xanh, cam, rau bina, đậu lăng, măng tây, đậu gà và bông cải xanh). Ăn mặn vừa phải, vì muối có thể làm cơ thể giữ nước dẫn đến tăng huyết áp.
Nên ăn các nhóm thực phẩm sau đây hàng ngày:
- Trái cây và rau tươi: 4 – 6 khẩu phần/ngày
- Mì ống, khoai tây, gạo, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt: ít nhất 1 khẩu phần/bữa ăn và 4 khẩu phần/ngày
- Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu và các loại hạt: 2 – 3 khẩu phần/ngày
- Sản phẩm từ sữa: 2 – 3 khẩu phần/ngày
- Chất béo: dầu thực vật, cá béo (cá trích, cá hồi, cá thu – tối đa 2 lần/tuần để tránh hấp thu lượng thủy ngân quá mức), các loại hạt chứa nhiều dầu (hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó).
Điều quan trọng là phải tuân thủ an toàn thực phẩm trong thai kỳ như:
- Tránh ăn thịt, cá (bao gồm sushi), trứng sống hay chưa nấu chín, nước trái cây hay sữa chưa tiệt trùng, sốt mayonnaise và kem làm tại nhà, động vật có vỏ còn sống và phô mai ủ chín có mốc (phô mai xanh);
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên. Để nhiệt độ trong khoảng từ 0°C đến 5°C. Tách riêng thực phẩm sống và chín;
- Tránh các loại chất có hại như thuốc không do chỉ định, ma túy, cần sa, thuốc lá, rượu bia;
- Hạn chế các chất có thể gây hại như cá béo tối đa 2 lần/tuần (cá trích, cá hồi, cá thu), caffeine dưới 200 mg/ngày (2 tách cà phê hoặc 3 tách trà), thực phẩm đậu nành 1-2 khẩu phần/ngày (đậu phụ, sữa đậu nành, tráng miệng làm từ đậu nành), đường hóa học (saccharin, aspartame).
Tại sao folate lại quan trọng?
Folate là vitamin nhóm B rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Chất này đã được chứng minh là có thể làm giảm khả năng sinh con bị dị tật ống thần kinh (dị tật ảnh hưởng đến hệ thần kinh). Thông thường, ống thần kinh phát triển vào tủy sống và não bộ sau khi thụ thai 28 ngày.
Folate được tìm thấy trong đậu xanh, cam, rau bina, đậu lăng, măng tây, đậu gà và bông cải xanh, tuy nhiên nó dễ dàng bị phân hủy trong quá trình nấu nướng và để nạp đủ chất folate thì cần ăn khẩu phần lớn. Cách đơn giản nhất là bổ sung folate (400-600 mcg axit folic mỗi ngày) trong 15 tuần đầu tiên của thai kỳ.
Tại sao tôi cảm thấy cổ chân, bàn chân và ngón tay bị sưng?
Điều này là do cơ thể đang giữ nước. Phù nề hoặc giữ nước là một tình trạng thường gặp và sẽ tăng nặng khi đứng lâu. Điều quan trọng cần nhớ là hạn chế nước không phải là giải pháp chính để ngăn ngừa phù nề. Bạn nên uống 2 lít nước mỗi ngày – uống đủ nước là điều quan trọng giúp tăng thể tích máu để mang oxy và chất dinh dưỡng đến thai nhi. Bạn cũng nên giảm uống trà, cà phê và coca vì lượng caffeine trong những đồ uống này sẽ ảnh hưởng đến vitamin trong thực phẩm, đặc biệt là vitamin C.
Tránh ăn quá nhiều muối/thức ăn mặn. Không mặc quần áo quá chật. Nâng cao chân khi ngồi hoặc nằm. Tập thể dục thường xuyên.
Tôi có thể tiếp tục hút thuốc hoặc uống rượu bia?
Hút thuốc lá có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho cả bạn và thai nhi. Nó có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và thai lạc chỗ, chảy máu nhau thai cũng như trẻ sinh nhẹ cân và sinh non. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển trí tuệ và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, bạn nên bỏ hút thuốc lá vì đây là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất nhưng có thể phòng ngừa.
Đối với rượu bia, nếu uống 15 đơn vị (1 đơn vị = 1 ly rượu nhỏ) trở lên mỗi tuần thì làm giảm cân nặng của trẻ khi sinh còn nếu uống từ 20 đơn vị trở lên mỗi tuần thì có thể gây thiểu năng trí tuệ và dị tật thai nhi. Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nếu uống dưới 15 đơn vị mỗi tuần thì không ảnh hưởng bất lợi đến mức độ tăng trưởng và chỉ số IQ. Vì vậy, khuyến cáo phụ nữ nên thận trọng khi uống rượu bia trong thai kỳ và hạn chế không uống quá một ly tiêu chuẩn mỗi ngày.
Tôi có nên cho con bú?
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại những lợi ích tuyệt vời, không chỉ cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn nuôi dưỡng mối quan hệ tình cảm giữa hai mẹ con.
Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho trẻ mà không gì có thể thay thế được.
- Sữa mẹ chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ và giúp trẻ khoẻ mạnh. Sữa mẹ giúp trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch và sự phát triển của não bộ.
- Sữa mẹ dễ tiêu hoá hơn sữa công thức – giúp trẻ ít nôn ói hay tiêu chảy.
- Sữa mẹ thay đổi theo sự tăng trưởng của trẻ nhằm bổ sung những dưỡng chất cần thiết.
- Trẻ bú sữa mẹ thường ít có nguy cơ bị hen suyễn, viêm tai, dị ứng và đái tháo đường. Ngoài ra trẻ bú sữa mẹ cũng ít bị béo phì.
- Bú sữa mẹ giảm nguy cơ gây Hội chứng Đột tử ở Trẻ sơ sinh.
Cho con bú là việc làm tự nhiên giữa mẹ và con, nhưng đó là một kỹ năng mà người mẹ cần học hỏi. Người mẹ nên nói ra những thắc mắc cũng như đặt câu hỏi về việc cho con bú trước khi trẻ chào đời và khi nằm viện. Điều này giúp người mẹ có thể tiếp tục cho con bú khi về nhà.
Vui lòng tham khảo tài liệu “Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ”
Tôi nên làm gì khi dùng thuốc?
Bạn nên thảo luận với bác sĩ nội tổng quát hoặc bác sĩ sản khoa trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là trong vài tháng đầu của thai kỳ khi các cơ quan của trẻ đang phát triển. Ngay cả những loại thuốc không kê đơn mà bạn đã sử dụng từ trước đến nay cũng có thể không an toàn trong thai kỳ, bao gồm cả vitamin và thực phẩm chức năng từ thảo dược ngoài các loại vitamin dành cho thai phụ. Điều này là do một số loại thuốc được chứng minh là có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Nếu đang dùng thuốc dài hạn, thời điểm lý tưởng để đánh giá lại là khi bạn dự định sinh con. Bạn cũng nên thảo luận với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cung cấp thêm thông tin về các lựa chọn dành cho bạn và có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa.
Tôi có thể tiếp tục tập thể dục không?
Hầu hết phụ nữ đều có thể tập thể dục trong thai kỳ. Tập thể dục không chỉ cung cấp năng lượng, mang lại lợi ích về mặt cảm xúc mà còn giúp kiểm soát chứng đau lưng. Khuyến cáo thai phụ nên tập mỗi ngày 30 phút trở lên và chỉ tập ở mức độ vừa phải.
Bơi lội và đi bộ là hai trong số những hoạt động thể chất tốt nhất trong thai kỳ, tập yoga trước khi sinh có thể giúp chuẩn bị về thể chất và tinh thần để sinh con. Nên tránh các hoạt động có nguy cơ té ngã hoặc chấn thương bụng, như cưỡi ngựa, bóng rổ hoặc quần vợt.
Các thai phụ hãy dành thời gian khởi động trước khi tập và dành ít nhất 10 phút kéo giãn cơ sau khi tập để hạ nhiệt cơ thể. Các bài tập chân rất hữu ích giúp cải thiện lưu thông máu và tình trạng sưng mắt cá chân, còn bài tập xương chậu giúp tăng sức mạnh cơ và giảm đau lưng. Các bài tập sàn chậu còn giúp giảm nguy cơ tiểu không tự chủ khi gắng sức (rò rỉ nước tiểu) sau khi sinh. Việc sử dụng phòng xông hơi và spa nên thực hiện vừa phải trong thai kỳ.
Nghỉ ngơi đầy đủ có quan trọng không?
Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong thai kỳ cũng quan trọng không kém việc chăm sóc sức khỏe thể chất.
Nếu cảm thấy lo lắng trong quá trình mang thai, đây là điều rất bình thường nhưng nếu bạn cảm thấy mình có triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm trước khi sinh, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự hỗ trợ nhanh nhất có thể vì tình trạng này có thể điều trị.
Hãy đảm bảo nghỉ ngơi thật nhiều và nhờ người khác giúp đỡ, đặc biệt là khi bạn cần phải chăm sóc những trẻ khác. Bạn cũng có thể thực hiện các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng và đối phó với việc mang thai. Nhiều thai phụ cảm thấy rất hữu ích khi thư giãn cơ, tập thở hoặc tưởng tượng mình đang ở một nơi nào đó rất dễ chịu, yên bình.
Có an toàn khi quan hệ tình dục?
Không có lý do nào ngăn cản việc thai phụ có một đời sống tình dục viên mãn. Trừ khi có biến chứng thai kỳ, quan hệ tình dục không làm tổn thương thai nhi. Trên thực tế, các hoócmôn thai kỳ có thể làm cho thai phụ cảm thấy nhiệt tình hơn. Khi thai lớn hơn, thai phụ có thể trải nghiệm các tư thế khác nhau để tìm ra tư thế thoải mái nhất. Nên quan hệ tình dục an toàn. Nếu bị xuất huyết, dọa sinh non hoặc nhau thai bám thấp, nên trao đổi với bác sĩ để biết thời gian kiêng quan hệ tình dục.
Thai kỳ còn làm thay đổi thể chất, nội tiết tố và cảm xúc, vì vậy điều quan trọng là phải thảo luận với chồng/bạn trai về nhu cầu tình dục trong quá trình diễn tiến thai kỳ.
Có mối nguy hiểm nào tại nơi làm việc?
Hầu hết thai phụ đều có thể tiếp tục đi làm một cách an toàn trong thai kỳ, tuy nhiên cần thận trọng với một số công việc. Công việc được xem là nguy hiểm bao gồm:
- Xử lý các chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng và một số hóa chất
- Tiếp xúc với bức xạ
- Tiếp xúc với các dung môi hydrocarbon như dung dịch lau khô, chì hoặc thủy ngân.
Tôi có thể đi du lịch khi mang thai?
Thai kỳ không biến chứng sẽ không có nguy cơ khi du lịch bằng đường hàng không. Thai kỳ đến 36 tuần tuổi được phép du lịch trong nước, còn thai kỳ sau 32 tuần tuổi hạn chế đi du lịch nước ngoài.
Thai phụ phải luôn luôn mang theo các hồ sơ thông báo ngày dự sinh. Nên hạn chế việc đi lại bằng đường hàng không đến mức tối thiểu do tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu (cục máu đông ở chân) trong thai kỳ. Nên đi lại nửa giờ một lần trong suốt chuyến bay và thực hiện co duỗi cổ chân.
Thai phụ nên uống nhiều nước do độ ẩm trong khoang máy bay thấp sẽ dẫn đến tình trạng mất nước. Một số tình trạng chống chỉ định tương đối với việc đi máy bay như thiếu máu nặng (lượng hồng cầu thấp) hoặc nhau thai bám thấp. Sự cố ngoài dự kiến cũng có thể xảy ra, ví dụ: chảy máu âm đạo hoặc chuyển dạ. Điều quan trọng là các thai phụ cần được thăm khám y khoa trước khi đi máy bay.
Một số khó chịu thường gặp trong thai kỳ?
Hầu hết các vấn đề do sự thay đổi nội tiết tố và căng thẳng của cơ thể được đề cập dưới đây. Các vấn đề này thường tạm thời, ít gây khó chịu và có thể dễ dàng điều trị.
Đau lưng
Tránh nâng vật nặng và mang giày cao gót. Dùng gối tựa lưng để hỗ trợ lưng. Quỳ áp hai tay và hai chân, nghiêng bên này rồi nghiêng sang bên kia có thể giúp làm giảm áp lực lên vùng lưng.
Cảm thấy như sưng cổ chân, bàn chân và ngón tay
Điều này là do cơ thể thai phụ đang giữ nước, đây là một tình trạng thường gặp và sẽ nặng hơn khi thai phụ đứng lâu. Điều quan trọng cần nhớ là hạn chế nước không phải là vấn đề then chốt giúp ngăn ngừa phù nề. Bạn nên uống 2 lít nước mỗi ngày và nên hạn chế uống trà, cà phê, coca vì lượng caffeine trong những đồ uống này sẽ ảnh hưởng đến vitamin trong thực phẩm, đặc biệt là vitamin C. Một số thai phụ cũng sẽ thấy đỡ hơn khi ăn ít muối và bột ngọt.
Căng vú
Mặc loại áo ngực hỗ trợ tốt sẽ giúp ích khi cơ thể bạn chuẩn bị cho con bú.
Táo bón
Đảm bảo chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Tập thể dục thường xuyên.
Trĩ
Đây là tình trạng giãn tĩnh mạch trong hậu môn và có thể rất đau, ngứa và khó chịu, thường xảy ra từ tháng thứ ba trở đi. Thai phụ cần ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Bác sĩ có thể kê cho thai phụ toa thuốc đặt hậu môn và kem thoa để điều trị.
Ngất xỉu
Tình trạng này là do huyết áp thấp. Tránh đứng lâu, ngồi bật dậy và nhiệt độ quá nóng, đặc biệt là khi tắm.
Ợ nóng/ Khó tiêu
Đây là cảm giác đau, nóng rát ở vùng ngực hoặc trào ngược axit trong vùng họng. Thai phụ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ, tránh thức ăn cay hoặc béo và nước uống quá lạnh. Không uống quá nhiều khi ăn, mà nên uống giữa các bữa ăn. Rượu bia, cà phê và sô cô la có thể làm nặng thêm tình trạng này. Ngồi thẳng nhất có thể và dùng gối làm chỗ dựa lưng vào ban đêm.
Ốm nghén
Tình trạng này rất thường gặp trong những tháng đầu của thai kỳ. Không giống tên gọi, nó có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong ngày và thường khỏi sau 14 tuần. Một trong những nguyên nhân chính là do lượng đường huyết thấp, nên cơ thể cần nhiều carbohydrate. Thai phụ nên ăn ít và thường xuyên: một mẩu bánh mì nướng, một cái bánh quy giòn hoặc bánh quy thường giúp làm dịu dạ dày. Uống nước có chứa gừng tự nhiên. Tránh những thứ gây buồn nôn, chẳng hạn như mùi, chuyển động hoặc tiếng ồn. Tránh bị quá nóng.
Đừng căng thẳng khi cảm thấy buồn nôn. Ngồi xuống và thư giãn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Mất ngủ
Tình trạng này có thể là do lo lắng, ợ nóng và thai nhi chèn ép lên bàng quang hoặc một vùng lớn cơ thể. Uống một ly sữa nóng và tắm nước ấm có thể giúp thai phụ thư giãn.
Rạn da
Rạn da là các đường màu đỏ, nổi rõ trên ngực, bụng, đùi hay mông, thường vĩnh viễn hoặc thường gặp do tuổi tác hay di truyền. Một số loại kem hoặc bơ cacao có thể giúp ích cho tình trạng này.
Vấn đề đường tiết niệu
Tình trạng này là do cân nặng và áp lực của thai nhi chèn ép lên bàng quang và sàn chậu, có thể xảy ra khi bạn cười, hắt hơi hoặc chạy bộ. Tập các bài tập sàn chậu thường xuyên trong và sau thai kỳ sẽ giúp ích cho thai phụ.
Tiết dịch âm đạo
Tăng tiết dịch trong thai kỳ, thường có màu trắng và trong suốt.
Giãn tĩnh mạch
Những tĩnh mạch sưng phồng quanh bắp chân, lưng, chân hoặc đùi có thể được giảm bớt bằng cách tránh đứng lâu và tập thể dục thường xuyên.
Trầm cảm và sức khỏe tinh thần
Trong khi trầm cảm sau sinh là vấn đề sức khỏe liên quan đến thai kỳ được biết đến rộng rãi nhất thì trầm cảm và các vấn đề khác về sức khỏe tinh thần cũng có thể phát sinh trong thai kỳ. Hãy thảo luận các vấn đề về sức khỏe tinh thần mà bạn có thể gặp với bác sĩ sản khoa nhằm đảm bảo bạn được chăm sóc toàn diện trong và sau thai kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đã từng mắc bệnh hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần.
Một số biến chứng thường gặp trong thai kỳ?
Tiền sản giật
Tiền sản giật là gì?
Đây là biến chứng tiền sản thường gặp nhất, chiếm 1/10 số thai phụ và 1/5 số thai phụ mang thai lần đầu. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi.
Triệu chứng là gì?
Các triệu chứng chính bao gồm đau đầu, cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và nôn ói, mắt mờ hoặc nhìn một thành hai hình, thường cảm thấy không khỏe và đau ở vùng bụng trên. Ngoài ra, tiền sản giật cũng có thể phát triển mà không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Do đó, điều quan trọng là phải khám thai định kỳ.
Dọa sinh non
Tại sao dọa sinh non lại quan trọng?
Trẻ sinh non có nguy cơ bị một số biến chứng, đặc biệt là các vấn đề về hô hấp. Việc tiêm steroid có thể giúp ích cho thai phụ dọa sinh non. Điều này sẽ thúc đẩy sự trưởng thành phổi thai nhi khi việc sinh con là không thể tránh khỏi. Các loại thuốc khác giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn gò tử cung và để điều trị nguyên nhân dọa sinh non, ví dụ: nhiễm trùng cũng có thể được sử dụng.
Dấu hiệu của chuyển dạ?
Chuyển dạ bắt đầu bằng các cơn gò tử cung thường xuyên, gây đau hoặc cảm giác căng chặt bụng, “máu báo” (chất nhầy dính máu) hoặc “vỡ nước ối” (vỡ màng ối). Tình trạng này thường xảy ra khi đến kỳ sinh nở, tức là sau 37 tuần tuổi. Dọa sinh non xảy ra khi các dấu hiệu này xuất hiện trước 37 tuần tuổi.
Chảy máu âm đạo
Tại sao điều này lại quan trọng?
Giai đoạn đầu thai kỳ
Tình trạng có đốm máu hoặc chảy máu trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể cho thấy khả năng sảy thai hoặc thai ngoài tử cung (thai làm tổ bên ngoài tử cung). Tuy nhiên, nguyên nhân gây chảy máu thường gặp nhất là do hiện tượng làm tổ xảy ra khi phôi thai cắm vào trong lòng tử cung ở tuần thứ 4 – 5 của thai kỳ.
Giai đoạn cuối thai kỳ
Tình trạng chảy máu nhẹ có chất nhầy dính máu trong tháng trước ngày dự sinh có thể là “dấu sinh” – một dấu hiệu cho thấy bạn có thể chuyển dạ trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Tình trạng chảy máu đỏ tươi lúc có lúc không có thể là do nhau thai bám thấp hoặc do bóc tách nhau thai nhẹ.
Giảm cử động thai nhi
Tôi nên làm gì?
Thai nhi cử động nhiều nhất khi bạn nghỉ ngơi. Điều này là do khi đó bạn nhận thức rõ hơn chuyển động của thai nhi. Vì vậy bạn sẽ nhận thấy thai nhi cử động thường xuyên vào buổi tối hoặc khi đi ngủ, thường có ít nhất 10 “cử động” thai trong khoảng thời gian 2 giờ. Ngược lại, bạn hãy yên tâm khi thai nhi năng động và đừng lo khi thai nhi cử động quá mức.
Tại sao cử động thai nhi lại quan trọng?
Bạn nên quan tâm và tìm kiếm hỗ trợ nếu thai nhi giảm cử động. Một số trường hợp thai chết lưu (thai chết trong bụng mẹ trước khi được sinh ra) được báo trước do giảm cử động thai nhi.
Vui lòng tài khảo tài liệu Đếm Cử Động Thai.
Vỡ màng ối trước chuyển dạ
Vỡ màng ối trước chuyển dạ là gì?
Thông thường túi ối sẽ vỡ (tự nhiên hoặc do bác sĩ sản khoa thực hiện) khi bắt đầu chuyển dạ. Vỡ túi ối trước khi bắt đầu chuyển dạ có thể làm tăng nguy cơ cho thai. Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng hoặc sa dây rốn qua cổ tử cung.
Triệu chứng là gì
Nếu bạn thấy âm đạo tiết dịch trong suốt đột ngột hoặc liên tục, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa hoặc đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện FV.