Khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV Thông tin dành cho bệnh nhân

Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân cấp cứu một cách kịp thời và hiệu quả. Bệnh nhân gặp tình trạng nghiêm trọng hơn được ưu tiên khám trước. Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch có thể cần nhiều nhân viên tập trung chăm sóc, do vậy, thời gian chờ của bệnh nhân trong tình trạng ít khẩn cấp hơn có thể sẽ kéo dài. 

Đăng ký khám bệnh lần đầu

Khi đến khoa Cấp cứu, bạn sẽ được hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký rất ngắn gọn bằng cách cung cấp họ tên và ngày tháng năm sinh để chúng tôi tạo hồ sơ điện tử cho bạn một cách nhanh nhất. Ngay sau đó, bạn sẽ được đưa đến phòng Phân lọc bệnh. 

Phân lọc bệnh

Quy trình phân lọc bệnh giúp xác định bệnh nhân nào cần được bác sĩ thăm khám trước. Điều dưỡng phân lọc bệnh giàu kinh nghiệm và được đào tạo đặc biệt nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, sẽ đánh giá tình trạng của bạn. Điều dưỡng sẽ hỏi một vài câu hỏi để xem bạn có đau hay không, đồng thời kiểm tra dấu hiệu sinh tồn và thăm khám nhanh cho bạn. Mức độ khẩn cấp sẽ được phân loại dựa trên tình trạng bệnh của bạn.

Bệnh viện FV sử dụng Chuẩn lọc bệnh Úc Châu (ATS) để xác định ưu tiên điều trị cho bệnh nhân dựa vào mức độ khẩn cấp của tình trạng lâm sàng. Có nhiều mức độ hoặc phân loại các trường hợp khẩn cấp như sau: 

  • ATS 1 – Đe dọa đến tính mạng: bác sĩ sẽ khám ngay cho bạn vì bạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng.
  • ATS 2 – Cấp cứu: bệnh nhân sẽ được khám trong vòng 10 phút. Các triệu chứng như đau ngực thuộc nhóm phân loại này.
  • ATS 3 – Khẩn cấp: bao gồm các tình trạng như suyễn ở mức độ trung bình hoặc các loại gãy xương. Bạn phải được thăm khám trong vòng 30 phút.
  • ATS 4 – Ít khẩn cấp: các tình trạng như chấn thương nhẹ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thăm khám cho bạn trong vòng 45 phút.
  • ATS 5 – Không khẩn cấp: các tình trạng này thường được bác sĩ Nội Tổng quát  thăm khám. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khám cho bệnh nhân trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Tại phòng Phân lọc bệnh, bạn sẽ được yêu cầu ký vào Giấy chấp thuận điều trị tại khoa Cấp cứu, và bạn sẽ được cung cấp vòng đeo tay nhận dạng bệnh nhân.

Hoàn tất đăng ký

Nếu tình trạng của bạn thuộc phân loại khẩn mức độ 1 hoặc 2, bạn sẽ được chuyển ngay vào khu vực chăm sóc y tế. Thủ tục đăng ký sẽ được hoàn tất sau hoặc trong thời gian bạn được  chăm sóc nếu bạn có thân nhân hoặc bạn bè đi cùng.

Đối với các tình trạng bệnh thuộc mức độ còn lại, bạn sẽ được yêu cầu hoàn tất quy trình đăng ký với nhân viên hành chính và ngồi đợi tại khu vực chờ. Vui lòng thông báo cho Điều dưỡng phân lọc bệnh nếu tình trạng bệnh của bạn thay đổi. Bạn phải nhờ Điều dưỡng phân lọc bệnh tư vấn trước khi bạn muốn ăn hoặc uống. 

Quy trình chăm sóc 

Trong thời gian chờ dự kiến nêu trên, bạn sẽ được hướng dẫn đến khu vực chăm sóc y tế của khoa Cấp cứu để được bác sĩ thăm khám và chăm sóc.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh hoặc chấn thương của bạn, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm cơ bản (bao gồm chụp X-quang và xét nghiệm máu) tại khoa Cấp cứu. Các yêu cầu xét nghiệm này có thể mất thời gian nhưng cần thiết giúp mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bạn. Khi đã có tất cả các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể từng phát hiện cho bạn. Dựa vào đánh giá và kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bạn. Thời gian lưu trú của bạn tại khoa Cấp cứu có thể kéo dài nếu bác sĩ cần xét nghiệm bổ sung hoặc cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, thời gian lưu bệnh cho phép tại  khoa Cấp cứu tối đa là 4 tiếng đồng hồ,  sau đó bạn sẽ được xuất viện hoặc nhập viện để điều trị thêm tùy theo tình trạng bệnh. 

Tài sản cá nhân

Vui lòng nhờ thân nhân giữ các tài sản không cần thiết (kể cả thuốc) để tránh mất mát. Trường hợp bạn không có thân nhân đi cùng hoặc có yêu cầu thì tài sản của bạn sẽ được giữ trong két sắt (tài sản có kích thước nhỏ) hoặc kho giữ đồ (tài sản có kích thước lớn) tại khoa Cấp cứu.

Thông tin dành cho người nhà bệnh nhân 

Chỉ có một thân nhân được phép chờ bạn trong phòng điều trị và người này phải ở lại bên giường bệnh của bạn. Đôi khi chúng tôi sẽ yêu cầu thân nhân chờ tại khu vực bên ngoài để chúng tôi có đủ không gian thuận tiện cho việc chăm sóc bệnh nhân. Như vậy, chúng tôi mới có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân của bệnh nhân và đảm bảo sự riêng tư cho bệnh nhân. Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật thông tin của bệnh nhân cho thân nhân ngay khi có thể.   

Khi bạn phải nhập viện 

Nếu bạn cần nhập viện, bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết và trả lời những thắc mắc của bạn.

Nhân viên phụ trách nhập viện sẽ hướng dẫn bạn hoàn tất thủ tục nhập viện tại khoa Cấp cứu. Bạn sẽ được yêu cầu thanh toán các chi phí cấp cứu hoặc ký đơn đảm bảo thanh toán phí cấp cứu sau. Nhân viên phụ trách nhập viện cũng sẽ giải thích cho bạn về các chi phí nằm viện dự tính, và tùy thuộc vào tình trạng bảo hiểm của bạn, bạn sẽ được yêu cầu đóng tiền tạm ứng.

Nhân viên phụ trách nhập viện sẽ hỏi xem bạn muốn chọn loại phòng bệnh nào (phòng đôi, phòng đơn hoặc phòng VIP) và liên hệ với điều dưỡng tại khu điều trị nội trú liên quan, xin lưu ý rằng không phải lúc nào phòng đơn cũng còn trống. Trong trường hợp này, bạn sẽ ở tạm phòng đôi trước và sau đó bạn sẽ được chuyển sang phòng đơn ngay khi có phòng.

Xuất viện  tại khoa Cấp cứu

Sau khi hoàn tất điều trị, bạn sẽ nhận được hướng dẫn xuất viện, toa thuốc, phiếu yêu cầu thực hiện thủ thuật chẩn đoán dành cho bệnh nhân ngoại trú và tái khám nếu có. Chúng tôi khuyến khích bạn nên đặt câu hỏi vào thời điểm này. Hầu hết bệnh nhân nên tái khám với bác sĩ của mình sau khi được điều trị tại khoa Cấp cứu.

Thuốc kê toa được cấp phát tại nhà thuốc ngoại trú của bệnh viện (từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều), nếu ngoài giờ làm việc, thuốc có thể được cấp phát trực tiếp trong vòng 30 phút tại khoa Cấp cứu.

Trường hợp tình trạng sức khỏe của bạn không thuộc trong phạm vi dịch vụ của bệnh viện, bạn sẽ được chuyển sang bệnh viện khác. Bác sĩ khoa Cấp cứu luôn xác định khả năng đáp ứng các điều trị về nội khoa và/hoặc ngoại khoa của bệnh viện tiếp nhận trước khi chuyển bệnh. Bệnh viện FV sẽ sử dụng xe cấp cứu để thực hiện quy trình chuyển bệnh.

Zalo
Facebook messenger