Mục lục
GIỚI THIỆU VỀ CHOLESTEROL
Nếu đang đọc tài liệu này, có nghĩa là bạn đang quan tâm đến sức khỏe và vai trò của cholesterol. Đây là bước quan trọng đầu tiên.
Vậy cholesterol là gì? Cholesterol đóng vai trò như thế nào?
Cholesterol là một chất sáp. Về bản chất, đây không phải là chất “xấu”. Trên thực tế, cơ thể cần cholesterol để hình thành tế bào nhưng nếu có quá nhiều cholesterol thì có thể gây ra vấn đề.
Cholesterol hình thành từ hai nguồn. Gan sản xuất ra tất cả lượng cholesterol mà cơ thể cần. Phần cholesterol còn lại trong cơ thể sản xuất ra từ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Ví dụ như thịt, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa nguyên béo đều chứa cholesterol, được gọi là cholesterol từ thực phẩm.
Các thực phẩm này có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Những chất béo này làm cho gan sản xuất ra nhiều cholesterol hơn bình thường. Đối với một số người, việc tạo thêm nhiều cholesterol có nghĩa là đưa cholesterol từ mức bình thường đến mức không bình thường.
Một số loại dầu nhiệt đới – như dầu cọ, dầu hạt cọ và dầu dừa – cũng có thể làm cho gan tạo ra nhiều cholesterol hơn. Các loại dầu này thường tìm thấy trong thực phẩm nướng.
TẠI SAO CHOLESTEROL LẠI QUAN TRỌNG
Cholesterol lưu thông trong máu. Khi lượng cholesterol trong máu tăng, nguy cơ cho sức khỏe cũng tăng. Đó là lý do tại sao việc kiểm tra cholesterol lại quan trọng, vì nó có thể giúp bạn biết nồng độ cholesterol của mình.
Có hai loại cholesterol: cholesterol LDL (xấu) và cholesterol HDL (tốt). Việc có quá nhiều cholesterol xấu, hoặc quá ít cholesterol tốt, đều làm tăng nguy cơ tích tụ cholesterol từ từ bên trong thành động mạch nuôi dưỡng tim và não.
Cholesterol có thể kết hợp với các chất khác để hình thành một lớp dày và cứng bên trong động mạch. Lớp này có thể làm hẹp động mạch và làm cho động mạch trở nên kém linh hoạt – một tình trạng được gọi là xơ vữa động mạch. Nếu máu đông hình thành và làm tắc nghẽn một trong những động mạch bị hẹp này, nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ có thể xảy ra.
Khi nói đến cholesterol, hãy nhớ: kiểm tra, thay đổi và kiểm soát. Đó là:
- Kiểm tra lượng cholesterol. Đây là chìa khóa để biết lượng cholesterol của mình;
- Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để cải thiện lượng cholesterol;
- Kiểm soát lượng cholesterol với sự giúp đỡ của bác sĩ, nếu cần.
Lượng cholesterol cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính có thể kiểm soát đối với bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, cao huyết áp hoặc tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Yếu tố nguy cơ càng nhiều, mức độ nghiêm trọng càng tăng thì nguy cơ kết hợp tổng thể càng cao.
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH TIM MẠCH LÀ GÌ? VÀ TÔI PHẢI LÀM GÌ NẾU NẰM TRONG NHÓM NGUY CƠ?
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là thói quen, hành vi, lối sống hoặc tiền sử bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người. Các yếu tố này bao gồm:
- Không tập thể dục
- Hút thuốc
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Thừa cân
- Bị rối loạn mỡ máu như: có lượng cholesterol LDL (cholesterol ‘xấu’) cao
- Thói quen ăn uống không lành mạnh (ăn vào ban đêm, ăn không ngừng nghỉ, ăn vặt, dư thừa quá nhiều muối, chất béo bão hòa và đường)
- Từng bị nhồi máu cơ tim trước đây
- Tuổi trên 50 đối với nam và 60 đối với nữ
- Tiền sử bệnh của gia đình
- Dân tộc (người da đen không phải gốc La-Tinh > người da trắng không phải gốc La-Tinh > người châu Á).
Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể phòng ngừa bệnh tim mạch.
Trong khi trên mạng xuất hiện nhiều các công cụ đánh giá và tính toán yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác nhau, cách duy nhất để hiểu chính xác nguy cơ của một người là thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như siêu âm động mạch ngoại biên và chụp mạch vành để đánh giá mức độ xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.