Máy Tạo Nhịp Tim

HỆ THỐNG DẪN TRUYỀN ĐIỆN TIM LÀ GÌ?

Một khi bác sĩ đề nghị bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim là họ có bất thường trong hệ thống dẫn truyền điện thế qua cơ tim.

Tim được cấu tạo từ một loại cơ đặc biệt gọi là cơ tim, nó hoạt động như một máy bơm. Chức năng chính của tim là đẩy máu đến toàn bộ cơ thể. Tim được chia thành 2 bên trái và phải. Mỗi bên đều có tâm nhĩ nằm ở trên – nhận máu trở về tim và tâm thất ở dưới – bơm máu ra khỏi tim.

Hoạt động bơm máu của tim được điều khiển bởi một dòng điện (gọi là xung điện), nó giống như bộ phận bugi trên xe hơi. Xung điện được tạo ra ở nút xoang,cũng chính là máy tạo nhịp tim tự nhiên của cơ thể, sau đó truyền ra hai tâm nhĩ như những gợn sóng liên tục. Điều này giúp hai tâm nhĩ co bóp và đẩy máu đi vào tâm thất.

Sau đó, xung điện truyền xuống nút nhĩ thất (AV), như một dây dẫn nối với tâm thất. Nút nhĩ thất chia thành 2 nhánh, giúp truyền tín hiệu xung điện đồng đều đến cả hai tâm thất cùng một lúc để tim đập hiệu quả.

Đôi khi hệ thống điện tim hoạt động không tốt như bình thường. Điều này có thể làm tim đập quá chậm, không đều hoặc không đồng bộ ở buồng trên và buồng dưới tim. Máy tạo nhịp tim có thể điều trị các nhịp tim bất thường này.

MÁY TẠO NHỊP TIM LÀ GÌ?

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ được đặt ở vùng ngực giúp kiểm soát nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim). Máy bao gồm một cục pin giúp truyền các xung điện nhỏ xuống dây dẫn và đi vào tim. Chính những xung điện này giúp tim đập bình thường.

Dây dẫn được đặt dọc theo mạch máu đến tim và túi máy tạo nhịp thường được cấy dưới da ở vùng ngực trên. Một số máy tạo nhịp tim có 1 dây dẫn, một số khác có 2 hoặc 3 dây dẫn tùy thuộc vào bệnh lý của tim.

Máy tạo nhịp tim thường chỉ hoạt động khi cần. Nếu nhịp tim quá chậm, máy sẽ gửi tín hiệu điện đến tim để điều chỉnh nhịp tim.

TẠI SAO TÔI CẦN MÁY TẠO NHỊP TIM?

Máy tạo nhịp tim được sử dụng để điều trị nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim). Hầu hết bệnh nhân cần đặt máy tạo nhịp tim vì tim đập quá chậm. Tình trạng này gọi là nhịp tim chậm. Các cơn nhịp tim chậm đột ngột có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, mờ mắt, chóng mặt, bất tỉnh hoặc ngất xỉu dẫn đến nguy cơ gây chấn thương hoặc tổn thương bệnh nhân.

Các tình trạng cần đặt máy tạo nhịp tim bao gồm:

  • Hội chứng suy nút xoang: là tình trạng khi nút xoang tạo nhịp tim tự nhiên không hoạt động đúng cách làm tim đập quá chậm hoặc quá nhanh hoặc kết hợp cả hai;
  • Block tim hoàn toàn hoặc block tim từng lúc: là tình trạng nút nhĩ thất không dẫn truyền được xung điện từ đỉnh tim xuống đáy tim;
  • Một số dạng nhịp tim nhanh (tim đập nhanh bất thường);
  • Ngất do cường phế vị và hội chứng tăng nhạy cảm xoang cảnh;
  • Suy tim: một số người bị suy tim (khi tim không bơm máu như bình thường) có thể đạt hiệu quả khi sử dụng loại máy tạo nhịp tim đặc biệt, gọi là máy tạo nhịp hai buồng thất hoặc Máy Tái Đồng Bộ Tim (CRT). Loại máy tạo nhịp tim này thường có 3 dây dẫn trong tim.

Máy khử rung tim cấy ghép (ICD)

Máy ICD khác với máy tạo nhịp tim, đây là thiết bị giúp phát hiện nhịp tim nhanh, đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là nhịp nhanh thất. Khi tình trạng này xảy ra, máy ICD sẽ nhanh chóng sốc điện cho tim. Việc sốc điện này giúp đưa nhịp tim trở về bình thường. Đây gọi là khử rung tim. Máy ICD cũng có thể hoạt động như máy tạo nhịp tim bất cứ khi nào nhịp tim giảm dưới mức cài đặt sẵn.

CÁCH ĐẶT MÁY TẠO NHỊP TIM?

Máy tạo nhịp tim được đặt bởi bác sĩ tim mạch có chuyên môn về hệ thống điện tim. Chuyên ngành này gọi là điện sinh lý tim.

Trước khi làm thủ thuật, bác sĩ tim mạch sẽ giải thích tất cả các thông tin chi tiết, bao gồm nguy cơ và lợi ích, sau đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận.

Thủ thuật được thực hiện trong phòng can thiệp nội mạch. Thông thường, thủ thuật không cần gây mê toàn thân, nhưng có thể dùng thuốc an thần để giúp bệnh nhân thư giãn và buồn ngủ. Trước khi bắt đầu thủ thuật, bác sĩ sẽ làm sạch da bằng dung dịch sát khuẩn và tiêm thuốc gây tê dưới da ngay dưới xương đòn.

Thuốc sẽ làm tê vùng này để giúp bác sĩ luồn dây dẫn hoặc điện cực nhỏ đi qua tĩnh mạch vào tim. Bệnh nhân có thể được đặt 1, 2 hoặc 3 dây dẫn tùy thuộc vào loại máy tạo nhịp tim mà bệnh nhân cần. Sau đó (các) dây dẫn được nối với máy tạo nhịp. Máy thường đặt dưới da ở thành ngực. Tiếp theo, vùng này sẽ được khâu lại bằng chỉ tiêu hoặc chỉ không tiêu.

Toàn bộ quy trình mất khoảng 60 đến 90 phút.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA SAU THỦ THUẬT?

Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được đưa về lầu trại. Bệnh nhân được yêu cầu nằm trên giường trong vài giờ trước khi có thể ngồi dậy để ăn uống. Nhịp tim của bệnh nhân được theo dõi sau thủ thuật một thời gian nhằm đảm bảo máy tạo nhịp tim đang hoạt động tốt, vì vậy bệnh nhân có thể được gắn máy theo dõi điện tâm đồ. Do vết mổ có thể hơi bầm tím và đau, đặc biệt là trong 1 hoặc 2 ngày đầu, bệnh nhân nên dùng thuốc giảm đau định kỳ. Hãy thông báo ngay với điều dưỡng nếu bệnh nhân cảm thấy đau hoặc khó chịu.

Trong quá trình hồi phục, tránh cử động cánh tay ở bên đặt máy; Đặc biệt, không giơ cánh tay này qua khỏi vai trong 2 tuần đầu vì có thể làm di lệch các dây dẫn của máy tạo nhịp tim.

Vết mổ sẽ được băng lại bằng miếng băng nhỏ. Miếng băng này sẽ được tháo sau 2 ngày làm thủ thuật và vết mổ (vết cắt từ thủ thuật) sẽ khô trong vòng 7 ngày đến 10 ngày. Bệnh nhân có thể xuất viện khi cảm thấy khỏe hơn.

Bác sĩ tim mạch sẽ kiểm tra máy tạo nhịp tim trước khi bệnh nhân xuất viện.

Trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được cấp thẻ chứng nhận máy tạo nhịp tim, trong đó có ghi tên bệnh nhân và các chi tiết về hiệu máy và kiểu máy. Bệnh nhân nên luôn mang thẻ bên mình.

THỦ THUẬT CÓ NGUY CƠ NÀO KHÔNG?

Có một số ít nguy cơ liên quan đến thủ thuật đặt máy tạo nhịp tim. Bác sĩ tim mạch sẽ thảo luận chi tiết hơn về những vấn đề này trước khi bệnh nhân ký giấy chấp thuận. Các nguy cơ thường gặp nhất là:

  • Nguy cơ rất thấp bị nhiễm khuẩn, chảy máu và bầm tím ở vị trí đặt máy tạo nhịp tim
  • Nguy cơ rất thấp bị di lệch dây dẫn – dây dẫn của máy tạo nhịp tim có thể di chuyển và sau đó cần phải đặt lại
  • Nguy cơ rất thấp bị thủng phổi trong quá trình thực hiện thủ thuật (tràn khí màng phổi) – tình trạng này thường được phát hiện trên hình ảnh X-quang phổi được chụp sau khi đặt máy tạo nhịp tim và đôi khi có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Hiếm khi cần đặt ống dẫn lưu nhỏ từ cạnh sườn vào phổi (khoang liên sườn) để giúp phổi bị thủng có thể phồng trở lại. Đây là một thủ thuật đơn giản và ống dẫn lưu sẽ được rút ra trước khi bệnh nhân xuất viện.

Các nguy cơ hiếm gặp bao gồm:

  • Máu trong khoang phổi và thành ngực (tràn máu màng phổi)
  • Cục máu đông gần vị trí đặt máy tạo nhịp tim
  • Trường hợp rất hiếm gặp là trong quá trình đặt dây dẫn, thành tim bị thủng và máu tụ quanh tim. Tình trạng này cần được điều trị ngay.

Liên hệ bác sĩ tim mạch nếu bệnh nhân có một trong các vấn đề sau:

  • Vị trí đặt máy u thành 1 khối ngày càng lớn
  • Đỏ, ấn đau hoặc ấm quanh vết mổ
  • Rỉ dịch mủ vàng hoặc dịch khác từ vết mổ
  • Đau nhiều tại vết mổ
  • Ớn lạnh hoặc sốt

HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG

Có thể mất đến 4 tuần để các dây dẫn của máy tạo nhịp ở trong tim được dính chặt vào.

Để tránh làm di lệch dây dẫn, cần tuân thủ các hướng dẫn hoạt động sau:

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Khi nào tôi có thể tắm?

Bệnh nhân có thể tắm sau khi về nhà 48 giờ, nhưng phải giữ vết mổ (vết cắt từ thủ thuật) khô ráo trong 7 ngày đến 10 ngày.

Trước khi tắm, dùng túi nhựa hoặc màng nhựa bọc miếng băng để giữ vết mổ khô ráo. Bệnh nhân có thể tháo màng nhựa này sau khi tắm.

Tôi có thể sử dụng điện thoại di động không?

Bệnh nhân có thể sử dụng điện thoại di động. Khi nói chuyện hoặc mang theo điện thoại di động, bệnh nhân nên để bên đối diện với máy tạo nhịp tim.

Tôi có thể sử dụng máy nghe nhạc iPod hoặc MP3 không?

Bệnh nhân có thể sử dụng. Bệnh nhân nên giữ máy nghe nhạc ở bên đối diện với máy tạo nhịp tim khi đang nghe nhạc hoặc mang máy theo bên mình.

Tôi có thể sử dụng lò vi sóng không?

Bệnh nhân có thể sử dụng lò vi sóng mà không cần thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào.

Tôi có thể sử dụng bếp từ khi nấu nướng không?

Bất cứ vật gì tạo ra điện từ trường mạnh đều có thể gây nhiễu máy tạo nhịp tim.

Bếp từ tạo ra điện từ trường, vì vậy cần giữ khoảng cách ít nhất 60cm giữa bề mặt bếp lò và máy tạo nhịp tim. Nếu đang chọn lựa bếp lò mới, tốt hơn hết là không nên chọn bếp từ.

Các thiết bị khác có chứa nam châm bao gồm máy sấy tóc cầm tay, máy cạo râu kiểu cũ có dây điện, loa âm thanh nổi lớn, bàn chải đánh răng điện và đế sạc cho bàn chải đánh răng siêu âm. Nếu có sử dụng bất kỳ loại thiết bị nào trong số này, bệnh nhân nên giữ cách xa máy tạo nhịp tim 16cm.

Tôi có thể chụp cộng hưởng từ không?

Các loại máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim cấy ghép (ICD) thế hệ mới thường tương thích với cộng hưởng từ trong một số điều kiện nhất định (gọi là MR-Conditional), tức là có thể chụp cộng hưởng từ theo các điều kiện được ghi trên nhãn dán của nhà sản xuất thiết bị. Nếu cần chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chuyên khoa điện sinh lý tim phải cùng tham gia để xác định xem thiết bị cấy ghép có phải là MR-Conditional hay không cũng như các quy trình cần tuân thủ trước và trong khi khảo sát.

Nếu thiết bị cấy ghép không phải là MR-Conditional và nếu chụp cộng hường từ là phương pháp chẩn đoán duy nhất có thể khảo sát đầy đủ tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, thì hầu hết trường hợp là có thể chụp cộng hưởng từ với các biện pháp phòng ngừa an toàn rất nghiêm ngặt và sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa điện sinh lý tim.

Tôi có thể đi qua hệ thống an ninh tại sân bay không?

Bệnh nhân có thể đi qua các cổng kiểm tra an ninh. Hệ thống có thể phát hiện thiết bị nhưng không phát tín hiệu; tuy nhiên, nó sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị. Hãy xuất trình thẻ chứng nhận sử dụng máy tạo nhịp tim cho nhân viên an ninh. Yêu cầu họ cho phép rời đi sau khi khám xét bằng tay và không sử dụng máy quét cầm tay vì có thể làm hỏng thiết bị.

Máy tạo nhịp tim hoạt động trong bao lâu?

Máy tạo nhịp tim có thể hoạt động từ 6 đến 15 năm – trung bình là 8 năm. Thời gian này sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động của máy tạo nhịp/pin, tức là phụ thuộc vào mức năng lượng cần thiết để tạo nhịp tim và lập trình cho máy tạo nhịp tim. Hoạt động của thiết bị sẽ được đánh giá trong mỗi lần tái khám tại bệnh viện.

Tôi sẽ cảm nhận được máy tạo nhịp tim?

Lúc đầu, bệnh nhân có thể cảm nhận được trọng lượng của máy tạo nhịp tim ở vùng ngực. Theo thời gian, bệnh nhân sẽ quen dần. Máy tạo nhịp rất nhỏ – chỉ bằng 2 đồng xu xếp chồng lên nhau – và nặng khoảng 30 gam, tùy thuộc vào cấu tạo và kiểu máy.

Tôi có thể tập thể dục không?

Khi được bác sĩ cho phép, bệnh nhân nên tập thể dục thường xuyên.

Zalo
Facebook messenger