ĐỊNH NGHĨA, MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC

Cử động cánh tay, giảm cân liên tục làm da ở mặt trong cánh tay bị giãn lỏng. Đó là lý do vì sao nhiều người bị giãn da (không dễ để điều chỉnh bằng cách hút) nhiều hơn số người chỉ bị mập cánh tay đơn thuần do mỡ thừa.

Nếu da ở mặt trong cánh tay bị giãn thì không những phải hút mỡ mà còn phải căng da thì mới mong cải thiện tình trạng này. Thủ thuật này được gọi là căng da cánh tay hoặc căng da ở mặt trong cánh tay.

Thủ thuật này nhằm lấy đi phần da thừa, mỡ thừa dưới da và sắp xếp lại da.

Chi phí phẫu thuật này sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán, ngoại trừ trường hợp bị di chứng do béo phì (phẫu thuật giảm béo) với một số điều kiện nhất định.

TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT

Việc thăm khám lâm sàng cẩn thận sẽ giúp xác định loại thủ thuật phẫu thuật thích hợp nhất đối với bệnh nhân (có nên chỉ định căng da kết hợp với hút mỡ hay không).

Trong lần thăm khám đầu tiên, bệnh nhân sẽ được giải thích cặn kẽ về các bước phẫu thuật, quá trình theo dõi và những kết quả có thể có, nhất là về vị trí để lại sẹo.

Bệnh nhân sẽ được khám tiền phẫu theo chỉ định của bác sỹ.

Nếu là gây mê toàn thân hoặc gây mê “nửa tỉnh nửa mê”, bệnh nhân sẽ được bác sỹ gây mê khám muộn nhất là 48 tiếng trước phẫu thuật.

Không hút thuốc, ít nhất là 1 tháng trước và 1 tháng sau phẫu thuật (thuốc lá có thể làm sẹo lâu lành).

Không dùng thuốc chứa có aspirin trong 10 ngày trước phẫu thuật.

Nhịn ăn (không ăn và không uống) 6 tiếng trước phẫu thuật.

Tùy theo loại gây mê, bệnh nhân có thể phải nhịn ăn (không ăn hoặc uống) 6 tiếng trước phẫu thuật.

KỸ THUẬT GÂY MÊ VÀ THỜI GIAN NẰM VIỆN

Kỹ thuật gây mê

Phẫu thuật căng da ở mặt trong cánh tay có thể được thực hiện với gây mê toàn thân, gây tê vùng bằng thuốc an thần tiêm tĩnh mạch (gây mê “nửa tỉnh nửa mê”) hoặc chỉ đơn giản là gây tê tại chỗ trong một số trường hợp.

Kỹ thuật gây mê thích hợp sẽ được xác định sau khi trao đổi với bệnh nhân, bác sỹ phẫu thuật và bác sỹ gây mê.

Thời gian nằm viện

Cuộc phẫu thuật có thể được thực hiện ở khoa “điều trị trong ngày”, nghĩa là bệnh nhân có thể về trong cùng ngày phẫu thuật sau khi được theo dõi và nghỉ ngơi vài giờ.

Cũng có thể bệnh nhân phải ở lại bệnh viện một ngày, nghĩa là bệnh nhân đến bệnh viện vào sáng sớm ngày phẫu thuật, (hoặc đến vào buổi trưa ngày hôm trước) và xuất viện vào ngày hôm sau, sau phẫu thuật.

THỦ THUẬT PHẪU THUẬT

Mỗi bác sỹ phẫu thuật đều có kỹ thuật riêng cho từng trường hợp để làm sao đem lại kết quả tốt nhất. Các kỹ thuật khác nhau đều đã được mô tả.

Lớp mỡ dưới da sẽ được hút ra. Chỗ da thừa được lấy đi sẽ để lại sẹo. Vị trí và độ dài của sẹo sẽ tùy thuộc vào mức độ giãn lỏng của da và loại thủ thuật được áp dụng.

Vết mổ có thể là đường dọc theo mặt trong của cánh tay, hoặc nằm ngang theo nếp gấp của nách. Đôi khi kết hợp cả hai đường rạch ngang và dọc.

Thủ thuật phẫu thuật này chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân có da bị lỏng nhiều và thực sự mong muốn khắc phục tình trạng đó: ngoài việc thiếu thẩm mỹ (bệnh nhân không thoải mái khi mặc áo ngắn tay vì da cánh tay quá nhăn nhúm), da cánh tay bị lỏng còn có thể ảnh hưởng đến chức năng (khó khăn khi cử động hay gây cảm giác khó chịu do da cọ quẹt vào áo làm đỏ da hoặc ra mồ hôi ở mặt trong cánh tay).

Căng da cánh tay bằng cách rạch dọc theo mặt trong cánh tay.

Trước tiên mỡ thừa dưới da cánh tay, nếu có, sẽ được hút ra.

Sau đó, da thừa sẽ được cắt bỏ bằng một đường rạch dọc theo mặt trong cánh tay. Lượng da thừa và vị trí cắt bớt da sẽ được giới hạn trong một đường vẽ trên mặt trong cánh tay của bệnh nhân ở tư thế đứng.

Thời gian trung bình của một cuộc phẫu thuật là 1 tiếng rưỡi. Thời gian này có thể thay đổi tùy theo mức độ cần điều chỉnh.

Khi giải phẫu xong, cánh tay sẽ được băng ép lại.

Kỹ thuật căng da cánh tay khắc phục được tình trạng da giãn lỏng và mỡ thừa ở mặt trong cánh tay một cách hiệu quả những sẽ để lại sẹo ở mặt trong cánh tay.

Vì phẫu thuật sẽ để lại sẹo dễ thấy, nên việc lựa chọn chỉ định phẫu thuật phải được cân nhắc cẩn thận, phải thông báo đầy đủ cho bệnh nhân và phải có sự chấp thuận của bệnh nhân thì mới thực hiện.

Liên quan đến sẹo để lại từ phẫu thuật căng da ở mặt trong cánh tay, chúng tôi luôn đề nghị thực hiện những ca phẫu thuật ít tham vọng hơn với những vết sẹo dễ chấp nhận hơn: ví dụ như căng da cánh tay bằng cách rạch dưới nách hoặc rạch dưới nách kết hợp với rạch dọc nhưng ngắn hơn 10 cm.

Căng da cánh tay bằng đường rạch nằm ngang nách.

Loại phẫu thuật này được áp dụng cho những bệnh nhân có ít da thừa và da ít bị lỏng, tập trung chủ yếu ở 1/3 phía trên cánh tay.

Từ một đường rạch ngang giấu dưới nách, da thừa ở phần trên mặt trong cánh tay sẽ được cắt bỏ, kết hợp hút mỡ nếu cần. Đường khâu dưới nách sẽ giúp phần da còn lại phủ lên phía trên.

Vết sẹo từ đường rạch ngang thường khó thấy nhưng hiệu quả lại không cao như trường hợp rạch dọc.

Thời gian phẫu thuật trung bình là 1 tiếng.

Khi giải phẫu xong, cánh tay sẽ được băng ép lại.

Vì thủ thuật này nhỏ hơn thủ thuật áp dụng đường rạch dọc, nên có thể thực hiện ngoại trú với gây tê vùng hoặc gây mê “nửa tỉnh nửa mê”.

Tuy thủ thuật này ít hiệu quả hơn thủ thuật áp dụng đường rạch dọc, nhưng đơn giản và nhẹ nhàng hơn, và có thể thực hiện lại 1 hoặc 2 lần trong vài năm. Việc làm lại thủ thuật này sẽ giúp tình trạng da cánh tay bị giãn được cải thiện hiệu quả hơn sau mỗi lần thực hiện (tùy thuộc vào mong muốn của bệnh nhân) nhờ việc cắt bớt da và sắp xếp lại da mà không làm cho vết sẹo dưới nách dài ra thêm.

Kỹ thuật kết hợp

Kỹ thuật này kết hợp những yếu tố thuận lợi hoặc bất lợi của cả hai kỹ thuật rạch dọc và rạch ngang, nhất là những yếu tố liên quan đến sẹo.

Với kỹ thuật này, đường rạch ngang dưới nách sẽ được kết hợp với một đường rạch dọc ngắn hơn 10 cm ở mặt trong cánh tay.

SAU KHI PHẪU THUẬT: KẾT QUẢ SAU PHẪU THUẬT

Thông thường, bệnh nhân có thể xuất viện trong cùng ngày phẫu thuật hoặc vào ngày hôm sau.

Trong thời gian theo dõi ngay sau mổ, có thể xuất hiện vết bầm (thâm tím) và phù (sưng), nhưng sẽ bớt trong vòng từ 10 đến 20 ngày sau phẫu thuật.

Thường bệnh nhân sẽ không thấy đau nhiều mà chỉ cảm thấy hơi khó chịu, cảm giác này có thể được xoa dịu bằng thuốc giảm đau thông thường.

Bệnh nhân có thể cảm giác da quanh vết sẹo bị căng, gây khó chịu trong quá trình liền sẹo. Chính vì vậy, bệnh nhân cần tránh cử động kéo giãn mạnh.

Tùy tính chất công việc của bệnh nhân mà quyết định có cần thiết phải tạm ngưng làm việc hay không. Đa số các trường hợp có thể làm việc tại nhà vài ngày sau phẫu thuật.

Bệnh nhân có thể từ từ thực hiện các hoạt động thể chất hoặc ngoài trời trong vòng 4 tuần sau phẫu thuật.

Vết sẹo thường có màu hồng đậm (hồng-đỏ) trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật, sau đó sẹo sẽ mờ dần trong 1 đến 2 năm. Sự tiến triển này tùy thuộc vào tính chất da của bệnh nhân.

Trong 3 tháng đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân không được để vết sẹo ra nắng và tránh tia UV.

KẾT QUẢ PHẪU THUẬT

Có thể thấy kết quả phẫu thuật sau 6 đến 12 tháng sau phẫu thuật.

Tình trạng mỡ thừa và da bị giãn lỏng được cải thiện rõ ràng qua hình dáng của cánh tay. Chức năng của cánh tay cũng được cải thiện rõ ràng, nhất là trong các trường hợp rạch theo chiều dọc.

Sẹo trong phẫu thuật này thường dễ thấy, nhất là đường rạch dọc ở mặt trong cánh tay, vì đường rạch không được giấu dưới nếp gấp tự nhiên.

Nhờ những cải tiến về kỹ thuật và kinh nghiệm mà phẫu thuật căng da cánh tay ngày càng phát huy hiệu quả.

Mục đích của phẫu thuật này là nhằm cải thiện chứ không nhằm hướng đến một sự hoàn hảo nào cả. Nếu mong muốn của bệnh nhân đủ thực tế, thì kết quả sẽ làm cho bệnh nhân hài lòng.

Dù sao thì phẫu thuật căng da cánh tay cũng là một cuộc phẫu thuật tinh vi, nên dù có kỹ thuật cao vẫn không thể nào đảm bảo là sẽ không có thiếu sót hay biến chứng.

KẾT QUẢ KHÔNG MONG MUỐN

Một cuộc phẫu thuật căng da cánh tay được chỉ định và thực hiện đúng đắn thường đem lại kết quả hài lòng và đúng với mong đợi của bệnh nhân.

Tuy nhiên, những khiếm khuyết tại chỗ thường dễ xảy ra và dễ thấy, chưa kể những biến chứng:

•  Đó có thể là những khiếm khuyết liên quan đến sẹo. Sẹo có thể dễ thấy, bị căng hay lồi. Nếu khâu quá căng sẽ để lại sẹo xấu (đậm màu, dày, co rút, dính hoặc phình to). Sẹo sẽ đỡ theo thời gian nhưng không hoàn toàn biến mất. Do đó, nói một cách dễ hiểu là bác sỹ là người khâu vết mổ, còn bệnh nhân là người góp phần làm lành sẹo.

Vì vậy, trong quá trình lành sẹo, vẫn có nguy cơ sẹo bị phình và cần phải được điều trị đặc hiệu.

• Về hiệu quả hút mỡ có thể có những kết quả không mong muốn như hút không hết mỡ thừa, phần mỡ còn lại không cân đối hoặc da không đồng đều.

Những kết quả không mong muốn trên có thể được điều trị bằng phẫu thuật bổ sung, được gọi là “phẫu thuật điều chỉnh nhỏ”, được thực hiện bằng gây tê tại chỗ đơn giản hoặc gây tê sâu tại chỗ. Nhưng việc phẫu thuật lại sẽ chỉ được thực hiện sau 6 tháng sau phẫu thuật, khi kết quả của ca phẫu thuật đầu đã bắt đầu ổn định.

NHỮNG BIẾN CHỨNG CÓ THỂ XẢY RA

Phẫu thuật căng da cánh tay, ngay cả khi được thực hiện nhằm mục đích thẩm mỹ, cũng là một thủ thuật phẫu thuật đích thực, nên vẫn chứa những rủi ro liên quan về mặt y khoa, dù nặng nhẹ đến đâu.

Những biến chứng liên quan đến phẫu thuật hoặc những biến chứng về mặt thẩm mỹ có thể xảy ra như:

• Rủi ro liên quan đến gây mê: bác sỹ gây mê sẽ thông báo tất cả những rủi ro liên quan đến gây mê cho bệnh nhân biết. Nên biết rằng gây mê có thể gây ra những phản ứng không lường của cơ thể và rất khó kiểm soát. Theo thống kê, một bác sỹ gây mê giàu kinh nghiệm có thể giúp hạn chế các rủi ro đó trong phẫu thuật.
Những kỹ thuật gây mê ngày nay có thể đem lại sự an toàn tối ưu cho bệnh nhân, nhất là đối với bệnh nhân có sức khỏe tốt.

• Rủi ro liên quan đến phẫu thuật: một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ giỏi và có kinh nghiệm thực hiện thủ thuật phẫu thuật này sẽ hạn chế được, chứ không thể hoàn toàn loại trừ, những rủi ro liên quan đến phẫu thuật.

Phẫu thuật căng da cánh tay là một phẫu thuật tinh vi trong giải phẫu thẩm mỹ, vì vậy vẫn có thể xảy ra biến chứng.

Những biến chứng có thể xảy ra trong phẫu thuật căng da cánh tay gồm:

•  Những biến chứng hệ thống:

Huyết khối – nghẽn mạch máu (viêm tĩnh mạch, thuyên tắc phổi) rất hiếm nhưng rất nguy hiểm. Việc chăm sóc dự phòng nghiêm ngặt có thể hạn chế được rủi ro này như đeo vớ chống thuyên tắc tĩnh mạch, vận động sớm sau phẫu thuật hoặc có thể sử dụng thuốc kháng đông.

•  Biến chứng tại chỗ:

– Hiện tượng tụ máu rất hiếm nhưng nếu xảy ra, sẽ được dẫn lưu để đảm bảo hiệu quả phẫu thuật. – Nhiễm trùng do vết mổ ở gần nếp gấp tự nhiên (thường dễ tạo ổ vi khuẩn). Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách giữ gìn vệ sinh thật kỹ trước và sau khi phẫu thuật, cho đến khi lành sẹo hoàn toàn. Nếu cần, có thể phẫu thuật dẫn lưu và sử dụng kháng sinh. Nhiễm trùng có thể để lại những hậu quả gây thiếu thẩm mỹ

– Dòng chảy mạch bạch huyết kéo dài có thể gây sưng và cần phải chọc dò, nhưng trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng này tự nhiên hết mà không để lại hậu quả gì.

– Sẹo lâu lành.

– Rất hiếm xảy ra hiện tượng hoại tử da, nếu có thì thường hạn chế và khu trú. Chỉ định và thực hiện phẫu thuật căng da cánh tay đúng đắn và thận trọng có thể giúp ngăn chặn biến chứng hoại tử da.

– Rối loạn về cảm giác, đặc biệt là ở vùng dọc theo mặt trong cánh tay. Tình trạng này sẽ tự hết trong từ 3 đến 6 tháng sau phẫu thuật.

KẾT LUẬN

Xét một cách toàn diện thì không nên đặt nặng vấn đề rủi ro, nhưng bệnh nhân vẫn nên hiểu rằng bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, dù chỉ là tiểu phẫu, cũng luôn tiềm ẩn những yếu tố không lường trước và không xác định trước được.

Một điều mà bệnh nhân có thể an tâm là một bác sỹ giải phẫu thẩm mỹ giỏi, giàu kinh nghiệm sẽ biết cách tránh cho biến chứng xảy ra hoặc nếu xảy ra, sẽ biết cách xử lý một cách hiệu quả nếu cần.

Facebook messenger