Nội soi khớp vai

Nội soi khớp là một thủ thuật mà bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sử dụng để thăm khám, chẩn đoán và điều trị các vấn đề bên trong khớp.

Trong quá trình nội soi khớp vai, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống kính nhỏ gọi là ống nội soi vào khớp vai của bệnh nhân. Ống nội soi sẽ hiển thị hình ảnh trên một màn hình giúp bác sĩ phẫu thuật dựa vào những hình ảnh này để thao tác trên các dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ.

Do ống nội soi khớp và các dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ nên bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện những vết rạch nhỏ thay vì đường rạch lớn như trong phẫu thuật mổ hở. Điều này giúp bệnh nhân ít đau hơn đồng thời rút ngắn thời gian để bệnh nhân hồi phục và trở lại với hoạt động thường ngày.

GIẢI PHẪU HỌC

Khớp vai có cấu trúc phức tạp và có khả năng vận động nhiều hơn bất kỳ loại khớp nào khác trong cơ thể. Cấu tạo của khớp vai gồm ba xương: xương cánh tay, xương bả vai, và xương đòn.

KHI NÀO CẦN THỰC HIỆN NỘI SOI KHỚP VAI?

Bác sĩ có thể đề nghị nội soi khớp vai khi bệnh nhân bị đau khớp vai và tình trạng đau này  không thuyên giảm khi được điều trị bảo tồn bao gồm nghỉ ngơi, trị liệu bằng tay như tập vật lý trị liệu hoặc áp dụng thuật nắn xương, thuật châm cứu và sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để có thể giảm viêm. Viêm là một trong các phản ứng thông thường của cơ thể với tổn thương hay bệnh tật. Khi khớp vai bị bệnh hay tổn thương, tình trạng viêm sẽ gây ra sưng, đau và cứng khớp.

Nguyên nhân của hầu hết các vấn đề ở vai là do tổn thương, vận động quá mức hay do tuổi tác. Nội soi khớp vai có thể giúp giảm các triệu chứng đau vai do tổn thương gân chóp xoay, sụn viền, sụn khớp, và các mô mềm khác quanh khớp vai.

Các thủ thuật nội soi khớp vai thường gặp, bao gồm:

  • Chỉnh sửa chóp xoay
  • Cắt bỏ gai xương
  • Cắt bỏ hay chỉnh sửa sụn viền
  • Chỉnh sửa dây chằng
  • Cắt bỏ mô bị viêm hay sụn bị bong ra
  • Chỉnh sửa trật khớp vai tái phát.

Các thủ thuật ít gặp hơn như giải ép dây thần kinh, chỉnh sửa xương gãy, cắt bỏ u nang cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp vai. Một số phẫu thuật như thay khớp vai, vẫn cần phải mổ hở với vết rạch lớn hơn.

Hình ảnh được chụp qua ống nội soi khớp cho thấy màng hoạt dịch ở khớp vai bình thường

(Trái) và màng hoạt dịch bị viêm do tổn thương bởi tình trạng cứng vai (Phải).

KẾ HOẠCH PHẪU THUẬT

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ xem xét bệnh án và tiền sử phẫu thuật của bệnh nhân, bao gồm các loại thuốc đang sử dụng để đảm bảo bệnh nhân không có bất kỳ vấn đề y khoa nào cần phải xử trí trước khi phẫu thuật. Xét nghiệm máu, điện tâm đồ, hoặc chụp X-quang phổi có thể cần thực hiện để đảm bảo phẫu thuật an toàn.

Nếu bệnh nhân có những nguy cơ về sức khỏe thì cần có một đánh giá chuyên sâu hơn trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình về bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào mà mình đang sử dụng. Bệnh nhân có thể phải ngưng sử dụng một vài loại thuốc trước khi phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ giải thích cho bệnh nhân những thông tin chi tiết về thủ thuật. Hãy đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn về thời gian nhập viện và đặc biệt là thời gian nhịn ăn hay nhịn uống trước khi phẫu thuật.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận trong đó xác nhận bệnh nhân đã hiểu rõ những nguy cơ của việc nội soi khớp vai và đồng ý thực hiện thủ thuật này. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ mối lo ngại nào liên quan đến nhu cầu thực hiện thủ thuật, các nguy cơ của thủ thuật và cách thực hiện.

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ trao đổi với bệnh nhân về các phương pháp gây mê hoặc gây tê. Nhiều bác sĩ phẫu thuật kết hợp phương pháp phong bế thần kinh với thuốc an thần hay thuốc gây mê toàn thân liều thấp vì bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu khi phải giữ một tư thế trong suốt khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành phẫu thuật.

Hầu hết các thủ thuật nội soi thường kéo dài khoảng một giờ; tuy nhiên, thời gian phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào những phát hiện của bác sĩ phẫu thuật và những chỉnh sửa cần thực hiện trong quá trình nội soi.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN

Đầu tiên bác sĩ phẫu thuật sẽ tiêm dung dịch vào khớp vai để bơm căng khớp. Điều này giúp bác sĩ nhìn thấy rõ hơn tất cả các cấu trúc của khớp vai qua ống nội soi. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một lỗ nhỏ trên vai bệnh nhân (kích cỡ bằng khuy áo) để đưa ống nội soi vào. Dung dịch sẽ chảy qua ống nội soi để giữ cho hình ảnh rõ nét và kiểm soát tình trạng xuất huyết. Các hình ảnh từ ống nội soi được chiếu trên màn hình giúp cho bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy bên trong vai bệnh nhân cùng với các tổn thương.

(Trái) Trong quá trình nội soi, bác sĩ phẫu thuật đưa ống nội soi và những dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ vào khớp vai của bệnh nhân. (Phải) Hình ảnh nội soi bên trong khớp vai.

Khi đã xác định rõ vấn đề, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa những dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ vào qua các vết rạch riêng biệt để chỉnh sửa khớp vai. Những dụng cụ chuyên biệt được sử dụng để thực hiện các công việc như nạo, cắt, kẹp,  khâu xuyên, và thắt gút. Trong nhiều trường hợp, những dụng cụ đặc biệt được sử dụng để khâu neo vào xương.

(Trái) Hình ảnh nội soi của khớp vai khỏe mạnh. (Giữa) hình ảnh của chóp xoay bị rách, một kẽ hở lớn có thể nhìn thấy giữa mép gân chóp xoay và chỏm xương cánh tay. (Phải) Sợi gân đã được khâu nối lại vào chỏm xương cánh tay.

HỒI PHỤC

Sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nằm trong phòng hồi sức từ một đến hai giờ trước khi chuyển lên lầu trại. Điều dưỡng sẽ theo dõi đáp ứng của bệnh nhân và cho sử dụng thuốc giảm đau nế́u cần. Trong thời gian nằm viện, thông thường là từ một đến hai ngày bệnh nhân sẽ bắt đầu chương trình tập vật lý trị liệu bao gồm liệu pháp lạnh và các hướng dẫn cụ thể từ chuyên viên vật lý trị liệu để giúp bệnh nhân chuẩn bị trở về nhà.

Tại nhà

Mặc dù nội soi khớp vai có thời gian hồi phục nhanh hơn so với mổ hở, bệnh nhân vẫn có thể cần đến vài tuần hay vài tháng để khớp vai hồi phục hoàn toàn.

Bệnh nhân có thể sẽ bị đau và khó chịu trong ít nhất 1 tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân trải qua một cuộc phẫu thuật lớn hơn, có thể mất vài tuần trước khi cơn đau giảm xuống. Chườm đá sẽ giúp giảm đau và sưng. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau nếu cần.

Bệnh nhân thường sẽ cần băng đeo hoặc một vật liệu cố định đặc biệt để bảo vệ khớp vai. Bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bệnh nhân về thời gian cần sử dụng băng đeo này.

Phục hồi chức năng

Sau phẫu thuật khớp vai, phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng giúp bệnh nhân trở lại với các hoạt động hàng ngày. Tùy thuộc vào trường hợp phẫu thuật cụ thể,  bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị bệnh nhân bắt đầu chương trình tập vật lý trị liệu sớm nhất có thể. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ cung cấp các hướng dẫn về điều trị đau và sưng. Đồng thời sẽ cung cấp một chương trình tập luyện để giúp bệnh nhân phục hồi sức mạnh và khả năng vận động của khớp vai. Ngoài ra, bệnh nhân còn được hướng dẫn để thực hiện các hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, làm việc, lái xe, v.v.

BIẾN CHỨNG

Hầu hết bệnh nhân không gặp biến chứng sau khi nội soi khớp vai. Tuy nhiên, cũng như các cuộc phẫu thuật khác, phương pháp này vẫn có một vài nguy cơ. Các nguy cơ này thường nhẹ và có thể điều trị được. Các nguy cơ có khả năng xảy ra sau khi nội soi khớp vai bao gồm nhiễm trùng, xuất huyết nặng, hình thành máu đông và tổn thương mạch máu hay dây thần kinh.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bệnh nhân về những biến chứng có thể xảy ra trước khi phẫu thuật.

KẾT QUẢ

Vì tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân khác nhau nên thời gian hồi phục hoàn toàn ở mỗi bệnh nhân cũng sẽ khác nhau.

Nếu chỉ chỉnh sửa đơn giản ở khớp vai, bệnh nhân có thể không cần sử dụng băng đeo và có thể hồi phục lại sau một thời gian ngắn phục hồi chức năng . Bệnh nhân có thể đi làm hay đi học trở lại trong vòng vài ngày sau phẫu thuật.

Thời gian hồi phục sẽ lâu hơn nếu phẫu thuật phức tạp hơn. Mặc dù những vết rạch trong nội soi khớp vai rất nhỏ, nhưng các tổn thương lớn bên trong khớp vai vẫn có thể được chỉnh sửa bằng thủ thuật này. Thời gian hồi phục hoàn toàn có khi mất vài tháng. Mặc dù quá trình này có thể chậm, nhưng việc tuân thủ các hướng dẫn và kế hoạch phục hồi chức năng của bác sĩ phẫu thuật là điều rất quan trọng để phẫu thuật thành công.

Nguồn: “Viện Hàn Lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Hoa Kỳ”

Zalo
Facebook messenger