ỐI VỠ SỚM LÀ GÌ?
Em bé ở trong tử cung của mẹ được bao quanh bởi nước ối, nước chứa trong một bọc có màng mỏng gọi là màng ối. Nước ối đóng vai trò bảo vệ và làm đệm cho em bé.
Thông thường thì màng ối sẽ bị vỡ (vỡ ối) khi chuyển dạ một cách tự nhiên hoặc do nhân viên y tế tác động.
Ối vỡ sớm là khi màng ối bị rách trước khi bắt đầu chuyển dạ. Nếu màng ối bị vỡ ở tuổi thai nhỏ hơn 37 tuần thì được gọi là ối vỡ non.
Ổi vỡ sớm và ối vỡ non xuất hiện ở khoảng 3% số phụ nữ mang thai, nghĩa là trong 100 bà bầu thì sẽ có 3 người xuất hiện hiện tượng này.
Khi xảy ra ối vỡ sớm thì môi trường vô trùng xung quanh bé bị phá vỡ. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và bé, và nó cũng làm tăng nguy cơ sinh non.
VÌ SAO XUẤT HIỆN ỐI VỠ TRƯỚC CHUYỂN DẠ?
Ối bị vỡ ở thời điểm tuổi thai gần đủ tháng có thể diễn ra do sự yếu đi một cách tự nhiên của màng ối. Tuy nhiên, nhiều trường hợp là có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng trong tử cung do vi khuẩn từ dưới âm đạo xâm nhập qua màng ối.
Một số yếu tố khác cũng có liên quan đến tình trạng ối vỡ sớm và ối vỡ non bao gồm:
- Hút thuốc lá khi mang thai
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, chlamydia.
- Trước đây bị sinh non
- Xuất huyết âm đạo
NHẬN BIẾT VỠ ỐI NHƯ THẾ NÀO?
Dấu hiệu của vỡ ối là khi có một dòng nước trào ra từ âm đạo hoặc cảm thấy âm đạo ẩm ướt. Nước chảy ra sẽ dao động từ mức rỉ rả cho đến mức cả một dòng.
LÀM GÌ KHI BỊ VỠ ỐI?
Nếu thai phụ nào thấy mình bị rỉ nước từ âm đạo, hãy mang băng vệ sinh nhưng không phải là loại nút chống thấm và nhìn màu sắc và lượng nước ở trên băng. Khi bị vỡ ối, thai phụ nên đến bệnh viện để khám ngay.
ỐI VỠ SỚM VÀ ỐI VỠ NON ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?
- Khám âm đạo là cách tốt nhất để chẩn đoán ối vỡ. Bác sĩ sẽ dùng một mỏ vịt vô trùng (một dụng cụ giúp tách mở thành âm đạo) để quan sát cổ tử cung xem có nước ối chảy ra không.
- Nếu khi khám mỏ vịt mà vẫn chưa xác định được, bác sĩ có thể phải làm thêm xét nghiệm dịch âm đạo để đánh giá.
- Đôi khi cũng cần phải dùng đến phương pháp siêu âm đo lượng nước ối trong tử cung.
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO?
Khi bị vỡ ối thì thai phụ cần nhập viện theo dõi trong một vài ngày, có trường hợp có thể lâu hơn.
- Mẹ và bé sẽ được theo dõi sát dấu hiệu nhiễm trùng
- Việc theo dõi bao gồm kiểm tra nhiệt độ huyết áp và mạch của mẹ một cách thường xuyên. Ngoài ra mẹ còn được chỉ định làm xét nghiệm máu, nước tiểu và cấy dịch âm đạo (phải chờ đến 3-5 ngày mới có kết quả).
- Nhịp tim thai cũng được theo dõi thường xuyên. Có thể cần phải theo dõi biểu đồ tim thai trong ít nhất 20 phút bằng một máy đo chuyên dụng tuỳ theo những yếu tố nguy cơ của mẹ.
Nếu không có dấu hiệu vỡ ối thì thai phụ có thể về nhà.
Trong trường hợp màng ối chưa vỡ hoàn toàn và chỉ có một ít dịch ối rỉ ra, có thể sẽ rất khó để xác định được ối thật sự có vỡ hay không. Nếu khi về thai phụ vẫn thấy có nước rỉ ra thì nên quay trở lại bệnh viện để được thăm khám.
EM BÉ CÓ NGUY CƠ GÌ KHI MẸ BỊ ỐI VỠ SỚM/ ỐI VỠ NON?
Nhiễm trùng
- Màng ối hình thành một lớp màng bảo vệ xung quanh em bé, sau khi lớp màng này bị vỡ thì thai phụ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng trong tử cung (gọi là nhiễm trùng ối).
- Nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng lên dần theo khoảng thời gian từ lúc vỡ ối đến khi sinh bé.
- Nếu bị nhiễm trùng, điều này có thể làm cho thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sớm, hoặc là làm cho mẹ hoặc bé bị nhiễm trùng huyết.
- Các dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm: sốt, mạch nhanh, dịch âm đạo hôi, và đau ở vùng bụng dưới. Nhịp tim của em bé cũng nhanh hơn bình thường.
- Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng thì em bé cần được sinh ra ngay để tránh làm cho tình trạng của mẹ và bé nặng hơn.
Nhiễm trùng huyết sơ sinh sớm
- Nhiễm trùng huyết sơ sinh sớm là tình trạng nhiễm trùng máu xảy ra ở những ngày đầu đời của bé.
- Em bé bị nhiễm khuẩn từ mẹ ở thời điểm trước hoặc trong chuyển dạ.
- Các yếu tố nguy cơ của nhiễm khuẩn huyết sớm bao gồm: mẹ bị nhiễm trùng ối, có tụ cầu nhóm B ký sinh, sinh non và thời gian vỡ ối kéo dài (lâu hơn 24 giờ trước khi sinh).
- Em bé được sinh ra từ thai phụ có ối vỡ sớm/ ối vỡ non cần phải được sàng lọc tình trạng nhiễm khuẩn huyết sớm
- Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm: công thức máu toàn phần, đo chỉ số CRP và có thể cần phải cấy dịch dạ dày.
- Nếu có dấu hiệu nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng huyết sơ sinh sớm thì em bé cần phải được dùng kháng sinh.
- Bác sĩ Nhi khoa sẽ gặp và giải thích cho mẹ biết về liệu trình điều trị tình trạng này.
Sinh non
- Có khoảng 50% số trường hợp có ối vỡ sớm sẽ đi vào chuyển dạ trong vòng 1 tuần. Tuổi thai càng lớn thì khả năng xuất hiện chuyển dạ càng nhanh.
- Em bé sinh non sẽ có nhiều nguy cơ về sức khoẻ đặc biệt là về hô hấp, ăn uống và nhiễm trùng, và bé có thể cần phải nhập khoa điều trị sơ sinh. Em bé càng non tháng thì khả năng này càng cao.
Các biến chứng khác
- Sa dây rốn, đây là tình trạng dây rốn bị sa ra khỏi cổ tử cung vào trong âm đạo: Đây là một tình trạng cấp cứu và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của em bé, nhưng tình trạng này ít gặp.
- Thiểu sản phổi, đây là tình trạng phổi của em bé không phát triển một cách bình thường do thiếu nước ối: tình trạng này hay gặp ở trường hợp ối vỡ ở tuổi thai rất sớm (dưới 24 tuần), khi đó phổi của em bé vẫn đang phát triển và chưa hoàn thiện.
- Nhau bong non, đây là trình trạng bánh nhau bị bóc tách khỏi tử cung trước khi em bé được sinh ra. Tình trạng này có thể gây chảy máu nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Trong một số trường hợp mẹ bị ối vỡ non, em bé có thể sẽ không sống được. Nguy cơ này xảy ra càng cao nếu ối bị vỡ ở tuổi thai rất sớm, thai nhi rất non tháng và trong trường hợp bị nhiễm trùng hoặc sa dây rốn.
CÓ LIỆU PHÁP NÀO ĐỂ ĐIỀU TRỊ ỐI VỠ NON KHÔNG?
Không có liệu pháp nào có thể thay thế dịch ối và vá được lỗ thủng của màng ối bao quanh em bé. Thai phụ có thể sẽ bị tình trạng rỉ ối cho đến hết thai kỳ bởi vì nước ối vẫn liên tục được tạo ra.
Nếu ối vỡ ở tuổi thai 34 tuần hoặc sớm hơn thì thai phụ cần phải nhập viện điều trị. Các liệu pháp điều trị bao gồm:
- Dùng kháng sinh để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và bé; kháng sinh có thể giúp trì hoãn thai phụ đi vào chuyển dạ.
- Truyền kháng sinh đường tĩnh mạch (khi chuyển dạ sinh non) để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh sớm do nhiễm tụ cầu nhóm B ký sinh.
- Chích corticosteroid để giúp làm phổi em bé trưởng thành và làm giảm nguy cơ xuất hiện các vấn đề gây ra bởi sinh non khác.
- Truyền Magnesium sulfate, loại thuốc này được truyền trong trường hợp em bé rất non tháng, nó có tác dụng làm giảm quy cơ em bé bị bại não.
Nếu ối vỡ ở tuổi thai 34-37 tuần, tuỳ theo các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng của mẹ và kết quả của các xét nghiệm mà bác sĩ sẽ thảo luận với thai phụ rằng nên kéo dài thai kỳ thêm hay gây chuyển dạ.
Nếu ối vỡ ở tuổi thai 37 tuần trở lên và không có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ khuyên nên gây chuyển dạ ngay sau khi thai phụ nhập viện.