Phẫu thuật cắt đại-trực tràng
RUỘT GIÀ LÀ GÌ?
Ruột già là phần thấp của hệ tiêu hóa nơi chứa chất thải của quá trình tiêu hóa thức ăn.
Ruột già thường dài khoảng 1.5m và bao gồm manh tràng, ruột thừa, đại tràng và trực tràng nằm trong ổ bụng.
RUỘT GIÀ CÓ CHỨC NĂNG GÌ?
Ruột già có một số chức năng sau:
- Tái hấp thu nước và giữ cân bằng dịch trong cơ thể
- Hấp thu một số vitamin
- Xử lý những chất không tiêu (chất sợi)
- Chứa chất thải trước khi thải chúng ra ngoài
PHẪU THUẬT CẮT ĐẠI-TRỰC TRÀNG LÀ GÌ? VÀ CHỈ ĐỊNH KHI NÀO?
Cắt đại-trực tràng là phẫu thuật lấy đi một phần hoặc toàn bộ ruột già. Phẫu thuật này nhằm lấy đi phần bị tổn thương hoặc bị bệnh của ruột già.
Phẫu thuật này được thực hiện để trị một số bệnh như:
- Ung thư đại trực tràng
- Bệnh túi thừa – những túi nhỏ ở thành đại tràng
- Bệnh viêm ruột ( VD: viêm đại tràng, bệnh Crohn)
- Tắc ruột già
- Tổn thương ruột do chấn thương
- Bệnh polyp (khối thịt thừa) tiền ung thư, đặc biệt ở những người có hội chứng đa polyp gia đình.
- Thủng ruột già
- Chảy máu từ ruột già
Đối với ung thư ruột già thì mục tiêu là lấy đi hết phần ung thư. Nếu bạn có tình trạng tiền ung thư, thì phẫu thuật này giúp ngăn sự tiến triển thành ung thư. Nếu bạn mổ vì những bệnh lý khác thì cuộc mổ thành công sẽ làm giảm bệnh, cải thiện triệu chứng.
Khi mổ cắt đại-trực tràng, người ta sẽ lấy đi phần ruột bị bệnh và khâu hai đầu ruột lành lại với nhau. Nếu không thể khâu nối do vị trí, mức độ lan rộng của tổn thương phẫu thuật viên sẽ làm hậu môn nhân tạo. Hậu môn nhân tạo chỉ làm tạm thời để đại tràng có thời gian lành, sau đó thì sẽ phẫu thuật lại để đóng hậu môn tạm.
PHẪU THUẬT NÀY ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Phẫu thuật cắt đại-trực tràng được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
Có hai phương pháp là mổ mở và mổ nội soi. Tùy theo bệnh nhân cụ thể và chẩn đoán mà phẫu thuật viên sẽ lựa chọn
- Mổ mở cắt đại-trực tràng – phẫu thuật viên sẽ rạch một đường dài trên bụng để lấy đi phần ruột già bị bệnh.
- Cắt đại-trực tràng nội soi – . Phẫu thuật viên rạch nhiều đường mổ nhỏ trên bụng, dùng kính soi đặc biệt và dụng cụ nhỏ để lấy đi một phần hoặc toàn bộ ruột già. Thường thì sẽ có thêm một đường mổ ngắn để lấy bệnh phẩm ra khỏi ổ bụng.
Phẫu thuật cắt đại-trực tràng nội soi là một phương pháp mới nhanh chóng được phổ biến. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi gồm:
- Chức năng đại tràng phục hồi nhanh
- Hồi phục sau mổ nhanh, thời gian nằm viện ngắn.
- Ít đau sau mổ
- Nhanh chóng sinh hoạt lại bình thường
- Sẹo mổ nhỏ
Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau tùy theo vị trí của tổn thương như:
- Cắt đại tràng phải và cắt đại tràng trái là lấy đi phần đại tràng lên (phải) hoặc đại tràng xuống (trái) và 1/3 đại tràng ngang. Nếu cắt 2/3 đại tràng ngang thì sẽ gọi là cắt đại tràng mở rộng.
- Cắt đại tràng ngang cũng có thể được thực hiện mặc dù hiếm.
- Cắt đại tràng chậu hông là lấy đi phần đại tràng chậu hông, đôi khi lấy thêm một phần hoặc toàn bộ trực tràng ( cắt đoạn đại trực tràng). Nếu cắt đại tràng chậu hông và làm hậu môn nhân tạo kiểu tận, đóng mỏm trực tràng thì đấy là phẫu thuật Hartmann, phẫu thuật này được dùng khi không thể làm hậu môn nhân tạo kiểu nòng súng (kiểu Mikulicz), kiểu này dễ đóng lại (tái lập lưu thông ruột) hơn
- Cắt toàn bộ đại tràng là lấy đi toàn bộ đại tràng. Nếu cắt luôn cả trực tràng thì đấy là cắt toàn bộ đại-trực tràng.
- Phẫu thuật Miles là cắt bỏ toàn bộ trực tràng và đại tràng chậu hông qua ngả bụng và tầng sinh môn.
Nếu cắt trực tràng-đại tràng chậu hông bằng nội soi, sử dụng máy khâu vòng để nối thông đại tràng-trực tràng.
CHUẨN BỊ TRƯỚC MỔ
Bệnh nhân cần khám tiền mê vài ngày trước mổ. Trong lần khám này, bệnh nhân được làm một số xét nghiệm máu và khám sức khỏe tổng quát tùy theo tuổi và tình trạng bệnh kèm theo để đảm bảo bệnh nhân đủ sức khỏe để chịu đựng cuộc mổ.
Bạn cần phải tắm vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ bằng dung dịch sát trùng Betadine.
Đại tràng chứa vi trùng và các chất thải có thể gây nhiễm trùng nếu chúng xâm nhập vào ổ bụng trong quá trình phẫu thuật. Do đó cần có một số phương pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ.
Đầu tiên là có thể sử dụng kháng sinh đường uống một vài ngày trước mổ. Thứ hai là làm sạch đại tràng tối đa để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nói chung, 2 hoặc 3 ngày trước mổ, bệnh nhân cần ăn thức ăn mềm, gần như thức ăn lỏng có thể tiêu hóa nhanh và dễ dàng. Đôi khi bệnh nhân chỉ được uống nước (như nước trái cây, nước luộc thịt). Tất cả bệnh nhân đều chỉ được uống nước trong 24 giờ trước mổ và nhịn ăn hoàn toàn từ nửa đêm trước ngày mổ.
Trước ngày mổ bệnh nhân cần uống thuốc sổ, được nhập khoa và truyền dịch để tránh mất nước khi tiêu chảy do uống thuốc này.
Nếu bệnh nhân không thể tuân theo chế độ này thì cần phải báo ngay cho phẫu thuật viên. Vì nếu phẫu thuật có thể không an toàn và phải hoãn cuộc mổ.
NGUY CƠ CỦA PHẪU THUẬT CẮT ĐẠI-TRỰC TRÀNG
Cũng như bất kỳ phẫu thuật nào khác, cắt dạ dày cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Những biến chứng này bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhồi máu cơ tim…
Một số biến chứng ngoại khoa của phẫu thuật loại này bao gồm:
- Tổn thương các cấu trúc, cơ quan lân cận
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Xì miệng nối
- Áp xe (ổ tụ mủ) trong ổ bụng
- Nhiễm trùng màng bụng (viêm phúc mạc)
- Thoát vị tại vết mổ cũ
- Hẹp miệng nối
- Tắc ruột do tạo mô sẹo
Một số biến chứng cần can thiệp phẫu thuật lại.
HỒI PHỤC SAU MỔ
Sau phẫu thuật cắt đại-trực tràng, bệnh nhân được chuyển qua đơn vị chăm sóc hậu phẫu và được điều dưỡng theo dõi sát cho đến khi tỉnh mê. Nếu sinh hiệu ổn và bệnh nhân đã tỉnh táo thì sẽ được chuyển lên khoa.
Một ngày sau mổ thì đa số bệnh nhân có thể đứng dậy đi lại. Một điều quan trọng là bệnh nhân cần đứng dậy và vận động càng sớm càng tốt để kích thích nhu động ruột và làm máu lưu thông dễ dàng.
Bệnh nhân cần được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch cho đến khi ăn uống được bình thường. Hầu hết bệnh nhân có thể ăn nhẹ sau 4-5 ngày hậu phẫu.
Bạn cần dùng thuốc giảm đau vài ngày. Bạn nên thông báo cho đội ngũ điều trị nếu loại thuốc giảm đau đang dùng không đủ hiệu quả để được kê loại thuốc khác. Kháng sinh cũng có thể được dùng sau mổ tùy thuộc nhiều yếu tố bao gồm chẩn đoán ban đầu.
Sau khi phẫu thuật 1-2 tuần bệnh nhân có thể xuất viện.
Thường thì bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng 1-3 tuần sau mổ, nhưng để bình phục hẳn thì cần thời gian lâu hơn. Do đó, bệnh nhân cần tránh gắng sức, nâng vật nặng trong 4-6 tuần.