Sau phẫu thuật đoạn chi, nhiều chuyên gia y tế khác nhau hỗ trợ bạn trong quá trình phục hồi chức năng gồm có:
- Bác sĩ phẫu thuật đưa ra chỉ địnhquytrìnhphục hồichức năng sau phẫu thuật;
- Điều dưỡng chăm sóc vết thương vàhướng dẫn bạn về cáchchăm sócmỏm cụt;
- Chuyên viên vật lý trị liệu giúp đỡ bạn phục hồi các chức năng của cơ thể và hướng dẫn bạn tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày;
- Kỹ thuật viên chỉnh hình cụ tạo chân giả (chi nhân tạo) vừa vặn cho bạn;
- Một số chuyên gia khác cũng có thể hỗ trợ bạn trong quá trình phục hồi chức năng khi cần như:
- Bác sĩ tổng quát hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tổng quát;
- Bác sĩ dinh dưỡng đưa ra lời khuyên dinh dưỡng cần thiết để thúc đẩy quá trình lành lại và hồi phục, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường;
- Chuyên viên tâm lý hỗ trợ bạn vượt qua trạng thái mất chi.
CẮT CỤT CHI ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẠN NHƯ THẾ NÀO?
Cắt cụt chân là một chấn thương lớn gây ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần, làm thay đổi cuộc sống của bạn, tạo thử thách mới trong hoạt động hàng ngày. Bạn có thể phải trải qua một số hoàn cảnh mà mình chưa quen và chưa thể kiểm soát được. Đôi khi, bạn cảm thấy tuyệt vọng và tình trạng này ảnh hưởng đến mỗi người theo mỗi cách khác nhau nên cần có phương pháp riêng để phù hợp với từng thể trạng.
Mặc nhiên, bạn không phải chịu đựng một mình. Một đội ngũ chuyên gia y tế tận tâm và giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn bạn trong suốt quá trình phục hồi chức năng kể cả khi trường hợp của bạn mang tính riêng biệt.
CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIÚP BẠN HỒI PHỤC NHƯ THẾ NÀO?
Đội ngũ chuyên viên phục hồi chức năng phối hợp chặt chẽ với bạn để cải thiện khả năng di chuyển và đạt mức độc lập trong hoạt động hàng ngày .
Chuyên viên vật lý trị liệu thiết kế và hướng dẫn bạn một chương trình bài tập tăng dần để hỗ trợ phục hồi mỏm cụt, chuẩn bị mang chân giả, phục hồi dáng đi và hướng dẫn chung sống cùng với chân giả, đi lại thoải mái trên các bề mặt khác nhau, lên xuống cầu thang và trở nên tự tin với chân giả của mình.
Kỹ thuật viên chỉnh hình cụ cũng đảm bảo rằng chân giả của bạn được mang vừa vặn, thoải mái và điều chỉnh khi cần thiết, cho phép bạn sử dụng chân giả một cách hiệu quả khi đi lại, đi làm việc và trở lại với các hoạt động hàng ngày.
QUY TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GỒM NHỮNG GÌ?
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị bạn đến gặp đội ngũ chuyên viên phục hồi chức năng để bắt đầu tập luyện trong thời gian sớm nhất.
Chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập hàng ngày cho mỏm cụt; cách chăm sóc vết thương, sẹo và da mỏm cụt; phục hồi cơ và khớp của phần chân còn lại cũng như duy trì các chức năng và sức mạnh của chân khỏe, hai tay và thân mình. Lúc đầu, bạn được hướng dẫn băng ép để kiểm soát sưng và tạo hình mỏm cụt.
Khi mỏm cụt đã lành sẹo, kỹ thuật viên chỉnh hình cụ lấy khuôn mỏm cụt. Cần một vài ngày để làm chân giả tạm thời. Trong thời gian này, chuyên viên vật lý trị liệu tiếp tục hỗ trợ bạn cải thiện sức mạnh cơ bằng các dụng cụ trợ giúp đi như thanh song song, khung tập đi hoặc nạng để tập đi.
Kỹ thuật viên chỉnh hình cụ và chuyên viên vật lý trị liệu cùng hợp tác để thử chân giả lần đầu tiên. Cần thử một vài lần để điều chỉnh chân giả cho đến khi bạn cảm thấy vừa vặn và thoải mái. Sau khi hoàn tất, đội ngũ phục hồi chức năng giao chân giả cho bạn. Trong quá trình lành sẹo, mỏm cụt co lại và thay đổi hình dạng nên cần điều chỉnh ổ mỏm cụt, cẳng chân giả hoặc mang thêm nhiều lớp vớ trong vài tháng đầu tiên để duy trì sự thoải mái và sử dụng hiệu quả. Trong thời gian này, hãy thông báo cho đội ngũ phục hồi chức năng nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc chân giả không còn vừa vặn.
Lưu ý rằng đội ngũ phục hồi chức năng luôn sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ bạn, đồng thời bạn phải nỗ lực, làm theo hướng dẫn và thông báo cho họ biết nếu bạn gặp khó khăn khi sử dụng chân giả dù đã cố gắng hết sức.
Bạn phải tập sử dụng chân giả và tập đi thường xuyên cho đến khi cảm thấy hoàn toàn tự tin trong các hoạt động hàng ngày.
Sau khoảng sáu tháng, mỏm cụt không còn thay đổi hình dạng, kỹ thuật viên chỉnh hình cụ tạo một ổ mỏm cụt mới và lắp chân giả mới cho bạn. Đây được gọi là chân giả hoàn thiện.
CHÂN GIẢ ĐƯỢC THIẾT KẾ NHƯ THẾ NÀO?
Phần cẳng chân giả hoàn thiện sẽ được phủ bằng mút xốp vì lý do thẩm mỹ.
MANG CHÂN GIẢ ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO?
Để mỏm cụt tiếp xúc hoàn toàn với ổ của chân giả, bạn phải mang vớ. Vớ có độ dày mỏng khác nhau và được mang thành từng lớp. Trong vài tháng đầu tiên, do mỏm cụt co lại nên bạn có thể phải mang thêm một số lớp vớ.
Hệ thống dây đeo (có đai cứng) giúp cố định chân giả vào đúng vị trí.
Bạn nên kiểm soát thăng bằng và chịu sức nặng trên hai chân.
BẠN PHẢI CHĂM SÓC MỎM CỤT NHƯ THẾ NÀO?
Mỏm cụt là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với chân giả nên cần được chăm sóc kỹ.
- Kiểm tra vết trầy xước trên da hàng ngày. Bạn có thể dùng gương hay nhờ người khác kiểm tra giúp.
- Xoa bóp mỏm cụt theo chỉ dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu, đặc biệt là sẹo và vùng tiếp xúc với chân giả.
- Vệ sinh mỏm cụt bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm hai lần một ngày. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu thấy da bị đóng vảy hoặc chưa lành.
- Luôn giữ da thật khô thoáng.
- Nếu da bị phồng rộp hoặc trầy xước, ngưng sử dụng chân giả và tham khảo ý kiến của đội ngũ phục hồi chức năng.
- Mang vớ sạch hàng ngày, thay vớ khi cần và giặt vớ sau khi sử dụng.
- Nếu bạn bị đoạn chi dưới khớp gối, cần giữ mỏm cụt và khớp gối thẳng để tránh bị sưng hoặc co rút khớp khi không mang chân giả.
BẠN PHẢI CHĂM SÓC CHÂN GIẢ NHƯ THẾ NÀO?
- Không ngâm chân giả vào nước.
- Bạn có thể lau bên trong ổ mỏm cụt bằng khăn ẩm. Tốt nhất là thực hiện vào mỗi tối để ổ chân giả có thời gian khô hoàn toàn.
- Có thể làm sach phần phủ bên ngoài cẳng chân giả bằng khăn ẩm. Kỹ thuật viên chỉnh hình cụ có thể thay mới cho bạn khi quá bẩn.
- Nếu thắc mắc về tình trạng kỹ thuật của chân giả, vui lòng liên hệ ngay khoa Vật lý Trị liệu & Phục hồi Chức năng để được tư vấn.
CHĂM SÓC CHÂN CÒN LẠI NHƯ THẾ NÀO?
Việc chăm sóc chân khỏe rất quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng.
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày và xin ý kiến chuyên khoa nếu da có vết cắt, mụn nước hoặc bị viêm.
- Vệ sinh bàn chân bằng xà phòng và nước ấm hai lần mỗi ngày
- Luôn lau bàn chân thật khô, nhất là các kẽ ngón chân.
- Tránh chà xát mạnh da chân hay tách các ngón chân xa nhau.
- Cắt móng chân và tuân thủ hướng dẫn về điều trị các vết chai hoặc sần.
- Mang giày dép vừa chân, đi êm và vững, thoải mái cho các ngón chân và gót chân.
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng của giày dép nếu có cạnh thô hoặc gờ sắc.
SỬ DỤNG CHÂN GIẢ TẠI NHÀ NHƯ THẾ NÀO
Bạn có thể mang chân giả về nhà khi đội ngũ phục hồi chức năng đánh giá bạn có thể tự sử dụng chân giả một cách an toàn và độc lập. Có nghĩa là bạn được tăng thời gian mang chân giả trong các hoạt động hàng ngày.
Khi bạn mang chân giả được hai giờ liên tục ở trung tâm phục hồi chức năng, thì lần đầu tiên mang chân giả tại nhà, bạn chỉ nên mang một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi chiều. Sau đó tăng dần thời gian sử dụng lên 30 phút trong mỗi buổi cho đến khi bạn mang chân giả thoải mái cả ngày. Bạn không nên cố gắng đi bộ liên tục mà chỉ nên vận động như sinh hoạt bình thường, và lưu ý xem chân giả có thể hỗ trợ bạn trong các hoạt động đến mức nào. Sử dụng dụng cụ trợ giúp đi như khung tập đi hoặc nạng theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu.
CẢM GIÁC CHÂN ẢO NHƯ THẾ NÀO?
Những người đoạn chi thường có cảm giác “chân ảo” trong thời gian dài. Chân ảo là một cảm giác giống như chân bị cắt cụt của bạn vẫn còn đó. Nếu có cảm giác này, hãy cẩn thận khi đứng lên mà chưa mang chân giả để tránh nguy cơ té ngã
BẠN KIỂM SOÁT CƠN ĐAU NHƯ THẾ NÀO?
Thông thường sau phẫu thuật, bạn thường đau ở vết mổ. Bạn cần thông báo ngay với bác sĩ về tình trạng này để bác sĩ có thể đưa ra biện pháp kiểm soát đau thích hợp. Khi kiểm soát tốt cơn đau, bạn có thể bắt đầu tập luyện sớm và vết thương cũng mau lành hơn.
Bạn cũng có thể đau ở vết sẹo. Hãy thông báo cho chuyên viên vật lý trị liệu để được hướng dẫn kiểm soát đau.
Ngoài cảm giác chân ảo, cơn đau ảo cũng có thể xảy ra. Đây là tình trạng đau thần kinh xuất phát từ vùng cơ thể đã bị cắt đi. Nhiều người sau khi bị đoạn chi cảm nhận cơn đau ảo trong ba tháng phục hồi đầu tiên, cơn đau có thể nặng hoặc nhẹ. Tình trạng đau ảo có thể ảnh hưởng giấc ngủ, sức khỏe và cuộc sống. Chuyên viên vật lý trị liệu có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng đau này nên đừng ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp từ họ.
CẢM XÚC CỦA BẠN THÌ SAO?
Bạn cảm thấy mất mát sau khi đoạn chi và rơi vào trạng thái đau buồn, sốc hoặc thậm chí là tức giận. Bạn có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau vào những thời điểm khác nhau khi phải đối mặt với thử thách và cân bằng lại cuộc sống. Vì vậy, việc giãi bày cảm xúc với đội ngũ chuyên viên y tế là rất hữu ích và cần thiết.
BẠN CÓ THỂ YÊU CẦU TRỢ GIÚP GÌ TRONG QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG?
Sau khi nhận chỉ định của bác sĩ, bạn hãy liên hệ với khoa Vật lý Trị liệu & Phục hồi Chức năng để đặt lịch hẹn cho các dịch vụ sau:
- Kiểm soát đau ảo hoặc đau khớp
- Xoa bóp, tập luyện, kéo giãn hoặc tăng sức mạnh cơ
- Tập đi trong quá trình phục hồi chức năng
- Thử chân giả
- Điều chỉnh hoặc sửa chữa chân giả.
Hãy liên hệ với chuyên viên vật lý trị liệu để được tư vấn về các hoạt động thể thao, lái xe hơi hay xe máy hoặc mua xe lăn.
Nếu bạn cần làm chân giả mới hoặc thắc mắc về chân giả đang sử dụng, vui lòng liên hệ với khoa Vật lý Trị liệu & Phục hồi Chức năng để được tư vấn hoặc đặt hẹn.
Bệnh viện FV, Khoa Vật lý Trị liệu & Phục hồi Chức năng – Tầng 1
ĐT: (08) 54 11 33 40