Quang Trị Liệu Bằng Psoralen và UVA (Quang Trị Liệu Bằng PUVA)

Quang trị liệu bằng PUVA là gì?

Tia cực tím (UV) phát ra từ mặt trời và hợp thành các bước sóng khác nhau. Tia cực tím A (UVA) là một trong những bước sóng được phát hiện là có hữu ích trong việc điều trị một số bệnh về da. PUVA là sự kết hợp của một loại thuốc gọi là Psoralen (P) và tia cực tím A (UVA), tạo nên thuật ngữ PUVA.

Psoralens là chất nhạy cảm với ánh sáng, điều này có nghĩa là thuốc sẽ làm cho chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Sau khi đã làm cho da nhạy cảm với psoralen, bệnh nhân sẽ được điều trị UVA bằng cách đứng vào phòng chiếu nơi toàn bộ cơ thể tiếp xúc với UVA.

Phương pháp quang trị liệu bằng PUVA phải được thực hiện tại bệnh viện dưới sự giám sát y khoa, từ 2 đến 3 lần một tuần vào các ngày không liên tục, và thường từ 7 đến 10 tuần.

PUVA điều trị bệnh gì?

Quang trị liệu bằng PUVA có thể được chỉ định để điều trị các bệnh về da khác nhau, thường gặp nhất là bệnh vẩy nến. Phương pháp này còn hữu ích trong việc điều trị các bệnh lý như u sùi dạng nấm, mề đay ánh nắng, viêm da mãn tính do ánh nắng và các tình trạng khác.

Quang trị liệu bằng PUVA có thể có tác dụng không mong muốn nào?

  • Buồn nôn sau khi dùng thuốc psoralen.
  • Phản ứng như bị cháy nắng (do cơ thể quá mẫn cảm hoặc do dùng đồng thời thuốc làm tăng sự nhạy cảm với ánh sáng).
  • Ngứa da.

Quang Trị Liệu Bằng Psoralen và UVA

  • Cảm giác châm chích ở da dù hiếm gặp, đôi khi cần phải ngưng điều trị nếu tình trạng xấu đi.
  • Khô da (tình trạng này có thể cải thiện dễ dàng bằng kem dưỡng ẩm).
  • Quang trị liệu bằng PUVA có thể gây sạm da nhưng sẽ mờ dần trong một vài tháng sau khi kết thúc điều trị.
  • Không đánh giá thấp tầm quan trọng của việc đeo kính bảo hộ chuyên dụng trong các buổi điều trị và đeo kính chống tia UV vào thời gian còn lại trong ngày sau khi dùng thuốc vì có nguy cơ gây đục thủy tinh thể cho mắt.
  • Tình trạng lão hóa da sớm (ví dụ như khô da, tàn nhang và nhăn da) có thể xảy ra ở bệnh nhân đã thực hiện quang trị liệu bằng PUVA nhiều lần trong nhiều năm và do đó có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư da ở bệnh nhân sau này. Bác sĩ sẽ đánh giá và thảo luận về tình trạng da của bệnh nhân như một phần của quy trình chấp thuận. Liều dùng an toàn trọn đời được theo dõi trong khoa.
  • Phát ban: lưu ý rằng tình trạng da của bệnh nhân có thể tạm thời xấu đi khi điều trị. Bệnh nhân có thể nổi mẩn ngứa sần sùi trong quá trình điều trị gọi là phát ban đa dạng do ánh sáng tuy tình trạng này rất hiếm gặp. Nếu xảy ra, bác sĩ có thể thay đổi phương pháp để giải quyết tình trạng này.
  • Điều trị PUVA khi mang thai: không có bằng chứng nào cho thấy PUVA có thể gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ có thai tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị thì phải tạm ngưng cho đến khi em bé chào đời. Khuyến cáo không thực hiện quang trị liệu bằng PUVA trong thời gian cho con bú.

Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa gì?

Trước khi điều trị

  • Vui lòng dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hai giờ trước khi đến bệnh viện để điều trị. Để giảm buồn nôn, nên dùng thuốc với thức ăn hoặc sữa. Tránh các thực phẩm có chứa furocoumarin (chanh màu xanh, sung, rau mùi tây, cần tây, đinh hương, chanh màu vàng, mù tạt, cà rốt) vì các thực phẩm này có thể làm cho da nhạy cảm hơn với tia cực tím.
  • Phải mang kính râm chống tia UV trong 12 giờ sau khi dùng thuốc khi ở ngoài trời hoặc ở trong nhà gần ánh sáng huỳnh quang.
  • Không dùng nước hoa, chất khử mùi, kem dưỡng sau khi cạo râu, các loại mỹ phẩm khác, kem hoặc thuốc mỡ lên da trong vòng vài giờ trước khi điều trị vì các sản phẩm này có thể làm cho da nhạy cảm hơn với tia cực tím.
  • Không uống rượu bia
  • Thông báo với bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bệnh nhân đang dùng bất kỳ loại thuốc mới nào và khi bệnh nhân cảm thấy quá khó chịu hoặc bị đỏ da sau khi điều trị.

Trong khi điều trị

  • Thuốc Psoralen làm cho da và mắt nhạy cảm với ánh sáng trong một vài giờ. Do đó, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải đeo kính bảo vệ mắt đã được cung cấp trong mỗi lần điều trị.
  • Dùng kem chống nắng để bảo vệ môi trước khi thực hiện quang trị liệu bằng PUVA.
  • Nếu cần điều trị các đốm trên da đầu, cắt tóc càng ngắn càng tốt. Nếu không thể cắt tóc, sử dụng kẹp tóc để lộ các đốm cần điều trị.
  • Nếu không có các đốm trên mặt hoặc cổ, dùng khăn quàng cổ và kem chống nắng bảo vệ các vùng này.
  • Điều quan trọng là không mặc quần áo khi đang điều trị trong phòng chiếu (trừ bệnh nhân nam cần mặc quần để bảo vệ cơ quan sinh dục)
  • Bệnh nhân sẽ đứng giữa phòng chiếu và không di chuyển trong quá trình điều trị

Sau khi điều trị

  • Không dùng bất kỳ loại thuốc mới nào khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu để chắc chắn loại thuốc đó có thể sử dụng mà không gây nguy cơ cho quá trình quang trị liệu bằng PUVA.
  • Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân không nên tắm nắng hoặc sử dụng máy tắm nắng nhân tạo vào bất kỳ lúc nào.
  • Che chắn da và sử dụng kem chống nắng có độ SPF cao cho vùng da hở (như mặt và bàn tay) khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời qua cửa kính. Lưu ý rằng tia UVA vẫn hiện diện trong ngày nhiều mây và xuyên qua cửa kính như khi ngồi trong xe hơi.
  • Không cắt tóc trong suốt quá trình điều trị, trừ khi bệnh nhân cần điều trị các đốm trên da đầu. Điều này giúp ngăn ngừa đốt cháy các khu vực trước đây có tóc bao phủ, như cổ, trán hoặc tai.
  • Để điều trị hiệu quả, điều quan trọng là bệnh nhân phải đến bệnh viện định kỳ. Nếu không thể đến điều trị, bệnh nhân hoặc thân nhân nên thông báo cho thư ký y khoa. Quang trị liệu bằng PUVA có thể mất một khoảng thời gian mới có kết quả. Hầu hết bệnh nhân đều nhận thấy sự cải thiện chỉ sau 10-20 lần điều trị.
Zalo
Facebook messenger