Sinh Con Ngã Âm Đạo Sau Mổ Lấy Thai (VBAC)

VBAC LÀ GÌ?

VBAC là “sinh con ngã âm đạo sau mổ lấy thai”. Đây là thuật ngữ được dùng khi sản phụ sinh con ngã âm đạo đã từng mổ lấy thai trước đó.

Nếu muốn sinh con ngã âm đạo sau mổ lấy thai, sản phụ phải được khuyến khích và nên biết rằng khoảng 75% sản phụ đã từng mổ lấy thai vẫn có thể sinh con ngã âm đạo thành công.

Khi cân nhắc lựa chọn của sản phụ, bác sĩ sản khoa sẽ hỏi về bệnh sử và tiền sử thai kỳ. Bác sĩ sản khoa muốn tìm hiểu:

  • Nguyên nhân sản phụ đã từng mổ lấy thai và điều gì đã xảy ra – đó có phải là trường hợp cấp cứu?
  • Sản phụ cảm thấy thế nào về lần sinh con trước đây. Sản phụ có lo lắng điều gì không?
  • Thai kỳ hiện tại có ổn định không, có gặp bất kỳ vấn đề hoặc biến chứng gì không?

Sản phụ và bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc khả năng thành công khi sinh con ngã âm đạo, mong muốn của sản phụ và kế hoạch cho thai kỳ tiếp theo trước khi quyết định sinh con ngã âm đạo hay mổ lấy thai.

NGUY CƠ CỦA VIỆC MỔ LẤY THAI LẶP LẠI?

Mổ lấy thai là một quy trình phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài qua đường rạch trên bụng và đường rạch thứ hai trên tử cung của người mẹ. Mổ lấy thai có thể là cần thiết vì lý do y khoa, hoặc theo yêu cầu của sản phụ để tránh chuyển dạ hoặc dễ dàng sinh con theo kế hoạch.

Mổ lấy thai lặp lại làm tăng các nguy cơ trong thai kỳ tiếp theo, như nhau bám thấp ở tử cung hoặc nhau ăn sâu vào cơ tử cung gây chảy máu nhiều dẫn đến cắt bỏ tử cung. Mổ lấy thai lặp lại cũng có thể gây đau và khó chịu do dính hoặc hình thành mô sẹo bên trong; điều này có thể gây vô sinh, thai lạc chỗ (một biến chứng của thai kỳ trong đó phôi làm tổ bên ngoài tử cung) hoặc cần phẫu thuật lại sau này. Do đó, nếu sản phụ dự tính sinh thêm con thì tốt nhất không nên mổ lấy thai lặp lại, nếu có thể.

ƯU ĐIỂM CỦA VIỆC SINH CON NGÃ ÂM ĐẠO SAU MỔ LẤY THAI THÀNH CÔNG?
  • Cơ hội sinh thường không biến chứng cao hơn trong thai kỳ tiếp theo.
  • Hồi phục nhanh hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn.
  • Ít đau bụng sau khi sinh.
  • Không cần phẫu thuật (Mổ lấy thai lặp lại thường mất nhiều thời gian hơn mổ lấy thai lần đầu vì có mô sẹo. Mô sẹo cũng có thể làm cho việc phẫu thuật khó khăn hơn).
  • Thai nhi sẽ có ít nguy cơ gặp phải các vấn đề về hô hấp ban đầu: vấn đề về hô hấp ở trẻ là khá phổ biến sau khi mổ lấy thai nhưng thường không kéo dài, và hiếm gặp nếu sinh con ngã âm đạo sau mổ lấy thai.
  • Sản phụ có nhiều cơ hội để tiếp xúc da-kề-da với trẻ ngay sau khi sinh và có thể cho bú thành công.
TIÊU CHÍ ĐỂ CÂN NHẮC SINH CON NGÃ ÂM ĐẠO SAU MỔ LẤY THAI?
  • Không mổ lấy thai quá hai lần với vết mổ ngang đoạn dưới tử cung.
  • Không có thêm sẹo tử cung, bất thường hoặc tiền căn vỡ tử cung.
  • Lý do y khoa để chỉ định mổ lấy thai ở lần trước không lặp lại ở lần mang thai này.
  • Không có bệnh lý nghiêm trọng.
  • Thai nhi có kích thước bình thường.
  • Thai nhi có ngôi đầu.
CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG KHUYẾN CÁO SINH CON NGÃ ÂM ĐẠO SAU MỔ LẤY THAI?
  • Tiền căn mổ lấy thai ba lần.
  • Có vết mổ đoạn trên tử cung.
  • Tiền căn vỡ tử cung.
  • Ngôi thai bất thường (không phải ngôi đầu).
  • Có bất thường ở vị trí bám của nhau thai hoặc dính nhau thai.
  • Mang song thai và thai nhi đầu tiên không phải ngôi đầu.
  • Có tiểu đường thai kỳ không được điều trị phù hợp.
  • Nghi ngờ thai to.
  • Cao huyết áp.
NGUY CƠ CỦA SINH CON NGÃ ÂM ĐẠO SAU MỔ LẤY THAI?
  • Sản phụ có thể phải mổ lấy thai cấp cứu trong quá trình chuyển dạ nếu chuyển dạ chậm hoặc nếu có lo ngại về tình trạng sức khỏe của thai nhi với tỷ lệ 25/100 sản phụ. Tỉ lệ này chỉ cao hơn một ít nếu sản phụ chuyển dạ lần đầu tiên, khi đó nguy cơ mổ lấy thai cấp cứu là 20/100 sản phụ.
  • Sản phụ có nguy cơ cần truyền máu cao hơn so với sản phụ chọn mổ lấy thai theo chương trình.
  • Trong quá trình chuyển dạ, sản phụ có nguy cơ bị rách (vỡ) sẹo trên tử cung với tỷ lệ 1/500 sản phụ. Nguy cơ này tăng khi có khởi phát chuyển dạ. Nếu có dấu hiệu cảnh báo các biến chứng này, thai nhi sẽ được đưa ra ngoài bằng cách mổ lấy thai cấp cứu. Hậu quả nghiêm trọng cho sản phụ và thai nhi rất hiếm gặp.
  • Sản phụ có thể cần sinh ngã âm đạo có hỗ trợ kềm forceps hoặc giác hút.
SẢN PHỤ CÓ THỂ MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ?

Khi đã quyết định sinh con ngã âm đạo sau mổ lấy thai, sản phụ phải tuân thủ quy trình tương tự được áp dụng khi sinh con ngã âm đạo trong quá trình chuyển dạ. Bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi tim thai liên tục và sẵn sàng để lặp lại việc mổ lấy thai nếu cần.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU SẢN PHỤ KHÔNG CHUYỂN DẠ KHI DỰ ĐỊNH SINH CON NGÃ ÂM ĐẠO SAU MỔ LẤY THAI?
  • Nếu sau tuần 41 vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ thảo luận với sản phụ về các lựa chọn khác.
  • Khởi phát chuyển dạ cũng là một lựa chọn, tuy nhiên nó làm giảm tỷ lệ thành công khi sinh con ngã âm đạo sau mổ lấy thai và tăng tỷ lệ vỡ tử cung.
  • Sản phụ dự tính sinh thêm con có thể phải chấp nhận các nguy cơ ngắn hạn để tối đa hóa cơ hội sinh con ngã âm đạo, vì nếu sinh con ngã âm đạo sau mổ lấy thai thành công thì nguy cơ mổ lấy thai trong các thai kỳ tiếp theo sẽ giảm.
  • Các trường hợp khác sẽ chọn mổ lấy thai lặp lại theo chương trình.
Zalo
Facebook messenger