Thủ thuật “sinh thiết da” được thực hiện khi Bác sĩ chuyên khoa Da Liễu cắt một mẫu da nhỏ và gửi mẫu đến phòng xét nghiệm bệnh học để Bác sĩ Giải phẫu bệnh học phân tích mẫu da này dưới kính hiển vi.
TẠI SAO CẦN PHẢI LÀM SINH THIẾT DA?
Thực hiện sinh thiết da giúp BS chẩn đoán chính xác về tình trạng da của bệnh nhân.
Đôi khi, các tình trạng bệnh da khác nhau có thể trông giống nhau khi nhìn bằng mắt thường, do vậy BS cần phải có thêm thông chính xác. Điều này được thực hiện bằng cách quan sát cấu trúc của da dưới kính hiển vi sau khi tế bào da đã được nhuộm bằng những phẩm màu đặc biệt.
Thông thường có hai chỉ định sinh thiết da:
- Để phân biệt giữa các loại phát ban hay tổn thương da khác nhau, BS Da liễu có thể nghĩ đến một loạt các chẩn đoán có thể có đối với bệnh nhân, và sinh thiết da cho phép cung cấp thêm thông tin trong quá trình chẩn đoán này.
- BS Da liễu nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư da. Một mẫu da được sinh thiết để xác nhận bệnh. Sinh thiết còn có thể cung cấp thêm thông tin về các loại ung thư da, điều này giúp BS xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
NHỮNG GÌ LIÊN QUAN KHI LÀM SINH THIẾT DA?
Bác sĩ Da liễu sẽ giải thích cho bệnh nhân tại sao cần phải làm sinh thiết da, cũng như những quy trình liên quan đến thủ thuật này.
Ngay trước khi làm sinh thiết, bệnh nhân sẽ được chích một mũi thuốc gây tê tại chỗ để làm tê vùng da xung quanh tổn thương. Mũi chích này gây đau trong giây lát nhưng rất nhanh chóng sau đó, vùng da ấy sẽ trở nên mất cảm giác.
Bác sĩ sẽ tiến hành làm sinh thiết. Bệnh nhân có thể có cảm giác da ở vùng sinh thiết bị chằng kéo nhưng sẽ không đau. Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết nếu bị đau trong lúc thực hiện thủ thuật.
Bệnh nhân có thể bị khâu vài mũi tùy thuộc vào loại sinh thiết da. Bác sĩ sẽ thông báo cho bệnh nhân khi nào cần cắt chỉ.
Bác sĩ sẽ băng vết khâu và sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc vết thương trước khi bệnh nhân về nhà.
Bác sĩ sẽ thông báo kết quả sinh thiết cho bệnh nhân, Kết quả sinh thiết thường sẽ có trong vòng 10 ngày sau khi thực hiện, nhưng đôi khi sẽ lâu hơn nếu mẫu cần nhuộm màu đặc biệt. Vùng da sinh thiết khi lành sẽ để lại một vết sẹo nhỏ.
SINH THIẾT DA – DÙNG “DỤNG CỤ CẮT DA HÌNH ỐNG- GỌI LÀ ỐNG CẮT DA”
Sinh thiết da dùng ống cắt – nhanh và tiện lợi, thường chỉ để lại một vết sẹo nhỏ. Phương pháp này, cho phép Bác sĩ Giải phẫu bệnh học có thể quan sát mẫu theo toàn bộ bề dày của da. Tùy theo tình trạng bệnh mà Bác sĩ có thể lấy một hay nhiều mẫu da.
Ống cắt da cho phép lấy một mẫu da hình tròn có đường kính từ 3mm đến 5 mm.
Đôi khi BS cần phải khâu vết thương bằng một mũi khâu, nhưng nếu vết thương nhỏ, không cần phải khâu vì vết thương vẫn có thể tự lành..
SINH THIẾT DA BẰNG DAO GỌT
Sinh thiết da bằng dao gọt được tiến hành khi tổn thương bị nghi ngờ chỉ ảnh hưởng đến lớp trên cùng của da (biểu bì và bì).
Bác sĩ sẽ lấy một lớp mỏng trên bề mặt của vùng da bị tổn thương bằng một lưỡi dao, hay lưỡi lam chuyên dùng. Thường thì vết cắt không cần khâu lại; một lớp mài sẽ hình thành trên vết cắt trong khoảng 1-2 tuần tuỳ theo.
SINH THIẾT BẰNG DAO MỔ
Sinh thiết bằng dao mổ được thực hiện khi bác sĩ cần một mảnh da lớn hơn để xác định chẩn đoán một cách chính xác. Bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ để cắt lấy mẫu da. Trong trường hợp này bác sĩ phải khâu vết thương bằng chỉ khâu.
BIẾN CHỨNG
Sinh thiết da là một tiểu phẫu, do vậy ít khi bị biến chứng. Nhưng đôi khi, các trường hợp sau cũng có thể xảy ra:
- Xuất huyết có thể xảy ra (đặc biệt là đối với bệnh nhân có khuynh hướng dễ chảy máu, hoặc đang dùng thuốc loãng máu như warfarin hay aspirin). Ví dụ, trường hợp cắt phải động mạch trên trán hay thái dương; việc cầm máu có thể mất thời gian và phải đè mạnh vào vết cắt, và đôi khi vết cắt cần được phẫu thuật hở để đốt điện cầm máu và nối lại mạch máu đang xuất huyết.
- Nhiễm trùng vết cắt sau mổ là khoảng 1-5 %. Nhiễm trùng thường xảy ra đối với những vết thương bị loét hoặc vết thương đang làm mài. Thuốc kháng sinh trong trường hợp này được dùng để chữa trị vết tấy. Nhiễm trùng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân lớn tuổi và ở những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Vết thương lành chậm. Thường thì những sinh thiết ở vùng cẳng chân lành chậm, đặc biệt là ở tình trạng da có khuynh hướng dễ bị loét sau những chấn thương da.