Suy Giãn Tĩnh Mạch

Suy giãn tĩnh mạch là gì?

Động mạch dẫn máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể và tĩnh mạch mang máu ít oxy trở về tim.

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch sưng phồng, có thể nhìn thấy qua da. Chúng thường có màu xanh, phồng to và ngoằn ngoèo. Nếu không điều trị, suy giãn tĩnh mạch sẽ chuyển biến xấu theo thời gian. Tình trạng này có thể gây đau và mỏi cũng như gây những thay đổi ở da như phát ban, đỏ da, và loét da.

Có ba loại tĩnh mạch ở chân: tĩnh mạch nông nằm gần với da nhất, tĩnh mạch sâu nằm giữa các nhóm cơ và tĩnh mạch xuyên nối tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu. Tĩnh mạch sâu dẫn đến tĩnh mạch chủ, là tĩnh mạch lớn nhất trong cơ thể, đưa máu thẳng về tim. Suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở tĩnh mạch nông của chân.

Khi bạn đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải chảy ngược chiều trọng lực trở về tim. Để thực hiện điều này, cơ chân phải ép chặt các tĩnh mạch sâu ở chân và bàn chân. Nắp một chiều (gọi là van) trong các tĩnh mạch sẽ giúp máu chảy đúng hướng. Khi cơ chân co lại, van tĩnh mạch mở ra. Khi cơ chân thả lỏng, van tĩnh mạch đóng lại. Điều này giúp máu không chảy ngược xuống chân. Toàn bộ quá trình đưa máu trở về tim gọi là bơm tĩnh mạch.

Khi đi lại, cơ chân co nên bơm tĩnh mạch hoạt động tốt. Nhưng khi ngồi hay đứng, đặc biệt là trong thời gian dài, máu trong tĩnh mạch chân bị dồn ứ và có thể làm tăng áp lực trong tĩnh mạch. Tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên chỉ có khả năng chịu áp lực cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn dễ tổn thương thì các tĩnh mạch có thể bị kéo căng nếu ngồi hay đứng lâu. Đôi khi, tình trạng kéo căng này có thể làm suy yếu thành tĩnh mạch và gây tổn thương van tĩnh mạch. Khi đó, tình trạng suy giãn tĩnh mạch sẽ xảy ra.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch?

Nếu bị suy giãn tĩnh mạch, bạn có thể cảm thấy chân nặng, mỏi, không yên, hay tê chân. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi đứng hay ngồi quá lâu. Bạn cũng có thể bị chuột rút vào ban đêm. Bạn có thể nhìn thấy một búi tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo ở chân, hay những nút thắt tĩnh mạch giãn mềm. Đôi khi, da chân bị đổi màu, dễ kích ứng hoặc thậm chí là loét da.

Nếu bị suy giãn tĩnh mạch nặng, bạn dễ có nguy cơ bị Huyết khối Tĩnh mạch sâu (DVT). Tình trạng này có thể làm cho chân bị sưng phồng nặng và đột ngột. Đây là tình trạng nặng cần phải khám ngay.

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch?

Tình trạng áp lực máu cao bên trong tĩnh mạch nông ở chân gây suy giãn tĩnh mạch.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch bao gồm tiền sử gia đình bị suy giãn tĩnh mạch, thừa cân, ít tập thể dục, hút thuốc, đứng hay ngồi quá lâu, hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Phụ nữ có nhiều nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch hơn nam giới. Suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở độ tuổi từ 30 đến 70.

Phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch, nhưng thường hồi phục trong vòng một năm sau khi sinh. Phụ nữ mang thai nhiều lần có thể bị suy giãn tĩnh mạch vĩnh viễn.

Những xét nghiệm cần thực hiện?

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe, bệnh sử và triệu chứng, rồi tiến hành thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ thăm khám các hình thái và màu sắc của các tĩnh mạch nổi rõ. Bác sĩ có thể dùng dây ga-rô hay dùng tay nhấn trực tiếp vào tĩnh mạch để xem khả năng lấp đầy máu của tĩnh mạch. Để xác định chẩn đoán giãn tĩnh mạch, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm Duplex.

Siêu âm Dupplex sử dụng sóng siêu âm không đau, có tần số cao hơn tai người có thể nghe được để khảo sát. Bác sĩ dùng siêu âm Dupplex để đo tốc độ của lưu lượng máu và khảo sát cấu trúc của tĩnh mạch chân. Khảo sát này mất khoảng 20 phút cho mỗi chân. Ngoài việc phát hiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch, siêu âm Dupplex còn giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch do các bệnh lý khác ngoài tĩnh mạch.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch như thế nào?

Đôi khi, suy giãn tĩnh mạch có thể nặng hơn nếu không được điều trị. Trước tiên, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp không cần phẫu thuật để làm giảm triệu chứng. Nếu suy giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ đến trung bình, nâng cao chân có thể giúp giảm sưng chân và các triệu chứng khác. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn giơ chân cao hơn tim mỗi lần 15 phút, thực hiện 3 hay 4 lần/ngày.

Nếu phải đứng lâu, thỉnh thoảng bạn nên gập chân lại để bơm tĩnh mạch có thể đưa máu trở về tim.

Vớ áp lực

Đối với trường hợp suy giãn tĩnh mạch nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định mang vớ áp lực. Vớ áp lực là một loại vớ có tính đàn hồi giúp ép tĩnh mạch và ngăn máu chảy ngược quá mức. Mang vớ cũng có thể giúp chữa lành loét da và phòng ngừa tái phát. Bạn có thể cần mang vớ áp lực hàng ngày đến suốt đời. Đối với nhiều bệnh nhân, vớ áp lực điều trị hiệu quả tình trạng suy giãn tĩnh mạch và có thể giúp giảm đau, sưng và phòng ngừa những vấn đề khác về sau.

Liệu pháp xơ hóa tĩnh mạch

Trong quá trình thực hiện liệu pháp xơ hóa, bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào tĩnh mạch suy giãn. Thuốc sẽ kích thích và làm xơ hóa tĩnh mạch từ trong ra ngoài làm cho tĩnh mạch bất thường sẽ bị tắc hoàn toàn. Máu thường trở về tim qua các tĩnh mạch này sẽ chảy qua các tĩnh mạch khác. Các tĩnh mạch được tiêm cuối cùng sẽ co lại và biến mất.

Từ khi giới thiệu phương pháp điều trị bằng laser và sóng cao tần thì hiện nay liệu pháp xơ hóa tĩnh mạch hiếm khi được thực hiện.

Lột bỏ tĩnh mạch (phẫu thuật Stripping)

Để thực hiện thủ thuật này, trước tiên, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn và thường rạch thêm một đường khác ở gần mắt cá chân. Sau đó bác sĩ sẽ tách và thắt tất cả nhánh tĩnh mạch suy giãn với tĩnh mạch hiển, là tĩnh mạch nông chính ở chân. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lột bỏ tĩnh mạch hiển.

Hiện nay, thủ thuật này chỉ dành cho các trường hợp không thể điều trị bằng laser hoặc sóng cao tần.

Loại bỏ tĩnh mạch giãn bằng laser hoặc sóng cao tần nội mạch

Loại bỏ tĩnh mạch giãn bằng can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị bằng nhiệt, ít xâm lấn dưới hướng dẫn của hình ảnh, sử dụng năng lượng của laser hoặc sóng cao tần để cắt (đốt) và đóng kín tĩnh mạch suy giãn. Phương pháp cắt bỏ tĩnh mạch bằng nhiệt an toàn, ít xâm lấn hơn phẫu thuật và gần như không để lại sẹo.

Bác sĩ sử dụng siêu âm để nhìn rõ hình ảnh của tĩnh mạch. Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ đặt ống thông qua đường rạch nhỏ và luồn đến lòng tĩnh mạch bất thường. Sợi quang phát tia laser hoặc điện cực phát sóng cao tần (cả hai đều là sợi dây mỏng, dài truyền năng lượng từ máy phát) được đưa vào qua ống thông và di chuyển đến vị trí cần điều trị trong lòng tĩnh mạch. Thuốc gây tê được tiêm vào các mô xung quanh tĩnh mạch để làm xẹp các tĩnh mạch xung quanh sợi quang hoặc điện cực và giữ chức năng như một lớp cách nhiệt cho năng lượng. Năng lượng sẽ phát nhiệt đốt tĩnh mạch và làm cho tĩnh mạch bị đóng kín. Sau thủ thuật, tĩnh mạch suy giãn sẽ teo lại và “xơ hóa”.

Thủ thuật này thường được thực hiện ngoại trú.

Sau thủ thuật, chân có thể đau và thâm tím. Để giảm các tác dụng phụ này, nên mang vớ áp lực trong hai tuần.

Loại bỏ tĩnh mạch bằng hệ thống VenaSealTM

Đây là một kỹ thuật mới, không sử dụng nhiệt mà sử dụng keo sinh học (cyanoacrylate) để bít các tĩnh mạch suy giãn.

Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ bơm keo sinh học vào một ống tiêm rồi cho vào súng bắn keo trong hệ thống kín VenaSeal™ được nối vào ống thông. Ống thông được đưa đến các vị trí mục tiêu dọc theo tĩnh mạch suy giãn dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành bắn keo sinh học. Cần băng ép ở chân trong quá trình làm thủ thuật.

Thủ thuật này được tạo ra nhằm hạn chế sự khó chịu của bệnh nhân và rút ngắn thời gian phục hồi. Sau thủ thuật, bác sĩ sẽ đặt một miếng băng nhỏ lên vị trí luồn ống. Bệnh nhân có thể nhanh chóng trở lại các hoạt động bình thường. Điều trị này đã được chứng minh là có hiệu quả, an toàn với tỷ lệ thành công cao.

Điều trị tĩnh mạch mạng nhện bằng laser

Tĩnh mạch mạng nhện, là các mạch máu nhỏ có màu đỏ, xanh và tím thường xuất hiện nhất ở mặt và đùi. Trên thực tế, đây là tình trạng suy giãn tĩnh mạch nhỏ.

Laser là lựa chọn tốt nhất để điều trị tĩnh mạch mạng nhện. Năng lượng ánh sáng được truyền qua tay cầm đặc biệt đến các tĩnh mạch mục tiêu, bằng hàng loạt xung ngắn, tạo ra nhiệt giúp phá hủy các mạch máu nhưng không làm ảnh hưởng đến các mô xung quanh.

Hầu hết các tĩnh mạch sẽ biến mất từ hai đến sáu tuần. Nên tránh tắm nước nóng và tập thể dục gắng sức trong vài tuần, cũng như tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Sống cùng suy giãn tĩnh mạch

Không phải lúc nào tĩnh mạch suy giãn và tĩnh mạch mạng nhện cũng cần điều trị y khoa. Nếu suy giãn tĩnh mạch gây đau khi đi đứng thì bạn nên trao đổi với với bác sĩ để được tư vấn. Bạn cũng nên gặp bác sĩ nếu cảm thấy đau ở trên hoặc gần tĩnh mạch suy giãn, hoặc khi bàn chân hoặc mắt cá chân bị sưng.

Trong một số trường hợp, suy giãn tĩnh mạch có thể gây hại cho sức khỏe vì bệnh có thể liên quan đến:

  • Loét do ứ máu tĩnh mạch: các vết loét này xảy ra khi tĩnh mạch bị giãn không thể dẫn lưu dịch ra khỏi da. Da không nhận đủ oxy nên hình thành loét (da);
  • Viêm tĩnh mạch: là tình trạng tĩnh mạch bị viêm;
  • Huyết khối: là sự hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch bị giãn.

Lối sống và liệu pháp điều trị tại nhà

Có một số biện pháp tự chăm sóc mà bạn có thể thực hiện để giảm khó chịu do suy giãn tĩnh mạch. Những biện pháp tương tự cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của suy giãn tĩnh mạch, bao gồm:

  • Tập thể dục: hãy vận động. Đi bộ là cách tuyệt vời để giúp máu lưu thông ở chân. Bác sĩ có thể hướng dẫn một chế độ vận động thích hợp cho bạn;
  • Kiểm soát cân nặng và chế độ ăn. Giảm cân giúp giảm những áp lực không cần thiết ra khỏi tĩnh mạch. Chế độ ăn cũng có thể giúp ích cho bạn. Tuân thủ chế độ ăn ít muối để phòng ngừa tình trạng sưng chân do giữ nước;
  • Lựa chọn trang phục. Tránh mang giày cao gót. Giày đế thấp sẽ tốt hơn cho bắp chân, và tốt hơn cho tĩnh mạch. Không mặc quần áo bó chặt vùng eo, chân hoặc vùng bẹn vì chúng có thể làm giảm lưu lượng máu;
  • Nâng cao chân. Để cải thiện lưu thông máu ở chân, nên nghỉ ngơi vài lần trong ngày bằng cách nâng cao chân hơn tim. Ví dụ, nằm và đặt hai chân trên ba hoặc bốn chiếc gối;
  • Tránh ngồi hoặc đứng lâu. Thay đổi tư thế thường xuyên để giúp máu lưu thông.
Zalo
Facebook messenger