Tài Liệu Hướng Dẫn Bệnh Nhân Về Nhiễm Trùng Sau Gãy Xương



Phần lớn các trường hợp gãy xương thường không gây ra nhiễm trùng. Trường hợp bị nhiễm trùng xảy ra sau khi gãy xương, việc điều trị và hồi phục có thể sẽ phức tạp và kéo dài.

NGUYÊN NHÂN

Nhiễm trùng thường xảy ra ở chỗ gãy xương vì vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trong quá trình chấn thương.Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật để cố định xương, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm gặp.

GÃY XƯƠNG HỞ

Nếu xương gãy làm các mảnh xương vỡ xuyên qua da hay vết thương xuyên thấu đến tận xương gãy thì được gọi là gãy “hở” hay gãy chồi xương. Da là một hàng rào ngăn các chất lây nhiễm từ bên ngoài, bao gồm cả vi khuẩn. Tuy nhiên, khi da bị tổn thương, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào nơi xương gãy và gây nhiễm trùng.

PHẪU THUẬT

Trong quá trình phẫu thuật cố định xương, da và mô mềm được rạch mổ để tiếp cận xương gãy. Nguy cơ xảy ra nhiễm trùng trong trường hợp này khá thấp, thường là dưới 1 ở người khoẻ mạnh. Bệnh nhân được sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi phẫu thuật và phẫu thuật được thực hiện tại phòng mổ đạt tiêu chuẩn cao sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Việc tổn thương đến da, cơ bắp, động mạch hay tĩnh mạch xung quanh chỗ gãy xương càng nhiều, thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao.

Các bệnh mãn tính làm suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau khi gãy xương . Các ví dụ về bệnh mãn tính, bao gồm :

  • Đái tháo đường
  • HIV
  • Viêm khớp dạng thấp

Bệnh nhân cũng có thể gặp nguy cơ cao hơn từ chính lối sống của mình , yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là hút thuốc hay sử dụng những sản phẩm có chứa nicotine. Các yếu tố tiếp theo là tình trạng béo phì, thiếu dinh dưỡng hay vệ sinh kém.

TRIỆU CHỨNG

Nhiễm trùng sau khi gãy xương thường gây nóng, đỏ, đau, sưng và viêm quanh vùng bị tổn thương nhiều hơn mức bình thường. Nếu nhiễm trùng gần khớp, ví dụ như khớp gối hay khớp vai, thì khớp sẽ trở nên khó cử động hơn. Ngoài ra, túi mủ có thể hình thành và nếu bị vỡ, mủ sẽ chảy ra ngoài từ chỗ tổn thương. Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run và đổ mồ hôi ban đêm.

KHẢO SÁT

Ngay cả khi dấu hiệu nhiễm trùng đã xuất hiện rõ ràng, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể vẫn cho chỉ định chụp X-quang. Xét nghiệm máu cũng góp phần giúp bác sĩ xác định nhiễm trùng. Nếu những khảo sát này không thể xác định được bệnh nhân bị nhiễm trùng, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể chỉ định thêm các khảo sát bổ sung như chụp CT, xét nghiệm phết máu đếm bạch cầu, và chụp cộng hưởng từ (MRI), dù trường hợp này rất hiếm.

ĐIỀU TRỊ

Gãy xương hở cần phẫu thuật cấp cứu. Kháng sinh sẽ được chỉ định sớm nhất có thể trong phòng Cấp cứu. Các bước tiếp theo để kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng là làm sạch vết thương và loại bỏ nhiễm bẩn tối đa ở da, mô mềm hay xương. Thủ thuật này được gọi là cắt lọc và rửa vết thương và thường được thực hiện tại phòng mổ. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương nghiêm trọng của bệnh nhân, vết thương của bệnh nhân có thể cần được cắt lọc và rửa nhiều lần.

Nếu bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ điều trị kháng sinh ban đầu, nhưng bệnh nhân thường sẽ cần phẫu thuật bổ sung để làm sạch nhiễm trùng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ phết hay lấy mẫu mô nhiễm khuẩn để tìm ra loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Giai đoạn điều trị này có thể cần phẫu thuật nhiều lần. Các dẫn lưu đặc biệt có thể được đặt vào vết thương để giúp dẫn mủ ra ngoài. Các hệ thống phân phối kháng sinh, như “chuỗi hạt tẩm kháng sinh”, cũng có thể được sử dụng để cung cấp kháng sinh nồng độ cao hơn.

Ngay khi vi khuẩn được xác định, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ chọn các loại thuốc kháng sinh hiệu quả nhất đối với loại nhiễm trùng của bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm có thể hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật trong việc xác định loại kháng sinh phù hợp. Hầu hết các trường hợp đều cần phải dùng kháng sinh từ 6 đến 8 tuần.

Nhiễm trùng xương có thể rất khó điều trị và đòi hỏi điều trị kháng sinh lâu dài, cũng như phẫu thuật nhiều lần. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ cân nhắc việc đoạn chi bị nhiễm trùng để ngăn chặn sự lây nhiễm.

KẾT QUẢ

Nếu nhiễm trùng được điều trị thành công, bệnh nhân có thể hồi phục mà không gặp các vấn đề nghiêm trọng và điều trị kéo dài. Tuy nhiên, nhiễm trùng xảy ra sau khi bị gãy xương có thể cần phẫu thuật nhiều lần, cần điều trị kháng sinh lâu dài và kéo dài thời gian hồi phục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nguồn : “ Viện Hàn Lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Hoa Kỳ”

Zalo
Facebook messenger