GÂY MÊ VÀ BÁC SĨ GÂY MÊ?
Gây mê là gì?
“Gây mê” có nghĩa là “mất cảm giác”.
Gây mê toàn thân nhằm đảm bảo trẻ không còn ý thức và không cảm thấy đau trong suốt quá trình kiểm tra (khảo sát) hoặc phẫu thuật.
- Gây mê toàn thân là trạng thái mất ý thức có kiểm soát và không cảm thấy đau.
- Thuốc mê là những loại thuốc (ở dạng khí hoặc dạng tĩnh mạch) được sử dụng để khởi mê và duy trì mê.
Bác sĩ gây mê
Bác sĩ gây mê được đào tạo chuyên khoa để gây mê và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sĩ cũng là người theo dõi chặt chẽ việc giảm đau cho trẻ sau phẫu thuật.
Chọn lựa
Bạn và con bạn có thể chọn lựa cách sử dụng thuốc gây mê và các loại thuốc khác. Đôi khi, vì lý do y khoa mà bác sĩ phải gây mê theo một cách nào đó – điều này sẽ được giải thích với bạn.
Bác sĩ chỉ thực hiện gây mê khi bạn hiểu rõ và đồng ý với kế hoạch.
Mong muốn của bạn và con bạn rất quan trọng.
Chúng tôi muốn hợp tác với bạn để có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho trẻ và gia đình bạn.
CHUẨN BỊ
Những điều bạn có thể làm để chuẩn bị cho trẻ đến bệnh viện.
Tất cả trẻ em (trừ trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để hiểu) phải được thông báo về việc:
- Trẻ sắp vào bệnh viện
- Trẻ sẽ được thực hiện phẫu thuật hoặc khảo sát
- Một số thông tin cơ bản về những điều sẽ xảy ra khi trẻ nằm viện
Cần giải thích mọi thứ cho trẻ theo cách mà chúng có thể hiểu được. Nhân viên của Bệnh viện FV có thể giải thích và khuyến khích trẻ thảo luận thông qua các trò chơi.
Thời điểm thông báo
Trẻ từ 2 đến 3 tuổi phải được thông báo trước 2 – 3 ngày và thông báo một lần nữa vào ngày nhập viện.
Trẻ từ 4 đến 7 tuổi phải được thông báo 4 – 7 ngày trước khi nhập viện.
Trẻ lớn hơn thường sẽ tham gia vào việc quyết định phẫu thuật hoặc khảo sát và việc thảo luận có thể được thực hiện một vài tuần trước khi nhập viện.
Một số gợi ý về những điều cần nói…
- Giải thích rằng phẫu thuật hoặc khảo sát sẽ giúp trẻ cảm thấy khoẻ hơn.
- Dùng từ ngữ đơn giản để trẻ có thể hiểu được.
- Khuyến khích trẻ trao đổi và đặt câu hỏi về việc phẫu thuật. Sách, trò chơi và truyện có thể hỗ trợ cho trẻ.
- Cho trẻ biết – khi nào sẽ tiến hành phẫu thuật hoặc khảo sát và thời gian nằm viện trong bao lâu.
Nếu trẻ phải ở lại đêm trong bệnh viện, cho trẻ biết bạn có ở cùng hay không. Bệnh viện FV sẽ cung cấp chỗ ở (giường xếp) cho cha mẹ ở cạnh giường của trẻ.
Nếu không thể ở lại cùng trẻ, phải giải thích thời gian bạn sẽ đến thăm trẻ.
Trẻ có thể giúp bạn thu xếp hành lý và quyết định loại quần áo ngủ và đồ chơi cần mang theo.
Vui lòng cho chúng tôi biết trước các yêu cầu đặc biệt của trẻ, chúng tôi sẽ hỗ trợ tốt nhất có thể.
Hãy gọi cho chúng tôi nếu trẻ ho nhiều hoặc cảm nặng, sốt hoặc có tiếp xúc với bệnh thủy đậu không lâu trước ngày phẫu thuật hoặc khảo sát.
NGÀY NHẬP VIỆN
Khám tiền phẫu
Bạn sẽ đến gặp bác sĩ gây mê trước khi nhập viện hoặc bác sĩ gây mê sẽ đến gặp bạn tại lầu trại trước phẫu thuật hoặc khảo sát để thảo luận về phương pháp gây mê cho trẻ.
Bác sĩ gây mê cần kiểm tra tình trạng sức khoẻ, vấn đề về gây mê trước đây, các loại thuốc trẻ đang dùng và dị ứng mà trẻ có thể gặp phải.
Đây là thời điểm tốt nhất để bạn nói về những vấn đề trước đây mà trẻ đã gặp phải khi tiêm chích hay khi nằm viện, hoặc bất kỳ lo ngại cụ thể nào.
Việc lập danh sách những thắc mắc bạn muốn hỏi sẽ giúp ích cho bạn.
Những thắc mắc bạn nên trao đổi với bác sĩ gây mê:
- Ai là người thực hiện gây mê cho con tôi?
- Tôi nên chọn phương pháp gây mê nào?
- Bác sĩ có thường thực hiện phương pháp gây mê này không?
- Những nguy cơ của phương pháp gây mê này?
- Con tôi có nguy cơ đặc biệt nào không?
- Con tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau đó?
Trên thực tế, bác sĩ gây mê mà bạn đến gặp trước khi nhập viện hoặc bác sĩ gây mê đến gặp bạn tại lầu trại có thể sẽ khác với bác sĩ thực hiện gây mê cho trẻ, nhưng thông tin mà bạn đã cung cấp sẽ được chuyển đến bác sĩ này.
Hoãn phẫu thuật hoặc khảo sát
Đôi khi, bác sĩ gây mê phát hiện một vấn đề nào đó ở trẻ mà nếu không phẫu thuật vào ngày đó thì sẽ an toàn hơn.
Điều này có thể xảy ra nếu trẻ bị cảm, sốt, phát ban hoặc đã ăn quá gần thời gian phẫu thuật.
Không ăn uống – Nhịn ăn uống (“Không ăn uống qua đường miệng”)
Bệnh viện sẽ hướng dẫn rõ ràng cho bạn về việc nhịn ăn uống và trẻ phải tuân thủ các chỉ định này.
Trong khi gây mê, nếu trẻ còn thức ăn hoặc thức uống trong dạ dày thì sẽ có nguy cơ trào ngược lên sau họng và gây tổn thương phổi.
Trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ gây mê, dưới đây là thời gian quy định tối thiểu mà trẻ có thể ăn hoặc uống:
- 6 giờ trước trước phẫu thuật: trẻ có thể ăn nhẹ, uống một ly sữa hoặc nước có ga. Trẻ có thể bú bình với sữa công thức.
- 4 giờ trước phẫu thuật: trẻ có thể bú mẹ.
- 2 giờ trước phẫu thuật: trẻ có thể uống nước có ga trong suốt; không được uống sữa, nước ép trái cây và nước súp.
Sử dụng thuốc tiền mê
Thuốc tiền mê là tên gọi của những loại thuốc được sử dụng trước khi gây mê. Một vài loại thuốc tiền mê giúp trẻ thư giãn, một số khác được cung cấp vì những lý do khác (xem bên dưới).
Không phải tất cả trẻ đều cần dùng thuốc tiền mê. Tùy theo loại phẫu thuật và tình trạng của trẻ, bạn sẽ cùng với bác sĩ gây mê quyết định xem trẻ có cần dùng thuốc tiền mê hay không.
Nếu cần, trẻ thường dùng thuốc tiền mê ở dạng lỏng. Đôi khi trẻ cần dùng thuốc tiền mê qua đường tĩnh mạch. Thuốc tiền mê được dùng trước khi gây mê.
Loại thuốc này có thể làm trẻ cảm thấy buồn ngủ sau phẫu thuật hoặc khảo sát, và nếu bạn dự kiến đưa trẻ về nhà ngay trong ngày, điều này có thể bị trì hoãn.
Những loại thuốc được sử dụng có thể là:
- Thuốc an thần giúp giảm lo lắng
- Thuốc bảo vệ trẻ khỏi các tác dụng phụ của thuốc mê (như buồn nôn)
- Liều điều trị bổ sung cho các bệnh lý khác như suyễn.
Sẵn sàng vào “phòng mổ”
Trẻ có thể mặc quần áo của mình vào phòng mổ, nếu không, bệnh viện sẽ cung cấp áo choàng cho trẻ.
Trẻ sẽ được yêu cầu cởi đồ lót.
Trẻ có thể đến phòng tiền mê trên giường, xe đẩy, đi bộ hoặc bế vào.
Phòng tiền mê – cạnh phòng mổ, nơi thường bắt đầu quy trình gây mê.
Phòng mổ – là phòng thực hiện phẫu thuật. Nếu trẻ còn quá nhỏ, hoặc đang được thực hiện mộttùy theo loại phẫu thuật nào đó,sẽ được thực hiện mà việc gây mê trong phòng mổ sẽ an toàn hơn trong phòng tiền mê.
Phòng hồi tỉnh – gần phòng mổ, nơi trẻ được chuyển đến sau phẫu thuật cho đến khi thuốc mê hết tác dụng .
Phòng tiền mê
Một số trẻ thích gây mê bằng khí, một số khác lại thích gây mê đường tĩnh mạch.
Nếu cả hai phương pháp đều an toàn cho trẻ, bạn có thể chọn lựa phương pháp được sử dụng
Khí gây mê có mùi giống bút lông.
Bác sĩ gây mê sử dụng mặt nạ để gây mê bằng khí.
Nếu gây mê bằng khí thì phải mất vài phút để trẻ bắt đầu mê. Trẻ có thể không yên khi khí mê bắt đầu tác dụng.
Nếu gây mê đường tĩnh mạch, trẻ thường mất ý thức rất nhanh.
“Kem thần kỳ” là loại thuốc gây tê tại chỗ dạng kem có thể được bôi lên bàn tay hoặc cánh tay trước khi tiêm để trẻ không cảm thấy đau nhiều. Thuốc đạt hiệu quả với 9/10 trẻ. Kem này có tên là EMLA.
Ống thông tĩnh mạch là ống nhựa mỏng được luồn dưới da, thường là ở mu bàn tay. Dùng kim để luồn ống thông vào, sau đó rút kim ra ngay và chỉ giữ lại ống thông mềm. Mẫu máu sẽ được lấy qua ống thông mới đặt vào. Ống thông có thể được giữ trong vài giờ hoặc vài ngày để dùng thuốc và truyền dịch mà không cần tiêm vào các vị trí khác.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Trẻ sẽ được đưa vào phòng mổ để thực hiện phẫu thuật hoặc khảo sát.
Bác sĩ gây mê sẽ theo dõi chặt chẽ huyết áp, mạch, nhiệt độ và nhịp thở của trẻ trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật hoặc khảo sát , bảo đảm trẻ an toàn và hoàn toàn mất ý thức. Khí gây mê và/hoặc thuốc gây mê qua tĩnh mạch sẽ được dùng để giữ trẻ ở trạng thái mê.
Sau phẫu thuật
Hầu hết trẻ đều được chuyển đến phòng hồi tỉnh.
Mỗi trẻ sẽ được một nhân viên phòng hồi tỉnh chăm sóc cho đến khi trẻ tỉnh lại và đủ điều kiện để trở về lầu trại.
Một số trẻ có thể cần đến Khoa Săn sóc Tích cực sau phẫu thuật. Nếu dự kiến điều này thì bác sĩ sẽ thảo luận trước với bạn.
GIẢM ĐAU
Thuốc giảm đau được dùng trong quá trình gây mê nhằm bảo đảm trẻ cảm thấy dễ chịu nhất có thể sau phẫu thuật. Loại và hàm lượng thuốc giảm đau sẽ tùy thuộc vào phẫu thuật được thực hiện.
Bạn sẽ có cơ hội để thảo luận và lên kế hoạch về loại thuốc giảm đau mà trẻ sẽ dùng sau phẫu thuật. Điều này sẽ được thực hiện cùng với bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật hoặc điều dưỡng lầu trại.
Phương pháp giảm đau:
- Si-rô và thuốc viên – tương tự như ở nhà.
- Thuốc tan – thuốc ‘tan trong miệng’ – đặc biệt thích hợp cho trẻ lớn.
- Thuốc đạn – một số thuốc giảm đau như paracetamol có thể dùng qua đường trực tràng (hậu môn). Thuốc này thường được dùng khi trẻ đã được gây mê và kéo dài tác dụng trong nhiều giờ. Thuốc đạn rất hữu ích khi trẻ không thể uống thuốc hoặc đang bị bệnh.
- Gây tê tại chỗ – thuốc tê được tiêm gần các dây thần kinh để gây tê xung quanh vùng phẫu thuật. Thuốc tê được dùng khi trẻ đã được gây mê và kéo dài tác dụng giảm đau trong nhiều giờ.
- Thuốc giảm đau tác dụng mạnh – như morphine có thể được dùng theo nhiều cách.
Một số thuật ngữ thường dùng với thuốc
- IV – trong tĩnh mạch – khi đưa thuốc vào tĩnh mạch qua ống thông.
- IM – trong bắp – khi tiêm thuốc vào cơ mông hoặc bắp tay.
- S/C – dưới da – khi đưa thuốc vào dưới da, có thể tiêm một lần hoặc truyền qua ống thông.
- Truyền – khi đưa thuốc liên tục, thường là qua máy bơm tiêm đặc biệt.
- PCA – Bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau – truyền thuốc giảm đau được kiểm soát bằng máy bơm tiêm mà trẻ có thể bấm nút khi cần thêm liều giảm đau.
- Gây tê ngoài màng cứng – tiêm thuốc tê qua ống thông mỏng đặt gần tủy sống – được sử dụng sau ca đại phẫu.
- Gây tê khoang cùng – tiêm thuốc tê gần các dây thần kinh xuất phát từ tủy sống, tương tự như cách gây tê ngoài màng cứng.
TRỞ VỀ NHÀ
Một số trẻ được khảo sát hoặc phẫu thuật “trong ngày” và sẽ được về nhà cùng ngày. Trẻ có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu trong những ngày đầu tiên. Bệnh viện sẽ kiểm tra xem bạn có thuốc giảm đau thích hợp tại nhà không. Nếu không, bạn sẽ được cung cấp thuốc mang về nhà và hướng dẫn cách sử dụng.
Đôi khi, trẻ cảm thấy mệt sau khi xuất viện, thậm chí nôn ói. Điều này có thể xảy ra ở trong xe khi trên đường về nhà.
Đôi khi trẻ không ngủ ngon sau khi xuất viện. Trẻ có thể khó chịu hoặc cáu gắt hơn lúc trước. Đây là phản ứng bình thường sau khi nằm viện, và sẽ trở lại bình thường trong vòng 3 – 4 tuần.
* Nếu có bất kỳ lo ngại nào về trẻ khi về nhà, bạn nên liên hệ với bệnh viện qua số điện thoại đã cung cấp.
TÁC DỤNG PHỤ VÀ BIẾN CHỨNG
Nhờ sự cải tiến của ngành gây mê nên ít khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ, nhưng thiết bị hiện đại, đào tạo chuyên môn và các loại thuốc đã làm cho quy trình gây mê trở nên an toàn hơn trong những năm gần đây.
Hầu hết trẻ hồi phục nhanh chóng và sớm trở lại bình thường sau phẫu thuật và gây mê. Một số trẻ có thể có một số tác dụng phụ như mệt hoặc đau họng. Tình trạng này thường kéo dài trong thời gian ngắn và luôn có sẵn thuốc để điều trị nếu cần.
Khả năng xảy ra biến chứng sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ của trẻ, tính chất của ca phẫu thuật và phương pháp gây mê cần thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận chi tiết với bạn khi khám tiền phẫu.
Đối với trẻ có sức khoẻ tốt khi thực hiện tiểu phẫu:
- 1/10 trẻ có thể bị đau đầu, đau họng, mệt hoặc chóng mặt.
- 1/100 trẻ có thể dị ứng nhẹ với một trong những loại thuốc đã sử dụng.
- 1/20.000 trẻ có thể có phản ứng nghiêm trọng (dị ứng) với thuốc mê.