TIÊM THUỐC NỘI NHÃN LÀ GÌ?
Tiêm nội nhãn là hình thức đưa thuốc trực tiếp vào trong mắt, thuốc xuyên qua tròng trắng (củng mạc –xem hình 1) thấm vào phần dịch đặc trong mắt (được gọi là dịch kính – xem hình 1. Thuốc đặc trị được đưa vào dịch kính, thấm đến võng mạc (lớp bên trong ở phía sau mắt) và đến các cấu trúc khác trong mắt của bệnh nhân.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá và cho bệnh nhân biết là bệnh nhân có phù hợp với thủ thuật tiêm nội nhãn hay không. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ là người quyết định chấp thuận haặc từ chối việc tiến hành thủ thuật này.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC TIÊM NỘI NHÃN
Lý do phổ biến nhất cần phải tiêm nội nhãn là để điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già (AMD). Lý do tiếp theo là để điều trị chứng phù hoàng điểm do bệnh võng mạc tiểu đường, tắc nghẽn mạch máu, viêm, chấn thương hoặc phẫu thuật, bệnh loạn dưỡng, vv (bệnh lý hoàng điểm).
Hoàng điểm là một bộ phận đăc̣ biệt của võng mạc chịu trách nhiệm về độ sắc nét của thị lực. Võng mạc chuyển đổi ánh sáng đi vào mắt thành hình ảnh rồi gửi đến não bộ.
Thủ thuật tiêm thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (kháng-VEGF)/ hoặc corticoid vào dịch kính có thể giúp điều trị bệnh lý hoàng điểm. Bệnh nhân thường phải qua một quá trình tiêm trong hơn một năm hoặc lâu hơn nữa để việc điều trị có hiệu quả.
CÁC LOẠI THUỐC TIÊM NỘI NHÃN
BEVACIZUMAB (AVASTIN)
Avastin là loại thuốc kháng VEGF“ngoài danh mục” mà các bác sĩ Khoa mắt sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già và các bệnh lý đáy mắt khác.
RANIBIZUMAB (LUCENTIS) là một loại thuốc kháng VEGF; thành phần là một mảnh của kháng thể đơn dòng và đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho điều trị bệnh phù hoàng điểm tiểu đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt, và phù hoàng điểm do các bệnh lý mạch máu.
DEXAMETHASOME (OZURDEX) là loại corticoid được chế dạng mảnh cấy hình que, dùng một lần. Hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến 180 ngày và đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong điều trị phù hoàng điểm dạng nang (CME), phù hoàng điểm tiểu đường, và viêm màng bồ đào mắt.
TRIAMCINOLONE ACETONIDE là một corticoid. Đây là thuốc dùng ngoài danh mục. Hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến 120 ngày.
KHÁNG SINH được sử dụng để điều trị nhiễm trùng. Trong những trường hợp nặng như nhiễm trùng dịch kính (viêm nội nhãn), thuốc được tiêm vào mắt để trì hoãn sự khởi phát của tình trạng viêm nội nhãn và tiệt trùng trong khoang dịch kính.
CÓ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NÀO THAY THẾ CHO VIỆC TIÊM THUỐC?
Điều trị bằng laser có thể phù hợp cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả sẽ ít hơn so với tiêm nội nhãn.
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU BỆNH NHÂN QUYẾT ĐỊNH KHÔNG TIÊM THUỐC?
Thị lực của bệnh nhân có khả năng sẽ kém đi. Nếu võng mạc hình thành sẹo hoặc bệnh kéo dài quá lâu, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực vĩnh viễn trên con mắt bị bệnh.
THỦ THUẬT BAO GỒM NHỮNG GÌ?
Nhân viên y tế sẽ thực hiện một số kiểm tra để đảm bảo rằng bệnh nhân được tiến hành đúng thủ thuật và xác định đúng vị trí. . Bệnh nhân hãy xác nhận với bác sĩ phẫu thuật và nhân viên y tế về tên của mình và thủ thuật mà bệnh nhân sắp được thực hiện. Nhân viên y tế sẽ yêu cầu bệnh nhân ký Phiếu chấp thuận sau khi bệnh nhân đã đọc xong tài liệu này và đã được trả lời các câu hỏi.
Bệnh nhân sẽ cần nằm yên và nằm thẳng trong khi tiêm. Nếu bệnh nhân không thể nằm yên và nằm thẳng, hãy thông báo cho bác sĩ phẫu thuật biết.
Thủ thuật tiêm thuốc thường được thực hiện sau gây tê bằng thuốc nhỏ mắt và thường mất khoảng 30 giây. Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ nhỏ vài giọt dung dịch sát khuẩn và thuốc kháng sinh vào mắt bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng một kim nhỏ, tiêm qua tròng trắng mắt (củng mạc) rồi bơm thuốc vào dịch kính ở phần trung tâm của mắt. Việc bệnh nhân cảm thấy hơi khó chịu trong khi tiêm là điều bình thường, nhưng nhờ có gây tê nên bệnh nhân thường chỉ đau rất ít hoặc không đau.
KHI NÀO KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC THỦ THUẬT TIÊM THUỐC?
Thủ thuật tiêm thuốc sẽ không thực hiện được nếu bệnh nhân bị bất kỳ nhiễm trùng nào, khi dị ứng với thuốc kháng VEGF hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc; khi bệnh nhân là phụ nữ đang mong muốn có thai hoặc đang mang thai hoặc là phụ nữ đang cho con bú.
NHỮNG BIẾN CHỨNG NÀO CÓ THỂ XẢY RA?
- Đau nhẹ (tỷ lệ nguy cơ 1 trong 20): đây chỉ là tình trạng tạm thời
- Chảy máu: Chảy máu ít và mắt bệnh nhân có thể bị đỏ nhẹ. Tình trạng này thường tự khỏi sau 5 ngày
- Tăng nhãn áp: đây chỉ là tình trạng tạm thời
- Tình trạng viêm mắt: có thể được điều trị bằng thuốc kháng viêm
- Chảy máu nhiều: máu chảy nhiều bên trong dịch kính (xuất huyết trong dịch kính) trong khi tiêm, có thể làm mất đi thị giác (tỷ lệ nguy cơ: ít hơn 1 trong 1.000)
- Bong võng mạc
- Tổn thương đến thủy tinh thể, là nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể
- Viêm nội nhãn
Trong một vài trường hợp xuất huyết nặng trong dịch kính, bong võng mạc hay đục thủy tinh thể, bác sĩ cần phải tiến hành phẫu thuật cùng với sự chăm sóc đặc biệt để phục hồi thị giác.
BỆNH NHÂN SẼ HỒI PHỤC TRONG BAO LÂU?
Sau khi tiêm trong phòng mổ xong, bệnh nhân sẽ được chuyển sang Khoa bệnh viện trong ngày để nghỉ ngơi. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở mắt, nhưng thường sau vài giờ thì mắt sẽ ổn định lại. Bệnh nhân có thể về nhà sau khoảng một giờ.
Bệnh nhân thường sẽ cần 1 đến 2 ngày nghỉ ngơi và sẽ được cấp Giấy chứng nhận nghỉ ốm.
LỊCH TRÌNH THĂM KHÁM CHO TÔI TẠI BỆNH VIỆN FV SẼ THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ Khoa mắt tại phòng khám ngoại trú.
Bác sĩ Khoa mắt sẽ đánh giá tình trạng của bệnh nhân và cho chỉ định tiêm nội nhãn. Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân hiểu về thủ thuật thực hiện, nguy cơ và lợi ích của thủ thuật này. Bệnh nhân hãy đăt câu hỏi nếu có thắc mắc để đảm bảo rằng bệnh nhân sẽ đưa ra quyết định đúng cho việc điều trị của mình. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký Phiếu chấp thuận trước khi chúng tôi thực hiện thủ thuật.
Vì sự an toàn của bênh nhân, thủ thuật tiêm cần phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng, do đó bệnh nhân sẽ được tiêm trong phòng mổ dưới gây tê tại chỗ bằng thuốc nhỏ mắt. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đến Khoa Bệnh viện trong ngày, nhận tủ có khóa, thay áo choàng bệnh nhân và điều dưỡng của chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến phòng mổ.
Sau khi tiêm, bác sĩ của chúng tôi cần phải theo dõi bệnh nhân trong vài phút,và sau đó bệnh nhân sẽ được chuyển lại Khoa bệnh viện trong ngày để thay quần áo, nhận thuốc và lịch hẹn tái khám. Sau đó, bênh nhân có thể về nhà, trừ khi bác sĩ Khoa mắt yêu cầu bệnh nhân khám lại tại phòng khám.
Nếu bệnh nhân cần thêm thông tin hoặc muốn đặt hẹn, hãy trao đổi với bác sĩ của mình hoặc liên hệ Khoa Mắt – Bệnh viện FV: ĐT (+84.8) 5411 3436 hoặc (+84.8) 5411 3333 – ext: 2000, trong giờ làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 8h30 đến 17h00.
Trong trường hợp khẩn cấp, vui lòng liên hệ Khoa Cấp Cứu hoạt động 24/7