Vai trò của Bác sĩ Gây Mê

Bác sĩ gây mê và êkip của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động hàng ngày của bệnh viện. Bác sĩ gây mê không thể thiếu được trong các ca phẫu thuật, cũng như nhiều những thủ thuật khác như nội soi tiêu hóa và sản khoa (gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau).

Các bác sĩ gây mê của Bệnh viện FV được đào tạo và huấn luyện tại các học viện hàng đầu châu Âu về nhiều lĩnh vực thuộc chuyên ngành gây mê hồi sức. Họ chuyên chăm sóc và theo dõi bệnh nhân trong các ca phẫu thuật, cũng như xử lý các tình huống cấp tính có thể xảy ra ở phòng săn sóc đặc biệt ICU, giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau trong mọi tình huống.

Phạm vi hoạt động của các bác sĩ gây mê rất rộng, liên quan đến mọi bộ phận của bệnh viện:

  • Bộ phận khám bệnh và điều trị ngoại trú
  • Khu phẫu thuật
  • Phòng săn sóc đặc biệt ICU và phòng theo dõi hồi sức liên tục USC
  • Khoa Tiêu Hóa (nội soi)
  • Khoa Sản (gây tê ngoài màng cứng)
  • Chăm sóc bệnh nhân nằm viện sau phẫu thuật

Luôn có ít nhất một bác sĩ gây mê trực tại bệnh viện FV 24/24 giờ.

Các bác sĩ gây mê tập trung phần lớn thời gian và chuyên môn vào hai lĩnh vực chính dưới đây.

Đánh Giá Gây Mê Trước Phẫu Thuật

Trước khi được phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám kiểm tra với bác sĩ gây mê. Các bác sĩ sẽ đánh giá phương pháp gây mê nào phù hợp nhất cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm tiền phẫu (nằm ngoài chi phí phẫu thuật) và giải thích chi tiết để bệnh nhân hiểu về phương pháp gây mê sẽ được áp dụng cùng các tác dụng phụ nếu có.

Hoạt Động Trong Phòng Mổ

Phần lớn thời gian, các bác sĩ gây mê làm việc tại các phòng mổ. Tại đây, các bác sĩ tiến hành gây tê tại chỗ, gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân cho bệnh nhân, kể cả trẻ sơ sinh; theo dõi hoạt động của các thiết bị gây mê, sử dụng hệ thống theo dõi tinh vi để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình gây mê và chăm sóc họ trong suốt giai đoạn hồi sức.

Tại các bệnh viện lớn, khu phẫu thuật đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của toàn bệnh viện. Khu phẫu thuật của Bệnh viện FV được xây dựng theo kiểu mẫu hiện đại tại các nước phương tây. Tọa lạc tại tầng 2, vị trí trung tâm và thiết kế 9 phòng mổ của Bệnh viện FV hoàn toàn thuận lợi cho việc vận chuyển và chăm sóc cho bệnh nhân từ các khoa. Điều này giúp tối ưu hóa hiệu quả chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp cấp cứu.

Các phòng mổ được trang bị đầy đủ thiết bị theo công nghệ y khoa tiên tiến hiện nay: kính hiển vi phẫu thuật Zeiss, camera phẫu thuật, EOC C-arms, dụng cụ phẫu thuật Aesculap, máy gây mê, máy thở Draeger, hệ thống theo dõi Marquette, thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Tất cả máy móc thiết bị được các kỹ sư sinh học và các nhà thầu cung cấp, hỗ trợ đội ngũ chuyên môn can thiệp và xử trí trong mọi trường hợp, kể cả những trường hợp chấn thương ở khoa Cấp Cứu. Các phòng mổ luôn được hỗ trợ chặt chẽ bởi các chuyên gia từ khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh, khoa Xét Nghiệm & Ngân Hàng Máu, khoa Dược.

Bệnh viện FV tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế và những quy định về quản lý chất thải, lau dọn, vệ sinh tiệt trùng và kiểm soát lây nhiễm bằng cách sử dụng các nồi hấp và thiết bị vô trùng Getinge.

Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng thiết bị chống gián đoạn năng lượng (UPS) giúp đảm bảo nguồn điện liên tục, ngay cả khi khu vực bị mất điện. Tất cả phòng mổ và phòng hồi sức Bệnh viện FV đều được trang bị hiện đại, bao gồm hệ thống máy lạnh, nước ấm giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn và giảm nguy cơ hạ thân nhiệt. Hơn nữa, hệ thống thay đổi độ ẩm và nhiệt độ cũng có chức năng lọc khuẩn.

Theo Dõi Hậu Phẫu

  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi tỉnh để được theo dõi cho đến khi tỉnh lại, đủ điều kiện để rời phòng hồi tỉnh (thường sau một hoặc hai giờ)
  • Giám sát và theo dõi tiến trình hồi phục của bệnh nhân tại khoa Ngoại trong thời gian chăm sóc hậu phẫu
  • Một số bệnh nhân cần phải nằm lại phòng chăm sóc đặc biệt ICU để theo dõi thêm sau khi mổ. Những trường hợp này đã được lên kế hoạch từ trước, theo một số chương trình phẫu thuật bao gồm nằm viện hậu phẫu tại ICU. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phẫu thuật kéo dài hay phức tạp ngoài dự kiến, bệnh nhân phải nằm lại phòng ICU. Trong trường hợp này, nếu chương trình phẫu thuật ban đầu của người bệnh không bao gồm dịch vụ nằm lại phòng ICU, người bệnh phải trả thêm chi phí phát sinh cho khoản này.

Điều Trị Đau

Các bác sĩ gây mê của Bệnh viện FV áp dụng nhiều phương pháp giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau sau phẩu thuật, sử dụng nhiều thiết bị hiện đại. Chẳng hạn như, với những bệnh nhân vừa trải qua các cuộc phẫu thuật lớn, bệnh nhân có thể tự mình kiểm soát đau với thuốc phiện (phương pháp PCA), giảm đau ngoài màng cứng và nhiều phương pháp khác gây ức chế thần kinh có thể được áp dụng để kiểm soát và giảm thiểu cơn đau.

Nếu bị đau hoặc thuốc giảm đau ít hiệu quả, bệnh nhân cần thông báo cho điều dưỡng. Các điều dưỡng sẽ đánh giá mức độ cơn đau theo thang điểm 10, từ không đau (0) cho đến rất đau (10). Các bác sĩ của Bệnh viện FV hiểu rất rõ rằng cơn đau rất khó chịu và không có lợi cho tiến trình lành bệnh. Chính vì thế, Bệnh viện FV tuân thủ nguyên tắc: không để bệnh nhân phải chịu đau đớn. Do đó, kiểm soát cơn đau là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.

Săn Sóc Đặc Biệt (ICU) là một chuyên khoa đặc biệt của Bệnh viện FV chuyên cung cấp toàn bộ các dịch vụ y khoa chính yếu dành cho những trường hợp bệnh nặng. Bệnh nhân được chuyển tới phòng ICU là người có một hoặc nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, thường là trong tình trạng bất ổn và cần được theo dõi cẩn thận một cách đặc biệt và liên tục. Những trường hợp cần chăm sóc ở ICU tiêu biểu là: bệnh nhân vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn, bị tổn thương nghiêm trọng do chấn thương; bệnh nhân bị suy cơ quan cấp tính như suy hô hấp, suy tim, suy thận và những trường hợp tình trạng bệnh không nghiêm trọng nhưng bệnh nhân có thể gặp biến chứng và suy sụp nhanh chóng.

Đối với các trường hợp đặc biệt như trên, thời gian là tối quan trọng. Bệnh nhân có thể tử vong trong tích tắc nếu không được chăm sóc kịp thời. Vì thế kỹ thuật chăm sóc và kế hoạch điều trị vô cùng quan trọng để duy trì mạng sống của bệnh nhân. Các bác sĩ ICU áp dụng một số kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao như: theo dõi huyết áp liên tục bằng thủ thuật đặt ống thông động mạch xâm lấn; đặt đường truyền tĩnh mạch trung ương để tiêm thuốc (ví dụ, thuốc vận mạch hay tăng co bóp cơ tim giúp duy trì huyết áp ở mức độ cho phép); duy trì trạng thái cân bằng oxy cho bệnh nhân bằng phương pháp thông khí nhân tạo qua mặt nạ (thông khí không xâm lấn) hoặc đặt nội khí quản, khi đó, bệnh nhân sẽ được gây mê và ở trạng thái ngủ.

Các bác sĩ gây mê của Bệnh viện FV làm việc 24/24 giờ mỗi ngày để chăm sóc tất cả các bệnh nhân ICU và USC.

  • Khoa Theo Dõi Liên Tục (USC) – có nhiệm vụ theo dõi sát sao các bệnh nhân cần một chế độ chăm sóc hậu phẫu đặc biệt. Mỗi điều dưỡng của khoa sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho 4 bệnh nhân dưới sự giám sát của bác sĩ gây mê.
  • Khoa Săn Sóc Đặc Biệt (ICU) – chăm sóc đặc biệt và theo dõi bệnh nhân vừa trải qua các ca phẫu thuật phức tạp hay bệnh nhân lây nhiễm. Từng phòng trong ICU đều được thiết kế cho một bệnh nhân nhằm đảm bảo kiểm soát và chăm sóc tối ưu. Với mục tiêu đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân, một bàn điều dưỡng trực được đặt ngay trung tâm để tăng cường theo dõi liên tục từng bệnh nhân. Mỗi phòng ICU được trang bị thiết bị theo dõi Marquette, máy thở Draeger, ống hút dịch Fresenius và giường điện Matifas. Đội ngũ điều dưỡng lành nghề của khoa Săn Sóc Đặc Biệt luôn theo dõi sát sao các phòng bệnh (1 điều dưỡng / 2 bệnh nhân) suốt 24 giờ mỗi ngày.

Các nhân viên khoa Săn Sóc Đặc Biệt sẵn sàng xử lý các tình huống xấu nhất với tinh thần tập thể cao độ dưới sự chỉ đạo của bác sĩ gây mê. Mỗi thành viên trong nhóm đều đóng vai trò rất quan trọng, từ nhân viên y công đến hộ lý, điều dưỡng và bác sĩ. Khi cần thiết, đội ngũ bác sĩ và nhân viên còn được sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật, chuyên viên X-quang, bác sĩ tim mạch, v.v… Ngoài ra, nhân viên ICU còn phải quan tâm đến gia đình của bệnh nhân. Trong giờ thăm bệnh, bác sĩ ICU sẽ giải thích về phương pháp điều trị và tình hình diễn tiến bệnh cho gia đình và thân nhân.

Tóm lại, có thể nói khoa Săn Sóc Đặc Biệt Bệnh viện FV hoàn toàn có thể hỗ trợ các chức năng sống chủ yếu của bệnh nhân: hô hấp, thận, thần kinh, v.v… Đây là nơi đem lại cơ hội hồi phục cao nhất cho những trường hợp bệnh nặng.

{{doctor.language}}

Không có kết quả nào được tìm thấy...