Đến với ngành y một cách hết sức tự nhiên, nhưng càng theo học bác sĩ Võ Công Minh (Trưởng khoa Tai Mũi Họng) càng thấy yêu thích và tìm được nhân sinh quan trong công việc đầy ý nghĩa này. Hơn 15 năm hành nghề y, thành công đối với anh là phải biết ứng dụng khoa học, phải giải quyết được những khó chịu của người bệnh và còn phải góp sức phát triển những thế hệ bác sĩ tương lai.
Chỉ phẫu thuật khi cải thiện được sức khỏe người bệnh
Lớn lên trong gia đình có truyền thống về y học, bác sĩ Võ Công Minh cảm nhận việc chọn học y, ban đầu như một lẽ tự nhiên. Anh nói mình thích vẽ và từng muốn làm một kiến trúc sư. Thế nhưng sau khi theo học y vài năm, anh lại “sợ mê kiến trúc bỏ ngành y nên cũng gác lại sở thích”.
Có lẽ do sự hòa trộn giữa y học và kiến trúc, nên từ những năm đầu anh đã muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật, hơn là chuyên về nội khoa. Đồng thời, lĩnh vực tai mũi họng, với những bộ phận có cấu trúc phức tạp, vừa riêng biệt lại vừa liên thông với nhau, đã thật sự thu hút sự tò mò của bác sĩ Minh ngày đó.
Bác sĩ Minh chia sẻ thời điểm mình theo học, thì các nước có nền y học tiên tiến, đang có nhiều bước phát triển trong chuyên khoa này, rất cần học hỏi và cập nhật để bắt kịp trình độ của họ. Nhận thấy điều đó, trong các năm sau anh liên tục tìm học và phát triển niềm đam mê về lĩnh vực tai mũi họng tại nhiều diễn đàn y học, bệnh viện trên thế giới.
Trong nhiều nơi từng đến, Mỹ là quốc gia làm anh thay đổi rất nhiều về quan niệm làm việc của mình. Y học tại đây hoàn toàn được dựa vào thực nghiệm và y học chứng cứ, từ đó họ đưa ra các phác đồ cho từng bệnh lý cụ thể. “Điều này rất hữu ích, các bác sĩ có thể lựa chọn và đánh giá tác động của từng phương pháp khi áp dụng điều trị cho bệnh nhân”. Dần dần, anh cũng biến điều đó thành phương châm làm việc của mình.
“Tiêu chí phẫu thuật của tôi là ít xâm lấn nhất có thể. Nếu chắc chắn cải thiện được trên 70% tình trạng khó chịu của bệnh nhân tôi mới làm”, bác sĩ Minh chia sẻ về phương pháp làm việc của mình. Đối với anh, khi người bệnh không mắc bệnh hiểm nghèo, các chức năng hoạt động bình thường, lại không mang bất cứ khó chịu nào về cơ thể thì không thực sự cần thiết phải can thiệp bằng phẫu thuật. Chỉ khi cải thiện được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thì phương pháp này mới cần thực hiện.
Lùi về một bước để có bác sĩ phẫu thuật giỏi
“Tôi rất biết ơn những đàn anh đi trước, những người đã rất nhiệt tình giúp đỡ để tôi có cơ hội được phẫu thuật nhiều hơn”, bác sĩ Minh nói. Nếu cha của anh là người có ảnh hưởng nhất đối với quyết định chọn học y, thì những bác sĩ tiền bối đã giúp anh phát triển mong muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật.
“Bạn có thể xin phụ mổ rất nhiều ca, nhưng nếu không được các tiền bối nhường cho chiếc dao mổ và trực tiếp đeo đèn chiếu sáng vào làm, thì đơn giản như cắt amidan có khi rất lâu mới biết được”, anh vui vẻ chia sẻ thêm về những ngày đầu hành nghề y của mình.
Chịu sự ảnh hưởng và giúp đỡ từ nhiều lớp bác sĩ ngày trước, bác sĩ Minh bây giờ cũng luôn sẵn lòng như vậy đối với các thế hệ bác sĩ trẻ theo chuyên ngành tai mũi họng. Một số ca mổ có thể sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn một chút khi cần hướng dẫn những bàn tay trẻ, thế nhưng trong tương lai sẽ có được nhiều bác sĩ phẫu thuật giỏi, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng trong nước.
“Nguyên tắc của tôi là chịu trách nhiệm toàn bộ trong ca mổ của mình, kể cả các tình huống không mong muốn do người tôi hướng dẫn tạo ra vì thiếu kinh nghiệm”, bác sĩ Minh nói. Tuy nhiên anh cũng đòi hỏi ở những bác sĩ nội trú theo học, một sự quyết tâm cao và mong muốn theo đuổi lĩnh vực này, hơn là những giá trị khác. Thật sự để hướng dẫn một bác sĩ phẫu thuật mới, người đi trước phải đối mặt với rất nhiều điều, đặc biệt là trách nhiệm về an toàn bệnh nhân. Cho nên, chỉ có niềm tin và tình yêu nghề, cùng mong muốn con đường hành nghề y mà mình đang đi, sẽ có người tiếp nối xa hơn nữa, thì mới có thể giúp anh tận tâm với thế hệ đàn em.
Bác sĩ Võ Công Minh vẫn đang tiến bước trên cả con đường học thuật và phát triển tay nghề phẫu thuật của mình. Sự tự tin và niềm yêu thích ánh lên trong mắt anh khi nói về chuyên ngành “học hoài không thấy ngán” của mình, chắc chắn sẽ giúp anh tiến xa trên con đường mình đã lựa chọn. Hơn thế, điều đó còn giúp các bệnh nhân của anh, có thêm cơ hội có được một cuộc sống chất lượng hơn sau khi được anh điều trị.