Bản Tin Sức Khỏe

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng Laser kết hợp mổ Muller

Suy giãn tĩnh mạch là hiện tượng thường gặp ở người lớn tuổi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và để lại những biến chứng nặng nề nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Thống kê cho thấy tại TP.HCM có đến 40% những người trên 50 tuổi bị mắc căn bệnh này. Khoa Phẫu thuật Mạch máu – Bệnh viện FV đã phẫu thuật thành công nhiều trường hợp bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch hai chi dưới mãn tính rất nặng

Ông R.C.W. (49 tuổi, quốc tịch Mỹ) đến FV trong tình trạng khó thở, hai chân bị phù kèm rất nhiều tĩnh mạch giãn nên không đứng lâu được. Cộng với việc tăng ký quá nhanh (từ 100kg lên 138kg trong vòng 2 năm), trọng lượng cơ thể dồn vào đôi chân khiến bệnh của ông càng thêm trầm trọng. Ông W. không thể tiếp tục công việc dạy Anh ngữ của mình, vốn đòi hỏi phải đứng lâu và di chuyển nhiều trong lớp.

Bác sĩ Lương Ngọc Trung, khoa Phẫu thuật Mạch máu – Bệnh viện FV, đã tiến hành điều trị cho bệnh nhân với hai phương pháp phối hợp điều trị bằng Laser nội mạch và điều trị ngoại khoa (phương pháp Muller) nhằm loại bỏ những tĩnh mạch giãn. Hai giờ sau mổ, bệnh nhân đã có thể đi đứng bình thường. Ba ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có những cải thiện rõ rệt.

Bác sĩ Trung giải thích, điều trị bằng Laser nội mạch là sử dụng năng lượng sóng Laser để đốt các tĩnh mạch giãn (đưa sợi dẫn tia Laser vào trong lòng tĩnh mạch) với kết quả cải thiện trên 95% triệu chứng. Trên thế giới, kỹ thuật hiện đại này đã ra đời cách đây hơn 10 năm và hàng trăm ngàn bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này tại Pháp, các nước phát triển và đặc biệt rất phổ biến ở Mỹ.

Những chỉ định về phương pháp điều trị này thường ứng dụng cho các tĩnh mạch hiển (tĩnh mạch nông) và các nhánh. Kỹ thuật này cho phép giảm những nguy cơ đi kèm với những can thiệp phẫu thuật cổ điển. Trong phẫu thuật cổ điển, tĩnh mạch bị giãn sẽ bị rút bỏ. Còn với kỹ thuật mới này, năng lượng Laser cho phép hủy tĩnh mạch ngay bên trong.

Bác sĩ Trung cho biết: “Khi thực hiện thủ thuật, tia Laser được đưa đến thành tĩnh mạch qua trung gian của một sợi cáp quang (sợi Laser) kích cỡ rất nhỏ (khoảng 600 micron). Phương pháp này chỉ cần thực hiện gây tê tại chỗ , gây tê vùng hoặc gây mê giúp giảm đau khi chiếu tia Laser.  Khi chiếu tia Laser, bệnh nhân hầu như không có cảm giác đau trong suốt quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau khi làm thủ thuật. Việc gây tê kết hợp bơm dịch xung quang tĩnh mạch hiển còn giúp giảm ảnh hưởng của tia Laser lên các mô xung quanh”.

Điều trị can thiệp nội tĩnh mạch bằng phương pháp Laser hoàn toàn không không để lại sẹo, thời gian hồi phục ngắn, Ngày hôm sau người bệnh có thể trở lại làm việc bình thường.

Những lợi ích của điều trị Laser nội tĩnh mạch là hủy những tĩnh mạch nông bị giãn bị rối  loạn chức năng giúp bệnh nhân không còn các triệu chứng,  cũng như phòng ngừa các biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới. Phần lớn trường hợp, những triệu chứng khó chịu do bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ biến mất hoàn toàn.

Còn mổ Muller (được bác sĩ Robert Muller đề xướng từ năm 1956) là phương pháp phẫu thuật hỗ trợ với những đường rạch rất nhỏ, chỉ khoảng 3-5mm, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy bỏ các tĩnh mạch giãn.

Theo bác sĩ Trung, việc điều trị bằng Laser nội mạch đơn thuần hay phối hợp với mổ Muller là phương pháp tối ưu trên thế giới vì không để lại sẹo, không gây đau đớn sau phẫu thuật và hầu như không gặp biến chứng. Người bệnh có thể đi được ngay sau mổ, ngày hôm sau có thể trở lại công việc bình thường.

Hiện tại, số bệnh nhân mắc bệnh lý tĩnh mạch đến thăm khám và điều trị tại khoa Phẫu thuật Mạch máu – Bệnh viện FV khá cao, trung bình khoảng 100 bệnh nhân/tháng.

Biểu hiện của bệnh khi nhẹ là nhanh mỏi chân, ngứa da vùng chân, các tĩnh mạch nhỏ nổi dưới da, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Bệnh nặng hơn sẽ khiến người bệnh thấy nặng chân liên tục, chuột rút, phù chân, ngay cả khi nghỉ ngơi, biến đổi màu sắc da, thậm chí loét da không lành hay huyết khối tĩnh mạch. “Nhiều người lầm tưởng mình bị da liễu, đến khi khám mới biết là bị suy giãn tĩnh mạch”, bác sĩ Trung cho biết.

Nguyên nhân bệnh lý có thể liên quan đến yếu tố di truyền, nghề nghiệp đòi hỏi phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động, cơ thể béo phì, chế độ ăn nghèo chất xơ…

Khi phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bằng vớ y tế và thuốc. Khi nặng hơn thì cần được can thiệp để loại bỏ các tĩnh mạch suy giãn. Điều trị hợp lý bệnh giãn tĩnh mạch sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm các chi phí điều trị không cần thiết và tránh được các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch, loét chân khó lành.

Zalo
Facebook messenger