Ít người biết được khâu gây mê quyết định rất lớn đến thành công của một ca phẫu thuật. Người khống chế để thuốc mê đủ tác dụng cho ca mổ mà không để thuốc mê làm hại bệnh nhân chính là bác sĩ gây mê. Không có một công thức chung nào, chỉ bằng tài năng và kinh nghiệm bác sĩ gây mê giúp bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất.
“Tôi mong bệnh nhân quên tôi”
Sau 48 năm khoác áo blouse trắng, bác sĩ Henri Maries – Trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện FV đã âm thầm giành giật lại mạng sống cho không biết bao nhiêu bệnh nhân trên khắp thế giới. Khi được hỏi: “Có buồn không khi bệnh nhân ít khi biết tới vai trò của bác sĩ gây mê?”, ông nở nụ cười bình thản trả lời: “Đó là lẽ thường tình của cuộc sống. Thật ra tôi luôn mong bệnh nhân quên tôi đi vì như thế có nghĩa là mọi việc diễn ra tốt đẹp.”
Vì theo lẽ thường, các bác sĩ gây mê chỉ được nhắc tên nếu ca mổ… có sự cố, còn khi ca mổ thành công rực rỡ, bác sĩ gây mê yên ắng lui về hậu trường. Suốt ca mổ, bác sĩ gây mê canh gác tất cả dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và hầu như bất kỳ khi nào “có biến” trong phòng mổ, bác sĩ gây mê cũng ở tuyến đầu: bệnh nhân mất máu quá mức, rối loạn đông máu, thay đổi nhiệt độ…. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi người, chỉ biết sai một ly đi một… đời người: thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật, có thể tử vong tức thì. Thừa một chút thuốc, bệnh nhân có khi không bao giờ dậy nữa. Khi vào phòng mổ, bệnh nhân phẫu thuật đâu chỉ dùng thuốc mê mà còn hàng loạt hóa chất khác. Bác sĩ gây mê chính là nhạc trưởng phối hợp thuốc mê với hàng loạt thuốc khác như: thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim… để bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất. Để rồi khi ca mổ thành công, bệnh nhân được đưa ra ngoài để bác sĩ gây mê tiếp tục làm công việc hồi tỉnh, hồi sức cho bệnh nhân.
Đừng tin khi bệnh nhân muốn chết!
Mang trọng trách “canh gác” ở ranh giới sinh tử, bác sĩ Henri Maries chia sẻ ông chưa bao giờ bỏ cuộc. Chỉ cần có một tia hy vọng, người bác sĩ già vẫn chiến đấu với tử thần, kể cả khi bệnh nhân mất niềm tin vào bản thân mình. “Đừng tin vào lời bệnh nhân lúc họ nói họ muốn chết… Rất nhiều người trong những lúc quá đau đớn, mất hy vọng, họ muốn từ bỏ. Vai trò của bác sĩ lúc đó không chỉ là cho thuốc.” – bác sĩ Henri Maries nói.
Lấp lánh niềm vui trong đôi mắt hiền hậu, ông khoe tấm hình của một cụ già người Mỹ đang cười tươi rói giữa khu vườn ngập nắng. “Thế mà hồi năm ngoái, ông ấy ra dấu “tôi muốn chết” cơ đấy” – bác sĩ Henri Maries kể. Đó là một bệnh nhân người Mỹ bị ung thư máu, nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn dịch màn tim, tràn dịch màn phổi, có lúc ngưng tim phải kích tim… Ông tiếp: “Vợ của ông ấy vừa gởi cho tôi tấm hình này. Nụ cười của ông ấy là sự đền bù xứng đáng cho bao đêm ngày vất vả mà chúng tôi đã trải qua để cứu sống ông ấy”.
Từ khi bước chân vào ngành y, có lẽ giờ phút khó khăn nhất của bác sĩ Henri Maries là lúc phải giải thích với người nhà bệnh nhân rằng Y khoa không còn phương tiện cứu chữa. “Tôi được đào tạo bài bản để ít gây sốc tâm lý nhất với người nhà, nhưng cho đến tận bây giờ, tôi thấy vẫn khó khăn quá…” – Bác sĩ Henri Maries nói.
Tất cả vì bệnh nhân
Gây mê và hồi sức là 2 lĩnh vực luôn đi liền với nhau. Bác sĩ Henri Maries và các đồng nghiệp ngày ngày còn thực hiện một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khác là hồi sức, chăm sóc cho những bệnh nhân sau mổ và những bệnh nhân nặng. Đội ngũ y bác sĩ làm việc ở phòng săn sóc đặc biệt của FV đều rất quen với cảnh đêm đêm vị bác sĩ già quay lại để thăm khám cho những bệnh nhân đặc biệt nặng, dẫu chẳng phải ca trực của ông.
“Tất cả vì bệnh nhân” là truyền thống tại bệnh viện FV, chính vì điều đó bác sĩ Henri Maries chưa bao giờ cho phép mình chủ quan. Có những ca bệnh nặng theo ông vào giấc ngủ, khiến ông giật mình thức giấc và tự hỏi liệu có còn cách nào làm cho phác đồ đang điều trị cho bệnh nhân tốt hơn không. Rồi ông tự nhận ra mình là người may mắn khi được làm việc ở FV, nơi “bạn không bao giờ phải quyết định một mình”. Vì FV có truyền thống làm việc đội nhóm hiệu quả, nơi các cuộc hội chẩn liên chuyên khoa diễn ra thường trực. Nhờ đó, sức khỏe bệnh nhân được đánh giá một cách toàn diện nhất để có được những phác độ điều trị tối ưu nhất. Từng là trưởng khoa gây mê của 3 bệnh viện lớn ở Pháp, giữ nhiều vị trí khác nhau ở các cơ sở y khoa khắp thế giới, bác sĩ Henri Maries rất tâm đắc về chất lượng chuyên môn ở FV, ông nói: “Chất lượng đội ngũ bác sĩ ở đây cũng được giám sát chặt chẽ bởi chứng nhận y tế quốc tế JCI. Tôi rất hài lòng về điều đó vì chúng tôi luôn làm việc theo ekip, tất cả đều phải giỏi thì chất lượng của riêng tôi mới tốt được”.
Thêm một điều quan trọng khác đã níu chân vị bác sĩ gây mê hồi sức dày dạn kinh nghiệm đó chính là cơ sở vật chất và quy trình làm việc ở FV. Ông nhận xét:
Bác sĩ Henri Maries đưa ví dụ khi ông đề xuất về kỹ thuật gây tê vùng qua siêu âm để giảm đau cho bệnh nhân sau phẫu thuật, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ Ban giám đốc. Chưa đầy một năm sau, phương pháp gây tê vùng qua siêu âm được đưa vào áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân FV.
Bước vào ngành gây mê vì mê khoa học tỉ mỉ, mê những công thức tính toán, bác sĩ gây mê không chỉ là người trợ giúp bệnh nhân khi họ lên bàn mổ mà còn là chỗ dựa, là niềm tin, là động lực của họ trong những giờ phút chiến đấu cam go nhất với tử thần. Sức khỏe bệnh nhân hồi phục chính là niềm vui và phần thưởng xứng đáng cho mọi khó khăn, vất vả. Vâng, niềm hạnh phúc của một bác sĩ đơn giản lắm, mà cũng vĩ đại lắm!