Mục lục
- 1. Vì sao cần hiểu đúng về nguyên nhân đục thủy tinh thể?
- 2. Đục thủy tinh thể là gì?
- 3. Nguyên nhân chính gây bệnh đục thủy tinh thể
- 3.1. Lão hóa (nguyên nhân phổ biến nhất)
- 3.2. Di truyền
- 3.3. Chấn thương mắt
- 3.4. Bệnh lý toàn thân
- 3.5. Sử dụng thuốc dài hạn
- 3.6. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
- 3.7. Chế độ dinh dưỡng kém
- 4. Các yếu tố rủi ro khác
- 5. Những hiểu lầm phổ biến về nguyên nhân đục thủy tinh thể
- 5.1. “Đục thủy tinh thể chỉ xảy ra ở người già”
- 5.2. “Đeo kính không đúng độ gây đục thủy tinh thể”
- 5.3. “Sử dụng máy tính nhiều gây đục thủy tinh thể”
- 6. Phương pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể
- 6.1. Duy trì lối sống lành mạnh
- 6.2. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
- 6.3. Khám mắt định kỳ
- 7. Kết luận
Nhiều người nhầm lẫn bệnh đục thủy tinh thể với những triệu chứng của các bệnh lý về mắt khác. Bệnh thường tiến triển chậm, người bệnh đôi khi không nhận ra sự thay đổi thị lực cho đến khi bệnh chuyển biến nặng. Hiểu rõ nguyên nhân đục thủy tinh thể sẽ giúp người bệnh có cách phòng ngừa sớm nhất.
1. Vì sao cần hiểu đúng về nguyên nhân đục thủy tinh thể?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn cầu, chiếm khoảng 51% các trường hợp các ca mù lòa do các bệnh về mắt tại Đông Địa Trung Hải(1). Việc nâng cao nhận thức về bệnh và các biện pháp phòng ngừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể.
Nguyên nhân đục thủy tinh thể rất đa dạng, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi – không chỉ riêng người cao tuổi. Việc trang bị kiến thức về căn bệnh này – đặc biệt là hiểu rõ nguyên nhân đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa và điều trị đục thủy tinh thể. Trong nhiều trường hợp, can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể kịp thời rất cần thiết để cải thiện thị lực của bệnh nhân.
Bệnh viện FV hy vọng qua bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin về các nguyên nhân chính gây ra bệnh đục thủy tinh thể, giúp mọi người có thể bảo vệ đôi mắt của mình và những người thân yêu.

2. Đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể trở nên mờ đục, làm giảm khả năng nhìn rõ. Nguyên nhân đục thủy tinh thể là do sự thoái hóa protein. Quá trình này thường diễn ra từ từ trong nhiều năm, khi thủy tinh thể bị đục sẽ khiến ánh sáng không thể đi qua dễ dàng, dẫn đến hình ảnh thu được trên võng mạc bị mờ, gây suy giảm thị lực.
Các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể:
- Nhìn mờ, đặc biệt trong ánh sáng yếu hoặc ban đêm: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Người bệnh thường cảm thấy như nhìn qua một lớp sương mù hoặc kính bẩn. Việc đọc sách, xem tivi, lái xe, đặc biệt là vào ban đêm thường trở nên khó khăn hơn.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc chói sáng: Ánh sáng mặt trời, đèn pha ô tô hoặc đèn trong nhà có thể gây khó chịu, chói mắt, thậm chí đau nhức. Người bệnh thường phải nheo mắt hoặc tránh ánh sáng mạnh.
- Thấy quầng sáng xung quanh đèn: Một số bệnh nhân nhìn thấy những vòng tròn hoặc quầng sáng bao quanh các nguồn sáng. Điều này có thể gây khó khăn khi lái xe hoặc di chuyển trong bóng tối.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể gặp bao gồm: song thị (nhìn một thành hai), thường xuyên phải thay đổi kính, nhìn màu sắc không còn chính xác.
3. Nguyên nhân chính gây bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể khi mới bắt đầu sẽ không có dấu hiệu rõ ràng để nhận biết và dễ gây nhầm lẫn với các tật khúc xạ khác. Vậy nên, việc kiểm tra mắt định kỳ là vô cùng quan trọng để tìm hiểu rõ nguyên nhân đục thủy tinh thể và kịp thời thay đổi các thói quen sinh hoạt hoặc có sự can thiệp bằng phẫu thuật đục thủy tinh thể trước khi các dấu hiệu chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đục thủy tinh thể và nguy cơ của các bệnh về mắt khác:
3.1. Lão hóa (nguyên nhân phổ biến nhất)
Nguyên nhân đục thủy tinh thể hàng đầu đó là lão hóa. Quá trình này gồm nhiều cơ chế và diễn biến phức tạp như:
- Giảm khả năng điều tiết: Thủy tinh thể có khả năng thay đổi hình dạng để tập trung ánh sáng vào võng mạc, cho phép chúng ta nhìn rõ các vật ở các khoảng cách khác nhau. Khả năng này gọi là điều tiết giảm dần theo tuổi tác khiến thủy tinh thể trở nên cứng và kém linh hoạt hơn. Tuy nhiên, sự suy giảm chức năng điều tiết không trực tiếp gây đục thủy tinh thể, khiến người bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về mắt hoặc các tật khúc xạ thường gặp khác.
- Giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải: Thủy tinh thể không có mạch máu trực tiếp. Nó nhận chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải thông qua hệ thống thẩm thấu và khuếch tán phức tạp với thủy dịch. Quá trình lão hóa làm suy giảm hiệu quả của hệ thống này, dẫn đến sự tích tụ các chất thải và thiếu hụt dinh dưỡng, gây tổn thương các tế bào và protein của thủy tinh thể.

3.2. Di truyền
Yếu tố di truyền là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể ở người trưởng thành và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân đục thủy tinh thể chủ yếu là do sự xuất hiện các đột biến gen cấu trúc và chức năng của thủy tinh thể.
Chẳng hạn như trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ sơ sinh:
- Nguyên nhân di truyền: Khoảng 1/3 các trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh là do di truyền. Các đột biến gen có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái hoặc tính đa di truyền giữa các gen đơn lẻ.
- Nguyên nhân không di truyền: Các nguyên nhân đục thủy tinh thể khác bao gồm nhiễm trùng trong thai kỳ (như rubella, toxoplasmosis, cytomegalovirus), các bệnh lý chuyển hóa (như galactosemia) và sử dụng một số loại thuốc trong thai kỳ (như corticosteroid).
Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể gây ra các bệnh về mắt nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm (thường là phẫu thuật đục thủy tinh thể) là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển thị giác bình thường của trẻ.

3.3. Chấn thương mắt
Chấn thương mắt là một nguyên nhân đục thủy tinh thể không phổ biến nhưng thường để lại các di chứng liên quan đến các bệnh về mắt và không thể phục hồi về tình trạng như ban đầu. Một số trường hợp sau đây là nguyên nhân gây đục thủy tinh thể do chấn thương mắt:
- Chấn thương trực tiếp làm tổn thương cấu trúc thủy tinh thể: Các chấn thương như va đập mạnh vào mắt, vật sắc nhọn đâm vào mắt, hoặc bỏng hóa chất có thể gây tổn thương trực tiếp đến cấu trúc của thủy tinh thể, làm rách bao thủy tinh thể, gây viêm, hoặc làm thay đổi cấu trúc protein khiến thủy tinh thể bị đục.
- Các chấn thương có thể gây đục thủy tinh thể ngay lập tức hoặc sau nhiều năm: Một số chấn thương có thể gây đục thủy tinh thể ngay sau khi xảy ra, trong khi những chấn thương khác có thể chỉ gây ra tổn thương nhỏ lúc ban đầu, nhưng sau nhiều năm, các tổn thương này sẽ tiến triển thành đục thủy tinh thể.
Để phòng ngừa các chấn thương nghiêm trọng gây nguy hiểm đến mắt và các bệnh về mắt, bạn nên đeo kính bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể thao, làm việc trong môi trường nguy hiểm, hoặc tiếp xúc với hóa chất.

3.4. Bệnh lý toàn thân
Các bệnh lý toàn thân liên quan đến mạch máu và lưu thông máu như cao huyết áp, tiểu đường thường dễ bị bỏ qua khi xét các nguyên nhân đục thủy tinh thể. Các bệnh lý này có đặc điểm chung là làm tổn thương đến mạch máu nhỏ trong mắt, dẫn đến việc lưu thông máu đến các vị trí thủy tinh thể khó khăn, giảm trao đổi chất và đẩy mạnh quá trình “lão hóa” thủy tinh thể.
- Tiểu đường: Tăng đường huyết lâu dài gây thay đổi cấu trúc và chức năng thủy tinh thể. Lượng đường trong máu cao có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất trong thủy tinh thể, làm tăng sự tích tụ sorbitol (một loại đường) trong thủy tinh thể, gây phù nề và mờ đục thủy tinh thể.
- Cao huyết áp: Ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong mắt, làm tăng nguy cơ bệnh. Huyết áp cao có thể gây tổn thương các mạch máu, làm giảm lượng máu và oxy cung cấp cho thủy tinh thể
Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân sẽ giúp sức khỏe tổng quan khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt nói chung và đục thủy tinh thể nói riêng.
3.5. Sử dụng thuốc dài hạn
Corticosteroid là một loại thuốc chống viêm mạnh, thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý như hen suyễn, viêm khớp, hoặc dị ứng. Ngoài ra, Corticosteroid còn xuất hiện trong một số loại mỹ phẩm dưỡng da, thuốc nhỏ mắt. Nguyên nhân đục thủy tinh thể và liều dùng được khuyến nghị chưa được công bố chính xác, tuy nhiên chúng ta vẫn nên phòng ngừa dựa trên cơ chế hoạt động của corticosteroid và các tác động của chất này
- Cơ chế tác động: Cơ chế corticosteroid gây ra đục thủy tinh liên quan đến sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất của thủy tinh thể và sự ức chế sản xuất các chất chống oxy hóa, dẫn đến tăng các gốc tự do gây đục thủy tinh thể.
- Loại đục thủy tinh thể: Corticosteroid là nguyên nhân đục thủy tinh thể dưới bao sau – một loại đục thủy tinh thể nằm ở mặt sau của thủy tinh thể. Ngoài ra, chất này có thể khiến các bệnh về mắt trở nên trầm trọng hơn.
Khi sử dụng thuốc dài hạn và mỹ phẩm chứa corticosteroid, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian và liều dùng. Việc này đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt cũng như ngăn ngừa các nguy cơ bệnh lý khác.
3.6. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Thói quen sinh hoạt có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể và cũng là nguyên nhân gián tiếp gây các bệnh đục thủy tinh thể. Thói quen phổ biến nhất hiện nay chính là hút thuốc lá và uống rượu bia. Các thói quen này giúp thỏa mãn sở thích trong thời gian ngắn, nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe trong thời gian dài.
- Hút thuốc lá: Các chất độc hại từ thuốc lá gây oxy hóa thủy tinh thể. Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, bao gồm các gốc tự do, có thể gây tổn thương tế bào và protein trong thủy tinh thể, làm tăng quá trình oxy hóa và dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Uống rượu bia quá mức làm mất cân bằng dinh dưỡng và gây tổn thương mắt: Uống rượu bia quá mức có thể gây ra tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, làm giảm hấp thu các vitamin và khoáng chất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Ngoài ra, rượu bia cũng có thể gây tổn thương trực tiếp đến các tế bào trong mắt.
Thuốc lá và bia rượu ảnh hưởng lên sức khỏe thể chất liên quan đến trao đổi chất, tổn thương mạch máu, oxy hóa. Điều này gây nên các bệnh lý nan y và được xem là nguyên nhân đục thủy tinh thể.
3.7. Chế độ dinh dưỡng kém
Một nguyên nhân đục thủy tinh thể khác ít phổ biến hơn là sự thiếu hụt các chất chống oxy hóa trong cơ thể thời gian dài hoặc gặp các vấn đề di truyền liên quan đến tổng hợp các chất chống Oxy hóa. Cụ thể, các chất chống Oxy hóa có lợi cho mắt và thủy tinh thể bao gồm:
- Vitamin C: Là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các protein và lipid trong thủy tinh thể khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra.
- Vitamin E: Cũng là một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các màng tế bào trong thủy tinh thể.
- Lutein và Zeaxanthin: Là các Carotenoid có trong võng mạc và thủy tinh thể, có tác dụng bảo vệ chống lại tác động của ánh sáng xanh.
Các chất chống Oxy hóa như Vitamin C, E có tác động lớn đến việc hỗ trợ thủy tinh thể chống lại các gốc tự do, từ đó hạn chế các bệnh về mắt và đục thủy tinh thể. Bạn có thể bổ sung các vitamin này thông qua chế độ ăn uống đủ chất và các loại vitamin tổng hợp.
4. Các yếu tố rủi ro khác
Ngoài các nguyên nhân trực tiếp, việc nhận biết các nguyên nhân đục thủy tinh thể gián tiếp có thể giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này. Quá trình điều trị khi phát hiện sớm cũng sẽ được rút ngắn và hạn chế nguy cơ mù lòa.
Nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể tăng lên đáng kể sau tuổi 50. Ở độ tuổi này, quá trình lão hóa thủy tinh thể là hoàn toàn tự nhiên, thể thủy tinh mờ dần khi các protein bắt đầu biến đổi và vón cục, làm giảm độ trong suốt. Để hạn chế quá trình lão hóa tự nhiên, mỗi chúng ta cần bổ sung đầy đủ các chất chống Oxy hóa trong chế độ ăn uống, có lối sống lành mạnh và kiểm tra mắt định kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể cao hơn nam giới. Điều này có thể liên quan đến sự khác biệt về hormone, lối sống, hoặc các yếu tố di truyền.
Hơn nữa, các phẫu thuật mắt trước đây, chẳng hạn như phẫu thuật tăng nhãn áp hoặc phẫu thuật võng mạc, có thể làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh đục thủy tinh thể.
Cuối cùng, các yếu tố tự nhiên hoặc môi trường sống có thể là nguyên nhân thúc đẩy bệnh đục thủy tinh thể trở nên nghiêm trọng hơn. Tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia cực tím (UV), rất dễ gây tổn thương cho thủy tinh thể, dẫn đến sự biến đổi protein và gây nên tình trạng mờ đục. Việc sử dụng kính râm có khả năng chống tia UV là điều cần thiết để giảm thiểu các tác động đến mắt.
Nhận biết các yếu tố rủi ro có thể giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm đục thủy tinh thể. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời và khám mắt định kỳ để đảm bảo sức khỏe thị giác tốt nhất.
5. Những hiểu lầm phổ biến về nguyên nhân đục thủy tinh thể
5.1. “Đục thủy tinh thể chỉ xảy ra ở người già”
Đục thủy tinh thể ở người già là nguyên nhân phổ biến nhất, tuy nhiên đây chính là ngộ nhận khiến các nguyên nhân đục thủy tinh thể khác không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Các nguyên nhân khác bao gồm: đục thủy tinh thể bẩm sinh (xuất hiện ở trẻ em do yếu tố di truyền), đục thủy tinh thể thứ phát (biến chứng từ các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp), đục thủy tinh thể do chấn thương (các tổn thương vật lý hoặc hóa chất lên mắt).
Đục thủy tinh thể có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân đục thủy tinh thể rất đa dạng. Giải pháp tốt nhất là duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và can thiệp bằng phẫu thuật đục thủy tinh thể kịp thời cũng như kiểm soát các bệnh lý có thể gây ra những biến chứng khác.
5.2. “Đeo kính không đúng độ gây đục thủy tinh thể”
Thủy tinh thể có khả năng thay đổi hình dạng để tập trung ánh sáng vào võng mạc, cho phép chúng ta nhìn rõ các vật ở các khoảng cách khác nhau. Khả năng này giảm dần theo tuổi tác, dẫn đến tình trạng lão thị (khó nhìn gần).
Việc đeo kính không đúng độ có thể gây mỏi mắt, nhức đầu hoặc nhìn mờ, nhưng không gây tổn thương trực tiếp và không làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. Điều chỉnh kính đúng độ thường có vai trò là giúp mắt hoạt động thoải mái hơn và giảm căng thẳng cho hệ thống thị giác.
5.3. “Sử dụng máy tính nhiều gây đục thủy tinh thể”
Sử dụng máy tính nhiều có thể gây mỏi mắt, khô mắt, nhức đầu, hoặc nhìn mờ do mắt phải tập trung liên tục vào màn hình và ít chớp mắt. Một số nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh từ màn hình có thể gây tổn thương võng mạc và ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh ánh sáng xanh là nguyên nhân đục thủy tinh thể.
Tuy nhiên, các công việc tiếp xúc nhiều với máy tính lâu ngày vẫn gây nên các bệnh về mắt khác. Để tránh các tổn thương lâu dài cho mắt, hãy điều chỉnh khoảng cách ngồi trước máy tính 50cm – 70cm. Ngoài ra nên thường xuyên thư giãn mắt bằng cách nhìn xa và sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt cấp ẩm.
6. Phương pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể
Hiện nay chưa có loại thuốc nào được Bộ y tế công nhận có thể trị dứt điểm đục thủy tinh thể. Phương pháp duy nhất chính là phẫu thuật đục thủy tinh thể. Vì thế, duy trì một lối sống lành mạnh là cực kỳ cần thiết để ngăn ngừa và làm giảm tiến triển của bệnh.
6.1. Duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh không chỉ giúp chúng ta ngăn ngừa mà còn cải thiện sức khỏe tổng quan và tránh được các nguyên nhân đục thủy tinh thể. Hút thuốc lá, rượu bia có thể ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, đẩy nhanh quá trình Oxy hóa và lão hóa ở mắt. Mặt khác, các chất này còn là nguy cơ gây ra các loại bệnh nan y khó chữa trị
Bên cạnh việc loại bỏ các thói quen độc hại, tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những giải pháp bền vững nhất để cải thiện sức khỏe từ thể chất đến tinh thần. 30 phút tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn. Đặc biệt là kiểm soát được đường huyết và cân nặng, vì đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
6.2. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Y học hiện đại vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hay ngăn chặn nguyên nhân đục thủy tinh thể. Tuy nhiên các loại thuốc được kê đơn sẽ chứa các loại vitamin và hợp chất làm chậm quá trình lão hóa của người bị đục thủy tinh thể. Các loại vitamin này rất gần gũi và có trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày:
- Vitamin C và E: Là các chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ thủy tinh thể khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra. Các nguồn thực phẩm giàu Vitamin C bao gồm cam, quýt, bưởi, ớt chuông và bông cải xanh. Thực phẩm giàu Vitamin E bao gồm hạnh nhân, hạt điều, dầu thực vật và rau xanh.
- Lutein và zeaxanthin: Là các carotenoid có trong võng mạc và thủy tinh thể, có tác dụng bảo vệ chống lại tác động của ánh sáng xanh. Thực phẩm giàu Lutein và Zeaxanthin bao gồm rau bina, cải xoăn, bắp cải và lòng đỏ trứng gà.
- Uống đủ nước để duy trì độ ẩm tự nhiên cho mắt: Nước giúp duy trì độ ẩm tự nhiên cho mắt, giảm nguy cơ khô mắt và các vấn đề về thị giác. Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, đặc biệt với những người hoạt động nhiều hoặc sống trong môi trường khô hanh thì nên tăng lượng nước uống để đảm bảo cân bằng tỷ lệ nước của cơ thể.
6.3. Khám mắt định kỳ
Để phát hiện sớm đục thủy tinh thể và tìm ra nguyên nhân đục thủy tinh thể, chúng ta nên đến bệnh viện kiểm tra mắt định kỳ. Quy trình thăm khám bao gồm kiểm tra thị lực, đo nhãn áp, kiểm tra đáy mắt cùng các xét nghiệm khác để đánh giá sức khỏe tổng thể của mắt và phát hiện đục thủy tinh thể ngay cả khi bạn chưa có bất kỳ triệu chứng nào.
- Người lớn và trẻ em từ 03 – 19 tuổi nên khám mắt định kỳ ít nhất mỗi 1-2 năm, đặc biệt là sau tuổi 40 hoặc nếu có các yếu tố rủi ro.
- Đối với trẻ sơ sinh: phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu bất thường về tầm nhìn hay đốm trắng trên mắt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật Khúc xạ tại Bệnh viện FV, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt. Vị trưởng khoa bày tỏ trăn trở khi nhiều người vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe đôi mắt, để khi ảnh hưởng lớn đến thị lực hoặc trở nặng mới tìm đến bệnh viện.
“Mọi người thường bỏ qua việc khám mắt định kỳ, hay lơ là những triệu chứng nhỏ, thích tự chữa bằng thông tin trên mạng và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh nặng. Trong khi đó, tâm lý muốn hết bệnh và hết nhanh nhưng ở giai đoạn muộn lại thường gây áp lực cho chính bệnh nhân và cho cả người điều trị”, bác sĩ Mai chia sẻ.
Hãy bảo vệ đôi mắt của bạn bằng cách chủ động phòng tránh nguyên nhân đục thủy tinh thể. Khám mắt định kỳ là bước quan trọng để phát hiện sớm
Đừng đợi đến khi thị lực suy giảm mới đi khám! Hãy lên kế hoạch khám mắt định kỳ tại Bệnh viện FV và duy trì lối sống lành mạnh. Một đôi mắt sáng khỏe là chìa khóa giúp bạn tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn!

7. Kết luận
Việc trang bị các kiến thức chuyên sâu về nguyên nhân đục thủy tinh thể từ quá trình lão hóa tự nhiên đến các yếu tố di truyền, chấn thương, bệnh lý toàn thân, tác dụng phụ của thuốc và thói quen sinh hoạt… sẽ giúp mỗi người có thể chủ động phòng ngừa và bảo vệ thị lực.
Cùng xem video clip 15 PHÚT LẤY LẠI ĐÔI MẮT SÁNG CHO BỆNH NHÂN BỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ
Đục thủy tinh thể không còn là “bản án” mù lòa không thể tránh khỏi. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, phẫu thuật đục thủy tinh thể đã trở thành một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, giúp hàng triệu người trên thế giới khôi phục thị lực và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc điều trị hiệu quả nhất vẫn là phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân bằng, bảo vệ mắt khỏi tác động của môi trường và khám mắt định kỳ.
Thăm khám mắt định kỳ, đặc biệt là sau tuổi 40, là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm các dấu hiệu của đục thủy tinh thể và các bệnh lý về mắt khác. Đừng chủ quan nếu bạn cảm thấy thị lực suy giảm, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm có thể giúp bảo tồn thị lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh viện FV tự hào mang đến dịch vụ khám và điều trị đục thủy tinh thể toàn diện, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp khách hàng an tâm và tin tưởng. Với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất, Bệnh viện FV cam kết mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất và kết quả điều trị tối ưu.
Hãy liên hệ với Bệnh viện FV để được tư vấn và đặt lịch hẹn khám mắt ngay hôm nay. Vì đôi mắt sáng khỏe là món quà vô giá! Hãy để Bệnh viện FV đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của bạn và cả gia đình.
- Số điện thoại: (028) 35 11 33 33
- Website: https://www.fvhospital.com/vi/
Địa chỉ Bệnh viện FV: 6 Nguyễn Lương Bằng, Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), Q7, Tp HCM